"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

 

Việt Kiều Về Quê Cưới Vợ

Tư Chuột định đi ngủ sớm cho khoẻ để mai ra phi trường làm một cuộc hành trình dài về Việt Nam, nhưng không thể nào ngủ được vì lòng đang nôn nao và lâng lâng sung sướng, chắc phải làm một lon bia cho dễ ngủ.
Tư Chuột mở tủ lạnh lấy hai lon bia và hộp cheese đầu bò lúc nào cũng có sẵn, ra bàn ngồi nhâm nhi một mình. Vừa tận hưởng từng hớp bia lạnh, vừa gật gù nhìn tấm hình vợ trên bàn thờ, vẫn là khuôn mặt hắc ám với đôi mắt sắc như dao suốt bao nhiêu năm qua đã làm tình làm tội ông, lườm nguýt và dò xét ông từng chút một.
Tư Chuột nhếch môi cười với hình:
- Mai tôi về Việt Nam lấy vợ, bà thông cảm nhé.
Tư Chuột làm công nhân, ở nhà thuê và nuôi người vợ ăn hại, quanh năm ốm đau, người gầy gò khô héo như con mắm, đã không đẻ được con, không làm ra tiền mà còn đanh đá chua ngoa, ghen bóng ghen gío mỗi khi ông nuốt nước miếng nhìn vợ người ta khoẻ mạnh tốt tươi. Bà Tư Chuột giữ chồng như người ta giữ một con chó qúy, chỉ sợ nó xổng mất, nhưng bà cũng chẳng giữ được cả đời, cơn bệnh triền miên đã đưa bà về bên kia thế giới cách đây vài tháng.
Hôm đám tang vợ, Tư Chuột cũng khóc, cũng vái lậy trước bàn thờ vợ bằng tất cả tấm lòng thành thật biết ơn. Tuy muộn còn hơn không, ông đã được tự do.
Những ngày đầu ông xấc bấc lang bang vì không có ai lo cơm nước, nhưng bù lại ông tha hồ ăn nhậu, đi sớm về khuya.
Công bằng mà nói tuy không làm ra tiền nhưng bà biết giữ tiền và tiêu tiền, nên đồng lương công nhân ít ỏi của Tư Chuột cũng đủ cho hai vợ chồng sống . Có hôm Tư Chuột về nhà thấy một góc bếp chất đầy mấy bao gạo, hỏi ra là có tin đồn gạo thế giới lúc này đang khan hiếm và lên gía, nên bà mua về tích trữ, các chợ búa Việt Nam ở Mỹ được dịp lên gía gạo ào ào, chủ chợ tha hồ hốt bạc, bà mua sớm nên tiết kiệm được mấy chục đồng.
Tư Chuột làm ca đêm, ngủ bảnh mắt tới trưa mới thức dậy, cắm nồi cơm điện và ra tiệm cơm “to go” mua mấy đồng đồ ăn là xong. Hôm nào chán cơm ông vào tiệm phở đổi món. Đâu cần có bà Tư Chuột ông mới được ăn ngon.
