"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

Đau Khớp Cơ Hàm Mặt

 

“Bà Phạm Thị H., Bỉ, hỏi

Hỏi về răng hàm phải đeo máng răng

Tôi sinh năm 1956. Tôi có vấn đề về răng hàm phải đeo máng răng tiếng pháp gọi là goutière

Cách đây 5 năm, tôi bị cơ quai hàm co thắt làm đau. Bác sĩ nha khoa răng hàm cho thay máng răng thì hết, nhưng nay trở lại như cũ.

Lúc bị co cơ, nếu tôi đeo máng thì răng bị đau, còn nếu lấy máng ra thì hàm răng bị lay động. Mỗi ngày bị co nhiều lần, khó chịu nhất lúc ban đêm làm cho không ngủ được thẳng giấc.

Bác sĩ nha khoa người Bỉ không biết nguyên nhân, còn bác sĩ Việt Nam thì cho thuốc thảo mộc gồm các loại thảo dược như oải hương, lạc tiên, cà dược để làm giãn cơ, thì cũng chưa có cải tiến mấy. Lúc trước tôi có dùng thuốc tây để làm giãn cơ, thì có hiệu quả nhưng khi hết thuốc thì lại bị co nhiều hơn, nên tôi không dám dùng nữa.

Xin Bác sĩ cho tôi biết rõ hơn về bịnh trạng, và phương cách điều trị

Xin thành thật cám ơn

Đây là một trường hợp cụ thể về chuyên khoa răng hàm mặt, liên quan đến bác sĩ nha, chỉnh nha, bác sĩ tai mũi họng và co thể bác sĩ chuyên về khoa quản lý các bịnh đau mãn tính. Tôi xin phép không bàn về trường hợp cá biệt và chỉ xin có một số nhận xét chung chung về một số điểm liên hệ:

“Máng răng” (gouttiere tiếng Pháp nghĩa là máng xối) mà vị thính giả hỏi tương ứng với "retainer" ở Mỹ (tương tự như tiếng Pháp appareil de contention). Các retainer này hình bán trụ (demi-cylindre), như là cái máng xối, bọc theo hàm răng và giữ răng cho khỏi xê dịch sau khi đã được điều chỉnh cho đúng chuẩn trong giai đoạn đầu của chỉnh nha (orthodontics, French: orthodontie).

 

16ahvhien --- dkc1

Fig 1: Dental retainer (source: Wikipedia)

Retainer thường làm bằng plastic PVC, bọc vòng cung răng , 24 giờ trong ngày trừ lúc ăn phải lấy ra để hai hàm răng chạm với nhau. Cũng vì thế mà trên lý thuyết retainer có thể ảnh hưởng đến động lực học của các cơ nhai và khớp nối hàm với xương thái dương. Trong trường hợp người hỏi, bác sĩ nha khoa người Bỉ không giải thích được nguyên nhân thì có thể nguyên nhân nằm ở chỗ khác, hay có thể nhờ một bác sĩ nha khoa khác, có thể một bác sĩ chuyên về chỉnh nha. Bác sĩ nha khoa có thể xem xét thay loại "máng xối" bằng loại "fixed retainers" là những sợi dây gắn vào phía mặt sau (phía lưỡi) của răng, bịnh nhân không gỡ ra được, phải săn sóc kỹ lưỡng, vệ sinh răng miệng khó hơn vì răng dễ bị plaque (cao răng) hơn, nướu răng dễ bị viêm hơn vì dùng chỉ răng (dental floss) khó khăn hơn.

2) Vị thính giả nhắc đến chứng "co cơ quai hàm co thắt làm đau", làm rối loạn giấc ngủ ban đêm và cũng xảy ra ban ngày.

