"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

 

Về Nhà Ăn Tết

“Cu kêu ba tiếng cu kêu
Mong mau đến Tết dựng nêu ăn chè”

     Vừa đi làm về tới nhà, tôi thấy ba ngồi nói chuyện với hai ông khách. Nhìn kiểu thì thầm to nhỏ và điệu bộ bí mật, tôi đoán ngay là mối dẫn đi vượt biên. Nhà tôi không lạ gì cảnh này nữa, vì trước đây hai người anh của tôi cũng đã vất vả bao phen, cũng bấy nhiêu cuộc chuyện trò như ngày hôm nay, rồi cuối cùng cũng đến được trại tỵ nạn mấy năm trước.
      Tôi vào bếp tắm rửa, thay đồ xong, má và chị Hai kêu tôi, nói nhỏ:
      -Ngày mai có chuyến vượt biên đó, con muốn đi không?
      Tôi nhăn mặt:
      -Sao gấp vậy má? Gần Tết rồi …
      Chị Hai nhanh nhẩu:
      -Đây là chuyến chót của gia đình ông chủ ghe mà trước đây đưa hai người nhà mình đi trót lọt. Kỳ này họ đi cả nhà luôn, coi như an toàn lắm!
      Tôi hỏi:
      -Vậy có ai đi với con nữa không?
      -Có Bích Hà nhà Bác Ba và thằng cu Tý nhà chú Trung đầu xóm.
      Bích Hà là hàng xóm bên cạnh nhà tôi, là bạn bè với mấy anh chị em nhà tôi. Còn thằng Tý mới hơn mười tuổi, là con chú Trung bạn rất thân với ba tôi, từ khi hai anh tôi đi vượt biên, chú hay qua nhà tôi nhắn nhủ nếu có dịp nào thì cho chú gửi thằng Tý đi theo.
      Trước khi bỏ đi dọn cơm, má nói với tôi:
      -Tùy con quyết định đó, má không ép đâu. Nếu không muốn đi thì chờ giấy bảo lãnh cũng chẳng sao con à.
      Trong gia đình tôi lúc đó, ngoài hai ông anh đã định cư an toàn ở Mỹ, trong số những người còn lại, thì tôi là …ứng cử viên sáng giá cho chuyến đi kế tiếp, vì tuổi còn trẻ và chưa lập gia đình. Tôi biết gia đình tôi mong cơ hội này từ lâu, vì chuyện bảo lãnh còn rất xa vời, khó khăn.
      Tôi quay qua chị Hai:
      -Em cũng muốn đi chuyến này, nhưng thiệt là khó nghĩ cho em quá! Em mới ra trường đi dạy được vài tháng, chưa xong một học kỳ, còn trong giai đoạn thử thách, mà đã bỏ nhiệm sở như vậy, tội nặng lắm đó.
      -Trời ơi, đi tới đảo rồi thì lo gì tội nặng hay nhẹ.
      -Nhưng nếu lỡ đi không được, rồi tù tội thì sao? Vả lại sắp Tết rồi chị ơi, chiều nay em vừa bàn với lũ học sinh chuyện ăn tất niên và đi chơi Xuân.
      Chị Hai trề môi chế nhạo:
      -Mày vẫn còn con nít ham chơi lắm! Đã đi vượt biên thì phải chịu bỏ lại tất cả, huống gì đám học trò đó.
      Nhưng là lời hứa chị à, tụi nhỏ thích em lắm …Rồi em phải nói làm sao với Ban Giám Hiệu khi vắng mặt?
      -Dễ ợt, nhà mình sẽ gửi giấy xin phép cho mày về quê thăm người thân bệnh nặng.
      -Nghe vô lý quá! Nhà bao nhiêu người không đi sao lại chọn em?
      -Thì đó chỉ là lý do, còn người ta tin hay không thì tùy!
      Tôi đi vào bếp, thấy ba đang ăn cơm liền hỏi:
      -Nếu con không đi thì Bích Hà và thằng Tý có đi không?
