"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

       

 

Tham Quan Đập Nha Trinh, Ninh Phước, Ninh Thuận

 

Sau ngày giỗ hai bác, chờ chuyến xe 8 giờ tối, rảnh rổi tôi đề nghị các anh hướng dẫn cho tôi đến những nơi mà xưa tôi chưa có dịp. Đó là đập Nha Trinh, làng gốm Bàu Trúc và làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp thuộc huyện Ninh Phước, Ninh Thuận

   Thế là gia đình chiêu đãi sáng bánh căn, món ăn đặc trưng vùng Phan Rang – Tháp Chàm mà tôi thường dùng ở quán vỉa hè đầu ngõ trước khi đến trường. Xong các anh em tôi tụ họp uống cà phê quán cầu Lầu, nơi các anh em tôi tâm sự, trải lòng mình sau những năm xa cách. Nhất là Châu từ Đà Nẵng khi nhà bác có việc. Giờ thì hắn không còn. Anh Tính bảo, đập Nha Trinh cách đây không xa.

   Chúng tôi ngược dòng mương Chăm từ cầu Lầu, nơi đầu thôn Phước An cũng là ranh giới thôn Phước Thiện. Từ đây lên đập có đường bê tông nho nhỏ dài khoảng 5 cây số. Hai bên là những vườn táo, ruộng lúa và trang trại nuôi đê, cừu. Cảm nhận đầu tiên phong cảnh còn nét hoang sơ, không khí trong lành. Dưới lòng sông có những hòn đá lớn nhỏ, ngổn ngang, cây cối um tùm. Có lẽ đây là cây pun chai, loại cây thủy sinh có rễ bám chắc vào thân đá. Nhờ vậy đập được bền vững. Nghe đâu trước kia có tour du lịch sinh thái, nay không còn nên trông hoang vắng.

  Đập được xây dựng trên địa phận Liên Sơn – Nha Hố. Đứng bên này đập, ta thấy thấp thoáng dòng xe xuôi ngược ql 27. Đập dài khoảng hơn 400 m, rộng 3 m, cao 5 m, có hai hệ thống xả nước về mương Chăm dài 60 km, mương Đực 50 km.Chỉ trong 15 phút , tôi thấy nhiều xe Honda băng qua đập tràn. Có lẽ họ liều vì đoạn đường đi rút ngắn rất nhiều.

  Ninh Thuận được xem là vùng hạn hán, có lượng mưa ít nhất cả nước. Vốn không được thiên nhiên ưu đãi, “ nắng như phan, gió như rang “ như tên gọi thành phố. Tuy nhiên , Ninh Thuận nói chung và huyện Ninh Phước nói riêng có những cánh đồng lúa bát ngát, cho năng suất cao, những ruông thuốc lá mát xanh, những vườn nho, táo mơn mởn, trĩu quả. Khi tôi đi trên đường lúc này, người ta phơi lúa kín cả lối đi và kéo dài vài km. Đó là hiệu quả của hồ, đập đưa nước sông lên đồng. Tiêu biểu ở Ninh Phước là đập Nha Trinh. Đây là một công trình có qui mô lớn, được vua Po Klong Garai chủ trì xây dựng từ khoảng năm 1151 – 1205. Vua cũng được dân thờ trong ngôi tháp ở núi Trầu và trang trọng  đặt tên ông. Cũng chính ngôi tháp này, dân làng tổ chức dịp lễ Ka Tê hàng năm, tưởng nhớ và biết ơn ông Po Klong Chanh, tổ nghề làng gốm Bàu Trúc.

   Trải qua hơn 800 năm, với bụi thời gian, nhiều lần tu sửa, di dời nhưng vẫn kiên trì trụ lại vị trí ban đầu, phát huy vai trò điều tiết nước cho một vùng rộng lớn. Quả là một công trình thủy lợi độc đáo, niềm tự hào người dân Ninh Thuận.

   Chúng tôi lưu luyến, tạm biệt những nơi đi qua với nhều cung bậc cảm xúc. Chuyến đi để lại trong tôi ấn tượng khó quên.

   Ninh Thuận ơi! Hẹn ngày gặp lại

 

Minh Triết

  P/ S Tài liệu tham khảo Nguồn Google.