"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Bàn Về Chiếm Dụng Văn Hóa
(Cultural Appropriation)

 

Mới  đây , ở Việt Nam, mẫu giày Biti’s Hunter bloomin’ central tạo nên nhiều dư luận xoay quanh việc sử dụng vải thổ cẩm của người Chăm. Hãng giày Bình Tiên giới thiệu vải bố dùng cho giày là “thổ cẩm Tây Nguyên”, nhưng báo chí VN nêu ra rằng “hoa văn trên giày của Biti’s là hoa văn chân chó (gọi là takai asau) của dân tộc Chăm, thường được dùng dệt thổ cẩm...lấy từ hình cây chân chó (loại thảo mộc dùng rễ và hạt để làm dược liệu) và cũng có người lý giải đó là hình ảnh của chân chó.” Sau khi được nhiều cá nhân và tổ chức góp ý, Biti’s đã có lời xin lỗi tới công chúng và điều chỉnh nội dung truyền thông cho sản phẩm, và hứa sẽ  dùng “chất liệu vải gấm lấy cảm hứng từ văn hoá nghệ thuật Huế” (1)

Cũng gần đây, hai người mẫu Việt Nam xuất hiện trên hình ảnh với màu da nâu đậm và bị một số người đặt câu hỏi không biết có phải là “chiếm dụng văn hóa” của người Da Đen hay không.(2)

Từ ngữ “ chiếm dụng văn hoá “ hay “chiếm đoạt văn hóa” được dùng để dịch từ 22dhvhbvc1tiếng Anh “cultural appropriation” có vẻ đang được dùng càng ngày càng nhiều trên báo chí tại Việt Nam. Đối với người viết, đây là một điểm gây ngạc nhiên lớn, không những về sự chú ý dành cho những tiểu tiết như vậy (có thể do marketing tinh vi) thường chỉ xảy ra trong một xã hội tiêu thụ  giàu như Mỹ, mà còn về độ lan tỏa của những tư tưởng và sự nhạy cảm văn hóa  rất “mới” và “cấp tiến” của xã hội Mỹ vào xã hội Việt Nam.

Đây là một từ ngữ mới áp dụng cho một ý niệm mới đối với người Việt. Trong quá khứ người Việt chúng ta vẫn hay bắt chước các mốt mới của các nền văn hóa khác (các cụ ngày xưa vẫn mơ “ ở nhà Tây, ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật “), và không những chấp nhận mà còn hãnh diện, vui mừng được người ta bắt chước mình như ăn phở, cầm đũa, mặt áo dài, dùng cyclo đạp (cycle rickshaw giống xe cyclo của ta ở nhiều thành phố Mỹ) để chở du khách đi chơi, hát nhạc Việt, vân vân.

22dhvhbvc2Nhân tiện, cũng nên nhắc đến tin mới đây  (2022) “ bánh mì” Việt Nam được đưa vào từ điển Merriam-Webster của Mỹ,  ("banh mi" được định nghĩa là một loại bánh mì dài, nhân thịt, bao gồm thịt heo hoặc thịt gà, ăn cùng các loại rau ngâm chua, rau thơm và dưa leo) cũng như  "pho" (phở) vào đã  vào danh mục từ mới vào năm 2014.

Chúng ta thử tìm hiểu ranh giới giữa “hấp thụ văn hóa” và "chiếm dụng hay chiếm đoạt văn hóa" là ở đâu.

Theo Encyclopedia Britannica, chiếm dụng (hay chiếm đoạt)  văn hóa  ban đầu chỉ việc sử dụng các yếu tố hữu hình hoặc phi vật thể của một nền văn hóa này bởi các thành viên của nền văn hóa khác, bao gồm cả việc các bảo tàng phương Tây mua lại các hiện vật -đôi khi bị chiếm đoạt dưới thời thực dân- từ các nền văn hóa khác. (Gần đây một số bảo tàng viện Mỹ đã trả lại nước gốc những hiện vật bị đánh cắp từ nhiều năm trước. FBI cũng trả lại hàng ngàn hiện vật bị một người Mỹ đánh cắp, một số hiện vật trả lại cho VN (3).