      -Họ vẫn đi chớ!
      Nghe vậy, lòng tôi lại rộn ràng niềm say mê với những chuyến đi, gặp gỡ những con người mới, đến những chân trời xa lạ như những tấm hình hai anh tôi gửi về từ trại nạn và từ Mỹ quốc xa xôi, là niềm ao ước đến miền đất tự do không có phân biệt, bất công, nơi mọi người đều có cơ hội tiến thân như nhau .v.v.

     Thế là sáng sớm hôm sau, khi cả xóm còn đang yên giấc ngủ say, tôi và Bích Hà vội vã đón chiếc xích lô trực chỉ Xa Cảng Miền Tây, còn anh ba của tôi và thằng Tý đã đến ở nhà một người quen ở Hàng Xanh từ đêm qua rồi sáng nay ra mua vé chuyến xe sớm nhất cho chúng tôi. Đã vài lần ra đi trong buổi sớm, nhưng đó là đi chơi Vũng Tàu, hoặc đi nghỉ hè ở đâu đó, nhưng lần này là bỏ đi vượt biên, nên khi nhìn lại khu phố êm đềm đang chìm trong giấc ngủ, tôi thấy ngậm ngùi luyến lưu. Đến bến xe, anh tôi và thằng Tý đã chờ sẵn. Anh được giao nhiệm vụ dẫn chúng tôi lên tàu rồi mới quay về nhà cho gia đình yên tâm.
      Xe đò chật chội như nêm, nhưng tuổi trẻ chúng tôi mệt mỏi sau một đêm thức khuya, nên đã ngả ra ngủ khi xe vừa chạy hơn mười lăm phút. Qua hai bến phà Bắc Mỹ Thuận và Bắc Cần Thơ, nếu là khi khác thì tôi đã hào hứng xuống xe, thể hiện tâm hồn… ăn uống, không bỏ qua các món ngon vật lạ miền tây, nhưng vì đang trong tậm trạng “bỏ nước ra đi” nên không ai có tâm trí để ăn uống, kể cả thằng Tý cũng… “ăn theo” chúng tôi, mang bộ mặt nghiêm trang, rầu rĩ, buồn như bánh bao chiều.
      Đoạn đường từ Sài Gòn đến Cần Thơ khoảng 170 cây số, nhưng mãi đến trưa mới đến nơi. Chúng tôi giờ mới thấy đói cồn cào, kéo nhau vào quán cơm ngay bến xe, gọi cơm nóng ăn với canh chua, cá kho tô đúng kiểu đặc sản Nam Bộ. Ăn xong, anh tôi kêu hai chiếc xe lôi, đưa cả nhóm đến một nhà người bạn thân của anh trên đường Võ Văn Tần. Đây là ngôi nhà lầu đúc ba tầng, bề thế ngay mặt tiền con phố lớn trung tâm thành phố. Chủ nhà trước năm 1975 là chủ nhân một tiệm Pharmacy, bây giờ thì tầng trệt cho một tiệm may mướn, còn hai tầng trên để ở. Chúng tôi được tiếp đón nồng hậu và chân tình. Sau khi tắm rửa và ăn cơm chiều xong, trong khi anh tôi ngồi hàn huyên với bạn cũ, tôi và Bích Hà dẫn thằng Tý đi một vòng thành phố cho biết. Đi thẳng đường Võ Văn Tần là đến Đài Truyền Hình Cần Thơ, lên chút nữa là Bến Ninh Kiều và Chợ Cần Thơ. Còn theo hướng ngược lại thì ra Đại Lộ Hòa Bình thênh thang gió lộng, nhộn nhịp người và xe. Đi cho đến mỏi chân thì quay về nhà, ngồi trên ban công lầu hai ngắm thiên hạ qua lại, vui chơi ngay vườn hoa bên kia đường.
