"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

Báo động Của CDC Về Bệnh “Ăn thịt người” Do Vi Khuẩn Vibrio Trong Nước Biển.

BenhAnThitNguoi1 HVH

Hình 1: Vi khuẩn Vibrio vulnificus; vibrio có nghĩa là "ngọ nguậy", rung (to wiggle, to vibrate), vulnificus có nghĩa là vết thương. Người ta chỉ mới biết nó gây bệnh ở người từ năm 1976. Trực khuẩn (bacillus, hình que) này được tìm thấy trên toàn thế giới và có thể gây ra bệnh đường tiêu hóa, nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng máu có tỷ lệ tử vong cao. Tuy tỷ lệ mắc bệnh thấp nhưng V. vulnificus lại có số ca tử vong liên quan đến hải sản cao nhất tại Hoa Kỳ.(6)
Vibrio vulnificus thường sống trong nước biển ấm và là một phần của nhóm vibrio được gọi là 'halophilic' vì chúng cần có muối để sống và phát triển và hiện diện tự nhiên trong nước biển ấm, nước lợ.
Chúng cũng cần nhiệt độ ấm hơn để phát triển - do đó các bệnh nhiễm vi khuẩn này thường gặp hơn vào mùa hè. Vibrio phát triển trong các cửa sông, vịnh và các khu vực khác của nước biển ấm, nước lợ kết hợp nước biển và nước ngọt.

Năm 2019, một bé gái 12 tuổi đến từ Mooresville, Indiana trở về sau kỳ nghỉ cùng gia đình ở Florida với một loại “vi khuẩn ăn thịt người” (flesh-eating bacteria) mà bé có thể đã nhiễm phải khi bơi dưới biển. Cô gái tỉnh dậy trong đau đớn sau một ngày ở bãi biển Pompano và tình trạng của cô nhanh chóng trở nên tồi tệ. Sau khi trở về nhà, cô được đưa đến Phòng cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Riley ở Indianapolis, nơi các bác sĩ phát hiện nhiễm trùng đã lan từ chân đến đùi. Cô gái đã trải qua 3 cuộc phẫu thuật để loại bỏ nhiễm trùng. Mẹ của cô, cho đến ngày nay, vẫn đang vận động để nâng cao nhận thức của công chúng về sự nguy hiểm của” vi khuẩn ăn thịt người” và kêu gọi mọi người cần được chăm sóc y tế ngay lập tức nếu họ nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào.(1)

Gần đây một tin tức được loan truyền khắp thế giới về một người mẹ ở San Jose, California, Mỹ phải bị cắt cụt bốn chi sau khi nhiễm vi khuẩn có thể đến từ cá nấu chưa chín. Sau khi nấu và ăn cá rô phi (tilapia) mua ở chợ địa phương vào tháng 7, Laura Barajas, 40 tuổi, gần như ngã bệnh ngay lập tức. Cô được chẩn đoán mắc bệnh Vibrio vulnificus độc hại, thường được coi là một “vi khuẩn ăn thịt người”. (2) Nhóm vi khuẩn này gây ra hiện tượng mô tế bào chung quanh vết thương bị chết (hoại tử, necrosis of tissues) và các fascia (các màng cân bao bọc quanh các bắp thịt, dây thần kinh, mỡ) là nơi hiện tượng này xảy ra, nên gọi là “necrotizing fascitis” hay viêm màng cân gây hoại tử. Vi khuẩn thủ phạm thường nhất là Streptococcus nhóm A (groupA strep) thường gây ra bệnh viêm họng ( “strep throat”) ở trẻ em. Nhóm được nhắc đến trong báo động của CDC (ngày1/9/2023) (3,4) chúng ta nhắc đến trong bài này là Vibrio vulnificus. Khoảng chục loài Vibrio có thể gây bệnh cho con người, được gọi là bệnh Vibriosis. Các loài (species) phổ biến nhất gây bệnh cho người ở Hoa Kỳ là Vibrio parahaemolyticus, Vibrio vulnificus và Vibrio alginolyticus. Tác nhân gây bệnh vibriosis cũng tên Vibrio như vi khuẩn gây dịch tả cholera (Vibrio cholerae) nhưng thuộc về một dòng/strain khác.

Vibrio là vi khuẩn gây ra khoảng 80.000 ca bệnh mỗi năm ở Hoa Kỳ. Khoảng chục loài Vibrio gây bệnh cho con người. V. parahaemolyticus gây ra nhiều ca nhiễm trùng nhất ở Hoa Kỳ, chiếm khoảng 40% số trường hợp nhiễm vibriosis được báo cáo, tiếp theo là V. alginolyticus, chiếm khoảng 20%. Hầu hết những người bị nhiễm Vibrio đều bị tiêu chảy. Một số người cũng có thể bị đau bụng, buồn nôn, nôn, sốt và ớn lạnh. Một loài/species, V. vulnificus, được biết là gây nhiễm trùng đe dọa tính mạng. Khoảng 150–200 ca nhiễm V. vulnificus được báo cáo cho CDC mỗi năm và khoảng 1/5 số người mắc bệnh nhiễm trùng này tử vong—đôi khi trong vòng 1–2 ngày sau khi phát bệnh.

