"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc." ** Trần Bình Trọng **

 

Bệnh Viêm Nặng Trẻ Em Thời Dịch COVID-19

Phụ huynh cần phải làm gì?

20Bhvhbvn1 

Fig 1: Nổi ban/rash ngoài da do coronavirus.

Mới đây, trong khung cảnh của dịch COVID-19, một hội chứng mới xuất hiện được gọi là "hội chứng viêm đa hệ thống" (multisystem inflammatory syndrome).

-Gọi là hội chứng, vì chúng ta chưa hiểu rõ nguyên nhân gây ra chúng , chỉ biết các triệu chứng đặc biệt này đi cùng với nhau (gốc Latinh: ‘syn’ có nghĩa là cùng với nhau, ‘dromo’ nghĩa là chạy).

-Viêm (chữ Hán, hai chữ 'hoả' chồng lên nhau, nghĩa đen là ngọn lửa, như trong tiếng Anh hay Pháp 'inflammation' có ‘flame’ là ngọn lửa) thường gồm đỏ, sưng và đau; ở đây gọi là viêm là vì có biểu hiệu của các thành phần của hiện tượng viêm ở mức tế bào: sản xuất chất cytokines ( ví dụ interferon, interleukin, là những phần tử protein nhỏ được tế bào hệ miễn nhiễm sán xuất trong mục đích điều khiển các tế bào khác - “cell signaling”), các protein đặc hiệu của tình trạng cấp tính, tăng hiện diện các bạch cầu; do tác dụng của cytokines làm mạch máu giãn nở và vách các mao quản để huyết dịch thoát ra ngoài vào mô nhiều hơn ( cytokines, acute-phase proteins and leukocytes; vasodilation, increased capillary permeability).

-Đa hệ thống là vì bệnh liên hệ đến các hệ thống (system) khác nhau của cơ thể như hô hấp, tim mạch, thần kinh, niệu (urinary system).

Hội chứng này hiếm, nhưng vì cho đến nay COVID-19 thường không ảnh hưởng nhiều đến trẻ em, bây giờ lại gây bệnh quan trọng vì thế đây là một biến chuyển cán chú ý trong bệnh dịch.

Bệnh này có nhiều điểm tương đồng với bệnh Kawasaki, tuy nhiên đa số các nhà khảo cứu cho rằng đây là một bệnh khác bệnh Kawasaki.

Bệnh Kawasaki

Thỉnh thoảng có bệnh nhân trẻ em mắc phải một loại phát ban (skin rash) mang tên "bệnh Kawasaki" ( Kawasaki disease (KD), mucocutaneous lymph node syndrome, Kawasaki syndrome) là một loại bệnh trẻ em được ghi nhận đầu tiên ở Nhật (Tomisaku Kawasaki, 1967), sau đó thấy xuất hiện ở nhiều nơi. Ðặc biệt trẻ mắc bệnh Kawasaki nóng li bì hơn cả tuần lễ làm bác sĩ rất phân vân không biết cháu bị bệnh gì, da ra ban màu đỏ, lột da nhất là đầu ngón tay, chân, lưỡi sưng đỏ như trái dâu (strawberry tongue), lở miệng, mắt đỏ ( viêm kết mạc, conjunctivitis), sưng hạch, các mạch máu nuôi tim bị giãn nở (dilation, aneurysm of coronary arteries; phình động mạch vành). Nếu bác sĩ định bệnh trúng thường chữa trị chữa bằng kháng thể immunoglobulin truyền vào tĩnh mạch (intravenous) trong vài ngày (rất đắt tiền), kèm theo với aspirin, nếu không nhận ra bệnh có thể gặp nhiều hậu quả nguy hại.

Phình động mạch vành của cơ tim xảy ra trong chừng 25% trường hợp bệnh. Nếu chữa bằng immunoglobulin, biến chứng này giảm xuống còn 3-5%.

Ở Mỹ, trong 1 năm, trong 100.000 trẻ em dưới 5 tuổi, có 25 em mắc bệnh này. Ở Nhật, tần số cao gấp 10 lần, nghĩa là 250/100,000 em/ năm (incidence). Không biết incidence ở Việt Nam là bao nhiêu.

