"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

 

Ngược Dòng Thời Gian

35 năm! Hơn một phần ba thế kỷ mà ngỡ như mới hôm qua, hôm kia. Vẫn là mái tóc ngắn chải ngược trên vần trán rộng. Nhưng xoáy ngựa đã không còn. Bạn vẫn vậy: nói ít, cười nhiều. Vẫn là nụ cười dòn tan như không hề có chút mảy may nào vướng bận trong hồn. Nụ cười khỏa lấp nỗi đau, che dấu tình cảm để vui với người, với đời. Tôi biết điều đó vì hôm nay ghé thăm tôi, bạn chỉ đi một mình.

- Mày vẫn ốm nhom, ốm nhách.

Bạn nói, sau khi chỉ còn hai chúng tôi dưới phòng đọc sách.
Tôi cười, không đáp. Vì đang mường tượng cảnh cũ, người xưa của hơn một phần ba thế kỷ. Chỉ có hai chúng tôi nơi đây, nhưng câu chuyện hàn huyên thì vượt nửa vòng trái đất, trở lại SàiGòn. SàiGòn của những năm 60, của thời chiến tranh dần dà leo thang, của thành phố rung chuyển và hoảng loạng trong kinh hoàng vì những trái mìn plastic.

Nhưng Sài Gòn và tuổi thơ của chúng tôi đẹp lắm. Vì chúng tôi có cả một khu phố, một ngôi trường thật nhỏ bé nằm cạnh khỏang sân rộng, đủ để cho con nít cả xóm mỗi ngày ra đó chơi đùa không biết mệt và không thấy chán. Khu phố nằm trong hẻm 120, trên đường Trương Minh Gỉang, giữa ngả tư Yên Đổ và ngả ba Kỳ Đồng. Khu vực từ Bến Tắm Ngựa trên đường Yên Đỗ đến Chùa Miên - dưới chân cầu Trương Minh Giảng - là giang sơn của đám nhóc chúng tôi, kể cả những ngõ hẹp, đôi khi chỉ vừa một người luồn lách, dẫn đến tận Xóm Ruộng và Chùa Vĩnh Nghiêm bên Công Lý. Nhưng khoảng sân của Trường Cây Khế trong khu phố 120 mới là thiên đường của chúng tôi ngày xưa.

Cây khế thuộc lọai cổ thụ, gốc to, tàn rộng. Khế chua nhưng trái thật lớn, khi chín vàng nhìn chảy nước miếng nhưng cắn vào là nhăn nhó, hít hà vì…ê răng ! Không ai biết cây khế đã bao nhiêu tuổi, kể cả Bà Ba Hộ, chủ ngôi biệt thư xây theo kiểu nhà Tây thời pháp thuộc, chủ đất, và cũng là cô giáo của ngôi trường có hai gian ngay cạnh nhà. Mảnh đất trống có đủ đặc tính của một vùng ngoại ô với hàng dừa, trứng cá, vú sữa, mận, ổi, chùm ruột và mấy hàng dâm bụt của những ngôi nhà nằm chung quanh, kể cả một ngôi mộ cổ bề thế nằm cưối dãy nhà của trường học. Nếu có thêm mái tranh, gốc rạ, chuồng trâu...thì quang cảnh chẳng khác nào như một vùng ven đô hay thôn làng ở miền quê. Nơi đây là sân chơi của cả xóm và cũng là thiên đuờng của đám nhóc chúng tôi lúc bấy giờ.

Cây khế, nằm nơi góc sân, cạnh con đường dẫn sâu vào trong hẻm, là nhân chứng thầm lặng của tuổi thơ Sàigòn với tất cả mọi trò vui không biết ai bày ra, nhưng rất đồng loạt, theo mùa, nhứt là mùa hè tưởng chừng như rất ngắn. Từ tạt lon, đá dế, bắn bi, chọi đáo, cho đến tạt hình, tạt bao thuốc lá, bông vụ, vít tán, chơi u, rượt bắt cứu bồ, đá banh. Mọi thứ đếu được đám nhóc tận hưởng. Nhưng vui nhứt vẫn là chơi năm mười vì có cả mấy anh chị lớn hơn vài tuổi cùng ra hò hét cả đêm, chưa kể năm mười là cơ hội bằng vàng để chọt ổi, bẻ mận hoặc hái vú sữa của những ngôi nhà tường thấp hay không khóa cổng rào.