 Sau đó, khái niệm “appropriation”  này được các nhà phê bình văn học và nghệ 22dhvhbvc3thuật sử dụng cho một hoàn cảnh vay mượn  tương tự trong văn học và nghệ thuật, nhưng thường là với hàm ý bóc lột và thống trị (exploitation and domination). Từ cuối những năm 2000, theo thời gian và sự phát triển của các ngành học phê phán (như lý luận phê phán chủng tộc, CRT hay critical race theory) ở Mỹ, định nghĩa thứ hai đã trở nên phổ biến và có xu hướng du nhập vào các nước nói tiếng Pháp hay các ngôn ngữ khác như Việt Nam. Do đó, “chiếm dụng văn hóa” ngày nay thường đề cập đến ý tưởng rằng việc sử dụng các yếu tố của một nền văn hóa bởi các thành viên của một nền văn hóa “thống trị” (ở Mỹ, của đa số da trắng) hoặc được coi là văn hóa  “thuộc địa mới” (ví dụ văn hóa Mỹ đối với cả nước đang phát triển) tự trong bản chất sẽ bị coi là không tôn trọng (disrespectful) đối với các nền văn hóa khác.(4)

Vì đây là một hiện tượng “cấp tiến”, thiên tả  xuất phát từ Mỹ với bối cảnh xã hội phức tạp của một đất nước đa chủng tộc và đa văn hóa (khác với những nước khá thuần chủng như Việt Nam), chúng ta thử  tìm  hiểu thêm về từ ngữ này qua lăng kính của  Encyclopedia Britannica (5) là một tiếng nói gần như chính thức của học thuật Tây phương (đa số da trắng). Có thể nhiều người Mỹ không đồng ý với việc dùng những thí dụ này như là những hành động “chiếm dụng văn hóa” , và thậm chí cũng có thể nhiều người, nhất là phía bảo thủ cho rằng “chiếm dụng văn hóa” chỉ là một chuyện do các người da trắng trí thức cấp tiến vẽ vời thêu dệt để chứng tỏ họ "thức tỉnh" (“woke”) hơn người khác  trong khi chính bản thân người sống trong các nền văn hóa coi như bị chiếm dụng thì lại chẳng thắc mắc và đặt vấn đề gì cả (6). Tuy nhiên, độc giả cũng như tác giả bài này không phải là người da trắng đa số tại Mỹ và chúng ta cũng nên “thoải mái” tìm hiểu “thế trận” giữa các nền văn hóa trong cuộc chiến văn hóa  ở Mỹ hiện nay như thế nào.

Theo E. Britannica,  bắt đầu từ những năm 1980, thuật ngữ chiếm dụng văn hóa lần đầu tiên được sử dụng trong không gian học thuật để thảo luận về các vấn đề như chủ nghĩa thực dân và mối quan hệ giữa các nhóm đa số và thiểu số, cuối cùng từ ngữ có tính cách học thuật này đã xâm nhập vào văn hóa đại chúng.

Sự chiếm dụng văn hóa xảy ra khi các thành viên của một nhóm đa số chấp nhận các yếu tố văn hóa của một nhóm thiểu số theo cách bóc lột, thiếu tôn trọng hoặc theo khuôn mẫu nhiều thành kiến (in a exploitative, disrecpectful, stereotypical way).

Trong quá khứ, định nghĩa văn hóa (culture) không phải là  dễ dàng. Lối giải thích theo nhân chủng học sớm nhất và được trích dẫn nhiều nhất là của nhà nhân chủng học người Anh Edward Burnett Tylor, người đã viết vào năm 1871 rằng “văn hóa… là tổng thể phức tạp bao gồm các kiến ​​thức, tín điều, nghệ thuật, luân lý, luật pháp, phong tục, và bất kỳ khả năng và thói quen nào khác mà con người sở đắc  được trong khi làm một thành viên của xã hội. ” Tylor giải thích rằng văn hóa không được kế thừa qua ngã sinh học mà là những điều mà chúng ta học được và thực hành khi chúng ta thuộc vào một nhóm nào đó.

