"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc." ** Trần Bình Trọng **

 

Xả

Hồi mới đi cư vào Nam, một hôm mợ Giáo gặp chị vú Đơ ngoài chợ. Mợ Giáo kéo chị về giúp việc cho mợ đi làm. Chị đi chợ, nấu ăn, giặt giũ và coi em nhỏ luôn nhưng chiều tối, cơm nước xong thì chị rảnh rang. Bà hàng xóm người Saigon thấy vậy nhờ chị giặt quần áo. Một tối, cả nhà đông đủ, chị đột nhiên hỏi:

 - Mợ ơi, Xả là gì? 

Ông giáo, vốn đi dạy nên coi như là nhà thông thái mà may mắn ông vừa mượn được ở thư viện một quyển sách nên ông mở ngay ra đọc: 

- Xả là tâm xả, một trong tứ vô lượng tâm Từ Bi Hỷ Xả mà Xả là UPEKKHA.

Xả là trạng thái của tâm, khiến cho giữa ta và toàn thể chúng sinh và vạn vật không còn sự riêng biệt chia cách vạn vật, chúng sinh cùng với ta là đồng nhất thể. Ngoại cảnh, vũ trụ cùng vô lượng chúng sinh đã trở thành ta và ta đã trở thành chúng sinh và vũ trụ.

Tâm Xả là tâm không còn bị sự vật chi phối, kích thích và chao động. Tâm Xả đã được, đặt ngoài cái ta là cả một chướng ngại vật làm cho ta thấy một bên là ta và bên kia là kẻ khác, là vạn vật, là sinh linh mà trong mỗi mỗi, ta cũng thấy cái bản ngã của nó cả. Một khi cái ta của ta không còn nữa, tức thì cái gì không phải ta trước kia, không còn chỗ dựa để phân biệt cái ta và cái không phải ta nữa. Ta đã đồng thể hóa với toàn thể chúng sinh và vạn vật bằng cách tiêu diệt sự đối chiếu, sai biệt giữa ta và ngoại cảnh, tiêu diệt bởi vì đã diệt ngã. Diệt ngã là không còn lựa chọn, đối chiếu, thọ nạp, luyến ái, bám giữ, tàng trữ; không còn lấy cái ta làm tiêu chuẩn, làm chỗ chứa đựng. Người có được tâm xả đã trở thành như một tấm gương trong. Khi sự vật, ngoại cảnh rọi vào thì gương phản chiếu trung thành sự vật chớ gương không từ khước, xua đuổi không chịu chiếu lại; khi sự vật ngoại cảnh đi chỗ khác, tức thì gương không còn chiếu nữa, mà cũng không còn giữ lại dấu vết gì cả. Người có tâm Xả lại không phải là con người lì lịch như đá như cây, đến đổi có thái độ mắt ngơ tai điếc trước cảnh đau thương của thế sự. 

Thí dụ như có bệnh truyền nhiễm khủng khiếp trong làng bên cạnh, người giàu lòng bác ái can đảm xông vào cứu giúp đồng loại, không nề hà gian lao nguy hiểm. Lúc được thành công thì vui, mừng sung sướng do cái thành công của mình. Rủi thất bại, lại hối tiếc buồn rầu bởi mình đã thất bại. Người có tâm xả cũng xông vào tận lực cứu người, cũng không nệ hà nguy hiểm gian lao. Nhưng rốt cuộc, dù thành công, dù thất bại, lòng không xao xuyến, không chao động, nỗi vui hay nỗi buồn do cái kết quả hay cùng dở của việc làm không ảnh hưởng được gì đối với tâm xả. Như đã nói trên kia, tâm Xả phản chiếu trung thành sự vật khi sự vật có, như tấm gương trong phản chiếu là bản năng của gương, bản năng của tâm xả là phản chiếu lại với vạn vật sinh linh do Từ, do Bi, do Hỷ. Không phản chiếu không được, mà không bám giữ lại hình ảnh tốt hay xấu, vui hay buồn của vạn vật.

