"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc." ** Trần Bình Trọng **

 

Chứng Lo âu ở Thanh Thiếu Niên

      19Ahvhcla1

 

Thưa Bác sĩ,
Con 15 tuổi. Con hay bị hồi hộp, tim đập nhanh, cơ chân, ngực, bụng hay giật khoảng vài giây, đặc biệt khi con căng thẳng giải bài tập; đặc biệt khi nằm xuống cả ngực và bụng đều đập mạnh một tí rồi hết, lâu lâu thấy tức chỗ ở giữa trên ngực. Con bị đã 2 tuần hơn. Mấy ngày đầu con đi khám, bác sĩ nói con bị hệ thần kinh tự quản, cho thuốc uống 5 ngày về nhà. Uống thuốc đỡ, nhưng hết thuốc con không uống nữa, Con đang thi học kỳ nên tình trạng hay xảy ra lắm.
Mong Bác sĩ cho con lời khuyên và cách điều trị.”

 

Chứng lo âu ở thanh thiếu niên

Thính giả đặt câu hỏi mới 15 tuổi, cần sự hướng dẫn và cho phép của phụ huynh khi tham khảo ý kiến chuyên môn.

Tuổi 15 là lứa tuổi về thể chất người con gái (ít lắm là ở Mỹ) gần như đã trưởng thành và bắt đầu suy nghĩ về việc sống một mình sẽ như thế nào, lúc lên đại học sống tự lập, có phòng, căn hộ riêng. Lúc này, bắt đầu quan hệ với các thiếu niên khác, đôi khi quan hệ tính dục, thêm vào những ưu tư về ngoại hình (đa số lo mình quá mập, ăn kiêng) và về điểm số trong trường. Đó là chưa kể ảnh hưởng của các hormon trong chu kỳ kinh nguyệt, ví dụ người thiếu nữ sẽ có những triệu chứng như đau bụng, nhức đầu, sình bụng, mệt mỏi, tiêu chảy, bón, giảm trí nhớ, bực bội , nóng nảy, hồi hộp, những triệu chứng này giống và có thể được gán cho "hệ thần kinh tự dưỡng", tuy nguyên nhân chính là các hormon thay đổi trong 1-2 tuần trước khi có kinh.

Người thiếu nữ có chiều hướng giảm bớt các xung đột với cha mẹ, có trách nhiệm hơn, và chịu khó tôn trọng kỷ luật khi một số quyền lợi đi đôi với việc người con tôn trọng một số luật lệ cha mẹ đặt ra. Do hoàn cảnh của cuộc sống tương đối độc lập hơn trước, người thiếu nữ có thể cảm thấy bị áp lực nhiều hơn, do đó lo âu nhiều hơn, và có thể cảm thấy cô đơn hơn nếu họ không có phụ huynh hay người lớn tuổi hơn đứng ra hướng dẫn hay làm chỗ dựa giúp mình giải quyết các mối lo đó. Các mối lo âu không được giải toả sẽ ngấm ngầm thể hiện bằng những triệu chứng cơ thể mà lúc đó cha mẹ sẽ nhờ đến bác sĩ giải quyết; bác sĩ sẽ có khuynh hướng biên toa để chữa các triệu chứng vật thể này mà không giải quyết nguồn gốc tâm lý, tinh thần, xã hội gắn liền với giai đoạn phát triển của bịnh nhân.

Cho sau đây nên chúng ta sẽ bàn chi tiết hơn về khía cạnh này. Tôi chỉ xin giới hạn vào một số kiến thức tổng quát về chứng lo âu ơ thanh thiếu niên để chúng ta cùng học hỏi.