Không kể mấy ngôi nhà bao quanh khu đất mà mọi người gọi là sân trường Cây Khế, thì dãy nhà phía trong gồm có sáu căn. Tất cả đều do ông phú hộ xây lên rồi bán dần đi. Bên hông căn số một và giữa căn số năm với số sáu, là hai con hẻm vừa đủ cho một xe gắn máy lách qua. Đây là lối đi tắt cho những ai ở bên Yên Đổ muốn ra đường Trương Minh Giảng mà không phải len lén chạy ngược chiều ngoài công lộ. Khu phố nhỏ mà các bạn xóm sau gọi là xóm Cây Khế, là nơi tập trung của những nhóc tì ham vui nhưng cũng ham học. Mỗi ngày, không kể mùa hè, nếu ai có đi ngang qua vào lúc sáng sớm, hay chập tối, đều nghe ít nhứt là vài ba giọng con nít rống qua cửa sổ để cho mọi người biết là ta đây đang học bài, hay ôn bài trước khi đến trường.

Khu phố của tình thân lối xóm, của những va chạm không thể tránh được trong sinh hoạt hằng ngày. Có lúc xỉa xói qua lại long trời lỡ đất, đôi khi chỉ là những càu nhàu bâng quơ không nêu đích danh ai. Nhưng rồi sau vài ba ngày cũng anh anh, chị chị, cũng hỏi han, cười, nói như không có gì xảy ra. Đám nhóc cũng vậy. Gây lộn, đánh lộn, mắng vốn qua lại, nhưng rồi cũng tìm cách làm hòa để hú nhau bắn chim, đá cá lia thia, hay chơi trò gì đó cho qua một buổi trưa, chiều. Đám nhóc có lúc cũng là nguyên nhân gây ra chuyện không vui giữa các gia đình là vì hay leo nóc nhà thả diều, hoặc chận lỗ thóat nước trên nóc để…thả cá lia thia cho ăn lăng quăng. Đến lúc bị dột thì các khổ chủ mới hay nóc nhà mình bị bể ngói, hoặc mưa không bao nhiêu mà sao nước cứ rỉ qua khe tường hoặc nhỏ giọt xuống nhà. Thế là ai nấy cứ đoán mò mà rủa qua, mắng lại. Chỉ có mấy ông nhóc thấp thỏm sợ ăn đònnên chối leo lẻo hay im luôn để cho qua chuyện.

Cây khế và sân trường cũng là nhân chứng cho những thay đổi của con người và hoàn cảnh. Đến một lúc nào đó, khoảng sân đã không còn đủ lớn, và cây khế cũng dần dà cằn khô. Mấy bụi dừa, chùm ruột, xoài, mận, ổi … biến mất từ khi nào không biết. Thay vào đó là những bức tường kiên cố hơn, nhà cửa mới mẻ hơn. Ngôi trường cũng không còn và đám nhóc ngày nào còn tìm cách leo cây, chơi đùa thì nay đã có những nhu cầu khác, thú vui khác.

- Tao nhớ mày là đứa có chiếc Suzuki đầu tiên của xóm mình. Hình như Tết 1967 thì phải.

Bạn nói đúng, và tôi lại nhớ đến thời mới lớn, nghêng ngang, ồn ào khi rồ máy, giựt ga cho chiếc Suzuki M15 A nhỏng đầu để khoe với mọi người. Chỉ mới 15, 16 tuổi mà tưởng mình như đã lớn lắm. Có xe thì cứ kiếm cớ, kiếm cách xin tiền để hoang phí mà không biết ba mình đã mua chiếc xe đó với giá gấp đôi so với giá nhập cảng chính thức. Càng không hiểu đó là tình thương, là sự chắt chiu của cha mẹ dành cho mình để bù lại những ngày đạp xe hay lội bộ đến trường.

- Nhớ tới lúc đó tao thấy mắc cỡ quá. Nhi nhô không ra gì. Hồi đó không bị đàn anh đá đít là may phước cho tao lắm.

