"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

Đông Trùng Hạ Thảo

 

“Thưa Bác sĩ

 Tôi xin hỏi Bác sĩ về cây ‘đông trùng hạ thảo.” Rất nhiều loại họ quảng cáo trên TV, nhưng đông trùng hạ thảo thứ thiệt, loại tốt nhất, thì được nói là phải được lấy từ bên Tây Tạng, trên cái núi cao hơn mặt biển 5.000 mét.

 Nhưng ở đây có những bà mẹ Việt Nam trồng được trong vườn nhà, và họ cũng gọi là đông trùng hạ thảo.  Sau 6 tháng họ thu gặt được, thì nó cũng có những cái củ có hình dạng giống như củ nghệ, nhưng nó màu trắng và không có con sâu ở trong.

 Các bà rửa sạch đi, cất, cứ để đó ăn dần, và nói rằng ‘ăn cái này rất bổ, bổ cho sức khỏe, và mình không có bệnh’.

 Thưa, như vậy có đúng không, ăn như vậy có tốt không, hay có điều gì hại không?

 Xin cảm ơn Bác sĩ."

Đông trùng hạ thảo

(Các tên khác:

Ophiocordyceps sinensis–ghost moth caterpillar complex, Caterpillar Fungus, Caterpillar Mushroom, Cs-4, Champignon Chenille, Chinese Caterpillar Fungus, Cordyceps sinensis, Dong Chong Xia Cao, Dong Chong Zia Cao, Hsia Ts'Ao Tung Ch'Ung, Ophiocordyceps sinensis, Tochukaso, Vegetable Caterpillar.)

16bhvhien --- dth1

Fig 1: Các giai đoạn phát triển của fruiting body (stroma) trên con nhộng (larva), từ trái qua phải, lúc đầu , con nhộng còn no tròn là lúc giá trị cao nhất, lúc xác nhộng mềm và rỗng thì giá trị thị trường giảm rất nhiều.

(Source http://america.pink/ophiocordyceps-sinensis_3337065.html)

Đông trùng hạ thảo, nghĩa đen  là lúc mùa đông thì là con sâu (caterpillar), lúc mùa hạ/mùa hè thì thành cây cỏ. Tên chữ Hán này do dịch từ tên Tây tạng có nghĩa con sâu mùa đông trở thành cây cỏ lúc hè sang. Gồm hai phần, stroma là phần cây nấm, đen , nâu; hay chỉ vàng lúc còn tươi, dài 5-10cm mọc ra từ đầu con sâu (là phần mọc lên mặt đất của nấm, mang các bào tử [spores] trong giai đoạn sinh sản hữu tính của cây nấm [fruiting body,sporocarp]) ; và phần con sâu đã bị khô "ướp xác' (mummified), không phân huỷ, gọi là endosclerotium.

Theo GS Đỗ Tất Lợi, trên thực tế, ở Việt Nam có hai loại thuốc này:

1)Đông trùng hạ thảo (DTHT) của Trung quốc, tên khoa học là Cordyceps sinensis là một giống nấm (fungus ) mọc ký sinh trên sâu non (larva) của một loại sâu thuộc họ sâu cánh bướm. Nấm và sâu hợp sinh với nhau. Mùa đông sâu nằm dưới đất, nấm tiêu thụ các chất dinh dưỡng từ con sâu. Đến mùa hạ, sâu chết, nấm mọc lên khỏi mặt đất, nhưng gốc vẫn dính liền vào đầu sâu. Người ta đào nguyên nấm và xác sâu còn dính nhau làm thuốc, vào tháng 6-7, rửa sạch, phơi khô, phun rượu  rồi phơi khô hẳn, bó thành từng bó 10-15 con rồi buộc sợi chỉ đỏ ngang chỗ nấm. Phần sâu dài 2,5-3cm (chừng 1 inch), thân nấm chừng 3-6 cm, (lớn hơn que diêm một chút) (1-2 inch)(1).

Xuất xứ: rừng ẩm ướt các tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan), Vân Nam, Tây Khang, Tây Tạng.