Các cơ nhai (masticatory muscles) là những cơ được dùng nhiều nhất trong cơ thể, hàng ngàn lần mỗi ngày. Có những cơ phụ trách mở miệng (cơ hình cánh ngoài, external pterygoid muscles) và có những cơ phụ trách kéo hàm dưới lên, ngậm miệng lại: cơ masseter ( gốc Hy lạp maseter có nghĩa là nhai) ở góc hàm dưới, cơ thái dương (temporal muscle, temporalis) ở hai bên thái dương và cơ hình cánh trong nằm sau xương hàm. Masseter là cơ mạnh nhất trong cơ thể so với kích thước của nó, và là nơi có nhiều trigger point, những điểm mà nếu bị kích thích có thể gây triệu chứng chỗ khác như nhức đầu, đau tai, đau răng. Lúc nghiến răng, chúng ta có thể sờ thấy cơ masseter ở hàm và cơ thái dương co cứng lại. (fig.2)

16ahvhen --- dkc2

Figure 2: Muscles of the face and neck (Source :Wikipedia)

Trong các cơn đau liên hệ tới răng miệng, người ta hay nhắc đến hai chứng sau:

1) bruxism (teeth grinding): là bịnh nhai hay nghiến răng (clenching) ban đêm lúc ngủ (sleep bruxism) hay ban ngày (daytime bruxism). Phụ nữ bị chứng bruxism ban ngày nhiều hơn. Nha sĩ khám thấy mặt trên của men răng bị mòn, hoặc có những vết nứt và gãy ở chân răng. Người bịnh nặng có thể bị nhức đầu, đau tai (mặc dù tai bình thường), đau các bắp cơ hàm, một phần vì các bắp thịt phụ trách các cử động xương hàm dưới phải làm việc quá nhiều, một phần có thể do khớp hàm-thái dương (TMJ) bị tổn thương. Nghiến răng lúc ngủ được xem như là một rối loạn cử động liên hệ tới giấc ngủ (sleep related movement disorder), và thường đi kèm với những rối loạn khác của giấc ngủ như ngáy (snoring) và ngưng thở lúc ngủ (sleep apnea).

Nói chung, trên thực tế, bịnh nhẹ chỉ cần đi khám răng đều đặn để bảo vệ sức khoẻ răng miệng. Nha sĩ có thể chế tạo cho bịnh nhân một loại vỏ bọc răng giống như “máng răng”, gọi là "night dental guard" để bịnh nhân mang ban đêm.

Chúng ta chưa hiểu rõ về nguyên nhân và cơ chế tại sao gây ra bịnh bruxism. Ngoài những nguyên nhân từ mất cân bằng hàm và răng (malocclusion), có thể có những yếu tố khác như stress, lo âu, tràn dịch bao tử thực quản (dịch acid từ dạ dày chạy ngược lên thực quản và miệng, gastroesophageal reflux)), bịnh hệ thần kinh như Parkinson. Nói một cách khác , đau hàm do cơ co thắt hay cơ co thắt như là hiệu ứng của những rối loạn nào khác là một vấn đề khó giải quyết, nếu nặng và muốn biết tường tận cần nhiều bác sĩ khảo cứu và góp ý.

2)Rối loạn trong khớp giữa xương thái dương và xương hàm (Temporomandibular joint disorder (TMD))

Một vấn đề khác mà chúng ta có thể để ý lúc bàn về chuyện cơ hàm co và đau. Đó là bịnh của khớp giữa xương thái dương và xương hàm (temporomandibular joint, TMJ). Nếu chúng ta để hai đầu ngón tay ngay phía trước lổ tai và há miệng ra: phần nhúc nhích là 2 cái chấu của xương hàm dưới (condyle of the mandible) đang di chuyển trong một cái hố nhỏ là thành phần của xương thái dương (temporal bone), một phần của cái hộp sọ (mandibular fossa, “hố dành cho hàm dưới”).

16ahvhien --- dkc3

Fig 3: Khớp giữa xương thái dương (temporal bone) và xương hàm (mandible) (Temporomandibular joint)

Rối loạn trong TMJ (TMD: Temporomandibular Disorders) có thể gây ra những triệu chứng sau:

  • Đau ở khớp, đau mặt, đau ở cổ, ngay cả vai lúc nhai, nói, hay mở miệng.
  • Khó mở miệng, há miệng rộng không được.
  • Hàm dưới không mở ra được, hay không đóng lại được
  • Nhai khó.
  • Sưng mặt.
  • Cảm giác mõi mệt trên mặt.
  • Tiếng kêu lắc cắc, lộp cộp lúc há miệng, nhai.

