"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc." ** Trần Bình Trọng **

 

Kéo Đá Tối

Ghi-chú của tác-giả: “Kéo đá” là cách nông dân Bắc Việt khi xưa dùng giây thừng kéo một hòn đá hình trụ, có trục ở giữa, khi hòn đá lăn đi thì nó cán vào những bông lúa giải trên sân gạch làm hạt thóc rời khỏi bông. Ở trong Nam, nông dân ôm bó lúa lên đập vào cái cối đá cho hạt thóc rời ra. Thợ vò là những cô gái dùng hai chân xoay, nghiến vào nhau cho thóc rời ra khỏi bông lúa.

     Buổi tối hôm nay có thêm Hường - con lớn nhất của bác Ước - và chồng là Tại đến giúp. Công việc của đàn bà vẫn là vò hay suốt lúa và đàn ông, kéo đá.
     Bác Ước trai đứng vai trọng tài, bác nhắc lại lời hứa hò hát đáp lễ của đàng gái hôm qua. Nếu không nhắc, họ cứ lờ đi vì chỉ muốn nghe không muốn hò. Quả tình vừa làm vừa hò hát cũng hơi mệt, nó khác với những buổi hội hè ở làng, chỉ ngồi mà hò hát thong dong.
      “Chị Lụa, chị Là đã sẵn sàng để hò hát chưa kẻo xóm đàng trai họ nhắc bây giờ đó.” Bác Ước nói to.
     Lụa vẫn chanh chua như bao giờ:
     “Chú Ước, phải chỉ có chị em cháu là đàn bà đâu. Thím Ước và Hường Hương cũng phải hò hát chứ?”
     Bác Ước gái đáp ngay:
     “Hồi còn trẻ như các chị thì chẳng phải bàn, các anh ấy hò tới đâu thì thím cũng hò tới đó vậy. Bây giờ qua thời thanh niên, lại lâu ngày không hò hát gì, giọng kém đi. Thím nhường cho các chị đó.”
     Là không chịu:
     “Nếu thím Ước không bắt đầu thì tụi cháu cũng đầu hàng thôi.”
     “Chị Là tối nay sao đầu hàng sớm vậy?” Cung hỏi.
     “Còn lâu tôi mới đầu hàng các anh. Tôi nói đầu hàng là...”
     Bác Ước gái phải chen vào:
     “Thôi được, để thím hò một câu đầu rồi mấy chị em tiếp theo nhé.” Xong bác lên giọng:
        Hỡi anh đi đường cái quan
        Dừng chân đứng lại em than đôi lời.
        Bác Uớc gái vừa ngưng thì Lụa hát tiếp ngay:
        Đi đâu vội mấy anh ơi!
        Công việc đã có chị tôi ở nhà.
        Cung nghe nóng máy nên hò đáp liền, không cần giục giã:
        Này cô, này cô mà cô em
        Ối a, cô em này ăn nói chứ hay chưa!
        Mây chưa mà chưa kéo đến ối a thì mưa, thì mưa cái nỗi gì.
        Cô đang ối a mà lứa tuổi
        lứa tuổi chứ xuân thì
        Đêm mơ ngày mộng, anh thì cứ tương tư
        Hừ hứ hư hừ hư...
