Thuốc Bổ Và Tương Tác Thuốc Men
“Kính thưa Bác sĩ ,
Tôi tên Nguyễn TK, 83 tuổi, ở Toronto, Canada.
Kính nhờ Bác sĩ giúp giải thích cho tôi các thuốc mà tôi uống có kỵ với nhau hay có dư món thuốc gì không.
Tôi đã uống các thứ thuốc sau đây:
1. Thuốc do bác sĩ gia đình cho toa và được cấp miễn phí.(...)
2. Thuốc tự mua :
a) Vitalux, uống mỗi ngày 1 viên.
b) B 12, mỗi ngày 1 viên.
c) Centrum, mỗi ngày 1 viên,
d) D3, mỗi ngày 1 viên.
e) C 500 mg, mỗi ngày 1 viên.
f) Caltrate plus , ngày 1 viên.
Tôi tự phân ra để uống ngày 3 lần...
Kính nhờ Bác sĩ giải thích giúp tôi về các thứ thuốc kể trên có kỵ với nhau không, và có thứ nào làm cho tôi ho không?
Trân trọng,
Thuốc bổ và tương tác thuốc men
Cũng như mọi khi, tôi xin nói rõ là tôi không thể cho ý kiến cho trường hợp cá biệt. Tôi chỉ xin có một số nhận xét tổng quát mà thôi, với một số kiến thức được chấp nhận và phổ biến hiện nay.
1) Một trong những nguyên tắc lúc đi khám bịnh là nên cho bác sĩ biết tất cả những thuốc mà mình đang dùng, dù là thuốc bổ, thuốc "phụ dinh dưỡng"(nutritional or dietary supplements), thuốc dược thảo hay thuốc nam, thuốc bắc. Ngay đến việc những thức ăn thông thường cũng có thể có tác dụng trên thuốc men. Ví dụ bịnh nhân uống metronidazole (để trị vi trùng gây loét dạ dày Helicobacter pylori hay vì nhiễm trùng bịnh phụ nữ) không được uống rượu. Uống rượu cùng với metronidazole có thể làm đau bụng , ói mửa, nhức đầu, bừng bừng đỏ mặt, hạ áp huyết.
Ginkgo biloba (bạch quả), được bán phổ biến và được cho là làm máu lưu thông lên đầu tốt hơn, cho là giảm bịnh lẫn, cũng có tác dụng làm cho máu khó đông hơn. Ở người dùng aspirin để phòng ngừa bịnh tim mạch (aspirin làm các tiểu bản [platelets] trong máu bớt khả năng kết tụ, nên khả năng máu đông giảm đi), hay người đang dùng thuốc warfarin làm "loãng" máu, giảm khả năng khối huyết/thrombosis), nếu dùng Ginkgo biloba chung với aspirin hay warfarin có thể làm cho máu loãng (dễ chảy máu) hơn là ý định của bác sĩ.
Tỏi (garlic) , gừng (ginger) hay nghệ (turmeric) nếu dùng lượng rất nhiều có thể tác dụng lên cơ năng các tiểu bản và làm giảm khả năng máu đông, làm giảm khả năng tránh chảy máu (hemostasis) ở người bình thường, cũng như làm những người dùng aspirin và warfarin dễ chảy máu hơn mức chỉ tiêu mà bác sĩ dự liệu.
Trái lại sâm (ginseng) cũng như trà xanh (green tea) làm đão ngược tác dụng của warfarin và làm máu dễ đông hơn.
Một tương tác quan trọng khác là giữa thuốc chống trầm cảm loại MAOI [monoamine oxidase inhibitor antidepressants, vd Isocarboxazid (Marplan), Phenelzine (Nardil), Selegiline (Emsam)
Tranylcypromine (Parnate)]và thức ăn có chứa chất tyramine [một số cheese để lâu (aged cheese), thịt ướp lâu (cured meat), trái cây khô, trái cây quá chín] và các thức uống có cồn (alcoholic beverages).
2) Alendronate (Fosamax) là thuốc chữa bịnh xương xốp (osteoporosis). Thuốc không được dùng cho người suy thận nặng. Thuốc dễ làm thực quản (esophagus) khó chịu, viêm hay lở loét (esophagitis). Nên uống thuốc lúc buổi sáng, uống một ly nước đầy để thuốc chạy xuống dạ dày; không nhai, cắn, ngậm viên thuốc; và đợi ít lắm 30 phút mới ăn , uống hay uống thuốc thường lệ của mình, và nếu cần nằm xuống, phải đợi 30 phút sau khi uống thuốc [và sau khi ăn].
Trong viên Teva-Alendronate/Cholecalciferol ngoài 70 mg alendronate, còn có 70 µg cholecalciferol [2800 units vitamin D3], trong Centrum có 500 đơn vị vitamin D, trong Caltrate 600+D3 có 600mg Calcium và 800 đơn vị Vitamin D.
