"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

           Khuyến Cáo Chủng Ngừa Du Lịch

 

A. Chủng ngừa thông thường

 

Chuyến du lịch của bạn là cơ hội tốt để nhắc bạn cập nhật lịch trình chủng ngừa; hơn 80% người lớn ở các nước phát triển đã không lưu giữ hồ sơ tình trạng chủng ngừa của họ. Chủng ngừa sau đây được khuyến cáo để bảo vệ bạn và ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm.

 

1. Uốn ván, Bạch hầu, Ho gà, Sởi (ban đỏ), Quai bị, ban Đức, sốt Tê liệt (TdaP, MMR, Polio)

 

Tình trạng chủng ngừa uốn ván, bạch hầu, ho gà, sởi (ban đỏ), quai bị, ban Đức, sốt tê liệt của bạn nên được xem xét lại và cập nhật nếu cần.

 

Lưu ý: Nhiều bệnh có thể ngăn ngừa được bằng chủng ngừa đang vùng dậy do không chủng ngừa,chủng ngừa không đầy đủ, cũng như khả năng miễn dịch suy yếu. Cập nhật chủng ngừa của bạn là điều cần thiết.

 

2. Cúm (Influenza)

 

Chích ngừa cúm theo mùa được khuyến khích cho trẻ em, người trên 50 tuổi, và người bị bệnh mãn tính như bệnh tim, khí phế thũng, hen suyễn, rối loạn thận, rối loạn chống miễn nhiễm, và người được ghép cơ quan.

 

Lưu ý: Mô hình dịch cúm theo mùa là đối nghịch giữa hai bán cầu nam và bắc. Nếu chủng ngừa cúm không có sẵn tại thời điểm khởi hành, bạn hãy liên hệ với bác sĩ của bạn hoặc phòng khám y tế du lịch đề phòng siêu vi cúm.

 

3. Sưng phổi (Pneumococcal pneumonia)

 

Thuốc chủng phế cầu khuẩn được khuyến khích cho những người trên 65 tuổi và người ở bất kỳ độ tuổi nào có bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn thận, rối loạn gan, bệnh hồng cầu hình liềm, asplenia, hoặc rối loạn chống miễn nhiễm.

 

4. Viêm gan A (Hepatitis A)

 

Siêu vi gan A (HAV: Hepatitis A virus) chủ yếu lây truyền từ người sang người qua các đường phân-miệng, bao gồm cả nước và thực phẩm bị ô nhiễm, chẳng hạn như sò ốc hoặc rau chưa nấu chín và trái cây, do nhân viên sửa soạn ô nhiễm.

 

Ghi chú: Người ta nói rằng người bị viêm gan A là người đã từng ăn phân. Điều này nghe có vẻ vừa đùa vừa buồn, nhưng không may đó lại là sự thật. Hầu như 100% người lớn Việt Nam mình đều đã bị nhiễm siêu vi gan A.

 

Siêu vi gan A hiện diện trên toàn thế giới, nhưng mức độ phổ biến phụ thuộc vào điều kiện vệ sinh của địa phương. Siêu vi gan A lưu truyền rộng rãi trong dân chúng sống ở các khu vực có cơ sở hạ tầng vệ sinh kém. Tại những nơi này, người ta thường bị lây nhiễm từ thời thơ ấu nhưng không có triệu chứng (nhưng vẫn có thể lây nhiễm cho người khác) hoặc nhẹ, và cuối cùng phát triển khả năng miễn nhiễm đầy đủ. Sự bùng phát thành nạn dịch ở các nước chậm phát triển là rất hiếm. Ngược lại, tại các nước công nghiệp hoá cao, số lượng lớn người không có miễn nhiễm đông, do đó sự bùng phát rộng trong cộng đồng có thể xảy ra một khi sự xử lý thực phẩm, thực hành vệ sinh tốt không được duy trì đầy đủ như từng xảy ra các nhà trẻ, nhà tù, hoặc các cuộc tụ họp đông.

 

Trong nhiều trường hợp, người nhiễm siêu vi gan A không có triệu chứng. Người có triệu chứng thường phát bệnh khoảng 15 đến 50 ngày sau khi bị nhiễm. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, đột ngột sốt, buồn nôn, đau bụng, vàng da sau một vài ngày. Bệnh có thể đi từ nhẹ đến nặng kéo dài 1-2 tuần hoặc vài tháng. Trường hợp nặng có thể đưa đến tử vong, đặc biệt là ở người già. Hầu hết các trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm siêu vi gan A không triệu chứng, nhưng siêu vi gan A ở trẻ sơ sinh và trẻ em có thể vẫn sinh sôi nảy nở cho đến sáu tháng sau khi bị nhiễm, gây ra lây lan bệnh cho người khác. Nhiều quốc gia hiện nay đã cho trẻ em chủng ngừa chống viêm gan A.