BenhAnThitNguoi2 HVH

Hình 2: Nhiễm trùng do Vibrio vulnificus có thể tiến triển nhanh và đe dọa tính mạng (Nguồn: @JAMA_current #medtwitter #FOAMed)

Vibrio sống tự nhiên ở vùng nước ven biển (coastal water), bao gồm cả nước mặn và nước lợ (brackish water), là hỗn hợp của nước mặn và nước ngọt. Hầu hết mọi người bị nhiễm Vibrio do ăn động vật “có vỏ” (“shellfish” như tôm cua, sò, hến, tôm hùm, mực, ốc sên/snail) sống hoặc nấu chưa chín kỹ, đặc biệt là hàu (oyster). Một số người bị nhiễm trùng khi vết thương hở tiếp xúc với nước mặn hoặc nước lợ có chứa Vibrio. Mọi người cũng có thể bị nhiễm bệnh nếu vết thương hở tiếp xúc với hải sản sống hoặc nấu chưa chín.
Các vết thương hở bao gồm vết thương do phẫu thuật gần đây, vết xỏ khuyên (body piercing), hình xăm và các vết cắt hoặc vết xước khác—bao gồm cả những vết thương do hoạt động dưới nước (Nên để ý cả những vết thương rất nhỏ như trường hợp cô người mẫu người Mỹ, cựu chiến binh, rất khỏe bị trầy da khi cạo lông chân trước khi tắm biển ở Bahamas và 4 ngày sau đầu gối phải bị sưng, sau đó bệnh chuyển qua rất nặng, phải cắt bỏ chân phải)(5). Các hiện tượng thời tiết cực đoan, chẳng hạn như lũ lụt ven biển, bão và nước dâng do bão, có thể đẩy các vùng nước ven biển vào khu vực nội địa, khiến những người tiếp xúc với các vùng nước này—đặc biệt là những người sơ tán là người lớn tuổi hoặc có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn—có nguy cơ cao bị nhiễm trùng vết thương do vi khuẩn Vibrio . Hiệu ứng này được quan sát thấy ở Florida sau cơn bão Ian năm 2022.

Không giống như các loài Vibrio khác, V. vulnificus chủ yếu lây truyền qua vết thương hở tiếp xúc với nước muối hoặc nước lợ, nhưng đôi khi (trong khoảng 10% trường hợp) vi khuẩn cũng có thể lây nhiễm sang người nếu họ ăn động vật có vỏ sống hoặc chưa nấu chín. Sự lây truyền từ người sang người chưa được báo cáo. Những người sau đây có nguy cơ nhiễm trùng vết thương cao hơn: người có bệnh lý tiềm ẩn như bệnh gan, tiểu đường và tình trạng suy giảm miễn dịch.
Nhiễm trùng vết thương do V. vulnificus có thời gian ủ bệnh ngắn (incubation period, thời gian từ lúc vi khuẩn nhiễm vào cơ thể cho đến khi có triệu chứng) và các diểm đặc trưng gồm: da hoại tử (bị chết), mô mềm nhiễm trùng, có hoặc không có bọng nước xuất huyết (necrotizing skin and soft tissue infection, with or without hemorrhagic bullae/blisters; xem hình 2) . Nhiều người bị nhiễm trùng vết thương do V. vulnificus cần được chăm sóc đặc biệt hoặc phẫu thuật cắt bỏ mô.

Vi khuẩn V. vulnificus phát triển mạnh ở vùng nước ấm hơn—đặc biệt là trong những tháng mùa hè (tháng 5 đến tháng 10) và trong môi trường biển có độ muối thấp như cửa sông. Tại Hoa Kỳ, tình trạng nhiễm V. vulnificus được báo cáo phổ biến nhất ở các tiểu bang Bờ Vịnh Mexico như Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama, Florida) . Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm V. vulnificus ở miền Đông Hoa Kỳ dọc theo bờ Đại Tây Dương (Atlantic coast) đã tăng gấp 8 lần từ năm 1988–2018 và phạm vi địa lý vùng nhiễm trùng đã lan rộng lên phía bắc theo nhịp 48 km mỗi năm. Trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2023, nhiệt độ bề mặt nước biển ở ven biển Hoa Kỳ đã lên cao trên mức trung bình và các đợt nắng nóng (heat wave) lan rộng. Trong cùng thời gian, một số bang ở Bờ Đông, bao gồm Connecticut, New York và Bắc Carolina, đã báo cáo các trường hợp nhiễm V. vulnificus nặng và gây tử vong. Nhiều bệnh nhiễm trùng trong số này xảy ra sau khi vết thương hở tiếp xúc với vùng nước ven biển ở những bang đó. Một số bệnh nhiễm trùng này có liên quan đến việc ăn hải sản sống hoặc nấu chưa chín hoặc có nguyên nhân không rõ ràng.

