"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

LÀNG TÔI LIỄU CỐC HẠ

 

      Hoàn cảnh lịch sử di dân:

      Kể từ khi nhận đất châu Ô, châu Rí của Champa (còn gọi là Chiêm Thành, Chiêm hay Chàm hoặc Chăm), đổi tên thành châu Thuận, châu Hóa của Đại Việt (1307), người dân vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã lần lượt từ Bắc vào Nam xây dựng cuộc sống mới. Những vùng đất Chiêm Thành tuy có người bản xứ sinh sống từ thời thượng cổ nhưng còn trong tình trạng hoang sơ và rải rác. Nhưng đến khi có người Việt di dân từ Bắc vào Nam thì người Chiêm bắt đầu phản ứng đấu tranh giành lại chủ quyền đất đai. Sự xung đột giũa Việt và Chàm xảy ra lúc tập trung, lúc rải rác; nơi nầy nhẹ nhàng, nơi nọ quyết liệt… nhưng nói chung thì đây là một quá trình thường xuyên và dai dẳng kéo dài cả hàng chục, hàng trăm năm cho đến khi người Việt ở thếvươn lên và người Chiêm chịu phận lụi tàn.


22atkdlt1

      Mảnh đất ngày nay chúng ta có được, lập thành làng xóm ổn định và tươi đẹp như hôm nay đã mang nhiều dấu ấn lịch sử của tiền nhân đã ra công dựng nước và giữ nước kiên trì, quyết đoán và dũng cảm hy sinh qua nhiều thế hệ. Bởi vậy, viết lại lịch sử Làng, kẻ hậu duệ đời sau xin kính cẩn thắp nén hương lòng bái vọng tiền nhân và nhắn nhủ cùng thế hệ kế thừa rằng: Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn, trông cây nhớ cội… là đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam. 

         

      Lịch sử di dân Nam tiến kéo dài cả 5 thế kỷ và chia làm 4 đợt chính:

      1. Cuộc di dân thứ Nhất tiến hành sau cuộc Nam tiến của vua Lý Thánh Tông năm 1069. Trong cuộc di dân nầy người Việt vẫn còn ở thế ngụ cư, sống xen kẽ với người Chàm, chưa có tổ chức làng xã riêng của người Việt.

      2. Cuộc di dân thứ Hai bắt đầu từ thời đại Trần, Hồ (1307 - 1428) diễn ra sau khi vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân với sính lễ cưới là hai châu Ô và Lý (Rí). Sau khi đất nước được mở rộng qua khỏi đèo Hải Vân, nhiều làng xã của người Việt đã được thành lập. Những họ nhập cư hai châu Thuận - Hóa sớm nhất là thuộc vào thời kỳ này, xuất phát chủ yếu từ đồng bằng Bắc Bộ. Nếu tính theo thế hệ tương đối (25 - 30 năm) thì cho đến nay đã đến đời thứ 24 - 28.

      3. Cuộc di dân thứ Ba tiến hành từ năm 1469, sau khi vua Lê Thánh Tông đánh bại quân Chiêm Thành, chiếm được kinh đô Đồ Bàn (hay Bồ Đàn), đất nước mở rộng đến vào đến vùng Bình Định, Phú Yên ngày nay.

       4. Cuộc di dân lần thứ Tư từ năm 1558, khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa.

Về thời điểm lịch sử thành lập làng Liễu Cốc, có những chứng cứ lịch sử, xã hội làm căn bản để dựa vào xác định.  

           - Thứ nhất, về mặt lịch sử, chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa mở đầu cho một đợt di dân bao gồm mọi thành phần xã hội thời bấy giờ. Đây là một cuộc Nam Tiến vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính nhân văn được triều đình nhà Lê và chúa Trịnh tiến cử nên dòng người di cư vào nam đủ mọi thành phần xã hội, đặc biệt là các thành phần kẻ sĩ, nho học có học thức cao mà các đợt di dân trước thường rất hiếm hoi. Tháng 1 năm 1570, Nguyễn Hoàng từ Tây Đô về, dời dinh về làng Trà Bát, nằm gần Ái Tử, chếch về phía đông bắc (nay là hai làng Trà Liên Đông, Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong). Tên gọi là Dinh Trà Bát.

