"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

 

Tam Thập Nhi Lập

 

Mới đây, trang tin tức BBC có bài tựa như sau: “Các khoa học gia nói: "Con người ta đến 30 tuổi mới là tuổi 'trưởng thành'”(People don't become 'adults' until their 30s, say scientists). Ý các nhà khoa học về não bộ muốn nói là không phải cứ đến một tuổi nào đó do luật pháp quy định   như 18 tuổi, 21 tuổi là người thanh thiếu niên đột nhiên trở thành người lớn trưởng thành. Các khảo cứu cho thấy lúc 18 tuổi, não bộ vẫn còn những biến chuyển ảnh hưởng đến hành vi (behavior) và làm cho một cá nhân dễ bị những chứng rối loạn về tâm thần hơn. Theo các nhà nghiên cứu đây là một chuyển biến nhẹ nhàng xảy ra trong vòng ba thập kỷ ("It's a much more nuanced transition that takes place over three decades.") Điểm này cũng đặt những câu hỏi quan trọng về pháp lý. Ví dụ, có cần xét xử các tội hình sự do thủ phạm tuổi từ 18 đến 25 tuổi khác với những tội phạm trên 25 tuổi hay không, vì cũng theo báo cáo của Hạ Viện Anh, đa số các người trẻ dính líu tới tội phạm lúc qua 25 tuổi thì họ không còn làm những chuyện phi pháp nữa.

Các khoa học gia nhận thấy các khả năng như chú ý, quyết định và cân nhắc các cơ nguy để quyết đoán chỉ phát triển đầy đủ vào khoảng năm 30 tuổi. Những thay đổi trên kỹ thuật hình ảnh y khoa cho thấy vùng xám của não bộ mỏng hơn trước đồng thời vùng trắng dày thêm ra. Trong chất trắng (white matter), sự phát triển phản ảnh tình trạng kết nối gia tăng (increased connectivity) giữa các thành phần của não bộ. Trong vùng xám (grey matter) là vùng chứa các tế bào thần kinh, xảy ra hiện tượng "pruning" (xén tỉa), làm cho bộ phận này chuyên môn hoá hơn và hoạt động hữu hiệu hơn.(Fig 1)

19Bhvhtt1

 

Hình 1: Chất xám phát triển nhanh lúc thời thơ ấu, đến thể tích tối đa lúc 11 tuổi ở con gái và 13 tuổi ở con trai. Sau tuổi này thể tích chất xám giảm xuống từ từ.

Phần não vẫn tiếp tục phát triển là vỏ não trước-trán (prefrontal cortex), nơi phụ trách những cơ năng "điều hành" (executive function) như sự chú ý, việc lập kế hoạch phức tạp, ra quyết định, kiểm soát các xung lực (impulses), tư duy lý luận (logic), tư duy có tổ chức, phát triển nhân cách, quản lý rủi ro và trí nhớ ngắn hạn. Tuy nhiên, khó mà minh định chính xác thế nào là một não bộ hoàn chỉnh để dùng làm điểm tham chiếu (point of reference).

19Bhvhtt2

Hình2 : Vỏ não trước-trán (prefrontal cortex).

Chúng ta còn nhớ hồi ở Việt nam mấy mươi năm trước, đậu tú tài lúc 18 tuổi là có thể trở nên cô giáo tiểu học làm “kỹ sư tâm hồn” cho các em, hay phái nam thì đi quân trường Thủ Đức trở thành sĩ quan nắm mạng sống nhiều người trong tay. Kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp lúc trên dưới 21 tuổi và xã hội kỳ vọng rất nhiều vào những "trí thức" trẻ đó. Triết gia Phạm Công Thiện từng gây nhiều tranh luận, xuất bản sách triết học và giữ chức vụ lãnh đạo tại Đại học Vạn Hạnh lúc ông mới 25 tuổi. PCT sinh năm 1941, "từ năm 1966-1968, ông là giám đốc soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả các phân khoa của Viện Đại học Vạn Hạnh. Từ năm 1968-1970, giữ chức trưởng phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của viện đại học. Tại đây ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng".(theo Wikipedia)

Nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1906-1963) mua lại báo Phong Hóa và thành lập Tự Lực Văn Đoàn ảnh hưởng sâu rộng văn học Việt Nam lúc ông mới 28 tuổi. Phần lớn các tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông viết trước tuổi 30, gồm những cuốn Gánh hàng hoa (cùng Khái Hưng, 1934), Đời mưa gió (cùng Khái Hưng, 1934), Nắng thu (1934), Đoạn tuyệt (1934-1935), Lạnh lùng (1935-1936), Đôi bạn (1936-1937).