Trong bối cảnh nhiệt độ nước ngày càng tăng và các hiện tượng thời tiết cực đoan (ví dụ: sóng nhiệt, lũ lụt và bão dữ dội) liên quan đến biến đổi khí hậu, những người có nguy cơ cao nhiễm V. vulnificus nên thận trọng khi tham gia các hoạt động dưới nước ven biển. Điều trị kịp thời là rất quan trọng để giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm V. vulnificus nghiêm trọng. CDC tiếp tục theo dõi các báo cáo về nhiễm trùng V. vulnificus.

Vì có thể nhiều bác sĩ, y tá không ý thức đúng mức về chứng bệnh nguy hiểm này, CDC nhắc nhở các bác sĩ, những người cung cấp dịch vụ y tế các điểm sau:

1)Về chẩn đoán, hãy coi V. vulnificus là nguyên nhân có thể gây nhiễm trùng ở các vết thương tiếp xúc với vùng nước ven biển, đặc biệt ở những bệnh nhân có nguy cơ nhiễm Vibrio cao hơn, bao gồm cả những người có bệnh lý nền như bệnh gan (bao gồm xơ gan do rượu), tiểu đường, và tình trạng suy giảm miễn dịch.
2)Nếu nghi ngờ nhiễm V. vulnificus, lấy mẫu cấy từ vết thương hoặc từ bọng nước xuất huyết và gửi tất cả các chủng V. vulnificus được phân lập (isolates) đến phòng thí nghiệm y tế công cộng…
Khuyến cáo cấy máu cùng với nuôi cấy vết thương và bọng nước xuất huyết nếu bệnh nhân bị sốt, có bọng nước xuất huyết hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng huyết. Hỏi bệnh nhân hoặc gia đình về các phơi nhiễm/exposure có liên quan, bao gồm cả việc họ có vào vùng nước ven biển với vết thương hở hay không; bị một vết xước hoặc vết cắt khi ở vùng nước ven biển; hoặc có vết thương hở tiếp xúc với hải sản sống hoặc nấu chưa chín.
3) Chữa bệnh: Bắt đầu điều trị kịp thời. Điều trị bằng kháng sinh sớm và can thiệp phẫu thuật sớm giúp cải thiện khả năng sống sót. Đừng chờ đợi tư vấn của chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hoặc xét nghiệm xác nhận nhiễm V. vulnificus mới bắt đầu điều trị. Khuyến cáo dùng Doxycycline (100mg uống hoặc tiêm tĩnh mạch hai lần một ngày trong 7–14 ngày) và cephalosporin thế hệ thứ ba (ví dụ, ceftazidime 1–2g tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp mỗi 8 giờ).
Hãy chú ý cẩn thận đến vị trí vết thương. Mô hoại tử nên được cắt bỏ. Các trường hợp nghiêm trọng có thể cần phải cắt bỏ tích cực, cắt cân hoặc cắt cụt chi bị nhiễm trùng (debridement, fasciotomy, or amputation of the infected limb)
4)Vibriosis là một căn bệnh cần được báo cáo trên toàn quốc (Mỹ, “notifiable disease”). Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và phòng thí nghiệm lâm sàng nên báo cáo tất cả các trường hợp cho sở y tế địa phương, tiểu bang, lãnh thổ hoặc bộ lạc của họ.

Tóm lại, trong mùa nước biển bị hâm nóng hơn trước, nguy cơ nhiễm vi khuẩn Vibrio gây bệnh “ăn thịt người” gia tăng. Tránh tiếp xúc với nước biển dọc theo bờ biển, tránh tiếp xúc, ăn cá, shellfish tươi/sống chưa nấu chín nếu trên người có vết thương hở (open wound, nếu cần nên băng kín lại bằng băng keo kỵ nước). Nếu các vết thương có dấu hiệu bị nhiễm trùng- như sưng, đỏ, đau, nóng, da nổi mụn nước như bong bóng có mủ- sau khi phơi nhiễm với nước biển hay phơi nhiễm, đụng chạm vào các thức ăn sống (đồ biển chưa nấu chín) nói trên, cần đi khám bệnh ngay và nói rõ cho bác sĩ biết hoàn cảnh có thể bị phơi nhiễm Vibrio. Nên nhớ thời gian ủ bệnh rất ngắn và bệnh có thể phát nặng rất nhanh. Nếu cần , phải nhắc nhở người khám cho mình (bác sĩ, y tá) biết là mình đang lo về khả năng bị bệnh nguy hiểm do Vibrio.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 20 tháng 9 năm 2023

Tham khảo:

1. https://original.newsbreak.com/@anna-s-1601537/2948352993002-the-flesh-eating-bacteria-that-thrive-in-warm-salty-waters-of-florida-causing-amputations-and-increase-of-deadly-cases
2. https://people.com/mom-amputation-flesh-eating-bacteria-eating-fish-7971076
3. https://emergency.cdc.gov/han/2023/han00497.asp
4. https://www.cdc.gov/vibrio/faq.html
5. https://www.today.com/health/womens-health/woman-33-leg-amputated-flesh-eating-bacteria-rcna101638
6. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554404/#:~:text=parahaemolyticus%2C%20and%20V.,infections%2C%20and%20highly%20fatal%20septicemia.