2) DTHT của Việt Nam là một loại sâu khác, tên Brihaspa atrostigmella, cũng thuộc họ sâu Cánh bướm (Lepidoptera), sống trong thân cây chít, là một loại lau mà lá dùng để gói bánh tro. Cây này tên khoa học là Thysanolaena maxima O. Kuntze, họ Lúa Poaceae, còn gọi là cây đót, cây le , cây cỏng. Cây chít cao như cây bông lau, được cắt để làm chổi vào tháng 3-4. Vào tháng 11-12, những cây bị cắt cụt thường có sâu ẩn ở trong, người ta cắt thân cây 50-60 cm, đem về xé ra  và có con nhộng của sâu Brihaspa, do sâu đẻ trứng ở vỏ cây, nhộng nở ra chui vào thân cây để sống qua mùa đông. (Theo wikipedia, con bướm [moth] này còn có thể tìm thấy ở India, Nam Trung quốc, Bhutan, Bangladesh)

Nhộng trắng vàng, dài khoảng 35mm, được rửa sạch trong nước muối, rang hay sấy cho khô, tẩm mật ong, sấy khô, cuối cùng ngâm vào rượu, với các chất béo nổi lên như mỡ gà.

Nguồn gốc: Thất Khê (Lạng Sơn) hay Hoà Bình.

16bhvhien --- dth2

Fig 2: Thysanolaena maxima Kuntze= Cây chít , cây đót, cây le , cây cỏng

(Source: Asianflora.com)

16bhvhien --- dth3

Fig3: “Đông trùng hạ thảo Nam“

“Sâu chít hay "Tồ đuổng khem" (tiếng Thái) là ấu trùng của loài bướm Brihaspa atrostigmella Moore, thuộc họ Crambidae (Bộ cánh vảy - Lepidoptera). Đến mùa sinh sản, loài bướm này đẻ trứng trên thân cây chít, hay đót (Thysanolaena maxima (Roxb.) Kuntze), thuộc họ lúa (Poaceae). Ấu trùng nở ra, bò lên ngọn cây để ăn các lá non đang hình thành, kể cả cụm hoa non, làm cho cây chít bị cụt ngọn” (TSKH Trần Công Khánh)(5)

Cũng theo Đỗ Tất Lợi: DTHT được ghi vào tài liệu thuốc đông y  váo giữa thế kỷ thứ 18 trong bộ Bản thảo cương mục thập di (1765), là một vị thuốc bổ, chữa thần kinh suy nhược, ho ho lao, bổ tinh khí, chữ đau lưng, bổ thận.DTHT của Việt Nam, mặc dù khác, cũng được dùng trong những mục đích tương tự.(1)

16bhvhien --- dth3b

Fig 3: Cordyceps sinensis (Source Wikipedia)

Đông y cho rằng đông trùng hạ thảo cân bằng hai yếu tố âm và dương vì vừa có thực vật (thảo, cây nấm) và động vật (trùng). Nên chú ý những chỉ định kể trên là theo ngôn ngữ và y lý đông y, chúng ta không thể hiểu những từ này theo y lý khoa học của tây y hiện nay.

Ngoài miền Tây Trung Hoa, các nước vùng Himalaya, như Án Độ, Nepal, Bhutan, ở vùng núi, cao độ từ 3000-5000 mét  đều khai thác đông trùng hạ thảo "thứ thiệt" được hái trong thiên nhiên. Rất đắt tiền do tính cách  sang trọng cho người dùng  (status symbol), cũng như hy vọng thuốc gia tăng hoặc cải thiện khả năng tình dục (aphrodisiac, sinh lực và do người ta nghĩ rằng thuốc có tác dụng chữa được ung thư. Giá ĐTHT đang tăng nhanh, và năm 2013,  1 kilo  giá 125.000-500.000 nhân dân tệ. các con trùng lớn hơn còn đắt hơn nữa (2).

Các sợi nấm (khuẩn ty thể, hay mycelia, thời kỳ sinh dưỡng [vegetative stage]) của Cordyceps sinensis có thể được trồng trong phòng thí nghiệm, và từ đó trích ra những những chất có hoạt tính, nhưng chưa được sản xuất ở tầm mức công nghệ . Có rất nhiều loại Cordyceps ngoài C. sinensis, phân bố theo những vùng địa lý khác, nhưng dễ trồng hơn để khai thác các hoạt chất tương tự. Có chừng 600 loài [species] khác nhau.

Giới Tây Y cũng nghiên cứu dược tính của cây nấm Cordyceps. Hiện nay, người ta có thể trồng và sản xuất Cordyceps tương tự như Cordyceps sinensis thiên nhiên  trong phòng thí nghiệm (Cordyceps militaris, Cordyceps guangdongensis and Isaria cicadae) .(3)

Cordycepin, trích từ Cordyceps militaris, là một analogue (chất tương tự) của adenosine (adenine + đường 5 carbon ribose), một số chất men không phân biệt được giữa 2 chất này, nên cordycepin có thể tham dự vào một số phản ứng sinh hoá, ví dụ được chen vào cấu trúc RNA và làm cho công cuộc tổng hợp RNA kết thúc quá sớm. Trong thí nghiệm, cordycepin biểu lộ độc tính với một số tế bào ung thư máu (leukemia).(4)