      Chiều hôm sau, trời vừa nhá nhem, chúng tôi giã từ ngôi nhà đường Võ Văn Tần vừa mới thân quen, vội vàng đến Bến Ninh Kiều. Vừa đến nơi không bao lâu thì gặp hai thanh niên trong ban tổ chức vượt biên. Sau một hồi trao đổi với hai thanh niên này, anh tôi tiến về phía tôi và Bích Hà :
      -Bây giờ chúng ta phải chia thành hai nhóm, đến hai địa điểm tập trung khác nhau. Anh phải đi với thằng Tý vì nó còn nhỏ, hai đứa em đi với nhau nhé!
      Lúc này tôi mới thật sự cảm thấy sự chia lìa đang gần kề. Tôi nắm tay anh mà giọng run run:
      -Anh có theo em xuống tàu không?
      -Anh không biết nữa! Coi như chia tay lúc này rồi! Em cầm lấy một số tiền để phòng thân.
      Rồi anh bước qua kéo tay thằng Tý, leo lên chiếc xe lôi với một trong hai anh thanh niên lúc nãy. Tôi và Bích Hà cũng lên chiếc xe lôi khác với anh thanh niên còn lại. Hai chiếc xe lôi lao nhanh về hai hướng khác nhau. Gió lạnh làm tôi và Bích Hà co rúm người, ngồi sát vào nhau. Xe chạy hơn chục phút là hết thấy ánh đèn phố xá, thay vào đó là những căn nhà lưa thưa xen lẫn với vườn cây, ao cá, những con rạch nhỏ và những chiếc cầu tre bé bé xinh xinh. Trời tối dần, đôi khi chúng tôi thấy vài ánh đom đóm chập chờn trôi vút qua hai bên đường, cảnh vật chìm trong bóng tối làm cho chúng tôi, hai cô gái trẻ thành phố, dâng lên cảm giác xa lạ xen lẫn sợ hãi.
      Cuối cùng chiếc xe dừng lại nơi một xóm nhỏ heo hắt. Anh thanh niên dẫn chúng tôi đi và dặn dò không được nói chuyện gì cả. Chúng tôi bước nhanh theo anh, qua vài căn nhà lác đác trong xóm, rồi những bụi cây, gò đất, và hình như có đi qua một quán cóc nhỏ với một cái bàn thấp lè tè, có đặt cây đèn dầu trứng vịt lập lòe chút ánh sáng nhỏ nhoi, xung quanh vài ba người ngồi rầm rì tán gẫu. Đến căn nhà nơi cuối xóm, anh thanh niên gõ cửa, một người phụ nữ cỡ bốn mươi tuổi đón chúng tôi âm thầm lặng lẽ, chị dẫn chúng tôi đến bộ ván ngay gần cửa sau, đưa ra chiếc mùng, hai cái gối và cái mền rồi bảo chúng tôi đi ngủ. Trời tối thui, tôi và Bích Hà nhìn nhau rồi leo lên bộ ván, nằm co ro, lạ lẫm, nghe cả tiếng sóng dập dềnh, đưa những bông lục bình trôi đập vào miếng ván gỗ ngay sát sàn nước mà từ bộ ván chúng tôi có thể nhìn thấy được.
      Sáng hôm sau chúng tôi thức dậy khá trễ, trời đã sáng rõ, con sông sau nhà sáng bừng lấp lánh, và những bông lục bình vẫn lờ lững trôi thật vô tình như không biết nỗi lòng của kẻ xa nhà như tôi.
