"Quân lính cốt hòa-thuận, không cốt đông; cốt tinh-nhuệ, không cốt nhiều. Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm-dẻo, chứ không lấy mạnh đè yếu, nhiều hiếp ít." ** Quang-Trung **

 

Món Nợ Không Vay

Cám ơn bài viết Món Nợ Năm Xưa của văn thi sĩ Kim Loan. Những chi tiết nho nhỏ chạy dài theo hàng chữ, cho tôi quay về với bao kỷ niệm khó quên. Tuy nội dung không chính xác như tâm trạng của tôi khi lênh đênh trên mặt đại dương năm nào.

Bịch nilon

Hình ảnh bịch nilon và hai chỉ vàng vẫn luôn ám ảnh và theo tôi suốt cuộc đời này. Tôi mãi nhớ hai chỉ vàng và bịch nilon với gói chanh đường. Không thể nào tôi quên một bộ quần áo duy nhất, tôi gói ghém mang theo bên mình. Cái tánh lo xa, ưa phòng hờ, mình cần thêm một bộ quần áo để thay khi cần đến.

Như chúng ta đều biết, năm tháng biển Đông dậy sóng như lên cơn sốt. Đây là thời buổi căng thẳng, khi mà nhiều người cần phải thoát thân. Thế là, làn sóng vượt biển nóng bỏng cực độ. Đi đâu trên mọi ngả đường, hè phố, người có ước mơ ra khơi đều muốn tìm đường dây an toàn cho mình.

Tất cả lời truyền miệng với nhau, chỉ người thân quen mà thôi. Không ai dám hó hé, rỉ tai với người xa lạ bao giờ. Mọi hành vi rụt rè lén lút, vẻ mặt xanh mét trong nỗi run sợ, là chứng tích để bị hạch hỏi ngay. Nhất là người lạ với làn da trắng hơn người dân địa phương, đều bị những con mắt nhà nghề bám theo liền.

Cử chỉ vụng về, nét mặt lơ ngơ, vì không biết đường xá. Dân Sài Gòn ngơ ngác, lang thang ở vùng sông nước, đều rơi vào cái bẫy không ngờ. Người có quyền hành dọ xét, tìm kiếm đường dây hầu triệt tiêu, để bắt bớ.

Vùng sông nước thường có ghe vượt biển, thì chắc chắn phải có bến đậu, người khách đi theo. Nếu bắt được ai đang tìm cách, có thầm ‎ý ra khơi, thì con mồi bị túm vô nhà cây ngay tức khắc. Nhất là, ai đó bị khám xét trong thân người, giấu nhét vàng, hay tiền đô la là tang chứng không chối cãi được.

Dẫu biết thế, tôi vẫn mang theo một bộ quần áo màu đen sậm, vải mềm để cuộn lại nhỏ xíu xiu thôi. Ở địa điểm taxi giao người cho con cá lớn quá là hấp tấp. Tôi đã mất cái bịch nilon và bộ quần áo được tôi cẩn thận bó thật chặt, thành gói nhỏ thôi. Nhưng nhỏ hay lớn gì, cuối cùng cái bịch này cũng đã lạc xa tôi từ khoảnh khắc ấy.

Hai chỉ vàng

Song thân nào mà không thương và lo cho con từng chi li, nhất là sắp xa gia đình muôn trùng. Bà mẹ nào cũng sợ con mình đói khát dù ở nơi đâu, bến bờ nào. Quần áo mà tôi mặc, đi theo chị Hai leo lên chiếc xích lô ra Chợ Lớn, tôi đã sẵn sàng từ lâu. Vì sao đặc biệt như vậy?

Bộ quần áo này không trơn tru, đơn giản như những quần áo mặc ở nhà. Tôi đã cẩn thận khâu ép vào áo trong hai mươi đô la, được cuộn nhỏ xíu bằng phân nửa điếu thuốc. Chị tôi từ California gởi về qua bưu điện, ép trong thơ. Ngày tôi đi, chị dặn dò kỹ lưỡng, nhớ mang theo chút tiền, lên đảo Bidong có tiền xài liền, cần kíp mua thức ăn.

Mẹ tôi đưa hai chiếc nhẫn, mỗi chiếc một chỉ vàng. Tôi khâu một chiếc nhẫn vào bâu áo. Lo xa, nên khâu chiếc nhẫn kia vào lưng quần. Hai nơi cho an toàn.

Khi ghe bị ăn tràng kẹo, họ đòi hai mươi miếng bánh, mới thả cho ghe đi tiếp. Cuộc đàm phán kéo dài gần suốt một ngày biển động. Tôi say sóng nằm oằn oại, không còn biết đất trời quay bao nhiêu độ.

Khi anh Hùng về hô hào phải nộp vàng lần thứ nhất, tôi đã cắt bâu áo, lấy ra một chỉ, bỏ trong cái lon, anh Hùng đang đi lòng vòng gom góp.

Rồi lần thứ hai xảy ra, họ đòi hỏi thêm nữa. Anh Hùng kêu gọi những người chưa đưa vàng ra lần thứ nhất.

Rồi lần thứ ba anh Hùng quay về báo tin, chưa đủ hai mươi lượng vàng. Anh Hùng kêu gào thảm thiết…

- Bà con ráng đi, đưa ra thêm nữa đi, nếu không trở vô bờ, ở tù hết cả đám. Tiền đô la, hay vàng gì... cũng bị tịch thu hết.

Tôi nói riêng, và tất cả những người trên ghe nói chung, ai cũng run rẩy khi nghe vô bờ… nằm nhà cây.