Về hành chính, Thuận Hóa có 2 phủ, 9 huyện, 3 châu.

Phủ Tiên Bình lĩnh 3 huyện: Khang LộcLệ ThủyMinh Linh; 1 châu: Bố Chánh.

Phủ Triệu Phong lĩnh 6 huyện: Vũ XươngHải LăngQuảng ĐiềnHương TràPhú VangĐiện Bàn; 2 châu: Thuận BìnhSa Bồn.

Như vậy, rõ ràng huyện Hương Trà (có làng Liễu Cốc) được lập nên trong thời kỳ di dân lần thứ tư nầy.

  • Thứ hai, về mặt xã hội – gia tộc, làng Liễu Cốc Hạ có 7 họ gọi là Liễu Hạ Thôn Thất Tộc. Cao (Văn), Cao (Đức), Trần (Kiêm), Trần (Đăng), Nguyễn (Văn), Phan (Văn), Hà (Văn).
  • Tính đến năm 2020 xếp theo vần thứ tự ABC là: Họ Cao Văn (khai canh chi tộc) có 17 đời, họ Cao Đức có15 đời, họ Hà có 14 đời, họ Nguyễn có 16 đời, họ Phan có 14 đời, họ Trần Đăng có15 đời, họ Trần Kiêm có 16 đời. Nếu tính theo niên kỷ bình quân thì một đời (hay thế hệ) kéo dài trong khoảng từ 25-30 năm. Tính từ họ khai canh là Trần Văn thì đã có 17 đời; nghĩa là đã có một lịch sử dài trong khoảng 500 năm. Số liệu nầy rất tương ứng với thời điểm cuộc di dân lần thứ Tư thời chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa.

        Như vậy, căn cứ trên hai dữ liệu lịch sử và xã hội thì những bậc khai canh và khai khẩn làng Liễu Cốc là những người nằm trong số di dân thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Đó là đợt di dân lịch sử sau cùng được triều đình nhà Lê đương thời ủng hộ. Những người di dân trong đợt nầy thuộc vào những thành phần xã hội rất phong phú từ những bậc đại khoa kẻ sĩ đến hàng thầy thợ chuyên môn và người dân khát khao xây dựng đời sống mới. Kẻ hậu sinh, sau hàng chục thế hệ, xin bái vọng tiền nhân và thọ nhận vinh dự là con cháu, hậu duệ của những bậc tiền bối đã góp phần cho cuộc Nam tiến dựng nước và giữ nước theo dòng lịch sử gian lao nhưng cũng rất oai hùng của dân tộc Việt Nam.

      Tên làng: Liễu Cốc Hạ

 22atkdlt2

       Tháp Đôi Liễu Cốc là một công trình kiến trúc đặc trưng của văn hóa Champa. Tuổi tháp theo viện Viễn Đông Bác Cổ ước định khoảng 1000 năm. Viện Viễn Đông Bác Cổ (École Francaise d’Extrême-Orient viết tắt là EFEO) là một học viện chuyên ngành khảo cổ học thường trực tại Đông Dương đã được thành lập cuối năm 1898. Paul Doumer là người đã ký nghị định thành lập EFEO 3 năm sau khi đến Việt Nam làm Toàn quyền Đông Dương. Đây là một trường khảo cổ chuyên nghiệp đáng tin cậy nhất tại Đông Dương thời Pháp thuộc. Tài liệu của EFEO đã xếp Tháp Đôi Liễu Cốc vào một trong những di tích khảo cổ có giá trị trên toàn cõi Việt Nam và Đông Dương. Tháp Đôi Liễu Cốc được xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 20/7/1994. Đây là công trình kiến trúc mang tính thờ phụng và tôn giáo dân gian. Theo tương truyền, đôi Tháp Cổ được xây dựng để thờ “Bà Chúa Tháp”, rất linh thiêng, thường gọi là “Miếu Bà Cô xóm Tháp”.

