"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

 

Triệu Chứng Tâm Thần Của Người Thân

                   15dhvhien --- ctc1    

Tôi ...kính xin Bác sĩ giải đáp về bệnh của người thân tôi.

...

Cách đây khoảng 3 năm, đương sự lúc nào cũng tưởng tượng như có kẻ theo ám hại. Lái xe thì nói có người theo dõi. Nhà lúc nào cửa cũng đóng kín, không muốn ai vào nhà kể cả người thân. Nguy hại ở chỗ đứa con, nghỉ hè cũng bị nhốt ở nhà không được chơi với anh em trong gia đình.

Đương sự không chịu đi khám bác sĩ. Tôi có tới bác sĩ gia đình nhờ giúp đỡ, thì bác sĩ cho biết không thể dùng biện pháp bắt buộc vì đương sự có lúc tỉnh táo vẫn làm công việc nội trợ và nhớ giờ đưa rước con đi học. Bác sĩ gia đình khuyên cứ để như vậy và tránh những chuyện kích động đương sự.

Kính xin Bác sĩ giải đáp:

Nếu không chữa trị thì bệnh có thể nặng hơn tới mức độ nguy hiểm không, hay bệnh sẽ tự bình phục vì không phải do di truyền?

Nếu chữa trị thì làm cách nào cho đương sự nhập viện, vì chữa trị ở nhà, đương sự sẽ chống lại và sẽ không có kết quả?

Nếu cần dùng biện pháp bắt buộc thì phải nhờ ở đâu giúp đỡ? Đương sự đang ở tình trạng mất lý trí, không thể thuyết phục bằng lời khuyên.

Trước đây đương sự có làm nghề nail, có phải mắc bệnh do nhiễm độc hóa chất?

Trân trọng cám ơn Bác sĩ "

Trả lời:

Tôi xin phép không trả lời cho một số câu hỏi có tính cách cá nhân. Tôi chỉ xin đưa ra một số nhận xét tổng quát, xét về khía cạnh xã hội và pháp lý, phần lớn áp dụng cho Hoa Kỳ.:

I) Những người bị bịnh tâm thần nặng phần lớn là người mắc bịnh tâm thần phân liệt (schizophrenia) và gần một nửa mắc chứng ghiền thuốc (substance abuse).

Trong các rối loạn ảo tưởng (hay hoang tưởng; delusional disorders) người bịnh có những ảo tưởng dai dẳng mà họ vẫn hoạt động bình thường trong đời sống hàng ngày vê trí thức cũng như về nghề nghiệp. Tuy nhiên đời sống gia đình, vợ chồng, giao tiếp ngoài xã hội có thể bị rối loạn nhiều. Những ảo tưởng thường gặp là mình bị theo dõi để hãm hại (paranoid delusions of persecution) , dạng cho rằng mình được một nhân vật nổi tiếng mê (erotomaniac) và đi theo dõi người đó (stalking behavior), hay nghĩ rằng vợ hay chồng ngoại tình (ghen).

II) Bác sĩ cần phỏng vấn, khám, dùng test tâm lý, và căn cứ trên các triệu chứng, thái độ và hành vi (behavior) của bịnh nhân để định bịnh. Có khi cần dùng dùng một số thử nghiệm như CT scan MRI nếu cần. Bác sĩ có thể dùng thuốc trị bịnh tâm thần, thuốc an thần, thuốc chống trầm uất (antipsychotic medicines, tranquilizers, antidepressants) để làm giảm các triệu chứng như quá hoạt động (hyperactivity), chống đối (hostility), hung hãn (aggression), ảo tưởng (delusions), ảo giác (hallucinations), mất ngủ và cáu kỉnh, băng hăng khó chịu (irritability). Các triệu chứng giảm >50% và nếu tiếp tục dùng thuốc có thể ngăn chặn 50% các cơn tái hồi. Những thuốc này có thể gây ra nhiều phản ứng phụ.

Tâm lý trị liệu (psychotherapy) giúp bịnh nhân hiểu về tình trạng "méo mó" trong suy nghĩ của mình (distorted thinking) cũng như giúp gia đình hiểu cũng như đối phó với những vấn đề người bịnh gây ra (family therapy)).

III) Y khoa bịnh tâm thần nói về quan niệm "phục hồi" (rehabilitation) hơn là chữa dứt bịnh (cure). Phục hồi người bịnh nhắm vào hai mặt. Thứ nhất tập trung vào người bịnh, giúp người bịnh cải thiện kỹ năng của mình để thích ứng với các stress của cuộc sống. Thứ hai là tác dụng lên môi trường sống của người bịnh để giảm các yếu tố gây stress trên người bịnh. Nói một cách khác,
cho người bịnh uống thuốc , chích thuốc chỉ là một trong nhiều can thiệp mà người chữa bịnh có thể thực hiện để giúp cho người bịnh. hồi phục cơ năng (functional recovery) nghĩa là sống một cuộc sống bình thường. (1) Ví dụ người di dân không hiểu tiếng Anh, mắt mờ, tai kém có thể dễ có triệu chứng rối loạn ảo tưởng hơn là một người thích ưng dễ dàng với xã hội.