      Lúc này chúng tôi mới quan sát khá đầy đủ căn nhà. Đơn sơ, giản dị nhưng khá ngăn nắp. Người phụ nữ tối qua không thấy rõ mặt, nhưng sáng nay thấy chị tuy ít nói nhưng khuôn mặt dễ cảm mến. Chị ôm đứa con nhỏ để lên võng đong đưa, rồi sai đứa con gái chừng 7-8 tuổi đi mua đồ ăn sáng cho chúng tôi. Qua cách nói chuyện của chị với anh thanh niên, tôi đoán chồng chị là tài công taxi (tức là ghe nhỏ) có nhiệm vụ chở người vượt biên ra tàu lớn. Tôi muốn hỏi chuyện chị chủ nhà nhiều lắm, nhưng nhớ lời dặn của ban tổ chức, tôi chỉ thỉnh thoảng nhìn chị mỉm cười, và chị cũng giữ đúng nguyên tắc, chỉ trao đổi với chúng tôi những khi cần thiết. Tuy nhiên, chị lại vui vẻ cho tôi đưa võng ru ngủ đứa con nhỏ của chị trong khi chị làm bếp hay dọn dẹp nhà cửa, và Bích Hà thì tranh thủ nói chuyện vui đùa với đứa con gái lớn.

     Chiều sẩm tối thật nhanh. Anh thanh niên đêm qua lại mang đến thêm vài người nữa, nhưng đưa vào căn phòng bên ngoài sát cửa ra vào, chúng tôi không được thấy mặt hay hỏi han những người mới đến. Anh còn kịp dặn dò chúng tôi chuẩn bị tinh thần và đồ đạc cá nhân để khuya nay ra khơi. Tôi và Bích Hà rủ nhau lên bộ ván và giăng mùng thật sớm. Mặc kệ những tiếng lao xao, những bước chân nhè nhẹ bên ngoài, tôi nằm nhìn lên đỉnh mùng mà lòng xốn xang, khó diễn tả nên lời. Bích Hà cũng cùng tâm trạng như tôi, căng thẳng, lo âu và buồn mênh mang. Căn nhà lại trở nên im lìm đến phát sợ. Đứa bé trên võng cựa quậy, chị phụ nữ đưa võng và cất lên câu ru nghe buồn não ruột:

“Ầu ơ… Anh về để áo lại đây
Để khuya em đắp … (ớ)
(chớ) để khuya em đắp …ngọn gió tây… lạnh lùng”

      Một hồi sau, Bích Hà quay qua tôi:
     -Mình nhớ nhà quá Kim ơi! Nhớ chàng kỹ sư của mình nữa. Mình đi không nhắn ảnh lời nào chắc ảnh buồn lắm!
     Tôi thở dài, chẳng biết nói gì. Cứ để cho Hà gặm nhắm nỗi buồn trong khi tôi cũng đang tơi bời với bao mối thương yêu.
      Bích Hà lại lên tiếng:
      -Kim có nhớ …ai không?
      Tôi nói nhỏ như cho mình nghe, mắt vẫn nhìn lên đỉnh mùng:
      -Có chớ! Ngoài gia đình ruột thịt, mình có đám học trò dễ thương đang mong chờ mình đó!
      Miệng nói vậy, nhưng trong đầu tôi là hình ảnh của anh Khiêm, người đồng nghiệp dạy khác trường nhưng rất dễ mến của tôi. Tôi gặp anh lần đầu khi trình diện tại Phòng Giáo Dục, anh đang lên đó làm chút giấy tờ, và sốt sắng tình nguyện nhận lời đưa tôi về trường mới cho biết qua trước buổi dạy đầu tiên. Sau đó, tôi mới biết anh là khuôn mặt quen thuộc không những ở trường tôi mà còn ở các trường xung quanh khác trong quận, vì anh có nghề tay trái là chụp hình rất đẹp và rất nghệ thuật. Mỗi khi trường nào có dịp cần chụp hình, nếu không bận giờ dạy, anh luôn được mời đến làm phó nhòm yêu thích của các cô giáo.
      Ngày lễ Nhà Giáo vừa qua, anh đến trường tôi chụp hình cho các thầy cô và học trò kỷ niệm ngày vui. Khi xong xuôi, anh lại bên tôi bắt đầu màn “tán tỉnh” hơi cỗ lỗ sĩ nhưng khá …dễ thương, là đề nghị được chụp cho tôi nhiều kiểu hình để anh làm mẫu cho khách hàng, và dĩ nhiên sẽ tặng lại tôi những tấm hình đó! Tôi đã vui vẻ làm dáng cho các kiểu hình, trong bộ áo dài trắng thướt tha, đứng dưới cây bàng xòe bóng mát, ngồi nơi ghế đá giữa sân trường, hay làm điệu bên kệ sách thư viện, tươi cười rạng rỡ nơi bục giảng .v.v..
