"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

 

Tâm Lý Người Di Dân

 19Bhvhtln1

 

 ..."Từ phía người, hãy trao cho ta những kẻ mỏi mệt, nghèo hèn, 

Những đám đông co cụm khao khát thở tự do,

Rác rưởi bất hạnh của bến bờ  quá đông người

Gởi những thứ đó, những kẻ không nhà, lao đao trong bão tố, cho ta:

Ta đang đưa cao ngọn đèn của ta đây bên cạnh cánh cửa vàng!"

(Emma Lazarus/Hồ Văn Hiền dịch)

Tượng Nữ Thần Tự Do được nhân dân Pháp tặng cho Hoa Kỳ như là biểu tượng của những giá trị cọng hòa. Bài thơ này của Emma Lazarus, được khắc vào một bảng đồng dưới chân tượng, biến bức tượng khổng lồ này thành một  biểu tượng của nước Mỹ soi đường dẫn lối cho những di dân bất hạnh bị Thế giới cũ ruồng bỏ, phế thải và chào đón họ vào một vùng đất hứa mới.

 

Tâm lý người di dân là một vấn đề quan trọng đối với người tỵ nạn hay nhập cư Việt chúng ta ở Mỹ và là một vấn đề thời sự quan trọng trong cuộc đối thoại chính trị ở Mỹ. Tiến sĩ Tâm Lý Học Dina Birman (Đại học Miami) có một cuộc nói chuyện tại Quốc Hội Mỹ về người nhập cư (9/21/2015). Trang Psychology Today có tóm tắt cuộc nói chuyện này và nêu ra những đề nghị của diễn giả. Tôi xin lược dịch bài báo và có kèm thêm một số nhận xét để làm rõ một số điểm.

Hơn 40 triệu người sống ở Hoa Kỳ được sinh ra ở nước ngoài, khoảng 14% dân số. Tỷ lệ này thấp hơn nhưng chỉ thấp hơn một chút so với con số đạt được ở cao điểm nhập cư trước đó vào năm 1910 và cao hơn mức thấp nhất 4,7% của năm 1970. Người nhập cư có xu hướng chiếm một trong hai đầu của phổ kinh tế xã hội; 27% bác sĩ và 32 % các nhà khoa học hay kỹ sư là người sinh ra ở nước ngoài. Mặt khác, khoảng 25 phần trăm người nhập cư làm việc trong các ngành dịch vụ lương thấp và có khả năng sống nghèo hơn so với người sinh tại Mỹ.

Người nhập cư đến Hoa Kỳ vì nhiều lý do: một số người đến đoàn tụ với gia đình họ; người khác để để có cuộc sống tài chính tốt. Hoa Kỳ cho phép khoảng 70.000 người tị nạn (refugees) đến hàng năm; đồng thời, khoảng 30.000 người xin "trú ẩn" (asylum) được cấp giấy phép ở lại Hoa Kỳ. Cuối cùng, khoảng 11 triệu người đang ở đây mà không được phép. Trong 11 triệu người đó có khoảng 4,5 triệu trẻ em sinh ra ở Mỹ. Trái với điều công chúng thường nghĩ, chỉ 52% những người nhập cư trái phép này đến từ Mexico. Điều quan trọng là, dòng người nhập cư trái phép vào Hoa Kỳ đã giảm kể từ giữa thập niên 2000's.(Mỹ cho biết họ sẽ giới hạn số người tị nạn được phép vào nước này vào năm 2019) với mức thấp kỷ lục gần 30.000; so với giới hạn 45.000 người tị nạn do TT Donald Trump đặt ra cho năm 2018 và 50.000 năm 2017. HVH).

Hoa Kỳ chi một số tiền đáng kể để cố gắng truy tìm và giam giữ những người cư trú bất hợp pháp. Năm 2010, Mỹ đã bắt giữ khoảng 400.000 người với chi phí khoảng 2 tỷ USD. Số người bị trục xuất giảm xuống còn 316.000 trong năm 2014, giảm so với con số 617.000 của năm trước. (Năm 2018, theo The Washington Post, có 256.000 người bị trục xuất khỏi nước Mỹ, nhưng vẫn thấp hơn số bị trục xuất dưới thời TT Obama. 145.262 từng có tiền án, một số đang bị truy tố.