     Không khí bắt đầu sôi nổi. Lụa đòi Hương phải hò vài câu. Hương ngượng vì có đông người quá nhưng không từ chối được. Hương nói:
      “Em xin được hò vài câu về hoa quả nhà nông thôi. Nam nữ đối đáp thì em không quen.”
      “Hương hò loại nào cũng được.” Là khuyến khích.
     Hướng hắng giọng cho trong cổ xong bắt đầu:
        Dưa gang, ối a là cái quả ấy dưa gang
        Cái quả dưa gang cùng làng chứ mà, cùng làng anh dưa hấu,
       Dưa hấu ối a là cái quả dưa hấu
       Cái quả dưa hấu là cậu chứ mà, là cậu bí ngô.
     Thôi giọng em hôm nay đục quá. Chị nào giúp em hò tiếp đi.”
     Lụa, Là giẫy nẩy:
      “Mới được có hai câu đã thôi rồi. Giọng tốt vậy than đục. Ai mà giúp cô được. Họa may có anh Cung!”
      Cung cười thành tiếng:
      “Lại lôi tôi vào nữa. Nhưng thôi, cô Hương chưa quen hò thì để tôi giúp cô vài câu.
        Cái quả dưa hấu, ối cô nàng ơi, cái quả dưa hấu là cậu chứ mà, là cậu bí ngô.
        Bí ngô, ối a, tình bằng cái chú bí ngô lại mê, lại mê cô đỗ nành,
        Đỗ nành, ối a, là cái cô đỗ nành lại thương anh dưa chuột.
        Dưa chuột chứ ối a, tình bằng cái anh dưa chuột
        Cái anh dưa chuột, em ruột chứ anh dưa gang
        Dưa gang, ối a là cái quả dưa gang
        Cái quả dưa gang cùng làng là cùng làng chứ ối a mà cái bác dưa hấu,
        Cái bác dưa hấu là cậu chứ mà, là cậu cái anh bí ngô.
       Cái anh bí ngô, tình bằng cái anh bí ngô lại mê, lại mê mà cô đỗ nành...
      Những tiếng vỗ tay râm ran hoan nghênh những câu hò vui, ngộ nghĩnh. Hường bảo:
      “Nếu anh Cung với Hương cùng hò chung hoặc đoạn hò riêng, đoạn hò chung thì rất hay. Để bao giờ có thì giờ tập thử...”
      Hương giẫy nẩy:
      “Không, em chưa hát đôi như vậy bao giờ.”
      “Thì tập rồi nó thạo ra chứ.”
      “Thì tập rồi nó thạo ra chứ.”
     Mẻ đá ở sân gần được. Cung, Cách, Hướng và Tại ngồi bậc hè nghỉ, uống nước, hút thuốc để bác Ước trai trở mặt rơm cho đều. Cũng vừa lúc bác Ước gái bưng ra một nồi chè đỗ xanh, cũng nấu với mật mía. Chè không vàng như nấu với đường mà nâu nâu, đậm đậm như nước chè khô. Ăn ngọt và ngon là được rồi, dân quê chỉ cần thực dụng, không cần trình diễn bề ngoài.
     Trong lúc ăn chè, đàng gái lại yêu cầu đàng trai hò hát nữa nhưng bác Ước trai bảo, thôi để hôm nào gặt hái xong sẽ tổ chức ngồi sân, sáng trăng, hò hát đẫy một đêm cho thỏa chí.