Tôi thở dài. Bạn cười, thông cảm:

- Nhưng phải công nhận mày sướng nhứt trong đám nhóc tụi mình. Ba má tao khó quá. Mãi cho tới khi lên Premìere Ổng mới cho tao một chiếc Honda Dame.

Và cũng từ lúc đó là nhóc nào cũng có “xế” nổ, tha hồ lòng vòng Ngọc Thủy, Anh Đào, Lồ Ồ trên Thủ Đức để tắm piscine hay để picnic, hoặc câu cá ở vùng ngoại ô hầu như hằng tuần. Chưa kể những chuyến đi Vũng Tàu qua đêm, hay sáng đi chiều về vào những ngày thứ bảy, chúa nhựt hay các ngày Lễ lớn. Có xe gắn máy cũng đồng nghĩa với hút thuốc và cua đào. Là bắt đầu giai đoạn bước vào ngưỡng cửa của hẹn hò trai gái. Ai cũng có nhóm bạn riêng, sở thích riêng, nhu cầu riêng nên khu phố và khoảng sân ngoài ngõ đã dần dà trở nên nhỏ bé và …không cần thiết, cho đến khi…

- Khoảng thời gian tụi mình vừa xong Trung Học là tao không còn biết tới cây khế hay nhà cửa chung quanh. Tôi nói.

- Tao cũng vậy. Mày biết đó. Tao thì bị Ông già bắt học và học. Trong xóm, tao là đứa sau cùng có được một chiếc xe gắn máy. Mày thì khỏi nói. Nhảy nhót tưng bừng và bạn thì đếm không xuể.

- Thì cũng là vui chơi vậy thôi. Rốt cuộc cũng chẳng có ai bên cạnh. Thời ‎ choai choai của Hippie mà. Cũng may là tao không sa đà vào thứ gì cả. Chỉ nhạc nhít, áo quần và bon chen thời thượng mà thôi.

- Thú thật là tao đã từng thèm thuồng được như mày. Nhưng ông già tao không tin là vừa đi chơi, bồ bịch lung tung mà học hành vẫn tới nơi tới chốn nên ông cấm cung tao như bác Hai giam mấy đứa em mày trong nhà.

- Mày cũng biết chuyện đó hả ?

- Sao lại không! Chỉ có mày ham đi chơi nên cứ tưởng là cả xóm không ai nghĩ đến ai.

Tôi chỉ cười, không cải chính. Khu xóm Cây Khế chỉ có vài căn nhà, nhưng gần hai tá con nít, không kể mấy anh chị đã là thanh thiếu niên vào thời điểm đầu thập niên 60. Sinh hoạt và lớn lên trong cùng một hòan cảnh và môi trường, hơn kém nhau một, hai tuổi nên không ít thì nhiều tánh tình của nhau ai mà không biết. Và cũng vì biết nhau quá rõ nên lớn lên chỉ có vài ‎ bâng quơ, hay vài e ấp của thời mới lớn mà thôi. Không có ai trong đám nhóc ngày xưa thật sự bước qua lằn ranh của tình bạn và tình hàng xóm. Nhưng tôi lầm vì…

- Tao biết có những mối tình câm trong xóm mình. Bạn nói tiếp trong tiếng thở dài. Có dính líu tới mày, tới tao, và có cả mấy đàn anh, đàn chị của tụi mình nữa.

- Hồi đó cùng lắm là chỉ nắm tay thôi. Tao đâu có đi xa hơn những lần đi chơi chung với cả xóm ?

- Đã nói là mày vô tư mà. Còn nhớ lúc tụi mình học lớp đêm không?

- Có cả Thanh Vân nữa. Văn Học và Trường Sơn. Lớp đêm.

- Ba của bà Vân có nói gì với mày không?

- Thầy Sáu nhờ tao cho Vân quá giang về mỗi tối.

- Ổng cũng nói với tao như vậy.

- Thì ra…

- Mày nghĩ sai rồi. Tao biết bà Vân thương mày nên chỉ hứa suông.

- Còn tao thì né vì biết là còn có mày.