Có chừng 8000 người Việt ở Mỹ không phải là công dân có thể bị trục xuất về VN. HVH)

Từ 2009-2015, khoảng 100.000 trẻ em đã có cha mẹ bị trục xuất, và chúng vẫn ở đây với người thân hoặc chăm sóc nuôi dưỡng. Số trục xuất giảm là do một số yếu tố, trong đó phản ứng của chính quyền đối với những lời chỉ trích, và giờ đây do chính quyền tập trung vào việc trục xuất tội phạm bị kết án, người nước ngoài có thể đe dọa an ninh cho nước Mỹ và những người vượt biên giới trái phép gần đây. Ngoài ra, việc cắt giảm ngân sách và sự phức tạp gia tăng của thủ tục loại bỏ đã tạo ra các hồ sơ tồn đọng trong hệ thống tòa án dẫn đến ít quyết định loại bỏ hơn.

Tâm lý học có thể làm sáng tỏ quá trình thích ứng về văn hoá, ghi lại tác động tâm lý của các hoàn cảnh khác nhau mà người nhập cư phải trải nghiệm sau khi vào nước Mỹ, và giúp phát triển các can thiệp về giáo dục và sức khỏe tâm thần phù hợp. Thích ứng văn hoá vẫn là một chủ đề tranh cãi; ở Canada, sự ví von được ưa chuộng là so sánh với một bức tranh khảm "mosaic", với mỗi nhóm góp mô hình riêng biệt của nó để tạo nên một tổng thể, chứ không phải là phép ẩn dụ ưa thích của người Mỹ về cái nồi (melting pot) trong đó mọi thức ăn được nấu hoà tan với nhau. Những người nhập cư từ Châu Á, Châu Phi và Caribê được phân loại theo chủng tộc và tự mình thương lượng về bản sắc của họ đối diện với văn hóa luồng chính và các cộng đồng dân tộc thiểu số.(Họ được xã hội Mỹ xếp loại họ theo người Châu Á, người gốc Châu Phi, người gốc Caribê, một cách phân loại rất hàm hồ về chủng tộc. Tuy nhiên, người Việt Nam có thể nghĩ mình không thể lẫn lộn với người Thái, Cambodia hay người Philippines, và tuỳ theo thế hệ mới vào Mỹ hay thế hệ thứ 2-3, căn cước mà họ tự gán cho mình có thể khác nhau. HVH).

Nhiều người nhập cư sống trong các khu thiểu số biệt lập (ethnic enclaves), làm giảm thiểu cái giá người nhập cư phải trả bằng cách cho họ một mô phỏng đời sống ở quê củ. Tuy nhiên, những khu này có thể hạn chế người di cư về thăng tiến trên thang bậc kinh tế-xã hội. Trong số những người nhập cư hợp pháp tuổi trưởng thành , khoảng 50 phần trăm nói tiếng Anh rất tốt hoặc chỉ dùng tiếng Anh; 50% còn lại nói dưới mức "rất tốt". Tuy nhiên, thanh niên nhập cư học tiếng Anh giao tiếp nhanh chóng.(Ví dụ, những người từ Việt Nam mới qua nếu định cư ở những vùng như Little Saigon hay San Jose, California có thể tiếp tục sống gần như là lúc còn ở Sài Gòn,không cần nói tiếng Anh nhiều và có nhiều cơ hội tìm việc, giao tiếp với người Việt. HVH)

Người nhập cư phải đối mặt với những thách thức về sức khỏe tâm thần khác nhau. Có thể có căng thẳng do thích ứng văn hoá, căng thẳng hậu chấn thương cho người tị nạn và xung đột giữa người nhập cư và con cái họ, khi thế hệ trẻ thích nghi với cuộc sống ở một đất nước có thể có những giá trị rất khác biệt. Những vấn đề này thường rõ nét hơn ở thế hệ thứ hai và cho các nhóm chủng tộc thiểu số. Trên thực tế, một nghịch lý được xác định rõ ràng trong các nghiên cứu về người nhập cư là so với các thế hệ tiếp theo, những người nhập cư thế hệ đầu tiên (tức là những người sinh ra ở nước ngoài) thường khỏe mạnh hơn, đạt điểm cao hơn ở trường học và có sức khỏe tâm thần tốt hơn.

