"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

                       Cô Láng Giềng Năm Xưa

 

 

Đã hơn 40 năm rồi mà hình bóng cô láng giềng năm xưa, cô La Thị Sinh vẫn còn mãi trong vùng ký ức của mình. Mà mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm năm nào chừng nghe như một chút gì xao xuyến pha lẫn niềm xót xa cho cuộc tình ngày ấy!

 

Cô láng giềng năm xưa đã thật sự xa lìa chúng tôi lúc 5 giờ chiều ngày thứ năm, 18 tháng 3 năm 2009 tại bệnh viện Chợ Rẩy (Sài Gòn), hưởng thọ 61 tuổi, để lại bao tiếc thương cho người thân. Chị Túy Nga là một trong những người bạn kề cận Sinh trong những ngày tháng sau cùng của cô (Sinh không có lập gia đình nên chỉ có các em, cháu và các bạn trong giờ phút lâm chung) chị viết cho tôi:

“ … Giờ đây chắc Sinh đang nhẹ bước thang mây, quên hết các ràng buộc của Sinh-Lão-Bệnh-Tử, mặc cho ai buồn ai nhớ …” và chị Túy Nga còn cho biết việc gặp lại tôi đem đến cho Sinh niềm vui, cũng có thể nói đó là niềm hạnh phúc trong những ngày cuối đời của Sinh!

 

Nhân mùa lễ Tạ Ơn, xin được kính lời Tạ Ơn đến tất cả các vị:

- Đã nhận lời tham dự Lễ Cầu Siêu cho Cô Sinh, ngày thứ bảy 25 tháng 9 năm 2010 tại chùa Thới Long Cổ Tự và buổi họp mặt tại nhà hàng Ninh Kiều, Cần Thơ: Quý Thầy Cô, các bạn đồng môn, các bạn đồng nghiệp và các em của Cô La Thị Sinh (gồm 30 người).

- Các chị Túy Nga, chị Nhiều, cô em Mỹ Lan, thầy (thầy giáo) Nguyễn Thiện Nhiệm và Thầy Võ Ngọc Ẩn (thầy giáo Ẩn là con nuôi của cô Sinh) đã giúp trong việc liên lạc trong thời gian cô Sinh nằm bệnh viện và đã giúp sắp xếp chu đáo cho buổi lễ Cầu Siêu.

- Xin cảm ơn Em (vị hôn thê của tôi, Cô Kim Trần má bé Đạt) đã vui vẻ đồng ý cho tôi về Việt Nam làm lễ Cầu Siêu cho cô Sinh, vì đó là món nợ mà tôi phải trả dù biết là không bao giờ trả được, dù đây chỉ là việc làm nhỏ nhoi đối với cuộc tình này.

- Cám ơn La Thị Sinh, người con gái đã cho tôi nhiều rung cảm của một thời để nhớ, một thuở biết yêu!

 

“ Người trở về sau cuộc biển dâu,

Kỷ niệm còn nguyên đây, chỉ mình anh lạc lối?

Mấy mươi năm, ta nợ em một lời xin lổi,

Giờ chậm bước nữa rồi, đành lỗi hẹn trăm năm!”

 

Trích bài thơ “Cho Người Về” của Phương Huy, Mùa Trung Thu 2010

(Riêng tặng anh Lê Hữu Uy, Phoenix, AZ).

 

Vẫn còn nguyên đây những kỷ niệm lần lượt trở về, thuở còn là học sinh Trường Phan, Trường Đoàn:

 

CON ĐƯỜNG CÓ CÁNH HOA BAY

 

Trường Phan cách với Trường Đoàn

Một con đường với hai hàng cây xanh

Vào thu, tháng chín, hanh hanh

Cầm tay năm học mới dành niềm vui

Đi về hai nẻo song đôi

Gió lay cành lá, hoa rơi rơi đều

.....

Em là công chúa, là nàng thơ

Cho anh thi sĩ ngẩn ngơ ước thầm

Ước chi vào lớp chung bàn

Về nhà chung ngỏ trầu vàng cau xanh

Ước gì em của riêng anh

Để anh lên hỏi trời đành ưng không?

…..

