"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

Chóng Mặt Buổi Sáng Lúc Mới Dậy

 

Thính giả Q. G. ở Saint Antonio, hỏi:

“Thưa Bác sĩ,

Tôi ngủ dậy bị choáng và tim đập mạnh. Cách một ngày bị một lần. Vậy là bị gì?

Cảm ơn Bác sĩ “

Chóng mặt buổi sáng lúc mới dậy là một triệu chứng thôi. Muốn chữa bịnh phải trước hết tìm nguyên nhân chính xác là bịnh gì gây ra triệu chứng đó, do đó phải nhờ đến bác sĩ nghiên cứu từng trường hợp. Sau đây chỉ là những bàn luận tổng quát có mục đích thông tin mà thôi.

Chóng mặt lúc thức dậy buổi sáng có thể gây ra do

1) Thay đổi vị trí từ nằm sang ngồi, đứng. Ví dụ từ thế nằm qua thế đứng, chừng 700ml máu dời vị trí ra khỏi lồng ngực về phần thấp hơn của cơ thể. Tim phải bơm máu từ dưới lên trên ngược với trọng lực (phía não bộ), nên tim phải bóp mạnh hơn, nhanh hơn. Nếu máu lên đầu chưa đủ, não bộ có thể thiếu oxy trong giây lát, sinh chóng mặt. Nếu nhảy ra khỏi giường đột ngột có thể chóng mặt hơn. Nếu kèm theo bịnh cảm, dị ứng, các xoang bị viêm, có thể dễ chóng mặt hơn.

2) Thiếu nước trong cơ thể, làm cho huyết áp thấp hơn. Dùng thuốc lợi niệu (diuretics), ví dụ để chữa huyết áp cao (vd : thiazides), uống nhiều trà, rượu, cà phê có thể có tác dụng tăng lượng nước tiểu và thiếu nước. Bịnh nhân, do sợ đi tiểu đêm, có thể uống nước ít quá.

3) Đường máu quá thấp (hypoglycemia).

Nếu là bịnh nhân tiểu đường (diabetes), có thể vì ăn ít quá chiều hôm trước, hay dùng liều insulin quá cao. Người không bị tiểu đường có thể ăn chiều hôm trước sớm quá, ít quá nên sáng sớm đường trong máu thấp.

4)Ngưng thở lúc ngủ (sleep apnea). Người già, người mập có những cơn ngừng thở (apneic spells) trong lúc ngủ, thiếu oxy trong khi ngủ, nên khi thức dậy thay vì thấy sảng khoái lại thấy mệt mỏi, chóng mặt.

5)Nhậu, uống rượu, dùng thuốc an thần, hay tệ hơn nữa dùng ma tuý đêm trước, thức dậy có thể chóng mặt, mệt mỏi, tim đập nhanh, tay chân run rẩy, ói mửa, đau nhức, trầm cảm (hangover).

Trong một người, có thể nhiều hơn là một yếu tố hội tụ lại và gây ra triệu chứng.

1)Nếu chóng mặt nhẹ thôi và thoáng qua đi, nên để ý nhất đến vấn đề thiếu nước, nếu cần uống nước, ăn canh, ăn cháo đầy đủ trong buổi cơm chiều, để sẵn chai nước trên đầu giường để uống lúc khác. Nếu nước tiểu vàng và đậm màu, lượng nước tiểu ít, có lẽ cần uống nước thêm.

2) Có thể cần ăn muối nhiều hơn (canh, chanh muối, nước có muối như Gatorade) nếu áp huyết thấp. Nếu các tĩnh mạch ở chân không hoạt động bình thường (suy tĩnh mạch, venous insufficiency) có thể nghĩ đến dùng các vớ dài bó chân lại để tránh máu tụ ở chân (compression stocking). Tập thể dục đều đặn.

3)Tránh ăn chất ngọt, tinh bột (carbohydrates) nhiều quá trước khi ngủ (chè, bánh ngọt, ice cream), tệ nhất là kèm theo rượu, vì mức đường trong máu sẽ tăng nhanh, nhưng vài tiếng đồng hồ sau, lúc sáng sớm sẽ tụt xuống cũng nhanh (reactive hypoglycemia).

4) Nếu người già, người mập, mà người ngủ cùng phòng than phiền mình ngáy nhiều, thở bằng miệng nhiều, nên để ý xem mình có bị ngưng thở lúc ngủ hay không (sleep apnea), có thể kê đầu giường cao hơn, đổi tư thế ngủ, giảm cân, đi khám nha sĩ hay bác sĩ để giải quyết cơn ngưng thở lúc ngủ.

Nếu chóng mặt nhiều và kéo dài, cần đến bác sĩ khám và giải quyết.

Sau đây chúng ta sẽ bàn chi tiết hơn về chứng Vertigo (chóng mặt) và cơ chế gây ra triệu chứng này:

Vertigo là một triệu chứng bao gồm nhiều nguyên nhân khác nhau.