Cũng vì thế mà Tư Chuột quen với thím Bông, chủ hàng cơm chỉ, bà chủ tinh đời và lắm chuyện, thấy ông khách ngày nào cũng đúng giờ giấc ra mua đồ ăn bèn hỏi chuyện mới biết Tư Chuột góa vợ. Thím Bông chụp ngay cơ hội bằng vàng vì thím có một đứa cháu gái ế chồng ở Việt Nam, cô Xuyến năm nay 45 tuổi, thím hớn hở khoe cháu hiền lành ngoan ngoãn, con nhà nề nếp ba đời là nhà giáo, từ ông nội, cha và đến cô. Thím khích lệ Tư Chuột về Việt Nam cưới cô Xuyến để có người đàn bà chăm lo cơm nước và hủ hỉ sớm khuya.
Để lấy lòng ông cháu rể tương lai, thím Bông bán đồ ăn cho Tư Chuột hậu hĩ, có khi còn cho free không lấy tiền.
Từ khi bà Tư Chuột đã “biết điều” biến mất khỏi cõi đời này, Tư Chuột đã nhận được mấy lời mai mối về Việt Nam cưới vợ, muốn lấy vợ hay lấy tiền công, họ đều sẵn sàng. Tư Chuột thấy mình “gía trị” hẳn lên, không còn là Tư Chuột ngày nào bị bà vợ mắng xa xả vào mặt mỗi khi say xỉn nữa.
Tư Chuột đứng trước ngã ba ngã bẩy, không biết tính sao. Nghe thím Bông rót vào tai những điều tốt đẹp về cô Xuyến, Tư Chuột cũng thấy xao lòng, đồng ý về Việt Nam gặp mặt nếu ưng ý thì cưới. Nhận lời xong Tư Chuột sợ “hớ” sợ “thiệt thòi”, thiếu cha gì những cô gái tuổi đôi mươi mơn mởn đang chờ đợi Việt kiều về cưới, cô Xuyến 45 tuổi sắp gìa đến nơi rồi, nhưng được cái cô Xuyến còn trinh trắng, đạo đức đoan trang, cô dậy môn Lý Hóa, cái môn mà ngày xưa đi học Tư Chuột sợ nhất vì dốt môn này nhất, nay mà được làm chồng cô giáo dậy môn Lý Hóa thì cũng oai ra phết. Ông an ủi dù sao cô Xuyến cũng còn trẻ hơn bà Tư Chuột và càng trẻ hơn so với tuổi 62 của ông. Mới tháng trước Tư Chuột vô tiệm phở, tình cờ gặp lại bà hàng xóm cũ một thời ở cùng apartment sau vài năm xa cách, bà ta hớn hở reo lên:
- Ủa, anh Tư Chuột đó hả? Lúc này anh già qúa tôi nhận không ra!
Tư Chuột bực mình vì bị chê gìa nên cũng hớn hở đáp lại:
- Ủa, chị đó hả?, dù chị càng ngày càng gìa, tôi vẫn nhận ra ngay.