Fig1: Các thực phẩm có calcium (Source: Plantbaseddietician)
3)Từ trước tới nay, đa số các khảo cứu đều kết luận khuyên người già dùng calcium và vitamin D để tránh bịnh loãng xương (osteoporosis). Tuy nhiên gần đây, lại có một số khảo cứu cho thấy dùng viên "thuốc bổ" Calcium dùng quá nhiều có thể làm gia tăng cơ nguy bịnh tim mạch, có thể tăng cơ nguy gây sạn thận . Cho nên, uống bao nhiêu calcium là vừa đủ, uống kèm theo vitamin D hay không là vấn đề đang tranh luận. Một giải pháp dung hoà cho người già yếu là cung cấp cho họ 1000-1200 mg Calcium /ngày, kèm với 800 đơn vị vitamin D; ưu tiên là qua các thực phẩm có calcium như sữa, rau xanh, broccoli, spinach, cam, đậu hủ, cá mòi, rau xanh tươi, nếu cần uống thuốc thì chia ra nhiều lần trong ngày và kiểm soát xem có thiếu vitamin D hay không.(Xem references 5-6)
Nếu bịnh nhân cần uống tất cả các thứ thuốc trên, nên hỏi bác sĩ của mình lượng vitamin D và calcium từ nhiều ngưồn khác nhau như vậy có thích hợp với mình không. Bác sĩ có thể đo mức vitamin D và Calcium trong máu bịnh nhân để theo dõi.
Vitalux là thuốc có thể giúp cho sức khoẻ của mắt, làm cho thoái hoá võng mạc của người già (AMD, age-related macular degeneration) chậm xuất hiện hơn nhờ hai chất Lutein và Zeaxanthin.
Hiện nay, ở Mỹ, người trên 60 tuổi được khuyên nên đi khám mắt định kỳ trong đó bs mắt cho nở đồng tử để khám phần sau của mắt (dilated eye exam). AMD là một bịnh thường gặp cần được screen cho lứa tuổi này. Lúc khám bs chuyên khoa mắt, nên hỏi bác sĩ về những thuốc "bổ mắt" như Vitalux xem có thích hợp với mình không.
Trong Vitalux, có một số chất đã được một nghiên cứu năm 2001 (Age Related Eye Disease Study, AREDS) chứng minh là có ích cho việc ngăn chặn một phần AMD, như Vitamin C, vitamin E, Zinc, đồng (Copper) ( AREDS formulation). Các chất này cũng được tìm thấy trong Centrum.
Vitalux chứa 250mg vitamin C, là một liều khá cao, nhất là cọng với 500mg vitamin C mà thính giả uống mỗi ngày. Nói chung người ta nghĩ rằng mỗi ngày chúng ta cần từ 90mg và nếu nhiều hơn thì không quá 2000 mg (The North American Dietary Reference Intake). Hiện nay, nhiều trường phái trong y khoa chủ trương dùng vitamin C liều cao để trị nhiều bịnh khác nhau từ bịnh cảm cúm, cho đến bịnh dị ứng, bịnh đau tim, tuy chưa có bằng chứng cụ thể và còn tranh luận lâu dài. Nói chung liều vitamin C trên 2000 mg/ngày có lẽ không được an toàn cho lắm, có thể gây tiêu chảy và sạn thận (còn tranh cãi). Đối với những người từng bị sạn thận, nên giới hạng liều vitamin C dưới 1000 mg/ngày.
Fig 2: Các thực phẩm có lutein & zeaxanthin (Source Hihealth.com)
3) Một số thuốc trị bịnh áp huyết cao , thuộc loại "ACE inhibitors" (vd lisinopril) có thể làm tăng lượng bradykinin và substance P trong cuống phổi, làm cho bịnh nhân ho khan, không có đàm trong 5-35% trường hợp, phải đổi qua thuốc khác. Một loại thuốc khác gọi là beta-blockers có khả năng làm cuống phồi thắt lại, khò khè và ho. Thuốc hạ áp huyết amlodipine thuộc loại calcium channel blocker, không làm ho.
Những thông tin về các "thuốc bổ", "health supplements", vitamin, thuốc thảo mộc đều là những đề tài gây tranh luận và có nhiều thay đổi với các khảo cứu mới, cũng như tuỳ theo vị trí người viết có tư lợi gì trong việc khen hay chê các thuốc đó hay không. Tôi xin liệt kê những nguồn thông tin được dùng sau đây để quý vị tham khảo nếu muốn.
Xin cảm ơn vị thính giả đã đặt một câu hỏi có thể giúp ích cho những người khác có thắc mắc tương tự về vấn đề dùng thuốc, nhất là ở trẻ em và người già.
1) Amy M. Heck, Beth A. Dewitt, and Anita L. Lukes
Potential Interactions Between Alternative Therapies and Warfarin
Am J Health Syst Pharm. 2000;57(13)
http://www.medscape.com/viewarticle/406896_3
2)http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/expert-answers/maois/faq-20058035
3) http://www.fda.gov/ForConsumers/ConsumerUpdates/ucm048682.htm
4) NIH study provides clarity on supplements for protection against blinding eye disease
https://nei.nih.gov/news/pressreleases/050513
5)Verbrugge FH
Who should receive calcium and vitamin D supplementation?
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/22877606
6)Nguyễn văn Tuấn Câu chuyện truyền thông và y học: Calcium và xương
http://tuanvannguyen.blogspot.com/2016/02/cau-chuyen-truyen-thong-va-y-hoc.htm
7) Reducing fracture risk with Calcium and Vitamin D
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20796001
Bác sĩ Hồ Văn Hiền (Hien V.Ho, MD)
Ngày 27 tháng 1 năm 2016
Edited for web 2/20/2016