"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

Chữ Thời Và Đồng Hồ Sinh Học

 

Chúng ta không lạ gì với sự quan trọng của yếu tố thời gian trong sự thành bại của cuộc đời.

Sau khi phò vua Trùng Quang Đế của nhà Hậu Trần thất bại, Đặng Dung (TK15) than trong bài thơ tự sự Thuật hoài :

Thời lai đồ điếu thành công dị,

Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.

(Khi gặp thời, người làm nghề hàng thịt, kẻ câu cá cũng dễ thành công,

Lúc lỡ vận, bậc anh hùng đành phải nuốt hận nhiều.)

Trong Kinh Dịch ý nghĩa chính vẫn là chữ thời; bói dịch để biết xem thời cơ như thế nào, nên tiến tới, bước ra, hay nên rút lui về ở ẩn. Cho nên đối với kẻ sĩ, thời cơ rất quan trọng, như Nguyễn Công Trứ từng viết trong bài thơ Kẻ Sĩ:

Lúc vị ngộ hốt tàng nơi bồng tất

Hiêu hiêu nhiên điếu Vị, canh Sằn,

(Bồng tất là tên hai loài cỏ ; chốn thảo dã kẻ sĩ ẩn thân lúc chưa gặp thời

Lã Vọng xưa ngồi câu trên sông Vị ; canh Sằn : tích Y Doãn xưa làm ruộng ở đất Sằn.)

Đấy là lúc thất bại, tự an ủi rằng mình chưa gặp thời. Lúc gặp thời cơ, thì coi chừng, người đời sẽ phê rằng "Chó ngáp phải ruồi!".

Tây phương cũng coi chữ thời là quan trọng. Trước đây, năm 1959, có phim Mỹ do John Gavin đóng, một câu chuyện về tình yêu và chết chóc rất 'tình cờ' trong thế chiến thứ hai, rất thành công ở Pháp có lẽ vì Thế chiến II giữa Pháp và Đức còn dư âm mạnh sau mười mấy năm. Tôi còn nhớ phim này cũng được hưởng ứng rầm rộ ở Việt nam, có lẽ vì chúng ta sống trong hoàn cảnh chiến tranh tương tự. Sống trong chiến tranh, thời cơ, cơ hội không biết bao giờ mới đến mà tai ương, bom đạn, phục kích, đảo chánh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nơi nào. Chúng ta không tính toán về tương lai được như trong xã hội bây giờ trong đó mọi tình huống đều được thu xếp theo hẹn, được tiên liệu. Phim dựng theo cuốn truyện của tác giả người Đức Erich Maria Remarque: "Một thời để yêu và một thời để chết" (Le Temps d'aimer et le Temps de mourir, nguyên tựa tiếng Anh; A Time to Love and a Time to Die). Mọi chuyện sẽ đến lúc nó phải đến, theo 'thời' riêng của nó, khổ nổi chúng ta không biết bao giờ thôi.  Có lẽ tựa này liên hệ với đoạn Ecclesiastes 3 của Thánh Kinh:

Mỗi chuyện đều có một thời riêng,

Và một mùa riêng cho mỗi hoạt động dưới thế gian;

Một thời để sinh ra và một thời để chết,..

 

Sinh học và y học hiện nay để ý nhiều đến yếu tố thời gian, thời điểm, đến các chu kỳ sinh học và tác dụng của chúng trên sinh lý, bệnh lý và trên tác dụng của điều trị. Ngành khoa học này gọi là chronobiology, chrono=thời gian, thời điểm biology=sinh học.

19Dhvhct1

Fig 1: Chu kỳ sinh học 24 giờ (circadian rhythm): Ngủ sâu nhất lúc 2 giờ sáng, áp huyết gia tăng nhanh nhất lúc 6:45, mức testosterone cao nhất lúc 9 giờ sáng; tỉnh táo nhất lúc 10 giờ sáng; phối hợp cử động tốt nhất 14:30; phản ứng nhanh nhất 15:30; sức lực cơ bắp cao nhất 17:00; áp huyết cao nhất 18 giờ; nhiệt độ cơ thể cao nhất 19:00.(Nguồn : Wikipedia)

Có những chu kỳ 24 giờ (circadian rhythm), trong đó có những sinh vật hoạt động ban ngày lúc trời sáng, hay ban đêm, hay chỉ hoạt động lúc mặt trời lặn (một số nai, dơi). Có những chu kỳ dài hơn như kinh nguyệt phụ nữ (nguyệt = mặt trăng, tháng, chúng ta nói 'có tháng'= có kinh), hay đối với thú vật di chuyển theo mùa, giao hợp theo mùa. Có những chu kỳ ngắn hơn một ngày, chỉ vài giờ, như chu kỳ trong giấc ngủ, với những giai đoạn hai mắt có những cử động nhanh (rapid eye movement hay REM sleep kèm theo những giấc mơ) kéo dài 90 phút. Hay chu kỳ sản xuất hormone tăng trưởng là những đợt 3-5 giờ một lần, cho nên nếu chúng ta đo mức growth hormone ngoài những điểm tăng vọt đó, kết quả không phản ảnh mức hormone thực sự.

