"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta." ** Triệu Thị Trinh **

Chóng Mặt và Bịnh Parkinson

Một nữ thính giả hỏi về chồng bà, bị chóng mặt lúc thay đổi vị trí , trước khi bị định bịnh Parkinson, và sau nhiều năm chữa trị vẫn chưa khỏi chứng chóng mặt này.

Bịnh Parkinson là một bịnh do thoái hoá của hệ thần kinh (neurodegenerative disease) ảnh hưởng đến các cử động và tình trạng tâm trí của người bịnh, do một bộ phận trong não bộ tên "substancia nigra"(chất đen) bị hư hại, làm mức truyền dẫn thần kinh dopamine bị thiếu hụt. Nguyên nhân chưa hiểu rõ. Người trẻ có thể bị bịnh này nhưng hiếm, ở người trên 60 tuổi 1/100 mắc bịnh Parkinson. Tuổi 60-69, chừng 1000 người thì có 5 người bịnh, 70-79 tuổi 10/1000, trên 80 tuổi 20/1000.

17Dhvhiencmv1

Fig. 1: Substancia nigra sản xuất dopamine có tác dụng khuyến khich vỏ não vận động (motor cortex, vùng trán) trong việc khởi động các cử động . Thiếu dopamine từ "chất đen" làm cho các cử động chậm chạp và yếu ớt.  (Image source:memorylossonline)

Trước khi bịnh Parkinson được bác sĩ chính thức định bịnh, có thể có những triệu chứng báo trước mà bác sĩ cũng như bịnh nhân không nhận ra, trong đó có chứng chóng mặt, cảm thấy mình lâng lâng đi đứng không vững hay sự vật xoay chung quanh mình. Theo National Parkinson Foundation, những triệu chứng sớm khác là:

1) Giọng nói thay đổi, yếu đi hoặc khàn đi mà không phải do bịnh cảm nhất thời; nhiều người tưởng bịnh nhân điếc vì không nghe câu trả lời quá yếu ớt.

2) Nét mặt trở nên nghiêm nghị, khó chịu, mắt nhìn không thấy chớp; tiếng Anh gọi là "mang mặt nạ" (masking).

3) Dáng khòm xuống, co rút lại (stooping)

4) Một ngón tay rung, cằm rung, chân rung (tremor)

5) Mất khả năng ngửi mùi trái chuối, cam thảo, không chỉ tạm thời (ví dụ bị cảm nghẹt mũi) mà kéo dài.

6) Đi đứng khó khăn, cứng nhắc (rigidity).

7) Chữ viết đột ngột trở nên nhỏ hơn, dính vào nhau, khó đọc (micrographia).

8) Ngủ nằm  không yên, tay đấm chân đá, dễ té xuống giường.

9) Bón, phải rặn thường xuyên mới đi cầu được, mặc dù ăn thức ăn có sợi , trái cây, uống nước đầy đủ.

Sau đây chúng ta bàn về chứng chóng mặt lúc đổi vị trí, đứng lên, ngồi nằm, do hai nguyên nhân thường gặp dù là có liên hệ với bịnh Parkinson hay không. Chóng mặt có thể là một thành phần của bịnh Parkinson mà cũng cỏ thể do thuốc chữa bịnh Parkinson gây ra như là một phản ứng phụ.

1) Cần phân biệt với lâng lâng như  say rượu (lightheadedness), cảm giác mất thăng bằng (imbalance, muốn té), hay cảm giác sắp xiủ, hoặc xiủ (fainting) vi những lý do khác như đường trong máu quá thấp (hypoglycemia), áp huyết quá thấp (hypotension), máu lên đầu bị giảm vì các động mạch nuôi óc bị nghẽn do xơ động mạch (atheroslerosis). Phần lớn bịnh nhân Parkinson chóng mặt do "orthostatic hypotension", khả năng cơ thể tự điều chỉnh để giữ áp huyết ổn định lúc ngồi dậy từ vị trí nằm hay đứng lên.

Áp huyết thấp (hypotension), thường được định nghĩa như là áp suất kỳ thu tâm = hoặc < 90mm thuỷ ngân (systolic pressure = or <90 mm Hg), áp suất trương tâm= hoặc < 60 mm Hg (diastolic pressure = or <60 mm Hg). tuy nhiên cũng tuỳ theo bịnh nhân, tuổi bịnh nhân, áp huyết thông thường của người đó. Có nhiều nguyên nhân, giản dị như bịnh nhân thiếu nước, bị xúc động, ngâm nước nóng quá lâu (mạch máu dãn nở), có thai, ít vận động. Phức tạp hơn ví dụ bịnh nhân thiếu máu (anemia, bần huyết, lượng hồng cầu quá thấp), chảy máu đâu đó (ví dụ: rong kinh; chảy máu bao tử, ruột), hay suy cơ năng tuyến giáp (hypothyroidism), nang thượng thận (bịnh Addison: đi đôi với da sậm màu, các vùng niêm mạc như miệng cũng đen hơn bình thường), nhiễm trùng máu, phản ứng thuốc, dị ứng, phản vệ (anaphylaxis=huyết áp hạ nhanh, shock kèm theo khó thở, nổi mẫn ngoài da). Cũng nên nêu rõ áp huyết thấp (hypotension) và thiếu máu (anemia) là hai bịnh khác nhau, mặc dù thiếu máu có thể gây ra áp huyết thấp, chóng mặt, xỉu.