Lo âu (anxiety) thường xảy ra ở thanh thiếu niên với các triệu chứng tâm thể (psychosomatic symptoms) của nó như "hồi hộp, tim đập nhanh, cơ chân, ngực, bụng hay giật khoảng vài giây","nằm xuống cả ngực và bụng đều đập mạnh một tí rồi hết, lâu lâu thấy tức chỗ ở giữa trên ngực". Lúc người bịnh bất an về tinh thần, tâm lý và sự bất an này biểu hiện qua những triệu chứng thể chất, chúng ta gọi hiện tượng này là "somatization" (soma=body). Hiện tượng này có thể biểu hiện qua những bất quân bình trong hệ thần kinh tự dưỡng (tk "tự quản" theo từ ngữ của thính giả; autonomic nervous system) như tay chân lạnh (vì các động mạch ngoại biên co lại), tim đập nhanh, mồ hôi toả ra, ói mửa, bón...nhưng rối loạn chính nằm ở tình trạng tâm lý xáo trộn của bịnh nhân (psychological distress). Đa số các cháu chỉ cần sự hướng dẫn của người lớn giúp các cháu hiểu thêm về nguồn gốc của mối lo, hướng dẫn các cháu khắc phục các nỗi lo âu (ví dụ giúp tổ chức công việc, làm bài, nhờ thầy dạy thêm), thông cảm và vỗ về các cháu, giúp các cháu trong quá trình phát triển thành một người lớn làm việc có phương pháp hơn, tự tin hơn với tầm nhìn xa hơn là một người trong tuổi thiếu niên.
-Chứng lo âu là một phản ứng của cơ thể đứng trước một mối nguy cảm nhận hay có thật hay một biến cố quan trọng. Ví dụ chuẩn bị đi thi, kỳ thi quyết định cho thành quả năm học, khoá học, có thể đưa đến việc bị cha mẹ trừng phạt, ở lại lớp, hay bạn bè chế nhạo nếu thất bại. Lo âu là một hình thức báo động và giúp cho chúng ta ở tình trạng cảnh giác để ứng phó, giúp chúng ta tránh một sự đe doạ ví dụ tránh xe đụng nơi đông xe cộ, hay giúp chúng ta chuẩn bị để có thể thực hiện với thành quả tốt nhất. Đây là một tình huống thường gặp và không kéo dài. Trái lại, rối loạn lo âu được định bịnh lúc nó kéo dài trên 6 tháng, dai dẳng và cao độ, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Trên lý thuyết, chúng ta là "con người khôn ngoan' (homo sapiens) đã tiến hoá chừng 2 triệu năm, xa nguồn gốc thú vật. Nhưng trên thực tế, trên căn bản, hiện nay cách cơ thể chúng ta hiện nay phản ứng với lo âu lúc người trẻ đi thi tốt nghiệp trung học cũng không khác gì lắm với lúc một thiếu niên lúc lần đầu phải ra khỏi hang động đối phó với con chó sói lần đầu tiên mấy ngàn năm trước lúc loài người còn sơ khai.

Lo âu tác dụng trên:
-tư tưởng: chúng ta nghĩ đến những đe dọa có thể xảy đến
-cơ thể: con ngươi nở lớn, nhìn thấy sáng hơn, hoặc mờ hơn, tim đập nhanh và mạnh hơn, các cơ bắp căng thẳng. Thở nhanh hay thở mạnh (sâu) có thể làm mình chóng mặt, lâng lâng, không bình tĩnh. Các động mạch ở phần xa của cơ thể như các ngón chân, bàn chân, bàn tay co lại, giành máu ưu tiên dồn về các cơ bắp lớn ở đùi để chạy khỏi nơi nguy hiểm. Những biến chuyển trên được thực hiện qua sự gia tăng tác động của hệ thần kinh giao cảm (sympathetic). Trong lúc đó, phần đối nghịch là hệ thần kinh đối giao cảm (parasympathetic) như tiêu hoá trong dạ dày và nhu động ruột bị ức chế lại, chậm lại. Bịnh nhân có thể tiêu hoá chậm lại, thấy khó tiêu, xót ruột vì dịch acid tích tụ kéo dài trong dạ dày.
-hành vi, thái độ: chống trả, chạy trốn hay "chết đứng"
Phản ứng đối với stress này gọi là "fight or flight/freeze response", có thể dịch thành "đánh, tránh quýnh". Ví dụ, một thanh niên có thể gây lộn, làm dữ với bố mẹ ép buộc mình phải thi vào y khoa lúc mình không muốn hay cảm thấy không đủ khả năng (fight/chống trả). Một thanh niên khác có thể tránh buổi khiêu vũ vì lo mình vụng về , có thể bị chê cười (tránh/flight). Hay 'lặng người", "chết đứng” lúc bị thầy giáo truy bài (freeze).