***


     Hai tuần sau, mảnh ruộng phía đồng trong cũng chín và được gặt. Lần này vợ chồng con cái bác Ước phải đảm đương hết vì Cung, Cách, Lụa, Là đã đi làm cho những người khác. Vả lại, nếu cứ mướn người làm, thóc tiền đem trả hết, còn đâu mà chi dùng? Lúc mưa thuận gió hòa đã vậy, lúc đại hạn hay mưa bão, lũ lụt, mùa màng thất bát thì biết trông vào đâu?
     Bám lấy mảnh ruộng mảnh vườn ở thôn quê thì chỉ biết củ khoai, hạt thóc, rau trái do đất cung cấp, không còn nguồn lợi nào khác. Mảnh đất không cung cấp đồ ăn cho người ấy là người bối rối, không biết xoay xở ra sao.
     Thuở đó - Pháp thuộc - các thành phố không cung cấp nhiều công việc vì công nghệ ở xứ ta chưa có nên nông dân ít người dám lên thành phố kiếm việc làm. Hơn nữa, với khả năng chỉ biết cày, bừa và làm mùa, nông dân không dễ gì kiếm được việc làm tại các thành phố ngoài những phụ nữ đi ở vú hoặc giúp việc nhà như đi chợ, nấu ăn, trông coi con nhỏ cho những gia đình khá giả. Điều kiện ở vú là phải đang nuôi con, đang có sữa tốt để nuôi con cho người ta trong khi con mình phải bỏ lại quê cho bà nội, bà ngoại hoặc thân thuộc nuôi giùm bằng bột gạo, cháo hay đi bú rình, bú chực những người hàng xóm tốt bụng.
     Ngày hôm nay có gió nồm Nam khá mạnh. Bác Ước gái nghĩ đã đến lúc phải quạt thóc cho sạch để còn lên bồ, lên cót cho yên chí vì thóc đã phơi được dăm nắng, khá khô, khá săn. Bác bảo Hướng và Hương, kẻ gánh người đội thóc ra bờ sông, chỗ có gió thổi từng cơn ào ạt. Bác đứng trên một cái chiếu ở đầu gió và đổ thóc từ từ xuống chiếu. Gió thổi bay thóc lép và bụi bặm ra ngoài chiếu để chỉ còn thóc sạch, hột nào như hột nấy. Khi nào không có giò thì Hướng hay Hương phải dùng một cái quạt thật lớn để tạo thành luồng gió, quạt bay thóc lép và bui bặm đi. Khi tất cả thóc đã qua vụ quạt như vậy, thóc mới được đổ vào bồ vào cót để trữ ăn dần, sau khi đã trả cho chủ ruộng như đã thỏa thuận.
     Năm nay được mùa, số thóc dành cho gia đình bác Ước cũng hơn trăm thùng, một tài sản khá ở nông thôn lúc đó. Bác Ước nghĩ đến phiên chợ sau, bác sẽ đi mua một đôi lợn giống mà phải lợn nái nuôi cho đẻ và bán con giống cho người ta y như bác phải mua bây giờ.
     Thóc xay ra gạo và tấm cho người ăn, còn càm đem nấu lên trộn với rau muống hay bèo cái cho lợn. Chẳng bao lâu bác sẽ có lợn giống như nhà bác Đễ cùng xóm. Cầu trời cho những con lợn nái khoẻ mạnh và đẻ nhiều, lứa 7, 8 con cho đến 10, 12 con, bác gái và Hương tha hồ chăm cháp và bác và Hướng tha hồ mà gánh lợn con đi chợ bán. Khi có tiền bán lợn, bác sẽ mua bổi về lợp lại mái nhà. Mưa to, nó đã bị dột mấy chỗ.
     Giấc mơ của bác Ước chỉ giản dị có thế. Giản dị như chính đời sống của bác và gia đình bác.
Phiên chợ giữa tháng 6 âm lịch, bác Ước gọi Hướng dậy sớm. Hai cha con gánh thóc đi chợ bán, còn bác Ước gái thì gọi mấy người hàng xáo đến coi xem họ trả có được giá thì bán mấy thùng, đỡ phải mang ra chợ nếu giá tương đương.
      Hai con lợn giống tiêu hết hơn chục thùng thóc. Hôm đi mua lợn, bác Ước phải nhờ bác Đễ, đã quá quen với lợn giống, lựa giùm. Bác Đễ lật ngửa những con lợn con lên, nhìn tường tận vào cái bụng của chúng. Quan trọng nhất là chúng phải có nhiều vú để cho con bú. Có con lợn nái đẻ tới 14 con mà không đủ vú cho con bú thì cũng hỏng. Mấy con nhỏ, yếu sức không tranh được một cái vú sẽ ốm yếu và chết.
Con lợn nái phải là thứ hay ăn chóng lớn và thuộc giống to con, mạnh sức. Ấy là chưa kể nó không được đau ốm, trở trời trái gió, bỏ cám bỏ bã làm cho ông bà chủ lo lắng, mất ăn mất ngủ. Có hai con lợn nái thôi nhưng cả gia đình đã phải thay nhau chăm sóc cho chúng luôn được mẹ tròn con vuông, không khác chi người, bởi số vốn đầu tư vào chúng không ít ỏi gì so với toàn thể sản nghiệp của bác Ước.
     Phiên chợ đang ở vào lúc cao điểm thì bác Đễ đã chọn xong cho bác Ước hai con lợn giống. Bác Ước gái mở cái ruột tượng, lấy tiền ra đếm trả người bán.
      “Hai bác cứ nuôi đi rồi thấy,” người đàn ông bán lợn giống quấn cái khăn bỏ hai mối một bên trên đầu bảo vợ chồng bác Ước, “lợn này giống tốt lắm, con sai lắm mà lại khéo nuôi con. Bảo đảm không thứ lợn giống nào tốt hơn đâu.”
     Hướng quẩy cái lồng, đã mang sẵn từ nhà, nhốt hai con lợn giống ra về, hai vợ chồng bác Ước đi theo sau. Dọc đường, nhiều người quen gặp đều hỏi:
      “Ông Ước đã đi mua lợn giống đấy à? Bao nhiêu một đôi vậy?”
     Bác Ước trả lời không ngớt, lòng rộn lên một niềm vui khó tả.

Bút Xuân Trần Đình Ngọc
(Trích từ Truyện dài Mầu Mạ Non)