Nếu bác sĩ khám thấy huyết áp thấp trong lúc mọi chuyện khác đều bình thường, bác sĩ có thể nghi là thể tích máu trong hệ hoàn không đủ (hypovolemia), cần gia tăng thể tích này lên và khuyên uống thêm nước. Tuy nhiên , có thể không hiệu nghiệm lắm, trừ trường hợp bịnh nhân bị mất nước quá nhiều mà không biết, như trời nóng chảy mồ hôi quá nhiều, uống rượu làm đi tiểu quá nhiều kèm theo ói mửa, hay bịnh nhân viêm dạ dày, ruột làm tiêu chảy , ói mửa và mất nước.

Người bình thường không có các vấn đề cấp tính nêu trên, cần xét đến các yếu tố khác gây ra hạ áp huyết thấp. Ví dụ như người ít vận động, ngồi nhiều, máu tụ xuống hai chân (hạ chi, lower extremities), lúc đứng dậy nhanh, cơ thể không thích ứng đủ nhanh để đem máu lên đầu kịp (như mạch máu co lại để máu dồn về tim, tim đập nhanh hơn, mạnh hơn). Nếu đo áp huyết lúc đang ngồi và lúc đứng lên, áp huyết có thể quá thấp lúc đứng, gọi là "orthostatic hypotension" (ortho =thẳng, static: vị trí) (số áp huyết thu tâm [systolic pressure] giảm 20mm Hg , hay số trương tâm giảm [diastolic pressure] 10 mm Hg trong vòng 3 phút sau khi đứng lên). Những người này có thể cần ăn mặn thêm (thêm muối) và vận động thể thao nhiều hơn nếu thích hợp).

Những trường hợp mãn tính ở người trẻ hay bịnh nhân Parkinson có thể do hệ thần kinh tự dưỡng (autonomic nervous system)  bị rối loạn, hệ thần kinh giao cảm (symphathetic)  phụ trách điều khiển tim bơm máu mạnh hơn, nhanh hơn, co mạch máu để tăng áp suất trong mạch có thể không đáp ứng đủ mạnh (neurogenic orthostatic hypotension, NOH). Đúng chéo hai chân, ngồi chồm hổm, mặc quần bó chân (lower limb compression bandage), bó bụng  lại (abdominal binder) không cho máu tụ dưới thấp có thể làm giảm orthostatic hypotension. Năm 2014, FDA chấp nhận cho thuốc Droxidopa (Nothera), được dùng để trị NOH đi kèm theo bịnh Parkinson, từng được dùng ở Nhật và Châu Á từ năm 1989. Phản ứng phụ là áp huyết có thể lên cao lúc nằm xuống, mệt mỏi, nhức đầu chóng mặt.

2)Bịnh chóng mặt từng cơn lành tính tuỳ thuộc tư thế (Benign Paroxysmal Positional Vertigo/ BPPV). Chừng 10% các trường hợp bịnh nhân Parkinson chóng mặt vì bịnh này.

17Dhvhiencmv2

Thường vertigo gây ra do bịnh lý của một bộ phận trong phần tai trong (inner ear) còn  gọi là “mê đạo” (labyrinth) vì nó gồm nhiều ống chứa đầy một chất dịch nối liền với nhau. Mỗi lần đầu chúng ta quay qua lại, gật đầu, ngẩng đầu, nước dịch này di chuyển trong các ống bán khuyên (semicircular canals)  và kích thích các tế bào lông (hair cells, cilia) trong  ống. Các tế bào này phát tín hiệu vào não bộ, não bộ phân tích để biết phương hướng mới của cơ thể trong lúc di chuyển. Có những vật nhỏ gọi là "đá tai" (otolith; oto=tai, lith =đá; nhưng thật ra là những tinh thể rất nhỏ kết tụ với nhau; hay oconia, canalith); chúng di động lúc đầu chúng ta lên xuống cao thấp, di chuyển trước sau, phải trái bên này qua bên kia, chúng cho biết vị trí đầu chúng ta so với chiều sức hút quả đất (gravity); (ví dụ lúc đi thang máy chạy lên khác chạy xuống) và gia tốc (acceleration; ví dụ lúc xe chúng ta ngồi chạy vọt lên).  Trong một số trường hợp các "đá tai" này chạy lạc vào trong các ống bán khuyên (fig 2), tạo nên tín hiệu bất thường làm chóng mặt từng cơn, tái đi tái lại. Mỗi cơn kéo dài chừng một phút thì giảm, đi kèm theo với hai tròng mắt di động, giật nhịp nhàng (nystagmus); có thể làm lảo đảo, nôn mửa. Bác sĩ chữa bằng cách đặt đầu bịnh nhân vào nhiều tư thế khác nhau để tìm cách đưa các "đá tai" ra khỏi vòng bán khuyên (canalith repositioning procedure/CRP).

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 4  tháng 12 năm 2017

(Edited for Langhue.org 12/11/2017)