Tứ vô lượng tâm có thể ví như cái hộp ba góc. Ba mặt thành của hộp là: Từ, Bi và Hỷ. Đáy hộp là Xả. Hộp không có đáy thì không dùng vào đâu được. Ba mặt thành ở trên đầu có mà không có mặt đáy thì hóa ra vô ích. Hộp dùng được là nhờ có đáy. Có Từ, có Bi, có Hỷ mà không có Xả thì tứ vô lượng tâm không thành. Thật thế, Từ mà không Xả thì thương vẫn còn vì ta; Bi mà không Xả là buồn vẫn còn vì ta; Hỷ mà không Xả thì vui vẫn còn vì ta. Chưa Xả được thì tâm vẫn còn vấn vương với tham, sân, si, vẫn còn đứng bên này ba chướng ngại này thì làm sao gọi được là thương, là buồn, là vui ngoài ta, không vì ta vậy? (*)

Không dám ngắt lời , chị Đơ và bà giáo lặng yên ngồi nghe, như vịt nghe sấm.

Ông Giáo ngưng, uống một ngụm nước.

Bà Giáo hỏi:

- Chị Đơ này, tại sao chị hỏi “Xả là gì “?

- Con thấy bà Đốc nói con “Chị Xả đồ không sạch“ nên con không hiểu bà Đốc muốn nói gì.

- À ra thế . Người miền Nam gọi chung chung nhiều thứ là “Đồ”. Đồ ăn gọi đồ, ăn đồ là ăn thức ăn; quần áo cũng gọi là đồ, giặt đồ là giặt quần áo, mượn đồ là mượn món gì đó như đồ dùng… Bà Đốc nói chị “Xả đồ không sạch” là nói chị giặt quần áo không sạch. 

- Sao bà không nói là con giặt không sạch mà lại nói con xả không sạch, còn dơ…

- Khi giặt quần áo, lúc đầu chị phải dùng xà phòng, bà Đốc gọi là Xà bông đó, rồi chị dùng bàn chải hay tay chà sát hay vò cho hết vết bẩn, sau đó giặt lại bằng nước hai, ba mà trong Nam gọi là Xả. Chị xả nước chưa kỹ nên còn dính xà bông chứ gì? 

- Có lẽ vậy, khi xả nước con không vò kỹ nữa và con xả có hai lần nước nên chắc còn dính xà bông...

Ông Giáo chằng biết gì về giặt “đồ”, Xả nước , vò quần áo… nhưng nghe rồi ông gật gù:

- Ờ, đồ dơ, như tâm dơ, giận hờn oán trách, hờn tủi… phải dùng xà bông, như Pháp Phật , phải chà, phải vò cho sạch , nhưng chưa đủ vì vẫn lại còn dính xà bông và còn dính cả vết bẩn, hừ giống như dùng Pháp để giặt Tham, Sân, Si nhưng chưa Xả thì còn dính mắc, vướng mắc vào Pháp nên phải Xả, dùng nước sạch để Xả, Xả mà còn vò mới ra hết chất bẩn lẫn xà bông và rồi lại Xả nước sạch cho hết nước dơ. Xả là làm cho ra hết chất dơ, làm cho sạch…. Hồi nào tới giờ mình đơn thuần hiểu Xả là Buông, Sách thì giảng Tâm Xả như gương phản chiếu, phản chiếu mọi vật không phân biệt tốt xấu …không lưu , không giữ, không phê phán…

Vật tới thì gương phản chiếu hình ảnh nó y như nó là.

Vật qua rồi, cho qua luôn… là buông! 

Như gương không lưu “vật” , Tâm không chấp Ngã. 

Thấy được Vô Thường, ngộ được Vô Ngã là vén được màn Vô Minh...

Sao Khuê

* theo tài liệu trên mạng