"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc." ** Trần Bình Trọng **

Thư gởi hiền thê trở về cố quận

Tản Mạn Một Lần Về

Hiền thê đương thân một mình bương chải về cố quận lo tro cốt người quá vãng gởi gắm vô cảnh tịnh yên (nghe nói là Linh Phong Tự) đặng có sớm hôm hương khói nương lời kinh kệ tiếp nối chặng đường vãng sanh miền Cực Lạc. Ý nguyện từ lâu hằng ấp ủ nay có dịp trùng tu. Vậy thì hiền thê cứ lên đàng lo toan nhiệm vụ. Hồi cha mẹ sanh tiền hai đứa mình còn xất-bất-xang-bang lo đời riêng trong hoàn cảnh (ngộ) bể dâu thương hải tất bật nồi cơm độn sắn khoai ngô còn lấy đường(đắp) mô đâu mà nói ưng thêm lời phụng dưỡng. Huống nữa tôi hồi đó từ rào kẽm trở về trầy xướt tâm hồn thân tàn ma dại nhờ đỡ hiền thê chia cho miếng ăn độn, hạt muối cũng cắn đôi, buồn vui cùng chia nửa...

Là chuyện xưa nối chặng đường đời đá cục đá hòn cỏ dại lấn chen tưởng như cùng đường nghẹt lối.

Tới nay thì ra xa lộ rồi. Cũng quá đỗi nhiêu khê, mới ra tới đặng.

Nay hiền thê về lại cội nguồn lo liệu mọi đàng cho cha mẹ anh em đã không còn trên cõi đời này nữa, là chuyện đáng phải nên làm.

Rất tiếc, tôi không cùng đi. Có những niềm riêng nín giú trong lòng không tiện nói ra lời. Quê hương nguồn cội ai mà không nhớ nhưng mà…

Thôi, đừng nói gắng gượng thêm chi nữa. Xếp lớp sắp tới là bốn-mươi-hai năm rồi từ ngày đó…Là từ ngày thương hải nương dâu làm nên cảnh đổi đời...

Chừng bấy nhiêu, hiền thê cũng thầm hiểu. các con cũng thấu lòng Ba.

Con người không có một tâm hồn chỉ là con người sáp. Không còn có tâm hồn là tự thân buông xuôi cho bèo giạt huê trôi tới đâu ghé đó miển có một nơi chốn nương nhờ buổi sa cơ lỡ vận. Đâu có mà an tâm an phận mà không có nguyên do....

Nói gần xa là không về, không thể về, không cùng về…

Nghe rồi thấy hiền thê “lên phây” hình ảnh xóm cũ làng xưa đã thay hình đổi dạng là điều tất nhiên qua bao năm tháng, kể từ ngày đó. Có điều đổi thay quá nỗi thăng trầm. Người xóm xưa đã lạc tận Đông Đoài nay còn lại in chừng vài nóc gia lụp xụp giữa bốn bề biệt phủ cao tầng cao ngất.

Nghe nói lại là gặp những người xưa chỉ lưa thưa mấy mống còn lưa ra là người mới từ đâu lũ lượt kéo về đùm đề thê tử giành giựt thổ ngơi tới cạn kiệt ngày xưa.

Dốc La Sơn Phu Tử chạm dốc Ngô Quyền rấn xuống một khúc ngắn là gặp chợ Chiều, giờ đã xóa nhòa mất hết rồi. Hục Bà Sơ cũng nổi đình đám lô nhô nhà cao tầng màu mè chói mắt tới luôn cả đồi Trọc rồi lấn chiếm cả rừng Ngo. Suối Cam Ly của ngày nào e cũng nín khe rồi khô dòng chảy bởi sự đổi thay lấn chiếm tằm ăn dâu.

Về lại, thấy như vào cõi lạ.

Chuyện dài quá trời cho một lần về phải chạm mặt đổi thay không nhẹ nhàng chi mà thiệt là hung bạo tàn bạo đến sững sờ.

Người xưa thì không đổi thay nhưng đổi nơi, chỉ nhúm lưa thưa còn ra là tản mác tứ tán phương đời. Kiểu dáng như bầy ong vỡ tổ. Hồn thiêng làng xóm là mái Đình cong dáng cổ xưa nay cũng đã mất dấu hết rồi. Mấy Ôn xưa chiêng trống khói nhang ngày lễ hội kỳ yên giờ cũng đi xa.