Từ định nghĩa này, hiện nay người ta muốn phân biệt hai thái độ khác nhau trong việc sử dụng các yếu tố của một nền văn  hóa khác ngoài nền văn hóa của mình. Một bên là thưởng thức cái hay của một nền văn hóa (appreciating a culture) như người Việt thưởng thức các món ăn Nhật hay thưởng thức văn chương Pháp hay nhạc Mỹ. Một bên là “appropriation” hay “chiếm dụng” những yếu tố của nền văn hóa đó, một việc mà mình không có thẩm quyền để làm và không có quyền để làm (without authority or right)  theo như định nghĩa động từ “appropriate” (nghĩa thứ 3) sau đây của từ điển Merriam -Webster:

Definition of appropriate (verb):

1: to take exclusive possession of : dành độc quyền sở hữu

2: to set apart for or assign to a particular purpose or use

appropriate money for a research program: tách qua một bên hoặc chỉ định cho một mục đích nào đó hoặc dùng số tiền thích hợp cho một chương trình khảo cứu

3: to take or make use of without authority or right

natural habitats that have been appropriated for human use

chiếm dụng (chiếm hoặc trưng dụng) mà không có thẩm quyền hoặc không có quyền

ví dụ: các môi trường sống thiên nhiên bị chiếm dụng để loài người dùng

Theo Đại Từ Điển Tiếng Việt của Bộ Giáo dục và Đào tạo (1998, VN), định nghĩa “chiếm dụng” như sau:

“chiếm lấy và sử dụng một cách trái phép”, ví dụ chiếm dụng nhà vắng chủ, chiếm dụng vốn của tập thể.

Google translate dịch cultural appropriation ra tiếng Trung là:文化挪用 (văn hóa na dụng)(na=xê dịch, na dụng = đem dùng vào việc khác). Thiết tưởng chiếm dụng có vẻ quen thuộc với người Việt hơn là “na dụng”.

Sau đây là một số ví dụ về chiếm dụng văn hóa theo Encyclopedia Britannica (5).

 

1)Một thành viên của nhóm đa số thu lợi về mặt tài chính hoặc xã hội từ văn hóa của nhóm thiểu số là chiếm đoạt văn hóa.

22dhvhbvc4Năm 1990, Madonna phát hành video âm nhạc cho bài hát “Vogue” của cô, trong đó có điệu nhảy (voguing) được phát triển trong một nhóm sinh hoạt văn hóa (subculture) “drag-ball’ là những cuộc biểu diễn khiêu vũ dành cho người đồng tính nam ăn mặc giả gái (drag queen). Mặc dù Madonna có dùng những người biểu diễn “drag” trong video,  bề ngoài có vẻ tôn trọng nguồn gốc của điệu nhảy, nhưng Madonna mới là người thu lợi khi “Vogue” đạt hai đĩa bạch kim tại Hoa Kỳ. Vì Madonna thu lợi tài chính và văn hóa từ lối khiêu vũ “vogue” mà những người sáng tạo ra nó thì không được hưởng lợi gí cả, việc cô ta sử dụng điệu nhảy là một hành vi chiếm dụng văn hóa.

2)Một thành viên của nhóm đa số đơn giản hóa văn hóa của một nhóm thiểu số hoặc coi văn hóa của một nhóm thiểu số như một trò đùa, là hành vi chiếm đoạt văn hóa.

Khi đội bóng chày Cleveland Indians (Người Da Đỏ Thành phố Cleveland) được 22dhvhbvc5thành lập vào năm 1915, tờ báo Cleveland Plain Dealer  viết: “Sẽ không có người da đỏ thực sự trong danh sách đội viên, nhưng cái tên này sẽ gợi lại những truyền thống tốt đẹp.” Mặc dù không nhằm mục đích chỉ trích vào thời điểm đó, nhưng câu đó giải thích một cách gọn gàng vấn đề gây ra bởi một khái niệm như việc dùng người Mỹ bản địa (người Da Đỏ, những người đầu tiên sinh sống trên đất Mỹ) như linh vật thể thao (sports mascots): chúng không phải là sản phẩm của nền văn hóa bản địa đích thực, nhưng chúng đại diện cho những gì mà người không phải bản địa cho là văn hóa bản địa. Bởi vì những linh vật (mascot) này dựa trên hình ảnh biếm họa về chủng tộc và duy trì những định kiến ​​sai lầm về người Mỹ bản địa , chúng hoạt động như một sự chiếm đoạt văn hóa.

