CÁC HỌC THUYẾT VÀ LÝ LUẬN
LÀM NỀN TẢNG CHO ĐÔNG Y THẾ GIỚI
Nói đến Đông y hay y học cổ truyền, các y gia chánh tông thường đề cập đến các lý luận làm nền tảng cơ bản mà từ đó lấy làm kim chỉ nam cho quá trình nghiên cứu, chẩn trị bệnh cho đồng bào.
Ngành Đông Y được các Lương y, Bác sỹ luôn ước mơ và hướng đến một sự hoàn mỹ là thông thạo “ NỘI, NẠN, THƯƠNG, KIM” và sở hữu được bốn bộ sách y học mang tính kinh điển đó là: NỘI KINH, NẠN KINH, THƯƠNG HÀN LUẬN, KIM QUỸ YẾU LƯỢC”
NỘI KINH hay Hoàng đế nội kinh tố vấn là một trong những bộ sách quí đỏ. Cùng với Chu dịch, Mai hoa dịch, Đạo đức kinh. Hoàng đế nội kinh tố vấn được xếp vào "Tứ đại kỳ thư" của nền văn hóa Đông Phương chứa nhiều bí ẩn cho đến nay vẫn chưa được giải mã triệt để.
Hoàng đế nội kinh tố vấn là một trong bốn tác phẩm kinh điển được coi là công trình lý luận hàng đầu của nền Y học Đông phương trong việc khám và chữa bệnh, bởi vì các danh y xưa nay như Hoa Đà, Biển Thước, Y Doãn, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Tuệ Tĩnh... đều coi đây là sách gối đầu giường trong việc nghiên cứu, chẩn trị, bổ, tả liệu dược bệnh nhân và truyền dạy môn sinh đệ tử, cho đến ngày nay bộ sách vẫn được sử dụng trong thực tế lâm sàng.
Ở Việt Nam cũng đã có nhiều người dịch và giới thiệu tóm lược công trình y học vĩ đại này, nhưng cho tới nay bản dịch Hoàng đế nội kinh tố vấn của Lương y Nguyễn Tử Siêu được coi là đầy đủ nhất.
Mục lục: Gồm 7 chương
Chương 1: Thượng cổ thiên chân luận
Chương 2: Tứ khí điều thần luận
Chương 3: Sinh khí thông thiên luận
Chương 4: Kim quỹ chân ngôn luận
Chương 5: Âm dương ứng tượng đại luận
|Chương 6: Âm dương ly hợp luận
Chương 7: Âm dương biệt luận
Nạn kinh. Là sách kinh điển Đông y, do Biển Thước Tần Việt Nhân rút ra trong “Tố Vấn - Linh khu”, gồm 81 trường hợp khó hiểu theo dạng hỏi đáp để giải thích. Đặc biệt, phần chẩn mạch, sách lấy “độc thủ thốn khẩu” làm chủ, học thuyết Kinh lạc, Mệnh môn và Tam tiêu trong tạng phủ phát triển từ trong Nội kinh cũng như nguyên lý xem mạch ở cổ tay là một sáng kiến được áp dụng suốt mấy ngàn năm nay. Ngoài ra, sách có thêm phần chữ Hán có âm và nghĩa để người đọc tiện tham khảo.
SÁCH THƯƠNG HÀN LUẬN. Tác phẩm quan trọng nhất của Đại Danh Y Trương Trọng Cảnh, Thương hàn tạp bệnh luận, tuy đã thất lạc trong giai đoạn Tam Quốc nhưng sau đó đã được tổng hợp lại thành hai tập sách Thương hàn luận và Kim quỹ yếu lược, đây là hai trong bốn bộ sách quan trọng nhất của Đông y. Sách luận về các triệu chứng và các giai đoạn chuyển biến của bệnh thương hàn do sáu tà khí ( Lục dâm) xâm hại cơ thể. Chẩn đoán phân biệt, phép tắc trị liệu.
Kim quỹ yếu lược phương luận. Là phần tạp bệnh của sách “Thương hàn tạp bệnh luận” do Trương Trọng Cảnh viết từ thời Đông Hán. Đây là cuốn sách đầu tiên viết về chẩn trị tạp bệnh theo lý luận biện chứng của y học cổ truyền(Đông y). Sách có giá trị cao cả về lý luận cũng như ứng dụng lâm sàng, là một trong những sách kinh điển của y học cổ truyền. Tên sách là “Kim quỹ yếu lược phương luận”, trong đó “Kim quỹ” có nghĩa là quan trọng và quý giá, “Yếu lược” có nghĩa là tóm lược. “Kim quỹ yếu lược” cho thấy đây là những nội dung quan trọng chủ yếu và cần thiết làm nền tảng về y học cổ truyền được tóm tắt lại.
Ngoài bốn bộ sách tiêu biểu nêu trên xin trân trọng giới thiệu bộ sách Linh Khu Tố vấn chuyên về châm cứu do Hoàng Đế và Kỳ Bá hỏi đáp về y lý chữa bệnh, được biên tập lại thành sách gồm 81 thiên. Đây là bộ sách châm cứu cổ nhất của nhân loại, có nhiều dịch giả cho rằng nó ra đời trước HOÀNG ĐẾ NỘI KINH TỐ VẤN.
Để đi vào nghề Đông y một cách vững chắc về y lý, tránh có các tư duy lệch lạc, và những sai sót đáng tiếc trong nghề nghiệp, mong cống hiến đến quý độc giả, các thế hệ đồng nghiệp tiếp nối sự nghiệp cùng hoan nghênh ủng hộ thông tin này. Do kiến thức còn hạn chế, rất mong được góp ý của quý vị để các bài viết sau hoàn thiện hơn.
Xin chân thành cám ơn!
Trân trọng
Lương y: Lê Văn Tuấn Hải
Kỳ sau: Giới thiệu Kinh Dịch “ Lịch sử hình thành, và ứng dụng trong đời sống”