"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Mẹ Là Đóa Pơ Lang

Chiều Tây Nguyên, mưa về trên nương vắng
Chiếc gùi tre, Mẹ cõng đứa con thương
Trời trên cao, xuống dần theo mây trắng
Bóng đại ngàn giữa triền núi quê hương.

Bàn chân đất, Mẹ bước gầy năm tháng
Đèo trên vai mưa nắng của cuộc đời
Sạm làn da, những nét nhăn vầng trán
Chiều mưa rồi, Mẹ còn đứng bơ vơ.

Hoa Pơ Lang, tháng mùa Tây Nguyên nở
Chuyện hôm nào còn gửi lại chia phôi
Dưới trời xưa, Mẹ về trao nỗi nhớ
Mộc Miên buồn, thương khóc ai xa xôi.

Con lớn khôn, bây giờ đã làm Mẹ
Vai mang gùi, địu đứa con yêu thương
Như Pơ Lang, theo xuân về nhè nhẹ
Gió ru hời, lại nhớ Mẹ rẫy nương.

Nắng Tây Nguyên chiều nay xanh chiếc lá
Xuân đã về, sao chẳng thấy người xưa
Mẹ nơi nao, cuối trời mây xa quá
Đóa Pơ Lang lặng lẽ buồn trong mưa.

Con nhớ thương chiếc gùi trên vai nhỏ
Vẫn núi rừng, vẫn nương rẫy tháng ngày
Đã bao lần xuân về trên hoa cỏ
Mẹ xa vời, chiếc lá vàng mây bay.

Trường Đinh
UK, sương mù già 2020

Chú thích:

+ Hoa Pơ Lang: Còn gọi là hoa Mộc Miên, hoa Gạo. Một loài hoa biểu trưng cho nét đẹp dân dã núi rừng của các cô gái miền sơn cước. Hoa Mộc Miên thường nở đỏ rực trên khắp vùng Tây Nguyên vào mỗi độ xuân về. Theo truyền thuyết kể rằng, thuở xa xưa có chàng trai nghèo yêu cô sơn nữ đẹp. Vào ngày lễ cưới, mưa trời giông bão đã cuốn đi buôn làng và các lễ vật của chàng trai. Dân làng thương cảm, đã dựng cây nêu để chàng lên trời hỏi Ngọc Hoàng về sự tình. Khi chia tay, chàng cột một băng vải đỏ có tua 5 cánh trên tay người vợ, để lập lời thề thủy chung. Ngọc Hoàng thấy chàng có đức độ đã giữ chàng lại làm Thần Mưa. Cô sơn nữ nhớ thương sầu khổ, đã hứa thề xin làm đóa hoa 5 cánh, như băng vải đỏ của chàng, và nguyện ở lại đây để chờ chàng trở lại. Nàng leo lên cây nêu và gieo mình xuống đất, biến thành cây Pơ Lang với những đóa hoa 5 cánh đỏ rực màu, đó là vết máu trái tim của cô gái Tây Nguyên sắt son hẹn thề.

+ Chiếc Gùi: Là phương tiện vận chuyển chính của người dân vùng cao đã có từ bao đời. Chiếc gùi được làm bằng tre nứa và mây, thường được người đàn ông tự chọn lấy các loại tre mây tốt và chính họ khâu đan bằng thủ công, để cho người phụ nữ dùng. Gùi được dùng để chứa rau cải ngô khoai hoặc các đồ dùng trong gia đình, hoặc để địu đứa con thơ, và đeo ở phía sau lưng của người phụ nữ Tây Nguyên. Hoặc đeo gùi trên lưng với rau khoai và đèo đứa con thơ ở phía trước ngực, để con được cùng với Mẹ lên rẫy xuống nương. Người Mông ở Việt Nam gọi chiếc gùi tre là "lu cở".