IV) Nói về di truyền, chúng ta cũng thường nhận xét một số gia đình có nhiều trường hợp bịnh tâm thần hơn gia đình khác. Tuy nhiên, nên chú ý phải xem di truyền như một yếu tố cơ nguy (risk factor) để gây bịnh, và không phải cứ có cái gen (gene) nào đó trên nhiễm thể (chromosome) thì sẽ mắc bịnh. Một khảo cứu gần đây nghiên cứu 33000 trường hợp mắc 5 loại bịnh tâm thần phổ biến: tâm thần phân liệt (schizophrenia), thiếu chú ý và tăng hoạt động (attention deficit and hyperactivity disorder, ADHD), bịnh lưỡng cực (bipolar disorder), bịnh trầm uất (depression) và bịnh tự kỷ (autism). Người ta thấy vai trò của 2 gen phụ trách việc Calcium đi vào tế bào thần kinh và vai trò đặc biệt của một số vùng trên nhiễm sắc thể số 3 và số 10 (2). Tuy nhiên , đấy chỉ là những kết quả rất tổng quát về khoa học căn bản, chưa áp dụng được vào định bịnh hay chữa bịnh.

IV) Dù là người thân thuộc, chúng ta không thể định bịnh tâm thần cho bất cứ ai khác chỉ vì chúng ta không đồng ý với hành vi hay suy nghĩ của họ. Hơn nữa, đối với những người mắc bịnh tâm thần kinh niên, tự ái bị tổn thương và lòng tự trọng kém là một vấn đề quan trọng. Người thân định bịnh một cách vô căn cứ sẽ làm bịnh trầm trọng thêm.

Quyết định về định bịnh và có cần chữa trị hay không đòi hỏi khả năng những bác sĩ có thẩm quyền và chỉ thực hiện với sự chấp thuận của đương sự vì chúng ta sống trong một xã hội tự do với những quyền tự do dân sự (civil liberties) của mỗi người theo luật định.

V) Tuy nhiên, người mắc bịnh tâm thần luôn luôn cần sự thông cảm và giúp đỡ của người chung quanh. Nếu có những dấu hiệu báo động,

  • Cho đương sự biết- một cách thân thiện- là mình quan tâm
  • Nên nhờ những người gần gủi, hiểu bịnh nhân, hay giúp đỡ được bịnh nhân, với sự đồng ý của đương sự (bạn, người trong gia đình, nhà tu hành, coach đội banh)
  • Giới thiệu bác sĩ, chở đi khám bác sĩ, cùng bịnh nhân tham gia các nhóm hổ trợ (support group) của những người đồng cảnh ngộ.
  • Nhớ mời người đó tham gia vào các sinh hoạt của mình, đừng lơ vì thường mời mà họ không đến.
  • Thăm hỏi thường xuyên để xem tình hình tiến triển ra sao.
  • Khuyến khích và tích cực giúp đỡ, tránh những lời phê phán gắt gao, hoặc   lối nói coi thường hoàn cảnh, nổi khổ tâm của bịnh nhân ("vd: có gì đâu, ráng một chút nữa là xong, là qua hết, vv) (theo National Alliance on Mental Illness [NAMI]; website: www.nami.org)

VI) Trong những trường hợp tội phạm và tự huỷ hoại thân thể, có thể gây tai hại, hành động nguy hiểm sắp xảy ra (“dangerousness”, or “imminent harm” criterion), cấp bách hay những người bịnh tâm thần nặng đến nỗi họ không thể tự quyết định cho bản thân được, nhập viện hay điều trị bịnh nhân ngoài ý muốn của người đó (involuntary commitment) được quy định theo luật của mỗi tiểu bang.

Ở Châu Âu và nhất là ở Mỹ, do ý thức về quyền tự do cá nhân gia tăng với phong trào đòi nhân quyền, từ thập niên 1960 trở đi, các bịnh viện tâm thần (mental institution, “asylum”) giữ người bịnh trong một môi trường cô lập để tĩnh dưỡng và chữa trị không còn thịnh hành nữa. Thêm nữa, trong một số hoàn cảnh lịch sử, những nơi này từng đã là nơi nhốt những người không tôn trọng cá nguyên tắc đạo lý dòng chính (ví dụ những người thủ dâm, đồng tính luyến ái, hay vợ không tuân phục chồng), hay ở một số nước những người bất đồng chính kiến. 15dhvhien --- ctc2Ngoài ra trong quá khứ, có những biện pháp can thiệp y khoa cho người bịnh tâm thần rất có tính cách huỷ hoại hay tàn bạo như “cắt bỏ thuỳ não” (thật ra chỉ cắt bỏ một phần của não phía trán; “lobotomy” hay leukotomy, 1930’s-1950’s) (fig. 2), shock bằng điện (electroconvulsive therapy) hiện nay rất ít khi dùng đến, một phần do thuốc mới chống bịnh tâm thần mạnh hơn.

