Nhiễm Ký Sinh Trùng Từ Chó Mèo
From:C. Nguyen Sent: Monday, March 11, 2019 8:46 PM
Thưa Bác sĩ,
Em bị ngứa đi xét nghiệm máu thì chẩn đoán là nhiễm sán chó. Em xin Bác sĩ tư vấn cho em là nên dùng loại thuốc nào điều trị ạ.
Em xin cám ơn Bác sĩ.
Trả lời: Chó mèo có thể bị nhiễm nhiều loại ký sinh trùng như "sán tròn" hay giun đũa (roundworm), sán dây (tapeworm), sán móc (hookworm, ancylostoma); các loại sán này có thể được truyền qua người qua đường miệng hoặc qua đường da. Ví dụ sán móc có thể chui vào da lúc người đi chân không trên bãi biển, trong vườn có phân chó, chỗ nó chui vào da gây ngứa đỏ và có thể thấy đường đỏ ngoằn ngoèo đi dưới da (cutaneous larva migrans).
Fig 1: Miệng và răng của sán móc chó Ancylostoma caninum (Nguồn CDC/Wikipedia)
Fig 2: Sán móc có thể chui vào da, có thể thấy đường đỏ ngoằn ngoèo đi dưới da (cutaneous larva migrans). (Wikipedia)
Thường gặp nhất là sán tròn toxocara canis (chó) hay T. cati (mèo) gây ra bịnh toxocariasis. Hầu như thế nào con chó cũng có bị toxocara một vài lần trong đời và bác sĩ thú y thường cho xổ (tẩy) lãi đều đặn. Hết 20% chó trưởng thành và 50% chó con mắc Toxocara. Chó mẹ truyền qua chó con lúc có thai và lúc cho con bú.(fig 3/ 5) Ký sinh trùng thải ra từ phân chó rất nhiều (fig 3/ 1), mỗi con toxocara sinh ra cả 200,000 trứng, và các trứng này có thể sống sót qua nhiều năm ngoài trời, trong các bãi các em bé hay đến chơi (fig 3/ 2; external environment)). Ở Mỹ, thường là trẻ con mắc bịnh này, nhất là vùng khí hậu ẩm ướt và nóng (ví dụ miền nam USA), do chơi các nơi đất bị nhiễm trứng sán do chó hay mèo đi cầu ở đó mà chủ không hốt lên và bỏ đi vào thùng rác. Trứng sán cần phát triển trong đất một thời gian mới gây bịnh được; nếu bé chỉ tiếp xúc trực tiếp với con chó hay con mèo thì không bị nhiễm Toxocara. Trẻ có tật ăn đất (pica) dễ bị bịnh này. Trứng do người nuốt vào ruột non, nảy nở ở đó, rồi thành ấu trùng đi theo dòng máu chui vào gan, phổi , mắt, não bộ (second stage larva, visceral larva migrans/VLM)(fig 3/ 11) và mắt (ocular larva migrans), sẽ bị bọc lại bằng một màng bao quanh (encyst) trong một bộ phận của con người, gây ra phản ứng viêm cục bộ trong một bộ phận vì con người chỉ là ký chủ "tình cờ", bất đắc dĩ của toxocara (accidental host); ký sinh trùng không trưởng thành được và không đi hết chu kỳ. Ngược lại, lúc được nuốt vào ruột chó hoặc mèo, trứng thành ấu trùng (larva) sẽ lên phổi, nuốt trở lại vào ruột trưởng thành ở trong ruột con chó, mèo và sinh trứng tiếp). Gà, thỏ, cừu cũng là ký chủ bất đắc dĩ (fig 3/ 7). Người cũng có thể bị nhiễm toxocara do ăn thịt gà, thịt cừu, thịt thỏ chưa nấu chín nếu những con vật này chứa những ấu trùng trong thịt của nó.