Xa nhau từ đó đến giờ

Ai về trường củ có chờ mùa thu?

Nghiêng nghiêng vành nón hay dù

Tìm trên lối ấy dấu giày rêu phong

Hỡi người xưa có nhớ không?!

 

La Thị Sinh

 

Khi hiệp định Paris ra đời, hy vọng hòa bình sẽ trở về với quê hương, tôi có làm bài thơ tặng Sinh, nói lên hoài bão của tuổi trẻ, của tình yêu và lòng nhiệt huyết đang dâng đầy trong trái tim. Chúng tôi sẽ đóng góp một bàn tay, chút sức mọn của mình để xây dựng lại những đổ vở, những vết thương trong lòng dân tộc. Bối cảnh khi đó là tôi được phái đi công tác theo đoàn cán bộ về phục vụ nông thôn của tòa hành chánh tỉnh Phong Dinh:

 

BƯỚC TA ĐI HÔM NAY

 

Bước ta đi hôm nay

Lòng nhiệt huyết dâng tràn

Cho quê hương yêu dấu

Rạng ngời khắp nơi nơi.

 

Bước ta đi hôm nay

Xóa nhòa ngày xưa củ

Vết đạn nào không còn hằn loan lổ tường vôi,

Cho hồn thiêng ai đâu đây về với núi sông.

 

Bước ta đi hôm nay

Vang lời ca và niềm tin vững chắc

Ruộng lúa trĩu bông chính vàng bát ngát

Cho người em gái nhỏ ước mơ tròn.

 

Bước ta đi hôm nay

Hạt giống nẩy mầm

Cây non mọc thẳng lên trong nắng mới

Cho bé trên nôi nở nụ cười

 

Bước ta đi hôm nay

Cho trùng dương bao la

Cho ngàn cây mãi mãi thêm xanh

Tình yêu và lời ca tô đẹp quê hương ta.

 

LHU

 

Bài thơ gởi đăng báo Đuốc Miền Tây nhưng bị từ chối vì không phù hợp với tình hình chiến sự thời bấy giờ tại Miền Nam. Khoảng năm 79-80, bài thơ được phổ nhạc, tôi không biết ai phổ nhạc và đã đưa lên hát trên Đài Phát Thanh Cần Thơ, nhưng có một đoạn của bài thơ bị cắt bỏ “ Bước ta đi hôm nay, xóa nhoà ngày xưa củ, vết đạn nào không còn hằn loan lổ tường vôi, cho hồn thiêng ai đâu đây về với núi sông!”. Thật hết sức trớ trêu, mai mỉa, và nhức nhối trong lòng khi nghe bài thơ phổ nhạc này trong lúc mình đang tìm đường vượt biên!

Cuộc đời có trăm ngàn lối rẽ nên cuộc tình của chúng tôi đã chia xa! Khi Sinh theo học Văn Khoa, Đại Học Cần Thơ, thì có cơ duyên để tôi quen biết một cô gái đang học Luật, Trường Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội, cũng Đại Học Cần Thơ, cô còn là ký giả của tờ báo Đuốc Miền Tây, cô Lê Kim Niên. Trong tử vi cung phu thê của tôi ở số đào hoa … nên tôi phải kết hôn với Niên mà đành lỗi hẹn với Sinh.

Sinh có dự ngày cưới của tôi để chúc phúc, cô là người khách đến dự trễ nhất và là người khách ra về sớm nhất …tôi hiểu Sinh khi ấy đang tan nát cỏi lòng! Sau đó Sinh có viết một bài tùy bút đăng trong Đặc San Vovinam Cần thơ, nhân vật chính trong câu chuyện là “Anh Uy”, Sinh không oán hận gì tôi, có chăng chỉ là đôi câu trách móc nhẹ nhàng, hay chỉ than thở cho thân phận mình như phảng phất đâu đó trong thơ văn của cô, những bài thơ không đề:

 