**********

Tư Chuột về Việt Nam không báo cho thân nhân biết để gây bất ngờ, xách một cái va ly quần áo, gọn nhẹ thênh thang, không như lần trước về Việt Nam với vợ, bà Tư Chuột đã mua sắm và nhồi nhét đủ thứ như quần áo, đồ dùng trong nhà không xài nữa vào mấy cái va ly căng phồng để về làm qùa cho thân nhân. Về Việt Nam chơi mà hành lý cồng kềnh, tay xách nách mang như đi buôn chuyến.
Ông kêu Taxi về xóm cũ ngay trong thành phố Sài Gòn, người thân nhất của Tư Chuột là một bà mẹ gìa trên 80 tuổi, bệnh nằm liệt giường, Tư Chuột có một người anh và một người em gái ở Việt Nam, nhưng cả hai tranh nhau chết sớm trước mẹ gìa, nên mấy đứa cháu phải trông nom bà nội bà ngoại của chúng, thỉnh thỏang Tư Chuột gởi ít tiền về để chúng lên tinh thần và làm tròn chữ hiếu.
Về tới đầu ngõ, hàng quán xô bồ chật cả lối đi. Một thằng bé chừng 9-10 tuổi, ăn mặc nhếch nhác cầm một xấp vé số chìa ra mời mọc Tư Chuột:
- Ngoại, mua giùm con mấy tấm vé số đi ngoại.
Ai đời Tư Chuột đã tân trang ngoại hình, ăn mặc áo hoa lá cành xanh đỏ, tóc nhuộm màu hung nâu hợp thời trang thế này mà thằng nhỏ vẫn kêu bằng “ngoại”, tức là ông vẫn còn già khú đế như bà hàng xóm hôm nào đã nhận xét, làm Tư Chuột lại một phen bực mình, không thèm trả lời.
Thằng nhỏ vẫn chạy theo và kính cẩn năn nỉ:
- Làm ơn mua giùm con đi, từ sáng tới giờ ế qúa ngoại ơi!
Ông Tư Chuột phải gắt lên:
- Bán ế là phải rồi. Đi chỗ khác mà mời, tao không mua!
Thằng nhỏ ngẩn ngơ, chẳng hiểu vì sao ông khách không mua thì thôi, lại cáu kỉnh đến thế?