Nói chung, hiện nay, người ta cố gắng giữ người được cho là có triệu chứng tâm thần trong cộng đồng sinh sống của họ trong lúc họ được chữa trị ngoại chẩn tại các "trung tâm sức khoẻ tâm thần cộng đồng" (Community Mental Health Center). Phong trào đem người bịnh tâm thần ra khỏi các nhà thương (deinstitutionalization) được xúc tiến với luật Community Mental Health Act do Tổng Thống Kennedy ký năm 1963 cho phép chính phủ liên bang Hoa Kỳ tài trợ xây cất các Trung Tâm Sức Khoẻ Tâm Thần Cộng Đồng (community mental health centers), phụ trách điều trị người bịnh tâm thần trong lúc họ vẫn sinh hoạt trong cộng đồng. Sau đó, dần dần 90% các giường bịnh tại các bịnh viện tâm thần tiểu bang (state hospital) bị dẹp đi. Tuy nhiên, các cơ sở cộng đồng này không đáp ứng nổi với nhu cầu của bịnh nhân, và một số bịnh nhân tâm thần thay vì được ở tại gia đình hay ở các nhà tập thể cho người lớn (adult homes), lại trở thành những người vô gia cư (homeless).

Hiện nay, vẫn còn những trường hợp phải nhập viện cưỡng bách. Lý luận về luật dân sự cho rằng các quyền tự do dân sự của bịnh nhân bị bịnh tâm thần giới hạn và chữa trị bịnh tâm thần giúp họ khả năng sử dụng những quyền tự do đó, tránh cho họ khỏi bị mất tự do vì bị bắt bỏ tù nếu phạm tội, bị nhốt, bị bạo hành hay tránh họ tự huỷ hoại thân thể, tự sát.

Những trường hợp 'khủng hoảng tâm thần’ (psychiatric crisis) là:

  • ý định tự tử, ý định giết người (suicidal, homicidal thoughts)
  • cơn điên loạn (psychosis): mất khả năng phân biệt thực tế và tưởng tượng: ảo giác, (hallucinations), ảo tưởng (delusions), paranoia
  • mất khả năng tự săn sóc về những nhu cầu căn bản (inability to provide basic self -care)

VI) Nói chung có 3 loại chữa bịnh (điều trị) cưỡng bách (involuntary treatment):

1) Nhập viện khẩn cấp để đánh giá tâm thần (emergency hospitalization for evaluation, psychiatric hold), ngắn hạn, ví dụ 72 giờ đồng hồ.

2) Nhập viện theo lịnh của một thẩm phán (quan toà) (civil commitment-inpatient)

3) Chữa trị theo lịnh của thẩm phán, trong lúc người bịnh vẫn sống trong cộng đồng của mình. (civil commitment-outpatient, mandatory outpatient treatment, involuntary outpatient treatment)

Tóm lại, chúng ta không nên định bịnh tâm thần trên người khác. Cần liên lạc với social worker, cơ quan bảo vệ trẻ em (Child Protective Service) nếu thấy sức khoẻ , an sinh của các cháu bị đe doạ, bác sĩ gia đình để bàn bạc , hỏi ý kiến nếu chúng ta thấy người thân có những hành vi làm chúng ta e ngại và chúng ta thấy cần phải giúp đở họ để họ được chữa trị. Tình huống nguy hiểm gọi 911, phòng cấp cứu, cảnh sát, trung tâm ngừa tự tử (suicide prevention center), department of mental health.

IV) Về vấn đề ảnh hưởng của nghề làm móng tay, một số ít khảo cứu cho thấy tác dụng xấu của các hoá chất trên sức khoẻ của những người bị phơi nhiễm, tuy nhiên tôi chưa tìm được bằng chứng nào cho thấy tác dụng các chất này trên sức khoẻ tâm thần của những người hành nghề trong lãnh vực này.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 10 tháng 8 năm 2015

Ngày 2 tháng 12 năm 2015

Reference:

  1. Psychiatric rehabilitation today: an overview
  2. 2013 Feb 27. pii: S0140-6736(12)62129-1. doi: 10.1016/S0140-6736(12)62129-1. [Epub ahead of print]. PMID: 23453885.
  3. http://psychrights.org/states/Maine/InvoluntaryCommitmentbyAliciaCurtis.htm
  4. Lobotomy

http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1636112/

https://en.wikipedia.org/wiki/Lobotomy (accessed 12/2/2015)