Thèm trông một ánh trăng non

Cong cong như chiếc thuyền con giữa trời

Thèm nhìn một chiếc lá rơi

Thèm nghe tiếng vạc chơi vơi đêm dài

Thèm nhìn một cánh diều bay

Vi vu tiếng sáo trúc dài trên không

Thèm nghe giữa sáng mai hồng

Bầy chim sẻ nhỏ qua đồng lúa xanh

Liu xiêu là khóm tre xanh

Đong đưa cành lá lợp vành đường thôn

Chiều êm vẳng tiếng canh dồn

Tàu về tiếng trẻ cười giòn khắp nơi

Thèm nghe một tiếng ru hời

Chông chênh cánh võng mẹ ngồi ru con

“Còn mẹ gót đỏ như son

Một mai mẹ mất gót son vướng bùn”

 

Hay một bài khác:

 

Nghe chừng nước mắt rưng rưng

Bổng dưng muốn khóc chẳng dừng nhớ thương

Ngày xưa áo trắng đến trường

Ngày xưa Hoàng Thị, con đường bụi bay

Vui, buồn, sum họp, chia tay

Con đường Tự Đức áo bay trong chiều

Vã đường trống vắng đìu hiu

Những đàn chim biển, ít nhiều đi xa

Thèm nghe những tiếng hoan ca

“Từ trời đất ông cha ta” ngày nào

Ôi còn nhiều nữa thương sao …

Nhớ sao… ngày đó… nhớ nao nao lòng!

Người ơi! có nhớ hay không?

 

La Thị Sinh

(07 Feb 2009)

 

Tôi thu xếp không kịp để về Việt Nam tiển đưa Sinh lần cuối, chỉ còn nghe bài “Tất Thành Ai Điếu” của thầy Lê Văn Quới, thầy dạy Văn cho Sinh và tôi ngày xưa, truy niệm La Thị Sinh:

 

Cô Sinh ơi!

Dẩu biết “thành, trụ, hoại, không” là qui luật muôn đời,nhưng trước cảnh “tử biệt, sinh ly”lòng sao không xót nổi!

 

Nhớ cô xưa!

Cần mẫn một đời, hay làm ít nói

Nghiệp sư phạm thuở tóc xanh theo đuổi

Đầu pha sương vẫn “phấn trắng bảng xanh”!

Thân đơn nhưng nặng gánh gia đình

Sống hiếu đạo - trọn nghĩa tình phụ mẫu

Phận làm chị - một tay gồng gánh

Vì các em – quên cả tuổi xuân thì

Với học sinh - từng thế hệ qua đi

Vẫn nhớ người cô - dạy thêm không cần học phí

Với những học sinh nghèo - quyết rèn tài lập chí

Cô nguyện làm con sẻ quẩn quanh nhặt hạt sân trường

Ước mơ chấp cánh cho chim Hoàng, chim Phượng bay cao!

 

Cô Sinh ơi!

Sống nhiều năm cùng một trường, chung một tổ

Chúng ta còn bao điều phải nhắc về nhau

Nhớ An Thôn Trang – ngôi trường nghèo - những ngày mưa rền như búa đập

Mái tôn dội vang những tráng khúc quân hành

Vẫn thét gào chở đạo chuyển văn

Trò há hốc vểnh tai – cô gượng cười móm mém

Nhớ hè 79 – trường An dẫn đầu kỳ thi toàn tỉnh

Cô khóc với học trò – và trường cũng khóc theo cô!

Nhớ trường Châu Văn liêm – cô khối trưởng tận tình

Nghiêm khắc lắm mà cũng khoan từ lắm lắm!

Cô là mẹ hiền - lại vừa là chánh thẩm

Thiết diện vô tư – so từng điểm thi đua

Lo cho học trò đến phờ phạc ngẩn ngơ!

Nhớ trường Phan Ngọc Hiển - những năm nhàn hưu mà chưa rảnh rổi

Vẫn phấn trắng trong tay - như một hạnh phúc vô cùng

Tiền thù lao gởi ươm mầm khuyến học

Thương học trò nghèo đâu nệ chút công lao!

 

Cô Sinh ơi!

Một cỏi u linh – ngàn năm cách biệt

Nhưng cô vẫn sống mãi trong lòng đồng nghiệp với môn sinh!

 

Ai điếu tất thành

Hồn thơm thấu tỏ!