**********

Cô Xuyến cũng sống ở Saì Gòn, chung với cha mẹ, với vợ chồng thằng em và 3 đứa con của họ, 45 năm sống trong một ngôi nhà là một sự kiên trì bất đắc dĩ, khó ai địch nổi. Những ánh mắt xót xa thương hại của cha mẹ nhìn cô con gái già chưa chồng không làm cô Xuyến đau khổ bằng ánh mắt cay độc của con em dâu, giữa nó và cô chỉ là một sự hòa bình gỉa tạo, nó luôn mong cô lấy chồng, rời khỏi nhà cho khuất mắt, để vợ chồng con cái nó được ở thoải mái và sau này cha mẹ mất đi, sẽ hưởng trọn căn nhà này. Ở cái thời buổi nhà đất lên gía khủng khiếp, ngôi nhà của cha mẹ để lại là niềm mơ ước của bao người, bao anh chị em đã lục đục cãi nhau, giết nhau cũng chỉ vì tranh dành nhà cửa đất đai của cha mẹ, ông bà để lại. Thằng chồng nó, tức em ruột cô Xuyến, dù thương chị, nhưng cũng ngầm trách sự muộn chồng của chị đã là vật cản trong nhà, và cùng lập trường với vợ.
Cô Xuyến nào có sung sướng gì, cô khao khát từng ngày mong có một tấm chồng, những đêm khuya trăn trở, không ngủ, cô mơ một vòng tay đàn ông đụng chạm vào thịt da. Nhìn con em dâu lần lượt mang bầu ba đứa mà cô phát sốt ruột vì ghanh tị, cô tưởng tượng ra nó đã hưởng bao đêm ân ái mặn nồng.
Ngay cả cha mẹ cô đã gìa mà còn có đôi có cặp, ông bà chăm sóc, đỡ đần nhau, chỉ một mình cô là lẻ loi, cô độc.
Khi được thím Bông ở Mỹ gọi điện về giới thiệu ông Việt Kiều Tư Chuột, cô Xuyến đã khấp khởi mừng thầm, như kẻ sắp chết đuối bỗng vớ được cái phao, cho nên dù Tư Chuột có gìa, có xấu hay nghèo cỡ nào cô cũng quyết chí bám lấy.
Vì đã thư từ và gọi phone trao đổi tâm sự từ trước, nên sau một buổi gặp gỡ và chuyện trò, Tư Chuột và cô Xuyến đều đồng ý tiến tới hôn nhân, chưa có cuộc tình nào tiến triển nhanh đến thế. Mỗi người có một lý lẽ riêng của mình để đến với nhau.
Đám cưới diễn ra tưng bừng, hàng xóm ai cũng mừng cho cô Xuyến đi lấy chồng, huống gì cha mẹ cô và vợ chồng thằng em.
Trong tiệc cưới, chú rể uống rượu như uống nước, rượu vào lời ra, Tư Chuột ăn nói bát nháo, y như những gã bợm nhậu mà cô Xuyến thường nhìn thấy ở những quán xá trong xóm và ném cho họ cái nhìn khinh khi, coi như không cùng đẳng cấp.
Cách đây mấy chục năm, khi cô còn ở lứa tuổi đôi mươi phơi phới, thì cái hạng đàn ông ít học và ăn nhậu quên cả đất trời như Tư Chuột đừng hòng đứng trong danh sách những người đàn ông mơ ước của cô.
Nhưng đêm tân hôn, trong bóng tối, Tư Chuột không còn là ông gìa bợm nhậu luôn tuôn ra những lời lẽ thiếu văn hóa nữa, mà chỉ là một người đàn ông thuần tuý, một gã đói khát vồ vập thân thể cô, như muốn ăn tươi nuốt sống cô và đưa cô bước qua ngưỡng cửa đàn bà một cách tuyệt vời. Ôi, hưởng xong sự đời, cô Xuyến thấy tiếc mấy chục năm ế ẩm, là biết bao đêm vui như thế này.
Sau đêm mặn nồng, cô Xuyến thấy Tư Chuột thật đáng yêu, cô âu yếm chăm sóc Tư Chuột với đầy vẻ biết ơn và đếm từng ngày một, chỉ sợ hết 3 tuần lễ là Tư Chuột phải về Mỹ.
Nhưng mới được một tuần thì Tư Chuột sửa soạn va ly để làm cuộc hành trình khác, một người bạn thân nhờ Tư Chuột mang tiền về cho thân nhân ở Cần Thơ, làm xong nhiệm vụ giúp bạn Tư Chuột sẽ quay về ngay. Tư Chuột hứa thế.
Nhưng Tư Chuột chỉ quay về trước một ngày lên máy bay trở về Mỹ vì gia đình người bạn giữ lại chơi và gặp lại những người bạn ngày xưa khi Tư Chuột đi lính, đóng quân ở Cần Thơ. Cô Xuyến biết làm sao hơn trước những lời giải thích ấy?, đành tự an ủi Việt kiều nào về Việt Nam chẳng bận rộn như thế, cô đã là vợ Tư Chuột, sẽ còn sống với nhau cả đời.
Trong bữa cơm giã biệt gia đình có đông đủ các cô dì, chú bác gần xa và đám cháu nhà Tư Chuột, chú rể mới đã tuyên bố kể từ hôm nay trở đi, cô Xuyến là dâu con nhà này, cô sẽ đảm trách phần chăm sóc mẹ chồng, mỗi tháng Tư Chuột sẽ gởi tiền về để nuôi mẹ gìa và vợ trong khi chờ đợi bảo lãnh cô sang Mỹ. Cô Xuyến cảm động ngất ngây, không ngờ mình vẫn còn tốt số, ở lứa tuổi gái gìa, nhan sắc chẳng bằng chị bằng em mà vẫn lấy được Việt Kiều. Mai này cô sang Mỹ thì con em dâu sẽ biết tay cô, đừng có hòng mà nhận bất cứ món qùa nào của cô gởi về dù chỉ môt xu teng.