Các khuyến cáo:

    1. Số lượng các cơ sở giam giữ gia đình cho các bà mẹ có con nhỏ đã tăng lên. Đây là những người xin tị nạn bày tỏ nỗi sợ hãi khi trở về nước họ vì sợ bị đàn áp. Những người bị giam giữ trong các cơ sở này không được truy cập đầy đủ các dịch vụ y tế, sức khỏe tâm thần và pháp lý. Tác động cực kỳ tiêu cực của việc giam giữ đối với bà mẹ và trẻ em đã được ghi nhận, và đã có những cáo buộc lạm dụng tình dục ở các cơ sở này. Ngoài ra, chúng được vận hành bởi các tập đoàn vì lợi nhuận, khiến việc giam giữ rất tốn kém. Một số lựa chọn thay thế cho việc tống giam có thể được sử dụng mà không có tác động tiêu cực như vậy, có hiệu quả và ít tốn kém hơn. Chúng bao gồm biện pháp thả họ ra với tiền thế chân hay không; kiểm tra thường xuyên với các quan chức nhập cư; và giám sát gắt gao hơn với các thiết bị GPS điện tử (để theo dõi sự đi lại, HVH).
    2. Các vụ trục xuất cha mẹ của trẻ em công dân Hoa Kỳ ngày càng gia tăng, buộc nhiều trẻ em công dân phải sống với người thân hoặc vào hệ thống gia đình nuôi hộ ( foster care). Sau khi bị bắt, cha mẹ được đưa vào các cơ sở giam giữ mà không có tiếng nói của họ trong việc quyết định ai sẽ chăm sóc con nhỏ của họ. Sự chia ly gia đình đau thương như vậy gây ra tác hại lớn về mặt tâm lý cho trẻ em công dân, và nỗi đau khổ gây ra bởi sự chia ly như vậy là không có lý do chính đáng. Cha mẹ của công dân Hoa Kỳ nên có được con đường trở thành công dân cho phép họ tiếp tục chăm sóc con cái.
    3. Dưới áp lực phải chịu trách nhiệm về thành tích của mình ngày càng tăng, các trường công lập với số lượng lớn học sinh nhập cư được nhìn trong một ánh sáng tiêu cực. Bởi vì có thể mất từ ​​5 đến 7 năm để thành thạo tiếng Anh, trẻ em nhập cư hạ thấp điểm kiểm tra tiêu chuẩn của trường. Ngoài ra, những học sinh nhập học muộn (những người là thanh thiếu niên khi họ đến) có nhiều khả năng bỏ học (drop-out), tăng tỷ lệ bỏ học (drop-out rate) của trường đó. Do đó, nhiều trường trung học không muốn tạo ra các chương trình chuyên ngành dành cho người mới đến vì sợ rằng họ sẽ thu hút sinh viên nhập cư và thay vào đó hướng sinh viên đến các chương trình GED (giáo dục dành cho người lớn). Điều này dẫn đến thanh niên nhập cư không được tiếp cận với nền giáo dục công cộng có chất lượng.
    4. Người nhập cư và người tị nạn có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhưng tiếp cận các dịch vụ đó ở mức ít hơn so với người bản địa do sự kỳ thị liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần phổ biến trong nhiều nền văn hóa, cũng như thiếu bác sĩ lâm sàng có thể cung cấp dịch vụ trong ngôn ngữ mẹ đẻ của người nhập cư hoặc nhạy cảm với văn hóa của họ. Trong khi số lượng chuyên gia lâm sàng nói tiếng Tây Ban Nha đang tăng lên, đáp ứng cho nhu cầu quan trọng này, dịch vụ sức khỏe tâm thần vẫn còn rất nghèo nàn để có thể đáp ứng nhu cầu của người thuộc các nhóm khác trong dân số đa dạng về văn hóa / ngôn ngữ. Các chương trình đào tạo về sức khỏe tâm thần phải đáp ứng nhu cầu đào tạo chuyên gia lâm sàng có năng lực về văn hóa và đa văn hóa, có thể cung cấp dịch vụ trên khắp các nền văn hóa.

Tóm lại, TS Birman lưu ý rằng những người nhập cư tiếp tục đóng góp lớn cho xã hội của chúng ta nhưng trải qua một số thách thức khi họ tái định cư ở Hoa Kỳ. Các nhà tâm lý học có thể đóng góp quan trọng bằng cách cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các quần thể này và bằng cách nghiên cứu tác động của các chính sách có thể gây tổn hại tâm lý.

1)https://www.psychologytoday.com/us/blog/sound-science-sound-policy/201510/the-psychology-immigration

2)https://www.washingtonpost.com/nation/2018/12/14/deportations-under-trump-are-rise-still-lower-than-obamas-ice-report-shows/?utm_term=.e71aa6b5c735

3)https://www.bbc.com/news/world-us-canada-45555357

Hồ Văn Hiền

Ngày 25 tháng 5 năm 2019