Con cháu dù có bỏ đi xa còn có lúc có dịp ghé về. Mấy Ôn đi xa thì không cách chi về được nữa!. Nhang tàn, khói lạnh làm buồn lây lòng dạ mấy Mệ cũng khói lạnh cũng tàn nhang

Buồn não lòng con cháu khi còn, có, dịp về thăm lại nhóm lửa nhang rồi lại đi để lại nguyên si nhang tàn khói lạnh...

Tôi không về, không cùng về nhưng thấu nỗi đau người ghé về thăm chốn cũ.

Thay đổi là lẽ tất nhiên theo thời dòng đời thời gian nhưng nói thiệt, đổi thay quay quắt như vầy thiệt là không còn chốn nương thân. Khoan nói khi trở về thăm mà cả khi tưởng tượng buổi về cũng lây lan cơn sốt cao độ : nỗi điếng lòng.

Hiền thê về thấy cảnh tình như vậy cũng thấm nỗi buồn lòng.

Tôi không về, không cùng về nhưng nỗi buồn còn nặng ký hơn. Xóm cũ giờ, nếu nói đúng ý văn thơ y chang lời cảm nghĩ, đã là hoàn toàn xóm mới. Không còn dây mơ rễ má gì tới xóm làng xưa. Hai chữ diễn(rồi giải) nghỉa “hoàn toàn”, nghe ra cho tỏ tường, mới thiệt là ớn lạnh…

Lại thêm “xóm mới” (theo thời thế đổi đời).

Thiệt muốn nổi da gà…

Hỏi nhỏ hiền từng lên rồi xuống con dốc Ngô Quyền giờ còn (hay đã) thay tên. Có êm đềm như hồi xưa tình yêu lên (dốc) xuống (dốc) giữa mùa-trăng-kỷ-niệm vằng vặc dòng trôi êm đềm hai dãy nhà trầm mặc giú kín bao dung tình yêu hai đứa (mình) cùng ở chung một xóm.

Câu trả lời là không(hay chưa)có thay tên vẫn đường xưa lối cũ nhưng giờ nhà cao(ngất)tầng đã che khuất vầng Trăng soi với lại ồn ào chợ búa (tạ) làm sao có được lời tình tự vói thêm thầm kín lòng yêu thương làng xóm như hồi nào

Giờ cuộc sống chụp giựt bon chen phát ngôn “nặng ký” mất lòng quá chừng đau nhói hóa lừng đau một thuở tình êm đềm dung dị xa…xưa…

Mới hỏi nhẹ đôi câu mà đã nghẹn lời bày tỏ.

Thôi, hiền thê ơi, cứ giú trong lòng chuyện tình xưa ngày xưa cho văn(g) thơ tôi còn có mái che phên giậu khi nhắc nhớ một thời quấn quyện đời nhau trên dốc cũ. May là còn đó, chưa đổi tên.

Còn những người xưa ai đi xa ai còn ai mất hiền thê cứ nói rỏ cho ra nỗi thăng trầm. Câu trả lời là giờ hủ tro than gởi nương nhờ nơi thanh tịnh xa lánh cảnh tranh giành bát nháo còn ngoài ra có gặp lại ai đâu mà nói chuyện đổi thời đổi đời. 

Vậy là bù trất ngóng chuyện ngày xưa người xưa xóm xưa…

Về xóm cũ chạm xóm mới là nỗi bất ưng. Nghe chuyện kể hôm nay đặng so bì xóm xưa là điều bất khứng.

Thôi, hiền thê cứ an tâm lo chuyện trên đầu trên cổ còn chuyện trong trái tim trong lòng thì xả bỏ, giùm.

Tôi thuở giờ Thơ kéo dài (như kéo kẹo kéo dài ngoằn) tới văn, viết chuyện đời thường không có văn hoa tình tự chải chuốt chi trơn. Có làm sao thì nói ra làm vậy. Có ôn bạn  đó(thiệt tình quên tên)cũng đồng tình là cứ có làm sao viết ra làm vậy. Thêm, là bậy. Bớt, là quá bậy. Thôi thà nói một lời không bậy không quá bậy là hiền thê về quê chuyến này cứ lo chuyện lớn còn râu ria hỏi thăm đời xưa đời nay là chuyện kể bên lề.