20Bhvhbvn2

Fig 2: Bệnh Kawasaki : lưỡi sưng đỏ như trái dâu, lở miệng

Các báo cáo khoa học mới đây về bệnh do viêm đa hệ thống ở trẻ em sau khi nhiễm coronavirus SARS-CoV-2:

Tại Ý (1), so sánh 10 trường hợp bệnh mới này với 19 trường hợp bệnh Kawasaki (KD), người ta thấy:

-Bệnh này xảy ra nhiều hơn KD (10 ca trong 2 tháng so với 19 ca KD trong 5 năm tại cùng 1 bệnh viện).

-Lượng các tiểu cầu (platelets) thấp hơn là KD; hiện diện các bạch cầu tương tự như trong COVID-19

-Không có trường hợp nào chết.

-Hội chứng này nặng hơn KD, có biến chứng tim mạch nhiều hơn, gây shock cho 5 trẻ em (điều này không xảy ra cho nhóm KD), nhiều bệnh nhân cần dùng corticoid hơn là KD.

-Bệnh nhân trên 5 tuổi, trung bình là 7 1/2 tuổi so với 3 tuổi đối với KD.

-8 bệnh nhân test dương tính với COVID-19, 2 bệnh nhân kia có lẽ âm tính do thử nghiệm không đủ nhạy cảm. Một bệnh nhân đã được điều trị bằng một liều lớn immunoglobulin nên có lẽ đã ảnh hưởng trên thử nghiệm.

-Các bệnh nhân đã bị nhiễm coronavirus mấy tuần trước. Khác với những trường hợp thông thường bị virus tấn công vào phổi và gây suy hô hấp, bệnh này là một phản ứng chậm (delayed reaction) của hệ miễn nhiễm của cơ thể sau khi tiếp xúc với coronavirus COVID-19.

Báo Lancet (2) cũng đăng một lá thư của bác sĩ Anh quốc mô tả 8 trường hợp của trẻ em 4-14 tuổi bị "shock do viêm tăng" (Hyperinflammatory shock in children) trong thời gian dịch COVID, tương tự như "Hội chứng shock của Bệnh Kawasaki”. Đa số các bệnh nhân đều không có bệnh phổi, nhưng có ban ngoài da, nóng sốt kéo dài, đau nhức tay chân, viêm kết mạc, sưng ngón tay chân, triệu chứng tiêu hoá, dần dần đi đến shock ; tràn dịch trong màng phổi, màng tim, màng bụng (phúc mạc), chứng tỏ nhiều bộ phận bị ảnh hưởng cùng một lúc. Các bệnh nhân được chữa bằng immunoglobulin, aspirin, thuốc trợ tim mạch trị shock, corticoid và kháng sinh (để chặn nhiễm trùng thêm). Một bệnh nhân chết vì tim loạn nhịp. Các thử nghiệm tìm siêu vi SARS-CoV-2 trong chất nhớt hút từ cuống phổi đều âm tính, nhưng kháng thể chống COVID-19 lại có mặt trong máu, do đó các bác sĩ nghĩ rằng hội chứng siêu miễn nhiễm này xảy ra trên những người bệnh trước đây từng nhiễm coronavirus nhưng không có triệu chứng và đã hồi phục. Sau loạt 8 cas này, có thêm 20 cas nữa tương tự.

Trong tuần này (5/13/20) “Hội Chứng Viêm Đa Hệ Thống trong Nhi Khoa” (pediatric multisystem inflammatory syndrome) đã được báo cáo ở khoảng 100 trẻ em ở bang New York, trong đó có 3 người chết. Các trường hợp tương tự đã được báo cáo ở các tiểu bang khác, bao gồm Louisiana, Mississippi và California,).