 

Lê Văn Quới

(Cần Thơ 19 tháng 3 năm 2009)

 

Lễ cầu siêu cho cô Sinh và buổi họp mặt tại Cần Thơ lần này có nhiều điều kỳ thú bất ngờ, qua đó tôi biết thêm ít nhiều về Sinh trong khoảng thời gian gần 40 năm xa cách. Đúng như vậy! Chị Thanh Thũy cho tôi nghe một bản nhạc có nhiều người biết đến: “Cơn Mưa Phùn” thơ của La Thị Sinh do Đức Huy phổ nhạc. Bài thơ diển tả tâm sự của tác giã, cho cuộc tình không may mắn của mình.

Nhất định tôi sẽ hỏi nhạc sĩ Đức Huy, không biết Đức Huy làm sao có bài thơ này để phổ nhạc?

 

CƠN MƯA PHÙN

 

Cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ

Hàng cây dật dờ rụng hoa tàn úa

Buồn chìm vào mắt đen người con gái hát một mình

Bài hát buồn như cuộc tình (đời mình)

 

Một sớm mai thức dậy

Tình yêu rời chăn gối bay theo những cơn mưa phùn

Làm cánh chim bé nhỏ

Chiều nay nhiều mây xám

Bay theo những cơn mưa phùn lạnh lùng

 

Cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ

Đèn đêm lặng lờ gục trên đường phố

Một ngày buồn đã qua

Người con gái khóc một mình

Đời úa tàn theo cuộc tình

 

Buồn chìm vào mắt đen

Người con gái hát một mình

Bài hát buồn như cuộc tình

 

Cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ …

 

(Thơ La Thị Sinh, Đức Huy phổ nhạc)

 

Tôi nghe đi nghe lại bài hát nhiều lần, lời thơ làm đau nhói tim mình! Những giọt nước mắt ân tình dâng trào, lặng lẻ rơi theo trên từng nốt nhạc!

Sau khi Sinh vĩnh viễn ra đi, nhân dịp nhà thơ Nguyên Nhung gởi tôi bài thơ “Ra Đi” bài họa lại bài thơ Xuân Hành của Gỉa Đảo mà thầy Phạm Khắc Trí dịch nôm, tôi họa bài thơ này của chị Nguyên Nhung, gởi gấm tâm sự mình vào trong đó để riêng tặng hương hồn cô Sinh:

 

NGƯỜI VỀ

 

Một lần đi, ước hẹn ngày trở lại

Mà người về đầu bạc sóng trùng dương

Mặt phù sa, mịch mờ chiều sương lạnh

Dáng xuân về u ẩn khách tha hương

Bên quán khuya, trăng tà soi bóng nước

Hoa lục bình trôi nổi mảng tình ai

Dòng sông ơi! Chứa chan sầu hiu quạnh

Buồn đong đưa cành thủy liễu chơi vơi!

 

LHU

 

Trong cơn đau nguy kịch trên giường bệnh, Sinh yêu cầu gởi các sáng tác của tôi cho cô xem. Thật là xấu hổ, tôi chưa làm quá 5 bài thơ! Trong lúc lo lắng và bối rối tôi gởi ngay qua email một bài thơ làm từ trước để an ủi cô ngay lúc đó:

 

CÁNH CHIM TRỜI

 

Cánh chim trời lộng gió

Vút trời xanh bao la

Tình yêu ta vẫy gọi

Em chấp cánh tung bay

 

Trong ánh nắng mai hồng

Tiếng thiên thần ca vang

Chúng ta làm gạch nối

Thượng đế với trần gian.

 

LHU

 

Ghi lại đôi dòng về cuộc tình mang tính đầy thơ nhạc này, theo cô Giáo sư tài hoa Bùi Thanh Thủy, một nhạc sĩ nghiệp dư, là một cuộc tình buồn mà đẹp, hay cuộc tình đẹp nhưng buồn! Còn tôi thì đây là thắp một nén hương lòng, như một lời tạ lổi đến Cô Láng Giềng Năm Xưa.

Sinh ơi! Dù còn ở dương thế hay về miền miên viễn xa xôi, Sinh hãy cùng anh Uy tiếp tục đi gieo rắc tình yêu thương đến cho muôn người: “Chúng ta làm gạch nối, thượng đế với trần gian!”

 

Lê Hữu Uy