Xóm cũ xóm mới miển còn xóm là được. Còn hiếm hoi tìm gặp được dăm ba người  cư-trú-lì để hàn huyên dài ngắn cũng là niềm an ủi buổi về không đến nổi tưởng mình đi lạc vào cõi lạ. Thấy hình anh Huy chị Thêm nhỏ chị Thêm lớn cô Mai cô Hà chú Thành còn ngồi với hiền thê cười nói buổi về, là vui lây rồi. Coi thêm hình lớp bạn học của Minh Trí nhà mình ngày xưa Huy, Hà, Phúc (không thấy Thông, Hiền) lại thêm vui. Còn gặp được o Mộng Hà o Minh Thu bác Thích ở quán Mệ Cai Hoành, vui dài lâu hơn chút. Thêm, nêm thêm, các cháu của O của Dì xúm xít tình thân cứ hỏi răng Dượng không cùng về. Nói răng đây cho đủ. Dượng không về không ưng về là có cái răng riêng của Dượng. Các cháu hỏi  khó chi cho o dì không biết làm răng mà “noái” chuyện ra răng mà Dượng nỏ về….

Vậy là đi lên rồi đi xuống xóm xưa may còn gặp lại mấy người xưa an ủi đôi phần.

Hồi đó có ông Hạ Tri Chương trẻ xa quê già về chốn cũ. Lủ trẻ chạy theo hỏi lạ người đâu về đó vậy. Nay hiền thê cũng lạc bước xa quê  trở về, lủ trẻ đón ân cần vui mừng làm vậy, còn đòi chi. Mới hay tình nghĩa giáo khoa thư hồi đồng ấu vẫn nặng lòng theo cho tận buổi hồi hưu(hay hồi hương!).

Tháng Tư trời đất giao hòa trối Đông hàn qua Xuân ấm. Bồng ấm hơi cháu ngoại Teddy, ôn cháu ngồi ngó đàn cá bơi lội tung tăng hồn nhiên thoải mái. Cháu ham ngó cá bơi  ngạc nhiên thích thú. Ôn ham bận trầm ngâm dàn dựng chuyện tản mạn đời thường nhân buổi Mệ về quê cũ. Lát nữa vô phòng Văn chờ ru  cháu ngủ mới rảnh rang gỏ nên chữ nên câu nên bài lưu trữ dòng văn thơ.  Một ngày không có thơ văn thì Ôn khó thở. Một ngày cháu không có món cháo nhuyễn nhừ mẹ Út, Ba Út(bởi cả hai cùng là con út hai nhà)nấu thì cháu khó ở.

Ôn, tâm hồn thơ văn. Cháu, tâm hồn ăn uống .

Nói chuyện huề vốn, mắc cười …

Nay hiền thê vượt trùng dương đáo hồi vói níu quê xưa. Bảo trọng miếng nhai ăn miếng uống nước kẻo thân lại lụy thân thê thảm hơn thời cơm độn sắn ngô khoai!.

Suýt nữa rồi quên hỏi hiền thê là cơn ho dai dẵng giờ tới ngấn nào !. Có dấu hiệu hạ màn hay còn hung bạo(tàn canh) cho qua hết tháng Tư ?.

Ai biểu vốn xưa rồi tới nay cứ mãi ăn theo dân H.O khiến cho  mổi tháng Tư, trở chứng nhớ mùa xưa, ho khan ho thắt ho sặc sụa…

Thật tình đâu khứng làm ra vậy nhưng cứ thuở giờ mang dáng vẻ H.O.

Mới thành ra Ho.

Thôi thế thời thôi đành thế vậy. Hiền thê cứ ho cho đã nưa tháng Tư qua từng chặng đưởng đời ly xứ.

Về quê nhà…cứ….ho thêm…ho cho đã…cho quên….

 

Viết dưới hiên trăng tháng Tư mù hóng...

Trần Huy Sao