Các biện pháp đối phó với sự sợ hãi:
1) Nhận diện các mối sợ của mình, gây lo âu, có thể lập một danh sách
-Mỗi mối sợ có thể chia ra nhiều mức khác nhau ("thang sợ"/ “fear ladder) và đối diện (phơi nhiễm/ exposure với mối gây sợ): ví dụ sợ phải nói trước công chúng có thể làm quen từ từ: nói trước người bạn --->nói trước thầy giáo --->nói trước thầy giáo và cả lớp. Tập dần dần từ dễ đến khó để từng bước đạt đến mục đích. Cũng như lái xe: ngồi đề máy trong sân với mẹ--->tập de xe, lái xe trong khu phố ---> lái ra đường lớn hơn lúc vắng cuối tuần ---> lái ngày thường--->ra xa lộ...)

2) Suy nghĩ đúng:
Kiểm soát tư tưởng của mình, hướng về phía xây dựng hơn: Ví dụ trước kỳ thi, thay vì nghĩ đến "thi rớt, cha mẹ rầy la, bạn bè chê cười, suốt đời phải đi rửa chén, không nghề ngỗng gì cả", làm mình cáu kỉnh, đốp chát với cha mẹ, nhức đầu, đau bụng, mất ngủ. Nên lý luận với mình như thế này " Mình đang lo về cái vụ thi cử này đây, đúng như vậy; nhưng như vậy có nghĩa đây là một việc quan trọng, và mình nhất quyết làm tốt. Mình học bài rất kỹ rồi, và ngày mai mình sẽ làm hết khả năng. Mình sẽ không để cho sự lo âu cản đường đi đến thành công.”

3) Những biện pháp có thể thực hiện được gồm:

-Tập thở đều đặn, chậm
-Tham gia các lớp dạy chánh niệm (mindfulness), thiền định. Phương pháp chánh niệm quen thuộc với người Việt giúp ý thức về giây phút hiện tại là một phương tiện hữu hiệu giải toả tình trạng lo âu. Phương pháp này (mindfulness) được nhắc đến và thực hành nhiều ở Mỹ (“experiencing the present moment”).
-Hiển thị (visualization), tập thở đều đặn, tưởng tượng như mình ngồi trước một bờ biển, cảnh núi non, tập thở đều đặn và tập trung vào việc thở, hít qua mũi và thở ra miệng từ từ.

(Theo trang web AnxietyCanada)

Cuối bài viết, tôi có tạm dịch bài script (kịch bản, trong trang AnxietyCanada) hướng dẫn học trò hiển thị phòng thi để giảm bớt lo âu trước khi đi thi, hay kiểm tra. Một người lớn đọc script để hướng dẫn người sắp đi thi trong vài phút tĩnh tâm.(1)

Ngoài ra, nên để ý về vệ sinh cuộc sống:
1) Ngủ đủ giờ, tránh thức khuya quá đáng, tránh ồn ào, tránh ô nhiễm ánh sáng nơi ngủ
(các đèn điện tử, TV chạy suốt đêm)
2) Tránh hút thuốc, các chất kích thích, soda (nước ngọt có cafein)
3) Vận động cơ thể thường xuyên (exercise)
4) Ăn uống lành mạnh, không quá nhiều đường, nhiều thức ăn chế biến, ăn rau quả, trái cây đầy đủ.

5) Đối với giới trẻ hiện nay, internet, nhất là các trang mạng xã hội như Facebook, Tweeter là một nguyên nhân quan trọng gây stress và lo âu, do áp lực của nó trên tâm hồn còn non trẻ, dễ bị ảnh hưởng của lứa tuổi thanh thiếu niên. Nên điều độ, giảm giờ trên mạng xã hội, và dành nhiều giờ hơn cho sinh hoạt với gia đình, thể thao thể dục.