Em của Nhất Linh, Thạch Lam, với một di sản đáng kể trong văn học, mất sớm lúc 32 tuổi.

Tuy chúng ta không biết đích xác ngày sinh của Trần Hưng Đạo, nhưng có lẽ giữa 1228-1231, vài năm sau khi nhà Trần mới thành lập (1225). Vậy lúc ông phụ trách phòng thủ chống cuộc tấn công của quân Mông Cổ lần thứ nhất, ông mới 29 tuổi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 9 (1257), Trần Thái Tông xuống chiếu, lệnh cho tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới (phía Bắc) theo sự tiết chế của Quốc Tuấn". (Wikipedia)

Lúc mới 29 tuổi Napoleon Bonaparte (1769-1821) đã dẫn một đạo thuỷ quân chiếm Ai cập, cắt đường liên lạc của Đế quốc Anh với thuộc địa của họ bên Ấn Độ, đánh chiếm một vùng của Trung Đông thuộc Đế quốc Ottoman, và đám tuỳ tùng gồm nhiều khoa học gia đạt được những thành tựu lớn lao khai sáng khoa khảo cổ Ai Cập.

Ở Mỹ, tuổi trung bình của người nhận bằng tiến sĩ PhD là 32 tuổi, tuỳ theo ngành, tuỳ theo thí sinh bắt đầu vào chương trình tiến sĩ ngay sau khi học cấp thạc sĩ (Masters) hay sau khi đã hành nghề ngoài đời một thời gian. Do đó các ngành về khoa học, kỹ thuật, tân tiến sĩ tuổi chừng 30-31, bên phía giáo dục, nhân văn, các tân tiến sĩ gần với tuổi 40 hơn (theo Quora).

Chúng ta có thể nhìn vấn đề dưới một góc cạnh khác, và xem như những nhân vật này đã "lập" được cơ sở của sự nghiệp của mình khoảng năm 30 tuổi, và sau đó nếu còn thời gian hay cơ hội sẽ "triển khai" thêm nữa.

Hiện nay, Mỹ có dân biểu trẻ và rất ồn ào Alexandria Ocasio-Cortez dưới 30 tuổi, những người thành công trong công nghệ tin học, internet lúc vừa qua tuổi đôi mươi, như Zuckerberg sáng lập công ty Facebook lúc 20 tuổi. Như trong vở kịch thế kỷ thứ 17 "Le Cid" của Corneille, chàng trai trẻ nói: "Tôi còn trẻ thật đấy, nhưng với những tâm hồn sinh ra cao cả, giá trị không cần đợi tuổi" (Je suis jeune, il est vrai, mais aux âmes bien nées la valeur n'attend point le nombre des années. »). Họ là những ngoại lệ. Thời nào cũng vậy, có những lúc tài không đợi tuổi, cũng như ngày xưa trong xã hội biến động của chúng ta thời thế tạo anh hùng. Tuy nhiên sự thành công vượt trội trong một lãnh vực nào đó như thể thao, gây tiếng tăm, phát minh khoa học, sáng tác nghệ thuật không có nghĩa là con người họ đã đạt tới sự phát triển toàn diện.

Thời nay, thông thường các cô cậu vẫn tự coi mình là "kids" sau khi tốt nghiệp college, và không cố tình mang vẻ “trí thức” , “ông cụ” như thế hệ thời giữa thế kỷ 20. Theo Hàn Lâm Viện Nhi Khoa Hoa kỳ (AAP), không phải bịnh nhân cứ qua đến 21 tuổi là ra khỏi lãnh vực "nhi khoa" (pediatrics), bác sĩ cũng như bịnh nhân mới là người quyết định lúc nào thì nên chuyển việc săn sóc sức khỏe từ bác sĩ nhi khoa (pediatrician) qua bác sĩ "người lớn" (nội khoa, bác sĩ gia đình).