16bhvhien --- dth3c

Fig 3: Cordyceps militaris được trồng trên các ấu trùng trong môi trường nhân tạo. (Source Daniel Winkler)

Theo trang WebMD (5), cơ chế chính là Cordyceps kích thích hệ miễn nhiễm của cơ thể, và có thể có khả năng làm teo các u ung thư nhất là ung thư phổi và da. Danh sách các bịnh dùng thuốc này khá dài: ho, yếu phổi , yếu thận, rối loạn sinh lý đàn ông (male sexual dysfunction), tiểu đêm, ù tai, thiếu máu, bịnh gan, mệt mỏi suy nhược; có vẻ như là một thuốc "bổ" , đáng chú ý là trong mục đích cường dương cho đàn ông, gia tăng ý muốn tình dục (aphrodisiac), làm cho thuốc rất được hâm mộ. Có những bằng chứng chưa đầy đủ cho thấy Cordyceps có thể làm giảm độc tính một số thuốc dùng trong hoá trị liệu và trong việc ghép bộ phận.

Về tương tác giữa Cordyceps, nên chú ý, vì nó tăng cường tính miễn nhiễm của cơ thể, tác dụng hạ miễn nhiễm của một số thuốc dùng trong tây y có thể bị ảnh hưởng.

Liều lượng chưa được định chuẩn, tuỳ bịnh, tuổi tác, tình trạng sức khoẻ từng người tuỳ trường hợp. Xin nhắc lại là không phải vì có nguồn gốc thiên nhiên mà không bao giờ gây biến chứng có hại . Những phản ứng phụ được ghi nhận: bón, sình bụng, tắt kinh. Đông trùng hạ thảo chỉ được bán như là một "health supplement" và FDA không phê chuẩn việc dùng chất này làm thuốc (drug) để chữa bịnh. Các sản phẩm đa dạng trích từ các nấm Cordyceps và liên hệ với Cordyceps (Cordyceps-related fungi) được khai thác kỹ nghệ ở Trung Quốc chưa được phân loại rõ rệt, kiểm soát phẩm chất (quality control)  chưa được bảo đảm và ngay các chuyên gia dược học vẫn còn bối rối về vấn đề này.

Tóm lại, ĐTHT thứ thiệt (Cordyceps sinensis) lấy từ thiên nhiên ở vùng núi Himalaya rất hiếm và đắt tiền. Phần lớn thuốc viên bán trên thị trường do nấm Cordyceps mọc trong môi trường dinh dưỡng trong phòng thí nghiệm. “ĐTHT” của Việt Nam là một loại trùng trong thân cây chít. Theo kết quả tìm hiểu, tôi không thấy dạng “đông trùng hạ thảo” nào giống như các cây mà các bà nội trợ trồng ở nhà ( “những cái củ có hình dạng giống như củ nghệ, nhưng nó màu trắng và không có con sâu ở trong”) theo như vị thính giả mô tả trong câu hỏi.

References:

1) Đỗ Tất Lợi Cây Thuốc và Vị Thuốc Việt Nam  Nhà Xuất bản Y Học, 2006, Hà Nội

2) https://en.wikipedia.org/wiki/Ophiocordyceps_sinensis (accessed 5/22/2016)

3) Caihong Dong et al.: Cordyceps Industry in China

 http://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/21501203.2015.104396

4) NCI definition of Cordycepin:

A purine nucleoside antimetabolite and antibiotic isolated from the fungus Cordyceps militaris with potential antineoplastic activity. Cordycepin is an adenosine analogue, which is readily phosphorylated to its mono-, di-, and triphosphate intracellularly. Triphosphate cordycepin can be incorporated into RNA, and inhibits transcription elongation and RNA synthesis due to the absence of a hydroxyl moiety at the 3' position. Because it can be converted to an inactive metabolite by adenosine deaminase, this agent must be administered with an adenosine deaminase inhibitor in order to be effective. Cordycepin has displayed cytotoxicity against some leukemic cell lines in vitro.

5)

http://www.webmd.com/vitamins-supplements/ingredientmono- 602-

 

cordyceps.aspx?activeingredientid=602

  (Accessed 5-22-2016)

6) Tran Cong Khanh  Công dụng của “Đông trùng hạ thảo Nam

http://www.baomoi.com/cong-dung-cua-dong-trung-ha-thao-nam/c/12120974.epi

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 26 tháng 5 năm 2016

(Edited and illustrated for langhue.org 6/3/2016)