Nguyên nhân:

  • Chấn thương ở vùng khớp (trước tai)
  • Hư hại do nghiến rắng hay bruxism bàn ở trên.
  • Viêm, thoái hoá khớp.
  • Đĩa sụn trong khớp bị hư hại.

 

Định bịnh chính xác TMJ là thủ phạm một triệu chứng nào đó cần có bác sĩ nha khoa, bác sĩ chuyên về phẫu thuật răng hàm mặt hay bác sĩ chỉnh nha khám cẩn thận và điều trị nếu cần.

Bác sĩ nha khoa có thể làm mouth guard, chữa các răng hư và chỉnh đốn lại vị trí răng và hàm nếu cần.

Tuy vậy, có khảo cứu cho thấy yếu tố di truyền cũng như yếu tố tâm lý làm não bộ bịnh nhân phản ứng một cách quá nhạy cảm với nguồn gốc sự đau đớn, tương tự như trong các hội chứng đau mãn tính khác (chronic pain syndromes), nhất là ở phụ nữ. Mặc dù không tìm thấy bằng chứng khách quan về những tổn thương đáng kể ở các cơ hàm và vùng lân cận, bịnh nhân có thể trở thành quá mẫn (hypersensitivity) và điều kiện này có liên hệ đến những bịnh tâm lý như lo âu, trầm cảm, rối loạn stress sau chấn thương (post traumatic stress disorder).

Khuynh hướng khá phổ biến cho rằng mọi triệu chứng đau trên đầu, mặt và hàm mà không tìm được nguyên nhân đều xuất phát từ TMJ là một tín điều đã được chứng minh là vô căn cứ. Chỉ phẫu thuật lúc mọi biện pháp khác thất bại. Kết quả có thể không tốt như mong đợi; nếu cần nên hỏi ý kiến của chuyên gia có khả năng chuyên về vấn đề này và đáng tin cậy trước khi quyết định giải phẫu. Nên tránh những phẫu thuật không cần thiết, chưa được chứng minh là có lợi.

Các triệu chứng TMD rất phổ biến, đại đa số trường hợp là nhẹ, không cần phải chữa. Chỉ chừng 5-10 % cần trị liệu. Gần một nửa (40%) bịnh tự khỏi với thời gian.

Những biện pháp sau đây có thể giúp ích trong những trường hợp thông thường (theo WebMD):

  1. Uống thuốc giảm đau như acetaminophen, ibuprofen (Advil, Motrin), theo chỉ dẫn.
  2. Đắp túi nước đá lên phía đau 10 phút. Tập há miệng ngậm miệng (jaw stretch) vài lần. Đắp khăn nhúng nước nóng 5 phút. Lập lại vài lần mỗi ngày.
  3. Ăn thức ăn mềm, không cần nhai nhiều. Không ăn những miếng cứng, dòn (crunchy, ví dụ củ cà rốt), dai và lớn làm mình phải há miệng rộng.
  4. Không la lớn, không hát lớn, ngáp lớn.
  5. Tránh tựa đầu trên bàn tay, nghẽo cổ để kẹp điện thoại.
  6. Tránh hai hàm răng chạm nhau. Nếu có thói quen nghiến răng ban ngày, giữ chóp lưỡi giữa hai hàm răng.
  7. Tập thư giãn các cơ hàm, nhờ nha sĩ hướng dẫn. Massage vùng trên của cơ masseter (trước trái tai, sau gò má) và cơ thái dương ở hai vùng "màng tang" hay thái dương ( giữa trán và tai). Giảm stress.

Chúc bịnh nhân may mắn.

References:

1)Scrivani S. J. Temporomandibular Disorders.

N Engl J Med 2008; 359:2695-705

2) WebMD: TMD, TMJ

http://www.webmd.com/oral-health/guide/temporomandibular-disorders-tmd

3) Surgical Management of Temporomandibular Disorders: Facts or Fallacies? http://www.tmj.org/site/content/surgical-management-temporomandibular-disorders-fact-or-fallacy

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 12 tháng 1 năm 2016

(Edited for web 2/9/2016)