Fig 3: Chu kỳ sinh sản của sán chó Toxocara canis
Người bịnh có thể không có, hay có ít, hay nhiều triệu chứng. Nhẹ thì mệt mỏi, ho, nhức đầu, mất ngủ, khó chịu, đau bụng. Có thể triệu chứng nặng hơn như khò khè khó thở, nhất là trẻ em. Khám thấy gan lớn, hạch lâm ba sưng. Ký sinh trùng có thể di đến mắt (ocular larva migrans, có thể bị định bịnh nhầm là u bướu mắt ở trẻ em, có thể gây mù mắt một bên).(fig 4)
Fig 4: Ấu trùng sán cho trong mắt (Ocular larva migrans) (https://www.datuopinion.com/larva-migrans-ocular)
Thử máu (fig 3/11- d=diagnostic stage) sẽ thấy những dấu hiệu của cơ thể phản ứng với ký sinh trùng như các tế bào eosinophil tăng cao (hypereosinophilia), lượng kháng thể (immunoglobulin) tăng cao (hypergammaglobulinemia). Thử nghiệm máu (serological testing) giúp phát hiện nhiễm toxocara (enzyme immunoassay (EIA) with larval stage antigens extracted from embryonated eggs, Toxocara excretory-secretory (TES) antigens ) tìm và đo các kháng thể đặc thù với antigen của con ký sinh trùng, chứng minh là cơ thể đã tiếp cận với ký sinh trùng. Tuy nhiên, người có sán lãi cũng có thể phản ứng chéo với Toxocara canis. Người ta khuyến cáo không nên căn cứ trên một thử nghiệm thôi mà chẩn đoán mắc bịnh Toxocara. Các thử nghiệm này có mức chuyên biệt và nhạy cảm cao đối với ấu trùng di chuyển trong nội tạng nhưng ít nhạy hơn đối với ấu trùng di chuyển vào mắt.Thử nghiệm có thể phản ứng chéo với các giun sán khác, và bác sĩ quyết định có cần cho thuốc chữa hay không, dùng thuốc gì, và liều lượng thế nào tùy theo từng trường hợp.
Khả năng một người VN trung bình có các ký sinh trùng trong người cũng khá cao. Theo Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, chuyên khoa Ký sinh trùng (VN) cho biết hiện nay tỷ lệ nhiễm giun sán chó/mèo - toxocara trong dân số VN rất cao. “Đặc biệt những loại thuốc xổ giun uống một liều dự phòng thông thường không diệt được chúng. Một khảo sát về tình hình nhiễm giun tròn đường tiêu hóa trong 177 con chó tại một số địa phương tỉnh Thanh Hóa cho thấy qua mổ khám, tỷ lệ chó nhiễm toxocara canis chiếm từ 10-25% và qua xét nghiệm phân là từ 22,8-40%. Ngoài ra một khảo sát trên 90 mẫu rau sống bán tại các siêu thị trên địa bàn TP HCM, số mẫu rau nhiễm trứng giun đũa chó, mèo chiếm đến 67,7% “-(News.zing.vn; 18-9-2015).
Theo Viện Thú Y VN (12/2018) "tỷ lệ nhiễm giun đũa khá cao ở chó (37,7% và 24,3%), mèo (47,8% và 38,3%) tại Hà Nội và Hưng Yên. Chó mèo nuôi thả rông và đi vệ sinh bừa bãi tại Hà Nội và một số ít được nuôi nhốt được thả ra vào buổi sáng sớm để đi vệ sinh, phân chuồng chó mèo bị đổ ra mương ở trước nhà là điều kiện thuận lợi cho việc phát tán mầm bệnh. Bên cạnh đó, thói quen ăn rau sống, trẻ em nghịch đất, cát và thường xuyên ôm chó mèo vào lòng là nguy cơ làm lan truyền mầm bệnh từ chó mèo sang người. Ngoài ra, việc hạ sốt cho trẻ con bằng các loại nước lá như nhọ nồi hoặc ăn rau má, diếp cá vào mùa hè cũng tiềm tàng nguy cơ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo sang người. Kiểm tra trên người cho thấy >58% dương tính với Toxocara sp.”