- Tao cũng nghĩ như mày nên …

- Nên Vân phải lội bộ về.

- Và bả chỉ trách mày, còn tao chỉ là tụ trái độn. Không hơn, không kém. Bà Vân chỉ " đầu tư " một mình mày thôi. Từ lúc nào thì chắc là mày còn nhớ phải không?!

Tôi nhớ! Đó là vì những cái nắm tay trong những lần đi sở thú hay xi nê của những mùa hè trước đó đã là bước khởi đầu cho những phiêu lưu của thời mới lớn. Năm đó, khi tôi biết mình không thật sự có tình ‎cảm sâu xa với Vân là vội tìm đủ mọi cách để né tránh sau khi chở Vân về mấy lần, kể cả đổi trường để không gặp nhau mỗi đêm. Còn cô bạn hàng xóm thì thoải mái qua nhà rủ đi học, hay lóng nhóng chờ để được chở về lúc còn học chung trường nhưng khác lớp..

Có nhiều đêm khi thấy Vân thả bộ một mình, tôi cũng có chút bất nhẫn trong lòng. Nhưng chỉ thoáng qua rồi thôi. Cho đến một hôm khi thấy có một chiếc Lambretta kè kè bên cạnh thì tôi cảm thấy nhẹ nhỏm vì biết cô bạn hàng xóm đã có kẻ tình nguyện đưa về. Chỉ một thời gian ngắn thì Cây Khế trong khu phố lại chứng kiến những tâm tình vội vã trước khi chia tay. Và tôi hầu như không còn nhớ là đã có người cần đến mình trước đó không lâu.

Bỗng dưng Vân biến mất khỏi khu phố, và bỏ kỳ thi Tú Tài. Đến khi tôi sửa soạn lên Đà Lạt học thì mới gặp lại Vân với đứa con mới sanh.

- Anh chàng đeo kỹ quá. Bạn nói tiếp. Còn mày thì lo chơi nhạc và đã không còn thân thiết nên bà Vân phải xiêu lòng vì xừ Chánh. Chuyện sau đó thì mày đã rõ.

Tôi cũng đã từng nghĩ đến những tình cảm của thời mới lớn, nhưng không chấp nhận sự thật là bạn bè trong xóm đã có người âm thầm yêu thương nhau. Bất quá chỉ là những vụn vặt, hay bồng bột của thời điểm “ giao mùa “ khi mới trưởng thành, hoặc cùng lắm cũng chỉ “ hình như là tình yêu “ mà thôi, nên những lần nhớ và nghĩ đến bạn bè trong xóm, tôi luôn luôn mỉm cười trong niềm trân trọng kỷ niệm và những gươngmặt của người xưa. May mắn thay! Ngọai trừ chị em của người con gái bây giờ là “ Nghệ Sĩ ưu tú “ của Việt Nam ở nhà Bà nội tại căn số 1, và mấy “ nhóc tì “ của căn số 6, những trang lứa còn lại đều gom lại nơi miền đông Hoa Kỳ và Canada nên tình hàng xóm cứ vài ba năm lại được “ hâm nóng “ bằng những lần họp mặt, hay ghé thăm nhau bất chợt.
Mà cũng lạ thật ! Nếu có tình cảm với nhau‎ từ lâu thì tại sao cả xóm không ai hay biết. Và cũng không ai nói gì mặc dù đa số đang sống nơi đây.

- Tao đã nói rồi. Bạn cuời, nhấp thêm chút rượu. Chỉ có mày hời hợt nên không biết gì. Chứ cả xóm ai lại không biết chuyện gì đã xảy ra. Có điều, chuyện bà Vân yêu mày là nổi bật nhứt nên ai cũng biết.

Tôi còn im lặng thì bạn nói tiếp, giọng trầm hẵn đi.

- Đàn anh của mình cũng có mấy người là nạn nhân của tình anh em, tình bè bạn. Anh Vĩnh, người lôi mày đi chơi nhạc đó. Nhớ chưa. Ảnh thích chị thằng Hưng, nhưng chỉ im lặng nhìn người khác đón chị Hòa đi chơi rồi rinh bả làm vợ luôn. Còn sau đó thì ảnh thương một người khác, một hoa khôi của xóm mình, thời đó làm đau tim cả mấy anh và đám nhóc của xóm sau chợ. Nạn nhân của cô này nhiều lắm. Nói ra thì mày sẽ ngạc nhiên nhưng Bác Hai gái thì không.