Thời Alexander Đại đế người ta đã nhận xét lá cây me mở ra ban ngày và đóng lại ban đêm. Sau này, người ta chứng minh là việc này không tùy thuộc yếu tố môi trường, dù có ánh nắng hay không. Hiện nay người ta giải thích bằng các "di thể giao động" (oscillating genes), với biểu hiện của chúng thay đổi tùy thời điểm trong ngày.

Khoa học đang tìm cách khai thác các thay đổi theo chu kỳ này để áp dụng trong y khoa, ngành này gọi là trị liệu pháp theo thời gian. (chronotherapy).

Năm 1970, Seymour Benzer và học trò Ronald Konopka đặt câu hỏi liệu có thể xác định được các gen kiểm soát nhịp sinh học ở ruồi giấm (Drosophila melanogaster, common fruit fly hay vinegar fly) hay không. Họ đã chứng minh rằng đột biến ở một gen chưa được xác định đã làm rối loạn đồng hồ sinh học (biological clock) của ruồi. Họ đặt tên gen này là 'period gene', tạm dịch là 'gen thời đoạn'. Nhưng làm thế nào gen này có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học? Năm 1984, Jeffrey Hall và Michael Rosbash, cùng làm việc tại Đại học Brandeis ở Boston và Michael Young tại Đại học Rockefeller ở New York, đã thành công trong việc cô lập 'gen thời đoạn' (viết tắt là ‘per’). Jeffrey Hall và Michael Rosbash sau đó tiếp tục phát hiện ra rằng PER, protein được mã hóa bởi gen thời đoạn per, được tích lũy vào ban đêm và bị biến chất vào ban ngày. Do đó, mức protein PER dao động trong chu kỳ 24 giờ, đồng bộ với nhịp sinh học.

Năm 2017, giải Nobel về Sinh Lý và Y Học được trao cho 3 nhà khoa học người Mỹ nói trên. Theo Uỷ Ban trao giải Nobel của Viện Karolinska:

“Sự sống trên Trái đất thích nghi với vòng quay của hành tinh chúng ta. Trong nhiều năm, chúng ta đã biết rằng các sinh vật sống, bao gồm cả con người, có đồng hồ sinh học bên trong giúp chúng dự đoán và thích nghi với nhịp sống đều đặn trong ngày. Nhưng làm thế nào để đồng hồ này thực sự hoạt động? Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young đã nhìn được vào bên trong đồng hồ sinh học của chúng ta và làm sáng tỏ hoạt động bên trong của nó. Những khám phá của họ giải thích cách các thực vật, động vật và con người biến đổi nhịp sinh học của mình để nó được đồng bộ hóa với sự xoay vần của Trái đất.

Sử dụng ruồi giấm làm sinh vật mẫu, các nhà đoạt giải Nobel Nobel năm 2017 đã cô lập được một gen kiểm soát nhịp sinh học bình thường hàng ngày. Họ cho thấy gen này mã hóa một loại protein tích lũy trong tế bào về đêm, và sau đó bị thoái hóa lúc ban ngày. Sau đó, họ đã xác định các thành phần protein bổ sung của bộ máy này, phô bày cơ chế điều khiển cái đồng hồ tự nó được duy trì bên trong tế bào. Hiện nay, chúng ta nhận diện được đồng hồ sinh học hoạt động theo các nguyên tắc tương tự trong các tế bào của các sinh vật đa bào khác, kể cả con người.

Với độ chính xác tinh tế, đồng hồ bên trong của chúng ta điều chỉnh sinh lý của chúng ta theo các giai đoạn thật rất khác nhau trong mỗi ngày. Đồng hồ điều chỉnh các chức năng quan trọng như hành vi (behavior), mức độ hormone, giấc ngủ, nhiệt độ cơ thể và sự chuyển hóa (metabolism). Sức khỏe của chúng ta bị ảnh hưởng khi môi trường bên ngoài của chúng ta và đồng hồ sinh học bên trong này không ăn khớp, trật nhịp trong thời gian, ví dụ như khi chúng ta đi băng qua một số múi giờ và trải nghiệm ‘jet lag’ lúc máy bay phản lực đi xuyên qua nhiều múi giờ khác nhau. Cũng có những dấu hiệu cho thấy nếu nhịp sống của chúng ta và nhịp điệu được chỉ định do đồng hồ sinh học sai biệt quá nhiều, nguy cơ mắc một số bịnh có thể vì thế mà gia tăng.”(1)

Trong một nghiên cứu được công bố năm ngoái trên tờ The Lancet, các nhà nghiên cứu ở Pháp đã phát hiện ra rằng những bệnh nhân phẫu thuật tim vào buổi chiều ít có khả năng bị biến chứng, như tổn thương mô, so với những người phẫu thuật tim vào buổi sáng. Phân tích các mẫu sinh thiết cho thấy nhịp sinh học tương quan với khả năng của tế bào tim có thể sống sót sau khi mất oxy tạm thời và sau đó phục hồi oxy trong quá trình phẫu thuật. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra hiệu ứng này đối với hoạt động theo chu kỳ của một loại protein có tên Rev-Erbα, thể hiện mức độ cao vào buổi sáng và thấp vào buổi chiều.