      Từ đó, mỗi buổi chiều sau khi tan giờ dạy, anh lại đạp xe đến cổng trường tôi, chờ tôi tan lớp rồi đi về chung đường. Nhà anh bên An Nhơn, tôi ở Hạnh Thông Tây, nhưng đến Ngã Năm anh vẫn đi theo tôi cho đến tận đầu ngõ nhà tôi, rồi mới vòng xe về hướng Xóm Mới để đi về nhà. Biết tôi thích sách, anh lại dạy môn Văn, anh đi tìm mượn những cuốn sách hay cho tôi đọc, rồi trên đường đi chung về nhà hàng ngày, chúng tôi lại nói về cuốn sách vừa đọc, bài thơ hay trên báo, hoặc chia sẻ những kinh nghiệm làm việc với học trò, đồng nghiệp, và phụ huynh .v.v …
      Tôi tin chắc rằng mấy bữa nay anh vẫn đến cổng trường tôi, dựng chiếc xe đạp dưới gốc cây phượng, rồi kiên nhẫn đợi chờ. Cho đến khi những nhóm học trò cuối cùng ra về, trả lại sân trường nỗi vắng vẻ đìu hiu, và khi nhân viên bảo vệ bước ra khóa cổng trường, anh sẽ lặng lẽ đạp xe ra về với biết bao câu hỏi trong lòng. Tôi biết anh đã dành cho tôi tình cảm rất đặc biệt. Có đôi lần anh tặng tôi những cuốn sách có kèm theo mấy câu thơ đầy tình ý, nhưng tôi chưa bao giờ trả lời anh về tình cảm của tôi. Cô giáo trẻ mới ra trường, còn tràn trề nỗi đam mê được cống hiến cho thế hệ đàn em, tôi chưa có thời gian để hỏi lòng mình có sẵn sàng cho một tình yêu hay không ? Nhưng đêm nay, nằm đây nghe đám lục bình dật dờ trôi trên sông trong đêm vắng, tôi mới thấy…nhớ anh, một nỗi nhớ thật dịu dàng!
      Tôi trở mình, những giọt nước mắt nóng hổi vừa chảy ướt mặt gối. Bích Hà cũng đang sụt sùi một mình. Bỗng có một bóng đen chui vào mùng chúng tôi, hai đứa hốt hoảng nhổm dậy thì nhận ra anh tôi. Anh ra dấu cho chúng tôi im lặng, rồi thì thào:
      -Chuyến đi khuya nay bị dời lại rồi!
      Tôi nhanh nhẩu:
      -Sao vậy anh?
      -Hình như một điểm tập trung bị lộ, nên chuyến đi phải chờ vài ba ngày cho đến một tuần lễ.
      Bích Hà chán nản;
      -Vậy tụi em phải ăn không ngồi rồi mấy bữa nữa hả? Chán quá!
      Anh nói tiếp:
      -Anh vừa đi xem tàu lớn về. Với kinh nghiệm của một kỹ sư cơ khí, anh thấy máy móc không tốt lắm, chưa kể xăng dầu và thực phẩm chưa đầy đủ, trong khi số người dự tính rất đông. Có lẽ chúng mình nên đi về, chờ dịp khác …
      Tôi tiếc rẻ, chặn lời anh:
      -Trời, đã có công đến đây rồi bỏ về sao?
      Bích Hà nắm tay tôi:
      -Mình nên nghe lời anh, không nên quá liều lĩnh.
      -Nhưng sao nghe nói đây là chuyến tàu chót, chủ tàu cũng đi?
      Anh tôi lắc đầu:
      -Anh cũng không hiểu nổi! Nhưng anh có linh cảm chuyến đi này không may mắn, chúng ta nên về thôi!