 

Phòng ngừa: Thực hành tốt vệ sinh cá nhân, bao gồm việc rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng, uống nước đã đun sôi hoặc đóng chai, ăn thức ăn nấu chín, và tự lột vỏ trái cây của riêng bạn.

 

Tất cả những người không có miễn nhiễm, đặc biệt là du khách, nên chủng ngừa. Có hai loại thuốc chủng cho những người trên một tuổi: Havrix và VAQTA. Cần chích hai liều để bảo vệ đầy đủ (Havrix: liều thứ hai 6 đến 12 tháng sau liều thứ nhất và VAQTA: liều thứ hai 6 đến 18 tháng sau liều thứ nhất.

 

Ngoài ra, Twinrix là một loại thuốc chủng tổng hợp chống cả hai loại viêm gan A và viêm gan B. Twinrix dành cho những người trên 18 tuổi. Cần chích ba liều để bảo vệ đầy đủ: liều thứ hai 1 tháng sau liều thứ nhất, và liều thứ ba 6 tháng liều thứ nhất. Cũng có thể áp dụng một lịch trình tăng tốc bốn liều lúc 0, 7, 21, 31 ngày và liều cuối cùng 12 tháng sau.

 

5. Sốt thương hàn (Typhoid fever)Sốt thương hàn gây ra bởi nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn Salmonella typhi. Vi khuẩn này được truyền từ người này sang người khác, chủ yếu thông qua đường tiêu hóa khi ăn phải thực phẩm và nước bị ô nhiễm trong khu vực vệ sinh kém, cũng như do người thực hành vệ sinh kém. Phòng ngừa bao gồm vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, dùng nước sạch, ăn thức ăn nấu chín, và tự bóc vỏ trái cây của riêng bạn. Du khách cũng được khuyến cáo chủng ngừa.

 

B. Chủng ngừa chọn lựa

 

1.Bệnh tả (Cholera)

 

Bệnh tả là nhiễm trùng dạ dày-ruột cấp tính gây ra bởi vi khuẩn Vibrio cholerae. Nguy cơ lây nhiễm cho du khách thấp và chủng ngừa chỉ được khuyến cáo cho các nhân viên y tế và cứu hộ làm việc trong các vùng lưu hành bệnh.

 

Cách phòng ngừa tốt nhất là tránh dùng nước và thực phẩm có khả năng bị ô nhiễm. Cẩn thận vệ sinh thực phẩm và nước uống then chốt khi đi du lịch trong vùng có bệnh.

 

Những người sống và làm việc trong điều kiện thiếu vệ sinh và những người có khả năng tự vệ yếu (không sản xuất đủ acid dạ dày do phẫu thuật cho loét tá tràng hoặc dạ dày), người dùng thuốc kháng acid, và người sử dụng cần sa (cần sa làm dạ dày giảm tiết ra acid) dễ bị nhiễm trùng bệnh tả. Năm 1991, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố rằng các chứng chỉ chủng ngừa bệnh tả là không còn cần thiết bởi bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ.

 

2. Viêm gan siêu vi B (Hepatitis B)

 

Siêu vi gan B (HBV: Hepatitis B virus) được truyền thông qua các sản phẩm máu và chất lỏng bị nhiễm bệnh, quan hệ tình dục, hoặc các mục bị nhiễm chẳng hạn như kim chích, lưỡi dao cạo. Siêu vi gan B có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng.

 

Chủng ngừa được khuyến cáo cho người làm việc trong lĩnh vực y tế (nha sĩ, bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm), hoặc cho những người làm việc tiếp xúc gần gũi với dân địa phương (giáo viên, nhân viên cứu trợ, các nhà truyền giáo), hoặc người dự báo quan hệ tình dục với dân địa phương. Thuốc chủng này có thể riêng lẻ (Engerix, Recombivax B.) cũng như có thể kết hợp với thuốc chủng viêm gan A (Twinrix) có khả năng bảo vệ lâu dài tốt cho cả hai bệnh do siêu vi gan A và B.

 

3. Viêm não Nhật Bản (Japanese encephalitis)

 

Siêu vi Viêm não Nhật Bản (JEV: Japanese encephalitis virus) được truyền bởi muỗi Culex ở châu Á và Đông Nam Á. Bệnh lan truyền quanh năm ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, và trong thời gian cuối mùa xuân, mùa hè và đầu mùa thu ở vùng ôn đới. Muỗi sinh sản trong ruộng lúa bị ngập nước nơi các dự án thủy lợi. Heo lợn và một số loài chim là những nguồn mang siêu vi này.