Trong số 200 triệu người trên thế giới sử dụng statin hàng ngày để giảm mức cholesterol, nhiều người có thể được hưởng lợi từ liệu pháp chronotherapy nếu họ uống thuốc vào buổi tối theo chỉ dẫn. Mức enzyme reductase 3-hydroxy-3-methylglutaryl coenzyme A (HMG CoA) mà statin chống lại được biết là cao nhất về đêm. Uống thuốc statin chống lại chất enzym này vào buổi tối do đó là hợp lý hơn cả. Tuy nhiên trên lâm sàng (clinical trial) chưa chứng minh rõ ràng là điều này có lợi thực sự trong thực tế. (2)

Năm 2001, hai nhóm các nhà dịch tễ học làm việc với các bộ dữ liệu độc lập đưa ra kết luận giống nhau: những phụ nữ thường xuyên làm ca đêm (‘graveyard shift’, để chỉ ca làm việc từ nửa đêm tới 8 giờ sáng) có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Các nghiên cứu sau đó đã thiết lập mối liên hệ giữa ca làm việc ban đêm và ung thư ruột kết (ruột già), tuyến tiền liệt (prostate cancer) và nội mạc tử cung (endometrial cancer) - khiến Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Thế giới của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2007 chỉ định làm việc ca đêm liên quan đến gián đoạn sinh học có thể là một nguyên nhân gây ung thư.

19Dhvhct2

Fig 2: Ít vận động, ăn uống theo giờ giấc thất thường, dùng ánh sáng nhân tạo góp phần tạo nên tình trạng chu kỳ sinh học bị rối loạn, dẫn đến mất quân bình nội tiết, rối loạn giấc ngủ, áp huyết cao, tim đập nhanh, gây ra bịnh tim mạch (Nguồn hình ảnh: Journal of Circadian Rhythm)

Trong lãnh vực chống ung thư, các nhà khảo cứu cũng đang tìm cách đưa thuốc chống ung thư vào cơ thể người bịnh ở thời đoạn lý tưởng, nếu có, lúc mà chúng tác dụng mạnh nhất trên tế bào ung thư nhưng cũng là lúc mà các tế bào lành mạnh của cơ thể ít bị tác hại nhất do thuốc. Ngành học nghiên cứu về tác dụng của thuốc và cách dùng thuốc tùy theo thời điểm của đồng hồ sinh học gọi là chronopharmacology (tạm dịch "thời-dược học")

Một trong những nhà khảo cứu tích cực nhất là bác sĩ giáo sư gốc Việt Đặng Văn Chí, cựu phó khoa trưởng trường Y Khoa John Hopkins nổi tiếng của Mỹ. Bác sĩ Chí là con của Bác sĩ Đặng văn Chiếu, bác sĩ giải phẫu thần kinh đầu tiên ở miền nam VN, trước 1975 là Khoa Trưởng trường Đại Học Y khoa Sài Gòn. BS Chí nói" Thời gian là một thực tế rất bất tiện mà các bác sĩ chữa ung thư cũng như nhà khảo cứu bịnh ung thư không thể bỏ lơ được.(3)

Như tựa đề một cuốn sách của Hồ Biểu Chánh, "ăn theo thuở ở theo thời", chúng ta vẫn biết yếu tố thời gian quan trọng trong mọi mặt đời sống chúng ta. Ước mong khoa học càng ngày càng nhận ra sự thật này và đem đến những tiến bộ giúp chúng ta sống, bảo vệ sức khỏe cũng như chữa bệnh một cách hòa điệu hơn với sinh lý cơ thể của chúng ta, và hoà điệu với thiên nhiên.

Tham khảo:

1)The Nobel Prize in Physiology or Medicine 2017

https://www.nobelprize.org/prizes/medicine/2017/press-release/

2) David Adam: Core Concept: Emerging science of chronotherapy offers big opportunities to optimize drug delivery

https://www.pnas.org/content/116/44/21957

3)How to ruin cancer’s day

By taking advantage of differing circadian rhythms in healthy cells and tumors, researchers hope to add a powerful new tool for treating the disease.

By Elie Dolgin 05.01.2018https://www.knowablemagazine.org/article/health-disease/2018/how-ruin-cancers-day

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 23 tháng 12 năm 2019