Đối với thanh thiếu niên, vai trò hỗ trợ và hướng dẫn của cha mẹ, phụ huynh, thầy cô, các cố vấn trong trường học các vị hướng dẫn tôn giáo, rất cần thiết để giúp các em hiểu hơn về những khó khăn, thách thức làm mình lo âu, gây nên những biểu hiện trên cơ thể như nhức đầu , đau bụng , mệt mỏi.
Những trường hợp kéo dài, ảnh hưởng đến nếp sống, học hành của các em cần các chuyên gia về tâm lý, bác sĩ tâm thần can thiệp. Nếu rất cần, bác sĩ mới dùng đến thuốc men để chữa bịnh (thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm) và theo dõi cẩn thận. Thuốc trị bịnh tâm thần (psychotropic drugs) cần được đắn đo kỹ lưỡng trước khi dùng cho các em còn non nớt, trong quá trình phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Đáng chú ý hơn hết là một số thuốc chống trầm cảm cho thanh thiếu niên có tác dụng gây tự tử nhiều hơn, do đó, bác sĩ cần theo dõi kỷ và bịnh nhân phải uống thuốc hay ngưng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

    1. (1)Tập thở/ Hiển thị đối phó với lo âu trước khi thi test

(Test Anxiety Visualization)
(Gợi ý cho người đọc to kịch bản cho thanh thiếu niên:
• Khi đọc kịch bản, hãy nói chậm, giọng bình tĩnh và êm dịu.
• Tạm dừng sau mỗi hướng dẫn để có đủ thời gian thi hành.
• Đừng để ứng viên quá căng thẳng, có cảm thấy căng trong cơ bắp nhưng không tới mức đau.

Ứng viên nên căng từng cơ bắp khoảng 5-8 giây trước khi giãn cơ bắp.)

Kịch bản (script):
1. Bạn (con, em) nhắm mắt nhẹ nhàng và thoải mái. Đừng đãng trí trong mấy phút sau đây. Hãy dùng khoảng thời gian này để tập trung và thư giãn. Để ý một số các khu vực chính trong cơ thể của bạn, những nơi căng thẳng gia tăng. Scan cơ thể của bạn bây giờ để tìm những những vùng căng thẳng. Cứ mỗi vùng, hãy tưởng tượng hướng hơi thở của bạn đến khu vực đó.
Vai, tay, lưng, cổ và hàm của bạn. Hãy tưởng tượng như hít thư giãn vào ... và thở hết sự căng thẳng ra ngoài. Hít một cảm giác thư giãn và thở ra tất cả sự căng thẳng.
Cảm thấy cơ bắp của bạn thư giãn với mỗi hơi thở.
2. Bắt đầu thư giãn cơ thể. Hít một hơi thật sâu vào, giữ nó nhẹ nhàng ... và thả nó ra
Hít vào một lần nữa ... tạm dừng ... và thở hết ra Thở vào...tạm dừng ... vào... ra ...vào ... ra...
3 Giữ nhịp thở tự nhiên. Với mỗi hơi thở, bạn càng trở nên thoải mái hơn. Nếu còn vướng suy nghĩ lo lắng nào, hãy mặc kệ để nó, sẽ tính sau.
(Tạm ngừng.)
4 Bây giờ bạn đang cảm thấy bình tĩnh và thư giãn. Toàn bộ cơ thể bạn cảm thấy thư giãn và nặng nề.
5 Bây giờ bắt đầu tưởng tượng ngồi xuống để viết một bài kiểm tra. Bạn cảm thấy rất có động lực để học cho kỳ thi này và làm tốt. Hoàn toàn tưởng tượng cảm giác này, và cho phép mình
trải nghiệm nó hoàn toàn. Cảm thấy mình có nhiều cảm hứng..
(Tạm ngừng.)
6 Bạn mong muốn làm bài kiểm tra này và làm tốt.