Cũng đã có ít nhất 50 trường hợp được báo cáo ở các nước châu Âu, bao gồm ở Pháp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Anh, trong đó ít nhất một trường hợp tử vong đã được quy cho hội chứng này (theo báo NYT)(4)

Tóm lại , sau các trường hợp bệnh COVID-19 thường xảy đến cho người lớn, nhất là người già, dưới dạng {ho-khó thở-viêm phổi-suy hô hấp}, có một loại bệnh mới xảy ra trên những trẻ em đã từng nhiễm coronavirus ( nhưng không có hoặc ít triệu chứng). Bệnh có thể biểu hiện với những triệu chứng giống như bệnh Kawasaki: nóng sốt kéo dài - ban hay mẩn đỏ, tím ngoài da - phình động mạch vành (tim). Và bệnh nặng hơn, có thể chết người, gọi là “shock do viêm tăng “ có thể đi tới tử vong (hyperinflammatory shock syndrome)( có thể so sánh với bệnh shock do siêu vi dengue gây ra sốt xuất huyết ở Việt Nam vào mùa mưa, nhưng chưa biết được)

Định nghĩa trường hợp bệnh

CDC, cơ quan kiểm soát bệnh của Mỹ, ngày 14 tháng 5, 2020 đưa ra định nghĩa ca bệnh sau đây (case definition) và khuyến cáo bác sĩ phải báo cáo với cơ quan y tế về các trường hợp này:

1)một cá nhân dưới 21 tuổi bị sốt, [với] bằng chứng phòng thí nghiệm về viêm và bằng chứng bệnh nặng lâm sàng cần nhập viện với sự tham gia của các cơ quan đa hệ thống (> 2) [cơ quan thuộc nhiều hơn 2 hệ thống khác nhau] (tim, thận, hô hấp, huyết, tiêu hóa, da hoặc thần kinh); và

2)không có chẩn đoán hợp lý thay thế; và

3) kết quả dương tính với nhiễm SARS-CoV-2 hiện tại hoặc gần đây bằng PCR (phản ứng chuỗi polymerase), xét nghiệm huyết thanh học hoặc kháng nguyên; hoặc có tiền sử phơi nhiễm COVID-19 trong vòng bốn tuần trước khi xuất hiện triệu chứng

Phụ huynh cần phải làm gì?

Tuy các dạng nhi khoa này vẫn còn ít thấy so với bệnh của người già và chúng ta không cần phải hốt hoảng, phụ huynh cần cảnh giác và liên lạc với bác sĩ hay cho trẻ đi khám bệnh nếu có những triệu chứng như:

-sốt, nóng dai dẳng

-đau bụng, tiêu chảy, ói mửa-

-nổi ban/rash ngoài da

-khó thở, thở hổn hển (hơi thở ngắn)

- bé có vẻ quá ngái ngủ (ngoài giờ ngủ), hay có vẻ đờ đẫn, không tỉnh táo (confused).

Những kiến thức này về bệnh COVID-19 ở trẻ em rất mới và những triệu chứng bệnh này có thể tương tự, giống như triệu chứng một số bệnh nhẹ thông thường của trẻ em, nhất là trong mùa thu đông sắp tới, rất khó phân biệt với bệnh cảm cúm.

Phụ huynh cần theo hướng dẫn của bác sĩ về chích ngừa các cháu để tránh các bệnh như cúm (flu shot), phế cầu trùng (Prevnar), H. flu (Haemophilus influenzae), và cần theo dõi các tin tức mới về bịnh COVID-19. Nếu có nghi ngờ, thắc mắc, cần hỏi lại bác sĩ cho rõ về trường hợp riêng của con cháu mình, vì bệnh có thể trở nặng nhanh (shock) và biến chứng tim (coronary aneurysm) rất tai hại nếu không nhận ra đúng bệnh và không chữa trị kịp thời.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 15 tháng 5 năm 2020

Tài liệu tham khảo:

1)Lucio Verdoni An outbreak of severe Kawasaki-like disease at the Italian epicentre of the SARS-CoV-2 epidemic: an observational cohort study

https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(20)31103-X/fulltext

2)Shelley Riphagen Hyperinflammatory shock in children during COVID-19 pandemic

Published:May 07, 2020DOI:https://doi.org/10.1016/S0140-6736(20)31094-1

PlumX Metrics

https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(20)31094-1/fulltext

3)https://emedicine.medscape.com/article/965367-overview?src=ppc_google_rlsa-traf_mscp_c-virus-pilot_md_us&gclid=Cj0KCQjw2PP1BRCiARIsAEqv-pR_g4yrQdFQWUKmTBiJUZHxrDXMOrHtWFLReyaqK3CqtgtruDHG_2UaAiOzEALw_wcB

4)https://www.nytimes.com/2020/05/13/health/coronavirus-children-kawasaki-pmis.html