**********

Đúng như lời hứa, một tháng sau cô Xuyến nhận được 200 đô Tư Chuột từ Mỹ gởi về, mấy đứa cháu gái, mấy bà dì bà thím nhà Tư Chuột nhìn cô ghanh tị. Thói đời là thế, cô chẳng thèm chấp, vẫn cặm cụi đi dậy học và về nhà chăm sóc mẹ chồng, cô đợi khi nào nhận được giấy bảo lãnh của Tư Chuột thì mới xin nghỉ dậy.
Sau vài tháng đầu tiền bạc gởi về đều đặn, thì bặt tăm, không có tiền đã đành mà giấy tờ bảo lãnh cũng chưa thấy đâu. Cô gọi điện thọai sang Mỹ thì Tư Chuột nói đang thất nghiệp, đợi khi nào xin được việc làm khác ổn định mới làm giấy bảo lãnh.
Thế là cô Xuyến phải bỏ tiền túi ra, tiền lương dậy học ít ỏi của cô, để nuôi mẹ chồng và nuôi thân, nhưng để giữ thể diện cô vẫn nói với mọi người là tiền của Tư Chuột gởi về và anh ấy đang tiến hành hồ sơ bảo lãnh. Mẹ cô cũng thế, đi đến đâu trong xóm bà cũng đợi dịp để khoe ra cháu nó sắp sửa đi Mỹ, làm họ hàng bên chồng cô Xuyến càng thêm ganh tị.
Cứ như thế, thấm thoát một năm trôi qua thì cô Xuyến không còn kiên nhẫn được nữa, đến khi cô tức tốc gọi phone cho Tư Chuột để hỏi rõ tình trạng này thì Tư Chuột đã đổi số phone tự lúc nào, cô liền gọi cho thím Bông, thì ra thím Bông hồi nào tới giờ đâu biết gì về tông tích Tư Chuột, chỉ quen sơ khi Tư Chuột ra tiệm mua đồ ăn mà thôi, dạo gần đây Tư Chuột cũng biệt tăm, biết đâu mà tìm?
Cô Xuyến hoang mang không biết chuyện gì đã xẩy ra với Tư Chuột? nhưng cô vẫn làm tròn bổn phận dâu con theo lời chồng dặn dò, người chồng Việt kiều tuy ở xa vạn dặm nhưng tai mắt xung quanh cô không thiếu gì, nếu làm mất lòng chồng thì bị chồng “xù” mấy hồi, thiếu gì đám đã dở khóc dở cười như thế. Có lẽ vì cô tận tuỵ như vậy, nên đám họ hàng bên chồng bỗng thay đổi hẳn thái độ, họ không tỏ ra ghanh tị nữa mà còn thông cảm, ái ngại cho cô.
Cho đến một hôm, một cô cháu cầm lòng không nổi mới gọi cô Xuyến lại mà thông báo là Tư Chuột đã bảo lãnh cô vợ trẻ 25 tuổi ở Cần Thơ sang tới Mỹ rồi, cô đừng hi vọng, đợi chờ gì ở Tư Chuột nữa.
Cô Xuyến kinh hòang và choáng váng trước cái tin khủng khiếp này. Thì ra Tư Chuột về Việt Nam cùng một lúc cưới hai ngươì vợ, ông ta lấy cô vì có những ưu điểm: có học, con nhà tử tế đáng tin cậy, nhưng khi về đến Cần Thơ theo lời mai mối của ai đó, thấy cô kia trẻ đẹp hơn, hấp dẫn hơn, nên Tư Chuột đã quyết định bảo lãnh người vợ trẻ như đã từng thèm khát ước ao, và để cô Xuyến ở lại Việt Nam, để có người chăm sóc mẹ gìa và mỗi lần về Việt Nam có sẵn vợ để “xài”. Cô Xuyến đã nghe biết bao chuyện Việt kiều ỷ cái thế của mình, ỷ có tiền đô, về quê hương tha hồ mua bán những cuộc tình.
Những người đàn ông Đài Loan, Hàn Quốc mua rẻ phụ nữ Việt Nam về làm vợ đã là một nỗi đau, nỗi nhục, mà ngay cả Việt kiều, bên cạnh những người nghiêm chỉnh, lương thiện, có không ít người đã đối xử với đàn bà, con gái Việt Nam, với đồng hương, đồng bào của mình cũng thậm tệ không kém.
Việt kiều có quyền lựa chọn, người vợ, người tình, ( phía phụ nữ thì trở thành người nhân aí bao dung, không đòi hỏi kén chọn gì hết) và như một ông chủ khó tính khó nết, nếu các cô sơ xuất không làm Việt kiều hài lòng, thì dọa bỏ, doạ không bảo lãnh, cho họ cái vé đi Mỹ mà cứ làm như ban cho họ cái vé lên thiên đàng.
Trước tình thế trớ trêu này cô Xuyến không che dấu được nữa, cô phải nhịn nhục với gia đình, với bạn bè và hàng xóm để khăn gói trở về ngôi nhà cũ, nơi có cha mẹ, có vợ chồng thằng em và ba đứa con của họ, lại tiếp tục cuộc sống giữa sự thương hại và hậm hực của những người thân của mình không biết đến bao giờ.

Nguyễn Thị Thanh Dương