3)Một thành viên của một nhóm đa số tách những yếu tố văn hóa của một nhóm thiểu số ra khỏi ý nghĩa ban đầu của nó là sự chiếm đoạt văn hóa.
Trong những năm 2010, sự trỗi dậy của các lễ hội âm nhạc như Coachella (ở Indio, California, vào tháng tư mỗi năm) đã làm dấy lên những xu hướng mới trong thời trang lễ hội, với một số người tham dự đội trên đầu những loại nón sặc sỡ của người Mỹ bản địa (Da Đỏ) mang trong lúc ra trận (warbonnet).

Không giống như các món  trang sức truyền thống của người Da Đỏ, phần lớn 22dhvhbvc6được bán bởi các nghệ nhân Da Đỏ bán cho khách hàng thuộc mọi nền văn hóa, những chiếc nón lông vũ (warbonnet) này có một mục đích văn hóa quan trọng. Trong số các cộng đồng người Da Đỏ ở Vùng Đồng Cỏ Mỹ (Plains Indians), warbonnet chỉ được dành cho các người  lãnh đạo cộng đồng vào những dịp đặc biệt; trong các nhóm khác, mang nón này là một vinh dự cho những người có thành tích không khác gì một huy chương quân sự. Khi những người tham dự lễ hội không phải là người Da Đỏ lại đội các nón ra trận này và tách nó ra khỏi ý nghĩa văn hóa nguyên thủy của nó đối với người Da Đỏ, họ  đang thực hiện hành vi chiếm dụng văn hóa.

(Tại vùng Thủ đô Mỹ Washington, DC, tên và logo (phù hiệu) của  đội banh 22dhvhbvc7football nổi tiếng “Redskins” đã bị chống đối từ mấy chục năm nay vì bị cho là xúc phạm với người Da Đỏ cũng như chiếm dụng văn hóa Da Đỏ. Vì bị áp lực quá mạnh từ nhiều phía, nhất là các nhà lập pháp và các tài phiệt Mỹ, chủ của đội banh đổi tên nó thành “The Washington Commanders”.(7)

4) Một thành viên của nhóm đa số chấp nhận một yếu tố của nền văn hóa thiểu số mà không chịu hậu quả trong khi các thành viên của nhóm thiểu số phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì cùng một yếu tố văn hóa là chiếm đoạt văn hóa.

 “Dreadlocks” hay “locs”(8), kiểu tóc bím hay rối kết dính lại với nhau như những 22dhvhbvc8sợi thừng, từ lâu đã gắn liền với văn hóa Da đen — mặc dù khá nhiều người không phải Da đen cũng để tóc theo cách này. Mặc dù vậy, trong quá khứ, người Da đen đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử vì để kiểu tóc truyền thống của họ, kể cả tóc kiểu “locs”. Người da đen mang “locs” bị cấm không được diễn hành khi tốt nghiệp trung học, bị từ chối việc làm, nghi oan là họ sử dụng ma túy và bị phân biệt đối xử.

Do sự phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống, người Da Đen phải đối mặt với hậu quả khi mang  kiểu tóc “locs” trong lúc người không phải Da Đen thì mang “locs” mà không bị hậu quả gì cả . Những người không phải Da Đen để tóc theo kiểu “locs” là có hành vi chiếm đoạt văn hóa.

Như những ví dụ này cho thấy,  chiếm đoạt văn hóa có thể có những hậu quả rộng rãi. Nhưng tụu chung tất cả đều là kết quả của việc một người quyền lực hơn (thuộc nhóm đa số, như Da Trắng) thiếu chu đáo và tôn trọng lúc tương tác với người khác (nhóm thiểu số, như Da Đen, Da Đỏ) — một động thái có hại cho dù đó là cố ý hay không.