Vertigo: Người chóng mặt có thể cảm thấy mọi vật chung quanh chạy vòng vòng hoặc cảm tưởng mình lắc lư muốn té về trước hoặc về sau, như cảm giác say sóng lúc đi trên biển.

Thường vertigo gây ra do bịnh lý của một bộ phận trong phần tai trong (inner ear, internal ear) còn gọi là “mê đạo” (labyrinth) vì nó gồm nhiều ống chứa đầy một chất dịch nối liền với nhau.

 

19Dhvhcmb1

 

Fig 1:Tai trong: Mê đạo màng (membranous labyrinth, màu xanh) nằm trong mê đạo trong xương (bony labyrinth) (Source: wikipedia)

Giải thích thần kinh cơ thể học

Trong “mê đạo” (labyrinth) có một phòng nhỏ   gọi là tiền đình (vestibule), chứa một túi nhỏ (saccule and utricle) gắn liền với 3 ống nhỏ , tròn (ống bán khuyên, semicircular canals/ducts), nằm trên 3 mặt bằng khác nhau nhưng gắn liền chụm vào nhau (superior, posterior and lateral semicircular canals), chứa đầy một chất dịch lỏng.

Mỗi lần đầu chúng ta quay qua lại, gật đầu, ngẩng đầu, nước dịch này di chuyển trong các ống bán khuyên và kích thích các tế bào lông (hair cells, cilia) trong ống. Các tế bào này phát tín hiệu vào não bộ, não bộ phân tích để biết phương hướng mới của cơ thể trong lúc di chuyển.

Mê đạo thu nhận những tín hiệu về âm thanh (thính giác), từ bộ phận gọi là gọi là con ốc [cochlea]). Những tín hiệu về phương hướng, vị trí cơ thể đến từ tiền đình (vestibule). Những tín hiệu này được truyền qua não bộ bằng thần kinh tiền đình (vestibular nerve), là một thành phần của dây thần kinh số 8 (8th cranial nerve, vestibulocochlear nerve).

Nếu vì một lý do gì đó, tiền đình một bên bị rối loạn sẽ gởi những tín hiệu sai lạc, là chúng ta cảm thấy sự vật chung quanh xoay vòng vòng (vertigo, spinning sensation) hoặc "lắc lư con tàu đi" (say sóng, dizziness, imbalance).

a) Bịnh chóng mặt từng cơn lành tính tùy thuộc tư thế (Benign Paroxysmal Positional Vertigo/ BPPV)

Trong tiền đình (vestibule), còn có hai bộ phận nhỏ gọi là bộ phận đá tai (otolith organs: utricle and saccule) , trong đó có những vật nhỏ gọi là "đá tai" (otolith; oto=tai, lith =đá; nhưng thật ra là những tinh thể rất nhỏ kết tụ với nhau); chúng di động lúc đầu chúng ta lên xuống cao thấp, di chuyển trước sau, phải trái bên này qua bên kia, chúng cho biết vị trí đầu chúng ta so với chiều sức hút quả đất (gravity); (ví dụ lúc đi thang máy chạy lên khác chạy xuống) và gia tốc (acceleration; ví dụ lúc xe chúng ta ngồi chạy vọt lên).

Trong một số trường hợp như bị đánh vào đầu, nằm lâu bất động trong một tư thế nào đó lúc giải phẫu tai hay chữa răng, các "đá tai" này chạy lạc vào trong các ống bán khuyên, tạo nên tín hiệu bất thường làm chóng mặt. Bịnh nhân bị chóng mặt từng cơn, tái đi tái lại, thường khởi xướng bởi một thay đổi trong vị trí của đầu mình. Mỗi cơn kéo dài chừng một phút thì giảm, đi kèm theo với hai tròng mắt di động, giật nhịp nhàng (nystagmus); có thể làm lảo đảo, nôn mửa. Bác sĩ chữa bằng cách đặt đầu bịnh nhân vào nhiều tư thế khác nhau để tìm cách đưa các "đá tai" ra khỏi vòng bán khuyên.

b) Viêm tiền đình

Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra viêm tiền đình (vestibular neuritis, ảnh hưởng trực tiếp đến phần thăng bằng) là do ảnh hưởng của một virus, vd bịnh nhân bị cúm (influenza), nhiễm virus herpes (gây lở miệng, trái rạ [thuỷ đậu, chicken pox], hay bịnh zona [giời ăn, herpes zoster, shingles]. Có thể nguyên nhân do một loại vi khuẩn là nhiễm trùng tai giữa và ảnh hưởng đến tai trong (tiền đình thuộc về tai trong). Hiếm hơn, viêm thần kinh tiền đình có thể do viêm màng óc (meningitis).

Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

Ngày 4 tháng 11 năm 2019

Edited for Lang hue (11-18-19)