- Đúng là tao rất ngạc nhiên. Nhưng sau mày biết nhiều quá vậy. Còn tao…

- Không ai nói thì mày làm sao biết chuyện gì đã xảy ra.Còn tao hồi đó không được đi đâu. Thậm chí bạn tới nhà rủ cũng không được ra đường. Noel năm 1966, Ba tao nể Bác Hai lắm nên mới cho tao theo mày, thằng Lâm và thằng Thịnh đi lễ đêm ở Nhà Thờ Đức Bà rồi chui vô Casino SàiGòn coi Tề Thiên Đại Thánh. Sau đó Ba mày mấy Vespa xuống đón về. Nhớ không?

Tôi gật đầu, bạn tiếp:

- Tao suốt ngày chỉ đi học rồi ngồi nhà. Mọi chuyện xảy ra bên khung cửa sổ tao đều thấy. Mọi chuyện của Má tao nói với Bác Hai hay Cô Sáu và Bà Bảy tao đều nghe. Có hôm buồn tình thả ra ngoài cây khế, leo lên đó ngồi nhớ mấy năm trước còn chơi đùa thật vui nhộn, bây giờ thì đám con gái đã có người theo sát nút. Bên con trai thì mày, tao và đám thằng Hưng, thằng Thịnh chỉ cách nhau một hai tuổi mà sao tụi bây già dặn quá. Đứa nào cũng xế nổ lạng tới lạng lui tưng bừng, còn tao vẫn phải ôm eo ếch ông già để tới Taberd, hay ké tụi bay đi tắm piscine là hết cỡ. Nhưng nhờ những lúc leo cây khế như vậy mà tình cờ tao thấy anh Vĩnh đứng ngay dưới gốc, nhìn lén chị Hòa lên xe hẹn với kép. Cho đến bây giờ thì mày là người đầu tiên biết chuyện của ảnh. Còn chuyện nhức nhối của ảnh với hoa khôi xóm mình thì Bà Bảy kể cho Má tao nghe. Bà già kể cho ông già, tao nằm trong mùng nghe hết mọi thứ. Có thể nói tao là trung tâm thâu nhận tin tức của cả xóm 120 tụi mình.

- Có nghe gì về tao không ? Tôi đùa.

- Có chứ. Nhưng không cần nghe nói. Chỉ cần nhìn mày đi đi, về về cũng biết mày cao số rồi. Tại sao hả?! Thì có ai dám gả con cho mày khi mà mày cứ bạn bè, rồi nhạc nhít om xòm cả ngày như vậy. Má tao viết thư kể là lúc đi lính cũng vậy. Mày kéo cả đám bạn lính về nhậu tưng bừng. Nhưng nhờ vậy mới biết dân đồ bông tụi bây cũng hiền khô. Còn trước đó cứ thấy con cọp nhe răng thì sợ thấy cha.

- Mày nói má tao không ngạc nhiên về chuyện nhức nhối gì đó của anh Vĩnh. Sao lạ vậy. Chưa nghe má tao kể bao giớ cả.

- Có thể đã nói nhưng mày không để tâm tới. Hay là Bác gái lịch sự không muốn nói gì về những chuyện có liên quan tới...con gái mình.

Tôi nhíu mày, ngạc nhiên:

- Em tao…?!

- Là Hằng. Ngạc nhiên lắm hả!? Hoa khôi của xóm mình đó.

Cô em kế có người dòm ngó là chuyện thường nhưng hoa khôi …

- Hằng không phải là đẹp nhứt xóm, nhưng hồi đó Hằng để tóc dài, không se sua mốt này mốt nọ, chỉ có jupe hay áo dài. Nói chuyện thì chỉ dạ thưa rồi cười và mắc cỡ đỏ mặt. Không thấy em mày đi đâu, cũng không thấy quen với ai. Có ai mà không thích. Và làm sao dấu được người lớn, nhứt là những người trong cuộc là Bà Bảy và Bác Hai.