7. Bây giờ hãy tưởng tượng mình vào phòng thi. Bạn đang cảm thấy một chút phấn khích làm bài kiểm tra và chia sẻ những gì bạn biết với giáo viên của bạn; đồng thời, bạn cảm thấy tự tin. Bạn tưởng tượng đi bình tĩnh vào lớp và ngồi xuống. Khi bạn bước vào lớp, bạn nói với chính mình, khi tôi đến ghế của mình, mình sẽ chỉ tập trung vào bài kiểm tra dù cho mình cảm thấy lo lắng.
8 Bạn thấy mình ngồi trên ghế. Bạn nhận thấy những gì diễn ra xung quanh bạn. Bạn nghe các sinh viên khác lao xao về chỗ ngồi. Bạn mỉm cười với họ. Bạn sờ thấy mặt bàn gỗ cứng. Bạn cảm thấy cây bút cầm trong tay. Bạn thấy giáo viên phát bài kiểm tra. Bạn cảm thấy một chút lo lắng cũ tăng lên. Bạn nói với chính mình: Nó chỉ là nỗi lo lắng của mình thôi; mình có thể đối phó với nó. Nó sẽ không ngăn mình làm bài kiểm tra này."
9. Bây giờ, bài kiểm tra đang ở trước mặt bạn trên bàn. Hãy tưởng tượng scan qua toàn bộ bài kiểm tra một cách bình tĩnh và tự tin. Bạn khám phá ra rằng bạn đã biết ít nhiều về mỗi câu trả lời và bạn cảm thấy đã sẳn sàng. Bạn cảm thấy thư thái, vui vẻ. Bạn bắt đầu tổ chức thời gian. Bạn tự nhủ, tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ một cách bình tĩnh và không để nỗi lo lắng của mình xâm chiếm. Mình đã làm nhiều bài kiểm tra trước đây và không có lý do gì mình không làm được ngày hôm nay. Đây là cơ hội để mình chứng tỏ những gì mình biết.
10. Hít một hơi thật sâu, thật chậm và thở ra hết. Tốt. Bạn cảm thấy cơ thể thư giãn và cho phép tâm trí của bạn trở nên bình tĩnh. Trong trạng thái bình tĩnh này, bạn có thể tập trung vào bài kiểm tra và nhìn thấy mọi thứ rõ ràng. Bây giờ bạn bắt đầu viết câu trả lời cho từng câu hỏi.
Bạn có thể nhớ những gì bạn đã học. Các câu trả lời và ý tưởng đang đổ ra dễ dàng lên các trang giấy. Một số câu hỏi rất dễ và đơn giản, và bạn trả lời chúng nhanh chóng. Một số câu hỏi suy nghĩ nhiều hơn. Bạn biết sẽ có những câu khó hơn
này, và bạn đã chuẩn bị. Bạn cố gắng hết sức và tìm cách thể hiện những gì bạn biết.
11. Bây giờ bạn đã hoàn thành và bạn làm bài kiểm tra của bạn. Bạn cảm thấy vui và tự hào. Bạn nói với chính mình " Tôi đã làm xong việc mà không bị khớp. Tôi đã không để nỗi lo lắng của mình xâm chiếm". Tận hưởng cảm giác thành công.
(Tạm ngừng.)
12. Bây giờ bạn đã hoàn thành hiển thị việc chuẩn bị kiểm tra, bạn cảm thấy bạn được chuẩn bị tốt hơn cho quá trình làm bài kiểm tra. Bạn tự tin rằng bạn sẽ có thể kiểm soát sự lo lắng của bạn và tập trung vào bài kiểm tra. Bạn bình tĩnh, tự tin, và giành quyền chủ động.
13 .Từ từ bắt đầu trở về phòng ... trả lại nhận thức của bạn cho thời gian hiện tại. Ngọ nguậy ngón tay của bạn. Ngọ nguậy ngón chân của bạn. Cảm thấy bàn tay và cánh tay của bạn thức dậy. Quay của bạn đầu từ bên này sang bên kia ... cảm thấy cơ thể bạn thức dậy.
14. Khi bạn cảm thấy tỉnh táo, linh hoạt, bạn có thể trở về các hoạt động thông thường của mình, cảm thấy tràn đầy năng lượng, động lực và tự tin.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 8 tháng 2 năm 2019

Reference:

https://youth.anxietycanada.com/sites/default/files/scripts/Test%20Anxiety%20Visualization%20Script.pdf



Thống-Kê Vào Làng

Viet Nam 59.5% Viet Nam
United States of America 21.3% United States of America
Canada 4.0% Canada
Unknown 3.8% Unknown
Germany 2.3% Germany
Japan 2.2% Japan
France 2.2% France
Australia 1.3% Australia
Singapore 1.1% Singapore

Total:

50

Countries