Tóm lại, ý niệm “chiếm dụng văn hóa” phần lớn là phát xuất từ Mỹ nơi các nền văn hóa lớn nhỏ (về dân số) chung đụng nhau và hiện nay bốn chỉ tiêu “Justice, Equity, Diversity, Inclusion” hay JEDI  (Công lý, Công bằng, Đa nguyên, Dung nạp) là tôn chỉ cần học tập cho phe tiến bộ (progressives). Nhưng các nhà phê bình nó (phe bảo thủ) thì  nhìn thấy trong việc sử dụng ý niệm này  là một thái độ cố ăn nói cho “phải đạo về mặt chính trị” (politically correct , đúng đường lối [phe tả] hay gọi tắc là PC) nhằm cản trở quyền tự do ngôn luận và sáng tạo của người dân Mỹ. Những người khác thì cho rằng cần phải phân biệt  việc sử dụng có hại ( để trục lợi thương mại, có ác ý  hoặc do rập khuôn thành kiến) các yếu tố văn hóa đến từ các nền văn hóa từng bị  thống trị trong quá khứ và sự trao đổi, giao lưu giữa các nền văn hóa trong lịch sử có khả năng đem đến những kết quả tốt đẹp.

Cuối cùng, thật khó mà áp dụng ý niệm này ở Việt Nam, một nơi không có những động lực rất mạnh mẽ về phân biệt chủng tộc hay đa dạng văn hóa của nước được gọi là  Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, tuy Việt  Nam cũng bao gồm nhiều nền văn hóa thiểu số khác nhau ngoài đại đa số người Kinh.

Những khái niệm về quyền lực (dominance), kỳ thị chủng tộc (racism) của Mỹ sẽ rất khó được áp dụng vào hoàn cảnh trong nước Việt Nam  để dùng từ “chiếm dụng văn hóa” hoặc giúp phê phán một hành động nào đó có phải là chiếm dụng văn hóa hay không.

Theo TS Lư Thị Thanh Lê, Đại học Quốc gia Hà Nội, người nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian các tộc người ở Việt Nam và nền công nghiệp văn hóa:

“Hiện nay, ở Việt Nam, chưa có những quy định mang tính pháp lý trực tiếp về vấn đề chiếm dụng văn hóa.

Giới nghệ sĩ và những người thực hành nghệ thuật hiện nay hầu như chỉ có thể tham khảo những tài liệu trong và ngoài nước như Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (2003), Công ước UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt về văn hóa (2005), Luật di sản Việt Nam, các quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn…”(9)

Tuy nhiên, thế giới càng ngày càng phẳng,  tìm hiểu thêm về “chiếm dụng văn hóa” cũng giúp chúng ta hiểu thêm về mình (với quá khứ bị trị và có thể ít nhiều mặc cảm yếu kém về văn hóa), về người khác (tây phương từng đô hộ và áp đặt văn hóa của họ) và có thể tôn trọng hơn, có một ý thức lành mạnh hơn về văn hóa và lịch sử của mình cũng như của những nhóm dân tộc hay sắc tộc khác.

Chú thích

1)https://www.isee.org.vn/hoat-dong/chiem-dung-van-hoa-hoc-duoc-gi-tu-cau-chuyen-bitis

https://www.phunuonline.com.vn/bitis-noi-gi-ve-viec-nhap-nhen-nguon-goc-tho-cam-dung-vai-trung-quoc-tren-thiet-ke-moi-a1448026.html

2)https://zingnews.vn/chuyen-gia-phan-tich-ve-tranh-cai-h-hen-nie-chiem-dung-van-hoa-post1348071.html

3)https://asiaviews.net/vietnam-fbi-returns-stolen-antiques-to-vietnam/

4)https://fr.wikipedia.org/wiki/Appropriation_culturelle

5)What Is Cultural Appropriation?

https://www.britannica.com/story/what-is-cultural-appropriation

6)https://www.theamericanconservative.com/woke-is-whiteface/

7)https://en.wikipedia.org/wiki/Washington_Redskins_name_controversy

8)The Fascinating History Of Locs

https://www.refinery29.com/en-us/2015/04/86174/history-of-dreadlocks

9)https://vietcetera.com/amp/vn/hieu-dung-ve-chiem-dung-van-hoa-cung-tien-si-lu-thi-thanh-le

Hồ Văn Hiền
Ngày 22 tháng 9 năm 2022