“Nghiên cứu gần đây đã bắt đầu làm sáng tỏ hơn về sự tiến triển của sự phát triển tinh thần và cảm xúc khi trẻ em đi từ những năm vị thành niên (adolescent) đến giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành (young adult). Càng ngày càng thấy rõ rằng độ tuổi 21 là một ranh giới phân định tùy tiện cho giai đoạn niên thiếu (adolescence) vì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự phát triển của não bộ không đạt đến mức độ hoạt động của người trưởng thành cho đến cuối thập kỷ thứ ba của cuộc đời. Học sinh ở trường đại học cho đến quá 20 tuổi, và nhiều người tiếp tục ở nhà cha mẹ sau khi tốt nghiệp vì lý do tài chính cũng như do mức phát triển chưa đạt. Ngoài ra, do số trẻ em có nhu cầu chăm sóc sức khỏe đặc biệt sống sót đến tuổi trưởng thành vẫn tiếp tục tăng, những bệnh nhân này phải đối mặt với việc tiếp cận hạn chế với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một khi các dịch vụ hỗ trợ, chuyên khoa chấm dứt ở tuổi 21. Người khuyết tật mới tới tuổi trưởng thành thường bị hạn chế khi tiếp cận với các bác sĩ vừa được đào tạo để chăm sóc người lớn và vừa có kiến ​​thức cần thiết về những vấn đề bắt nguồn từ thời thơ ấu của bịnh nhân.” (AAP Policy Statement 2016)

Thật ra vấn đề này cũng không mới đối với người Việt chúng ta từng quen với Nho học. Cách đây hơn hai ngàn năm, Khổng Tử đã nói về chuyện đến 30 tuổi con người mới tự lập được, dù là trong xã hội khá giản dị của thời Xuân Thu nước Tàu hồi đó chứ không phải xã hội toàn cầu hoá, với nền kinh tế tri thức của chúng ta bây giờ.

Khổng tử người nước Lỗ (là chư hầu của nước Chu) lấy vợ và làm quan nhỏ giữ kho năm 19 tuổi. Năm 22 tuổi lập trường dạy học. Đến năm 30 tuổi, mới được vua nước Lỗ ban cho phương tiện đến Lạc Dương nghiên cứu luật lệ, thư tịch và nhất là việc tế lễ. Sau vài năm, ông trở về nước Lỗ dạy học. Có thời gian ông đi chu du giảng thuyết trong 14 năm mà không ai dùng ông, khi về đến nhà thì vợ ông đã mất. Đến tuổi 51, ông mới được vua nước Lỗ mời ra làm quan.Theo Khổng Tử, khả năng sống của con người phát triển theo từng giai đoạn cho đến tuổi già , chứ không phải cứ đến tuổi nào đó là nẩy nở hoàn toàn thành một con người toàn diện. "Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên-mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, và thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ" (Ta tới mười lăm tuổi mới chuyên-chú vào việc học, ba mươi tuổi mới tự-lập, bốn mươi tuổi mới thấu-hiểu hết sự lý trong thiên-hạ, năm mươi tuổi mới biết mệnh trời, sáu mươi tuổi mới có kiến-thức và kinh-nghiệm hoàn-hảo để có thể phán-đoán ngay được mọi sự-lý và nhân-vật mà không thấy có điều gì chướng-ngại khi nghe được, và bảy mươi tuổi mới có thể nói hay làm những điều đúng theo ý-muốn của lòng mình mà không ra ngoài khuôn-khổ đạo-lý (dịch nôm theo Vietsciences-KCPKT).

Nhân bàn đến chuyện này, nhớ đến câu ngạn ngữ tiếng Pháp "Nếu lúc trẻ mà biết được, nếu lúc già mà có sức để làm được" (Si jeunesse savait, si vieillesse pouvait/ If youth only knew, if age only could!). Người trẻ nên nhớ rằng không nên quá tự tin về kiến thức mới mẻ vừa học được mà vội chê trách thế hệ đi trước "phản động" hay "hũ lậu". Ngược lại, người già chúng ta cũng nên thông cảm cho tuổi trẻ bồng bột và kiên nhẫn sẵn sàng giúp đỡ họ, hướng dẫn họ lúc họ yêu cầu, lúc họ cần hay lúc họ té ngã.

BS Hồ Văn Hiền

Ngày 29 tháng 3 năm 2019