      Sơ lược lịch sử và đặc tính của Miếu Đôi nầy vì có sự liên quan mật thiết đến tên Liễu Cốc. Miếu Đôi tháp Chàm đã có từ 500 năm trước; tên Liễu Cốc có từ 500 sau. Những nhà khảo cổ và nghiên cứu lịch sử chùa tháp, làng xã vẫn thường nhắc đi nhắc lại với nhiều câu chuyện dã sử và suy diễn nhưng tựu trung cũng chỉ có những ý tưởng mơ hồ về tên Liễu Cốc (柳谷) mang ý nghĩa là cái “hang liễu”. Nếu chỉ đơn giản phát âm là “liễu” (còn có chữ đọc là “liệu”) thì trong từ điển bách khoa Hán Việt có tới 14 chữ cùng phát âm tiếng Việt là liễu:了 liễu • 憭 liễu • 杳 liễu • 柳 liễu • 桺 liễu • 瞭 liễu • 繚 liễu • 缭 liễu • 蒌 liễu • 蓼 liễu • 蔞 liễu • 鄝 liễu • 釕 liễu • 钌 liễu… mà mỗi chữ đều có ý nghĩa riêng của nó. Tuy nhiên chữ có ý nghĩa thích ứng với tính chất phong thổ và địa lý nhất là chữ liễu (柳) với ý nghĩa là cây liễu.

      Thi hào Nguyễn Du trong Nam Trung Tạp Ngâm khi làm quan ở Huế (1805-1808) đã từng nói đến thổ sản thảo mộc địa phương vùng Hương Trà, Hương Cần là cây liễu trong bài Tống Nhân:

        

     
     
      
     
     
     
     
      滿

      Tống nhân

      Hương Cần quan đạo liễu thanh thanh,
      Giang bắc giang nam vô hạn tình.
      Thượng uyển oanh kiều đa đố sắc,
      Cố hương thuần lão thượng kham canh.
      Triều đình hữu đạo thành quân hiếu,
      Trúc thạch đa tàm phụ nhĩ minh.
      Trù trướng thâm tiêu cô đối ảnh,
      Mãn sàng trệ vũ bất kham thinh.

        Quách Tấn dịch:

      Hương Cần đường liễu dập dờn xanh,
      Bến bắc bờ nam bịn rịn tình.
      Oanh trẻ vườn vua ganh ghét đẹp,
      Thuần già quê cũ ngọt ngon canh.
      Trân cam mừng bác thân lo vẹn,
      Trúc thạch cười tôi nguyện chẳng thành.
      Thổn thức giường khuya nương bóng lẻ,
      Chẳng kham mưa gió sụt sùi canh.

      Cốc: Liễu Cốc Âm cốc trong tiếng Việt cũng có 16 chữ Hán Việt khác nhau là:

吿 cốc • 告 cốc • 峪 cốc • 梏 cốc • 榖 cốc • 毂 cốc • 濲 cốc • 牿 cốc • 穀 cốc • 角 cốc • 谷 cốc • 轂 cốc • 鴰 cốc • 鵠 cốc • 鸹 cốc • 鹄 cốc

Nhưng xét kỹ thì chữ Cốc (谷) có nghĩa là cái hang, chỗ lõm vào giữa hai triền núi hay gian nhà nhỏ đơn sơ và thanh bạch là thích hợp nhất khi ghép với chữ Liễu thành ra Liễu Cốc có nghĩa là cái hang hay nơi lõm vào giữa hai cái tháp được bao phủ bởi những cây liễu, hàng liễu hay rừng liễu xanh tươi.

     

      Bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn, chùa làng Liễu Cốc Hạ đã bị bỏ hoang phế suốt thời gian chiến tranh. Một tư nhân đã phát tâm hiến đất tư của mình để xây một ngôi chùa mới trong làng, đó là ông bà Trần Kiêm Mai. Bởi đây là một ngôi chùa tư nhưng người tạo lập muốn hiến tặng cho làng nên chọn một tên gọi thích hợp cho ngôi chùa mới phải hợp tình hợp lý. Thoạt đầu, ông Trần Kiêm Mai muốn đặt tên ngôi chùa là chùa Liễu Cốc Hạ, nhưng chưa được đại đa số ủng hộ vì việc cúng dường chưa hoàn tất nên chùa chưa thuộc sở hữu của làng. Ông Trần Kiêm Mai đã thỉnh ý một vị danh tăng tại Huế thời bấy giờ là Thầy Thích Mãn Giác, Thầy cũng chính là thi sĩ Huyền Không và đồng thời cũng là giáo sư tiến sĩ dạy đại học Sài Gòn và Huế. Thầy đã đặt tên cho ngôi chùa mới dựng là Túy Liễu Tự. Túy hay thúy là màu xanh biếc. Túy Liễu Tự là ngôi chùa trong vùng liễu xanh. Theo lời của Thầy Mãn Giác thời ấy thì “có tích mới dịch ra tuồng”. Thầy nói đến nguồn gốc thôn Liễu Cốc có ghi trong Lăng Già Nguyệt và cho chúng tôi xem một tập văn bút từ thời xa xưa. Đây một tập văn bút viết tay trên giấy thô gồm cả thơ và văn bằng chữ Hán rất cổ xưa còn lưu lại có 3 chữ đầu là Lăng Già Nguyệt (),không rõ đây là tên người viết hay tên tác phẩm. Tập sách mỏng chỉ có 18 tờ, giấy bổi đã ố vàng, nhiều chỗ mục nát phải dán keo nylon và chỉ có hơn một nửa là còn nhìn ra mặt chữ. Chúng tôi đều rất quan tâm khi được Thầy cho xem mấy bài thơ có liên quan đến thôn Liễu Cốc. Trong đó bài Đề Liễu Cốc Thôn như sau:

           Nguyên văn

    

      題柳谷村     

      此地森立柳

      古塔一座中

      柳枝結為谷

      柳谷題村稱。

Dịch âm

Đề Liễu Cốc thôn

Thử địa sâm lập liễu,

Cổ tháp nhất tòa trung.

Liễu chi kết vi cốc,

Liễu Cốc đề thôn xưng.

Dịch nghĩa

Chốn ấy liễu mọc san sát nhau,

Một ngôi cổ tháp nằm chính giữa

Cành liễu liên kết nhau thành hang,

Nên Liễu Cốc trở thành danh xưng của làng

Dịch thơ

Chốn ấy liễu từng hàng,

Cổ tháp một tòa trung.

Cây đan thành Hang Liễu,

Liễu Cốc đặt tên làng.

Bài thơ ngắn 4 câu, 5 chữ, dễ thuộc khó quên nhưng đã giúp lý giải tên làng Liễu Cốc rằng: Đây là một vùng đất có nhiều cây liễu mọc thành từng hàng. Nơi đó có một tòa cổ tháp ở giữa. Xung quanh có nhiều cây đan với nhau tạo thành một cái hang kết bằng cây liễu. Bởi vậy, tên làng được đặt thành Liễu Cốc. Sự thành hình làng và tên làng gắn liền với Tháp Đôi.

Bài thơ thứ hai liên quan đến việc chia làng Liễu Cốc ra Thượng, Trung, Hạ. Nội dung ngụ ý rằng, cùng là những người di dân từ Bắc vào Nam gặp nhau trong Hang Liễu, ta cũng như người đều cùng một quê hương cũ, dẫu có chia ra Thượng, Hạ thì cũng đều ở vị thế như nhau không phân biệt.

     

    古塔柳峪中

    他鄉又相逢

         我人情故郡

    上下一般終

 

      Cổ tháp Liễu Cốc trung.

      Tha hương hựu tương phùng.

      Ngã nhân tình cố quận,

      Thượng hạ nhất bàn chung.

      Cùng ở trong tháp xưa Liễu Cốc,

      Giờ ở xứ lạ quê người mình lại gặp nhau

      Ta với người có tình đồng hương,

      Trên hay dưới đều thân phận giống nhau

      Bài thơ thứ Ba trên trang bị mục rách, chữ chỉ còn đọc được hai câu:

   迎客江湖憑柳下

   離杯此夜永難尋

      Nghinh khách giang hồ bằng Liễu Hạ

      Ly bôi thử dạ vĩnh nan tầm

      Tiếp khách muôn phương tình Liễu Hạ

      Đêm nay cạn chén chia tay khó tìm lại nhau

Như vậy, việc chia thôn Liễu Cốc ra Thượng, Trung, Hạ xuất phát từ điều kiện địa lý và kinh tế trong buổi đầu trên bước đường di dân khó khăn chứ không nhằm mục đích xếp loại cao, thấp hay trên dưới vì trên hay dưới đều có chung một thân phận giống nhau “thượng hạ nhất bàn chung”. Thật là một truyền thống văn hóa di dân tình nghĩa thâm sâu và bình đẳng của các bậc tiền nhân khai phá đi trước mà con cháu muôn đời sau rất lấy làm tự hào và tôn kính.    