Chị Hai lên tiếng kêu gọi từng người trong cabin:

- Mỗi người cố gắng đưa thêm ra...

Tôi say sóng quá, không thể cầm cái kéo để cắt đường chỉ may ở lưng quần. Một chị phụ cắt, lấy ra một chỉ vàng cuối cùng, giao cho anh Hùng.

Thôi thì, của đi thay người. Còn hơn ở tù. Về Sài Gòn vừa mất mạng, vừa bị nhốt thành ghẻ lở. Mất luôn cả tương lai. Ơi trời hỡi, nghĩ tới đó mà khiếp vía!...

Mặc dù tôi mất trắng hai chỉ vàng, để dành trang trải trong những ngày chờ đợi được đi định cư trên đảo Bidong. Nhất là, khi chân ướt chân ráo, ngơ ngáo bước lên xứ người. Tôi không buồn chi hết. Tôi trả món nợ với người tôi chưa hề vay mượn, cũng như chưa quen biết bao giờ. Tuy không vay nhưng nợ này không trả, thì kiếp nhân sinh có thể đã tàn lụi theo lượn sóng chập chùng ngày đó rồi.

Chuyện mất hai chỉ vàng trên biển, tôi chưa bao giờ viết một chữ nào về sự mất mát này. Tôi cũng chưa hề kể lại, trong khoảnh khắc nào, trong hoàn cảnh nào. Mà tôi đã mất hai chỉ vàng cho anh chị em, và song thân tôi nghe.

Hôm nay, đây là những dòng chữ đầu tiên trong đời, tôi ghi nhớ về hai chỉ vàng. Rất xúc động !

Trải qua bao mùa thu thay lá, tôi hít thở hương hoa, cùng tiết trời của quê hương thứ hai. Bốn mùa thay lá thay hoa, thật sự đã thay đổi đời ta. Bây giờ cuộc sống an bình, tôi chỉ cầu xin ơn trên cho hơi thở điều hòa mà thôi.

Tâm trí điềm nhiên thanh thản. Ngày nào rảnh rỗi, tôi ngồi nhìn mây ngàn bảng lảng vờn bay. Hai chỉ vàng năm xưa như áng phù vân thoáng nhớ, và chóng bay tan. Kỷ niệm một thuở run tim, tôi luôn in khắc trong tiềm thức tưởng chừng đã ngủ yên, im lìm phai phôi.

Hồi tưởng giây phút cắt bâu áo, cắt lưng quần để moi ra hai chiếc nhẫn vàng, bỗng dưng hôm nay hoài niệm sống lại. Món nợ năm xưa tôi đã góp phần, trả xong trên đại dương rồi. Tất cả buồn vui đều tan nhòa vào quá khứ mù khơi. Hai chỉ vàng theo khói sương biển Đông gần nửa thế kỷ rồi còn gì.

***

Hai chỉ vàng còn quá rẻ để trả cái giá của Tự Do. Vì sao?

Vì vào thời gian đó ở quê mẹ, có hàng ngàn người muốn bỏ ra nhiều vàng hơn tôi, để được đến bến bờ tự do. Nhưng họ tìm hoài, tìm mãi vẫn chưa bắt được đường dây chân thật. Rất khó kiếm người tổ chức chân tình là chủ ghe, hiền lành, thật tâm, thật lòng muốn vượt trùng dương để thay đổi định mệnh.

Tôi may mắn, anh chị Hai là hàng xóm thâm tình. Anh chị đối xử với tôi như đứa em ruột. Thương anh chị biết ngần nào!... Lần đến thăm anh chị sau mấy năm an bình định cư, anh Hai cười ngất ngưỡng và trêu chọc tôi:

- Nhỏ này ngồi trên ghe, ói hoài nên hôi hám dữ lắm. Anh cười ha hả!...

Những ngày lênh đênh trên ghe, tôi chưa gặp anh Hai lần nào. Em gái anh Hai ngồi cạnh tôi. Chị này méc với anh Hai, nên anh Hai mới cười khoái chí.

Cám ơn Món Nợ Không Vay, đưa tôi quay về với kỷ niệm một lần cưỡi sóng đại dương. Vào những ngày tôi tơi tả lênh đênh giữa biển trời mênh mông.

Hai chỉ vàng gợi nhớ trong tim tôi quá khứ buồn tênh, mà tôi đã thật sự muốn quên. Món nợ ân tình với trùng dương. Tôi và nhiều người oằn oại trên chiếc lá tàn phai, phải trả để được bước lên cây cầu Jetty nhân ái.

Jetty là nghĩa tình, là nỗi nhớ khôn nguôi của triệu người có tên gọi là Thuyền Nhân.

Jetty hiền lành biết bao, ngày đêm nằm im lìm, chịu đựng những lượn sóng lạnh lùng trù dập. Jetty kiên cường chờ đợi những bước chân xiêu vẹo của tôi, cũng như của hàng triệu người cùng sinh tử trong nhiều chiếc lá gỗ long đong.

Ghe cây nhỏ bé như hạt muối tan nhòa giữa trùng khơi, vẫn cố chống chọi với ngàn lượn sóng, bão táp, để vượt qua khúc quanh cuộc đời. Nước mắt của thuyền nhân tuôn chảy tràn ngập biển Đông rồi còn gì.

Những chuyến ghe trốn chạy xa rời quê mẹ, nhiều hải trình kinh hoàng in khắc bao nhọc nhằn, bao đau khổ, bao mất mát. Tất cả được trải dài trên trang sử Việt khi vận nước điêu linh!...

Bạch Liên

APRIL 25 - 2024