Thuốc mebendazole hay albendazole làm con sán hay con lãi không hấp thu đường glucose được, mất dự trữ glycogen và mất nguồn năng lượng (ATP), do đó ký sinh trùng bị tê liệt và chết dần dần.( Khác với những thuốc chữa lãi khác như pyrantel và piperazine tác dụng trên hệ thần kinh con ký sinh trùng (sán lãi) là các cơ của nó không đáp ứng với acetylcholine và do đó nó bị tê liệt nhanh chóng, bị đẩy ra khỏi ruột và còn sống lúc bị đi cầu ra ngoài).
Albendazole thường được dùng với liều 400mg (uống) x hai lần/ ngày/trong 5 ngày. Đôi khi bịnh không khỏi hẳn, tái lại; và trong một công bố của Hàn Quốc (Min-Hye Kim) bịnh nhân bị các nốt trong phổi và các túi áp xe trong gan, đau bụng, ngứa dữ dội và mề đay, người ta dùng đến 3 đợt thuốc mới kết quả dứt bệnh sau hơn 2 tháng. Mebendazole, uống, thường được dùng với liều 100mg-200 x hai lần/ ngày/trong 5 ngày
Albendazole (Albenza) là thuốc chống giun sán phổ rộng, dùng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do giun như sán dây lợn (heo) và sán dây chó. Tác dụng phụ thường gặp của Albenza bao gồm:
-
- buồn nôn
- nôn
- đau dạ dày và bụng,
- đau đầu,
- chóng mặt, hoặc
- rụng tóc tạm thời.
- thay đổi thị giác,
- mắt vàng hoặc da,
- đau bụng hoặc đau bụng dữ dội
- Nước tiểu đậm,
- mệt mỏi khác thường,
- dễ bầm tím hoặc chảy máu,
- dấu hiệu nhiễm trùng (ví dụ: sốt, đau họng kéo dài),
- thay đổi lượng nước tiểu,
- nhức đầu dữ dội hoặc dai dẳng,
- co giật,
- mất tỉnh táo, hoặc
- cổ rất cứng.
Hãy cho bác sĩ biết nếu có tác dụng phụ nghiêm trọng của Albendazole bao gồm:
Liều lượng của Albendazol khác nhau, tùy thuộc loại nhiễm ký sinh trùng đang được điều trị. Albenza có thể tương tác với các loại thuốc khác bao gồm kháng sinh, cimetidin, dexamethasone, Praziquantel hoặc theophylline. Hãy cho bác sĩ của bạn tất cả các loại thuốc bạn đang dùng. Khi mang thai, Albenza chỉ nên được sử dụng khi được kê đơn. Thuốc có thể gây hại cho thai nhi. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên thử thai âm tính trước khi bắt đầu dùng thuốc này. Nếu bạn có thai, hãy nói với bác sĩ của bạn ngay lập tức. Nam giới và phụ nữ nên sử dụng 2 hình thức ngừa thai hiệu quả (ví dụ: bao cao su và thuốc tránh thai) trong khi dùng Albenza và trong 1 tháng sau khi ngừng thuốc. Người ta không biết Albenza truyền vào sữa mẹ hay không. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con bú.
Chúc bịnh nhân may mắn.
References:
1)Min Hye Kim A Case of Recurrent Toxocariasis Presenting With Urticaria
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2946705/
2)https://www.rxlist.com/albenza-side-effects-drug-center.htm
3)Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học phân tử giun đũa chó (Toxocara canis) và giun đũa mèo (Toxocara cati) nhằm đánh giá nguy cơ và nguồn truyền sang người
https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/14503/nghien-cuu-dac-diem-dich-te-hoc-phan-tu-giun-dua-cho-toxocara-canis-va-giun-dua-meo-toxocara-cati-nham-danh-gia-nguy-co-va-nguon-truyen-sang-nguoi.aspx
4)DPDx - Laboratory Identification of Parasites of Public Health Concern
CDC
https://www.cdc.gov/dpdx/toxocariasis/index.html
5)AAP Red Book, 2009
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 19 tháng 3 năm 2019
(Edited and illustrated for Langhue 4/8/19)