      Cại Liệu:

         

      Danh xưng Cại Liệu bắt nguồn từ danh xưng Kẻ Liễu.

      Trong sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi có nói đến khu vực chợ lớn ở Thăng Long được gọi là Kẻ Chợ, vì thế tên Kẻ Chợ có thể xuất hiện trong dân gian từ thời Lê vào thế kỷ XV. Danh xưng “Kẻ” là để chỉ cho lớp người có chung một nếp sinh hoạt như “Kẻ Quê” là người ở nông thôn, “Kẻ Chợ” là người ở phố chợ hay “Kẻ Sĩ” là tầng lớp có học thức… như cả kinh thành Thăng Long ngày xưa được gọi là Kẻ Chợ cách đây cả nghìn năm.

      Lớp người di dân từ Bắc vào Nam đã mang theo danh xưng “Kẻ…” cộng thêm với tên riêng để chỉ lớp người sinh hoạt kinh doanh, thương mãi. Cư dân Liễu Cốc ban đầu đã theo nhu cầu kinh tế và sinh hoạt để tách ra thành ba nhóm: Liễu Cốc Thượng chuyên về khai thác lâm sản và làm rẫy. Liễu Cốc Nam chuyên về nông nghiệp và thủ công. Liễu Cốc Hạ tiến sát sông Bồ chuyên phát triển nông nghiệp và thương mãi nên một thời phía Đông làng Liễu Cốc Hạ được gọi là “Phố”. Dấu tích còn lại một thời là trong khi các cây cầu khác đều đan hay kết bằng tre, mây như Cầu Khại, Cầu Vượn, Cầu Lừ… thì phía Đông làng Liễu Cốc Hạ đã có hai chiếc cầu đúc bằng bê tông cho xe ngựa và kẻ gánh gồng qua lại được là Cầu Banh trên và Cầu Banh dưới. Đồng thời, hai kè đá ven sông cũng được xây dựng rất công phu bằng đá tảng vừa ngăn cuồng lưu làm sông lở, vừa để cho thương khách trên bến dưới thuyền tiện bề giao thương bằng ghe thuyền là hai Dấu Hàn trên và Dấu Hàn dưới ra tận gần nửa sông.

      Bởi vậy, làng Liễu Cốc Hạ còn có tên là “Kẻ Liễu” (có nghĩa là người thôn Liễu buôn bán nơi phố chợ). Kẻ Liễu phát âm theo ngữ âm bình dân thành “Cại Liệu” tương tự như người buôn bán ở bến sông Kẻ Vạn - Kim Long, Huế được đại chúng phát âm thành “Cại Vạn”.

Ngày nay, tên chính thức theo hành chính và luật pháp là Liễu Cốc Hạ, thuộc xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, Thành phố Huế.

      Đời sau muốn tìm ra nguồn gốc của một địa phương, văn hóa của một xã hội hay nguyên nhân và kết quả về sự biến dịch của một đơn vị dân cư trong khung cảnh xã hội và chính trị nào đó thường phải dựa vào tài liệu lịch sử để lý giải. Tuy nhiên trong những trường hợp lịch sử chính thống bị thất lạc hay không được thì phải dựa vào các thông tin ngoại vi như văn học nghệ thuật, ca dao, chuyện kể truyền khẩu dân gian hay thậm chí là dã sử. Quá trình tìm lại lịch sử làng Liễu Cốc Hạ cũng không ngoại lệ.         

Trần Kiêm Đoàn

(Trích từ bản thảo Kỷ Yếu làng Liễu Cốc Hạ)