- Nhưng sao mày biết được?

- Bà Bảy than với má tao là khó mở lời vì Hằng còn nhỏ quá, mà không biết Bác Hai nghĩ sao. Lỡ sứt mẻ tình hàng xóm thì không tốt, bí quá nên Bà Bảy chỉ than với Má tao thôi. Má tao biết thì cả nhà tao biết. Còn bác hai thì khỏi cần ai nói cũng biết, vì hồi đó Anh Vĩnh cứ lấy cớ bị cảm chạy qua nhà mày nhờ bác hai cạo gió hoài thì làm sao qua mắt được chứ!

- Còn những “ nạn nhân “ khác của nhỏ Hằng là ai. Không lẽ…

- Lần này thì mày đoán đúng. Có tao nữa.

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không ngờ con mọt sách kế bên nhà, người bạn thân chăm chỉ hạt bột, chỉ biết học hành, ngày xưa một hớp rượu cũng đỏ mặt ngày nay uống không biết say, từ lúc còn chung xóm đã thầm thương cô em bạn sát vách nhà mình.

-Tao không dám nói gì hết, và càng không dám ló đuôi. Vì tao sợ Bác hai sẽ méc ba má tao, chắc chắn tao sẽ bị ăn đòn nhừ tử. Tao ngại cả mày nữa vì tình cờ tao biết mày không ưa cái chuyện "em của bạn và bạn của em". Tao thật lòng mến phục mày ở điểm này. Chuyện là như vầy. Hồi mày vừa lên Đà Lạt thì vài tuần sau, tao cũng có chuyến bay qua Bỉ. Đến lúc đó thì tao liều mạng ghi mấy chữ tỏ tình với Hằng. Tao tính là khi qua từ giả hai bác thì xin phép mời Hằng và cả Hiền nữa cùng dự tiệc chia tay, rồi sau đó đưa thư cho Hằng, kết quả ra sao cũng được vì khi mọi người biết chuyện thì tao đã lên máy bay rồi. Nhưng tao chỉ toại nguyện được có một nửa thôi. Sau đó lá thư theo tao qua Bỉ rồi lạc mất đâu đó không biết. Tao không đưa cho Hằng là vì ngay lúc định gõ cửa để vô nhà mày thì nghe tiếng bác gái đang giảng morale cho một anh bạn nào đó không biết là ai trong mấy chàng hay tới lui với mày. Tao đoán là anh ta tới rủ Hằng và Hiền đi chơi, hay đi đâu đó, vì tao nghe bác gái nói: “ Thôi con à. Nó còn nhỏ lắm. Để cho nó học xong cái đã … Thằng Huy của bác cũng không thích em nó dây dưa với bạn mình đâu. Đứa bạn nào của thằng Huy, bác cũng thương hết nên không muốn có chuyện gì xảy ra giữa tụi con..”

Tao nghe tới đó là rút về nhà. Một lát sau thì nói với má tao xin phép trước rồi tao qua từ giả sau. Và đúng như tao dự tính. Bác hai vui vẻ cho hai em mày dự tiệc với cả nhà tao ngoài nhà hàng Kim Đô. Vui lắm mà cũng buồn lắm. Vì sao thì mày cũng hiểu rồi.

Tôi thừ người sau khi nghe xong tâm sự của bạn. Từ xưa đến nay tôi không thay đổi quan niệm cho dù ai nấy đều nói là tôi gàn và vô lý. Cũng may là mấy cô em đều lập gia đình với những người tôi không quen biết trước. Nếu không thì chẳng biết phản ứng của mình sẽ như thế nào.