 

Du khách trong vùng nhiễm bệnh cần có biện pháp phòng ngừa muỗi đốt. Các biện pháp phòng chống muỗi gồm xịt thuốc trừ muỗi DEET lên vùng da thịt không có vải che cũng như phun hay vẩy permethrin vào quần áo và trang bị. Nằm trong cái mùng có xịt permethrin cũng sẽ giảm nguy cơ muỗi đốt.

 

Chủng ngừa được khuyến khích cho người đi du lịch nhiều ở các vùng thôn, sống và làm việc gần khu trồng lúa ở nông thôn và ngoại thành, cũng như vùng đất được tưới tiêu khác. Tại đó, sự tiếp xúc với muỗi truyền bệnh là rất cao. Trẻ em đặc biệt dễ bị nhiễm bệnh

 

 

4.Bệnh dại (Rabies)


Nhiễm bệnh dại do siêu vi RV (Rabies virus) này được truyền qua nước bọt của động vật bị nhiễm bệnh cắn ảnh hưởng đến não và tủy sống, và có thể gây tử vong.

 

Một loạt ba (3) mũi chủng ngừa trước khi tiếp xúc với bệnh dại được khuyến cáo cho những ai muốn lâu hoặc làm việc tại các vùng sâu, xa thôn dã, đặc biệt là châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ.

Loạt chích đầu 3 mũi sẽ đơn giản hoá việc chăm sóc y tế nếu một người bị cắn bởi một con vật mang siêu vi dại. Mặc dù 3 mũi đầu này đủ bảo vệ ban đầu, nhưng khi một người bị một con vật dại cắn cũng sẽ cần phải chích thêm hai (2) mũi bổ sung nữa.

Những người chưa chích được ngừa 3 mũi trước khi bị con vật dại cắn cần chích năm (5) mũi cộng thêm một mũi globulin-miễn nhiễm-bệnh dại (RIG: rabies immunoglobulin). RIG không có nhiều dự trữ trên toàn thế giới nên có thể không có sẵn ở các vùng sâu, vùng xa. Nếu một du khách đã được chích ngừa ba (3) mũi chống bệnh dại trước khi bị cắn, họ sẽ chỉ cần thêm hai mũi chích nữa và không cần RIG.

 

Trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương vì chúng có thể không thông báo các vết trầy xước hay vết cắn. Chúng cần được khuyến cáo không nên chơi đùa với chó, mèo, khỉ, hoặc các loài động vật có vú khác. Bất kỳ bị động vật nào cắn hoặc cào, thuơng tích phải được rửa sạch nhiều lần với nhiều xà phòng và nước, cũng như tìm đến sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

 

C. Chủng ngừa bắt buộc

 

Sốt vàng da (Yellow Fever)

 

Sốt vàng da gây ra bởi một loại siêu vi YFV (Yellow ferver virus) lây truyền qua một loại muỗi ngày có tên là Aedes aegypti . Muỗi này thường thấy ở các đô thị, ngoại ô, và các khu vực nông thôn.

 

Giấy chứng nhận tiêm chủng sốt vàng da bị đòi hỏi đối với khách du lịch đến từ - hoặc quá cảnh qua - một quốc gia có nguy cơ lây truyền bệnh này.

 

Nguy cơ lây truyền bệnh sốt vàng da có ở các nước sau:

 

Phi Châu- Angola, Benin, Burkina Faso, Burundi, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Cộng hòa Congo, Cộng hòa Dân chủ Congo, Bờ Biển Ngà, Guinea Xích đạo, Ethiopia, Gabon, Gambia, Ghana, Guinea, Guinea- Bissau, Kenya, Liberia, Mali, Mauritania, Niger, Nigeria, Rwanda, Senegal, Sierra Leone, Nam Sudan, Sudan, Togo, Uganda.

Mỹ Châu - Argentina, Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guiana thuộc Pháp, Guyana, Panama, Paraguay, Peru, Suriname, Trinidad và Tobago, Venezuela.

 

Lưu ý: Trẻ em trên một tuổi cần có giấy chứng nhận chủng ngừa khi du lịch ở những vùng này.

Nếu bác sĩ của bạn đã khuyên bạn không nên chủng ngừa sốt vàng da vì lý do y tế, thì bạn cần có một giấy chứng nhận miễn chích. Bạn cũng nên biết rằng rắc rối có thể phát sinh khi bạn qua biên giới với giấy chứng nhận này.

 

*****

 

Các khuyến cáo chủng ngừa nêu trên có tính cách hướng dẫn. Nhu cầu chủng ngừa của bạn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn, những chủng ngừa bạn đã có trước đó, cũng như hành trình du lịch của bạn. Bạn cũng cần tham khảo với bác sĩ của bạn hoặc phòng khám y tế du lịch.

 

Bs Trương Ngọc Thạch

 

----- viết theo tài liệu của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật Hoa Kỳ -----