Giật Giật Trong Đầu Gối Và Phình Động Mạch Sau Gối
(popliteal aneurysm)
Tôi là một bệnh nhân đang mắc phải hiện tượng đầu gối chân phải nó không sưng và cũng không đau, nhưng cứ ngồi một chỗ là đầu gối nó cứ giật giật trong đầu gối, tôi muốn Bác sỹ hãy cho tôi cách chữa trị để cho hết hiện tượng trên. Tôi phải sử dụng loại thuốc nào để có thể uống cho hết bệnh? Mong Bác sỹ hãy giúp tôi, tôi bị như vậy từ hơn 2 năm nay rồi. Xin chân thành cảm ơn!
LNN
Thật khó mà trả lời câu hỏi này cho chính xác vì "giật giật " là một từ ngữ chất chung chung. Tuy nhiên chúng ta sẽ bàn đến một trường hợp có thể dính líu đến hiện tượng này , mà nếu không để ý, có thể có hậu quả nghiêm trọng.
Fig 1: Đầu gối (Wikipedia)
Đầu gối chúng ta là một cái khớp lớn gồm đầu xương đùi (femur, thigh bone) và xương chày (tibia); phía trước có xương bánh chè (patella, gốc latinh patina= dĩa nhỏ, cạn). Nếu giật giật chỉ là một cảm giác nhẹ nhàng , không kéo dài, cảm giác trong đầu gối có thể có nguồn gốc từ bất cứ bộ phận nào. Ví dụ, một dây thần kinh nhỏ bị chèn ép lúc co đầu gối có thể gây cảm giác tê hay giật ở đó. Nếu mặc quần ống chật quá, có thể gây ra cảm giác này.Ngồi một chỗ lâu có thể làm máu khó lưu thông trong các tĩnh mạch, tạo nên cảm giác giật giật, nếu đứng dậy đi lui đi tới, hay nhón bàn chân lên xuống (như lúc ngồi lâu trên máy bay) có thể làm chân bớt tê, và cái giật giật này có thể mất đi. Tất nhiên, cần khám người bịnh trực tiếp may ta mới có thể đoán cảm giác giật giật đó xuất phát từ đâu.
Fig 2: động mạch sau gối
Tuy nhiên phía sau khớp đầu gối, có một động mạch sau gối (popliteus: gốc latinh có nghĩa vùng lõm sau đầu gối), đường kính bình thường chừng 7mm-11mm. Nó nối tiếp động mạch đùi phía trên (superficial femoral artery), và phía dưới chia thành 2 nhánh (anterior tibial artery and tibioperoneal trunk). Trong một số trường hợp, vách động mạch bị phình ra, đường kính to hơn 50% mức bình thường, gọi là "phình động mạch sau gối” (popliteal aneurysm). Phình động mạch chiếm 85% các phình động mạch ngoại biên. Xảy ra nhiều hơn ở người hút thuốc lá, người mắc bịnh mô liên kết như hội chứng Marfan, nam phái, dân da trắng (Caucasian), người trong gia đình có trường hợp phình động mạch, người lớn tuổi (cao nhất 60-80 tuổi). Hết 40-50% người bị phình động mạch đầu gối mang kèm theo chứng phình động mạch chủ (là động mạch chính ở trung tâm đem máu từ tim ra các bộ phận khác trong cơ thể).
Fig3: Phình động mạch sau gối (Wikipedia)
Đa số các phình động mạch sau gối không có triệu chứng. Những trường hợp mạch phình chèn ép lên dây thần kinh bên cạnh có thể làm tê chân hay đau, chèn ép tĩnh mạch popliteal vein làm cẳng chân bị phù nề. Máu đóng cục trong mạch bị phình, cục máu thuyên tắc (embolization) có thể làm cẳng chân đau, tê, ấm lạnh bất thường, tái, tím, đau lúc vận động, hay thiếu máu nuôi dưỡng đến mức phải cắt bỏ trong 15% trường hợp.
Bác sĩ khám phía sau đầu gối khi bịnh nhân giữ khớp trong tư thế co lưng chừng (semi-flexion), và sờ thấy một khối ngang với khớp gối đập nhịp nhàng theo mạch tim. (Phân biệt: một khối u sau đầu gối có thể là là một túi bọc (cyst) gọi là Baker's cyst, chứa dịch từ khớp đầu gối do khớp đầu gối bị hư hại)
Fig 4: Baker’s cyst
Bác sĩ có thể dùng siêu âm, CT hay MRI để định bịnh chính xác hơn. Đồng thời, cần khảo sát động mạch sau đầu gối phía bên kia cũng như động mạch chủ ngực và bụng.
Chữa trị: các phình động mạch có triệu chứng cần được phẫu thuật. Động mạch sau đầu gối phình to hơn 20mm hay có góc quẹo trên 45 độ (cơ nguy bị quặp lại/ kinking và tắc nghẽn cao) cần được phẫu thuật, hoặc thay bằng một đoạn tĩnh mạch lấy ở chỗ khác ở cẳng chân ( autologous vein graft from saphenous vein), hoặc dùng ống ghép nhân tạo (prosthetic graft), hoặc đặt stent.
Xin nhắc lại đây chỉ là một cơ hội cho chúng ta học hỏi. Chúng ta bàn về bịnh phình động mạch không có nghĩa người hỏi mắc phải bịnh này. Bệnh nhân cần đi khám bịnh với bác sĩ riêng của mình để biết chính xác hơn.
Chúc bịnh nhân may mắn,
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Lễ Tạ Ơn
Ngày 26 tháng 11, 2018
(edited 12/11/2018)
Reference:
Aneurysm, Popliteal Artery
Mohammed M. Kassem; Lorena Gonzalez.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430863/