Còn đang suy nghĩ thì bạn nói tiếp:

- Tao qua Bỉ vài tháng thì gặp má con Tâm. Tụi tao học khác phân khoa, nhưng chung khu nhà trọ. Xa quê hương nhớ mẹ hiền nhưng khi không có ai kềm kẹp thì tao bung. Chưa hết năm thứ nhứt là tao quyết định lấy vợ. Ba tao cự quá trời, không chịu tới nhà ba má bả để nói chuyện xui gia. Má tao năn nỉ cách mấy cũng không chịu. Tới khi tao báo tin bà xã có bầu sắp sanh thì ba tao xìu. Dĩ nhiên là không bên nào vui vẻ gì hết. Vì có con là phải lo lắng đủ thứ, kể cả phải bỏ học để kiếm tiền, nhưng may mắn là bà xã tao có anh chị cùng học một chỗ nên tao chỉ lo học nhiều hơn là lo làm. Ai cũng nói là sẽ không bền vì chưa tìm hiểu mà đã lấy nhau. Tao cố chứng minh ngược lại vì thật sự tụi tao yêu nhau lắm. Nhưng người xưa nói đúng. Dục tốc bất đạt. Một thời gian sau là biết hai đứa không hợp nhau nhưng vì con nên phải gồng mình chịu đựng. Bây giờ con Tâm đã có chồng nên tụi tao chia tay.

- Mày cũng kín đáo quá. Hai năm nay tao tưởng vợ chồng mày hạnh phúc lắm.

- Tao buồn chuyện nhà nên chỉ có gia đình tao biết. Không nói với ai hết. Cho đến hôm nay thì chạy lên đây thăm hai bác và vợ chồng mày. Mọi người vẫn vậy. Nhưng Hằng thì thay đổi hoàn toàn.

- Hồi mới qua đoàn tụ, tao cũng thấy như vậy. Em tao khác xưa nhiều quá.

- Lanh hơn và nói nhiều hơn. Tao biết điều này qua thư từ trao đổi với gia đình. Nhưng đúng là Hằng dạn dĩ hơn xưa rất nhiều. Trước mặt ông xã mà vẫn tỉnh bơ hỏi tao hồi đó nhức nhối ai thì khai thiệt đi. Còn anh Thuận thì cũng vui tánh và cởi mở như quen tao từ lâu nên bắt tao ở lại cả buổi rồi mới thả cho tao qua đây. Tao cũng thoải mái ngồi kể chuyện xưa với Hằng và úp mở để hai ông bà đoán xem hồi đó tao thương ai. Hoa khôi ngày xưa bây giờ vẫn còn có nét lắm. Mày đừng lo. Tình đã chết từ mấy chục năm trước nhưng kỷ niệm thì vẫn đẹp hoài.

- Tao cũng nghĩ như mày. Hồi đó vui quá. Làm sao quên được.

- Tao vẫn nhớ thời chơi chuyền chuyền với đám con gái và đá banh bàn tới bỏ ăn với mày và mấy đứa xóm Chợ. Mới đó mà đã gần 40 năm! Lần nào về Sài Gòn. Công tác hay đi chơi, tao cũng đều trở lại thăm khu phố 120. Nhớ mọi người, mọi thứ. Có lần gặp chị em Ngọc Hoa. Lúc đầu ngờ ngợ, sau đó nhìn ra nhau thì không có thì giờ hàn huyên, vì cả hai bận đi tập tuồng. Bạn cũ thì không tìm được ai nữa. Tản mác đi đâu không biết. Sài Gòn bây giờ đang mùa nhân mãn, mày có nhắn tin và nhờ công an tìm cũng không ra. Thế giới của tụi mình đã biến mất từ lâu rồi.

Tôi và bạn im lặng hồi lâu. Mỗi người một suy tư ngược dòng thời gian về quá khứ. Cho đến khi vợ tôi từ trên lầu xuống gọi lên ăn cơm mới tạm ngưng cuộc hàn huyên. Gần 40 năm và nửa vòng trái đất. Thời gian và không gian như hòa lẫn vào nhau để lắng lại thật sâu đậm trong lòng. Nhờ bạn, tôi lại tìm thấy mình và kỷ niệm của thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Khu phố vẫn còn đó dù mọi thứ đã đổi thay đến chóng mặt. Thiên đường của tuổi thơ đã không còn, nhưng cây khế và những gương mặt thân thưong của ngày xưa vẫn sẽ luôn sống mãi trong lòng đám nhóc bây giờ đã hai thứ tóc.
Chắc chắn bạn tôi cũng nghĩ như vậy.

Huy Văn