      Rồi anh nói nhỏ hơn:
      -Vấn đề bây giờ là họ ra lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, ai ở yên vị trí đó, chờ ngày lên tàu. Sáng sớm mai, anh sẽ tìm cách đưa hai em ra khỏi nơi này, nhưng nhớ tuyệt đối không tiết lộ cho ai, và phải mau lẹ khi di chuyển. Thôi, hai đứa ngủ nhé, anh phải chạy qua chỗ thằng Tý.
      Anh lại biến mất trong bóng đêm. Tôi và Bích Hà nằm xuống mà tim còn hồi hộp. Tự dưng kéo nhau lên đây để thành tù nhân bị giam lỏng, rồi phải lo …vượt ngục, thiệt là ly kỳ và gay cấn còn hơn phim hình sự!
      Tờ mờ sáng hôm sau, anh thanh niên lần trước lại đến đưa chúng tôi tờ giấy có dòng chữ của anh tôi: “Người cầm giấy này là anh Đức, sẽ đưa hai đứa ra đón xe lôi”. Chúng tôi vội vàng trở dậy đánh răng rửa mặt, và theo lời dặn của anh Đức, bỏ lại giỏ xách quần áo, chỉ mang theo tiền. Anh Đức nói với chị chủ nhà:
      - Tui dẫn hai cô này qua bên kia ăn sáng, chút nữa quay lại.
      Tôi và Bích Hà đi theo anh, giữ một khoảng cách vừa đủ, trời còn sương tù mù mà tôi đổ mồ hôi vì thấy sợ, vì anh cứ nhắc chúng tôi đi như chạy kẻo ai thấy được sẽ giữ lại thì coi như kế hoạch bỏ trốn của chúng tôi bị thất bại, hoặc xui xẻo gặp công an thì coi như… vào tù ăn Tết. Vừa ra đến đường cái, anh Đức ngoắc chiếc xe lôi và đẩy chúng tôi lên như đẩy hai bịch gạo rồi hối tài xế chạy về Bến Ninh Kiều. Gió buổi sớm lạnh như dao cắt, nhưng chúng tôi tỉnh táo hơn và yên tâm hơn khi xe chạy gần về hướng thành phố. Đến nơi, đã thấy anh tôi và thằng Tý đứng chờ sẵn. Tôi và Bích Hà nhào xuống, thằng Tý ôm chúng tôi la lớn:
      -A ha! Mình được về nhà ăn Tết rồi hai chị ơi!
      Tôi ký đầu thằng nhỏ:
      -Cái thằng! Người ta đi vượt biên không thành thì buồn rầu, còn mày thì…ăn mừng! Sao mày không ở nhà ngủ cho khỏe, mà còn bày đặt bon chen đi vượt biên làm chi cho hao tiền cha mẹ?
      Nó ôm đầu xuýt xoa rồi nhe răng cười:
      -Em đâu có muốn đi! Tại ba má bắt em đi chứ bộ!
      Tôi nhéo mũi nó:
      -Yên chí đi cưng! Tao xin thề chuyến vượt biên lần tới sẽ không có…mày!
      Anh tôi tiến lại, hớn hở:
      -Anh em mình đi ăn sáng rồi ra bến xe về Sài Gòn.
      Bích Hà giẫy nẫy:
      -Còn sớm mà anh! Sẵn chợ ngay đây, sao mình không đi chợ Tết làm quà cho gia đình?
      Thế là cả nhóm kéo vào chợ ăn hủ tíu Nam Vang, rồi mua mấy cái giỏ đệm (giỏ cói) để sắm Tết: nào khô, nào mắm, nào cốm dẹp, lạp xưởng, chuối sấy, bánh phồng tôm... chất căng đầy các giỏ. Tôi dặn Bích Hà:
      -Nhớ chừa hai giỏ đệm về Bắc Mỹ Thuận mua trái cây và hột vịt lộn rẻ hơn!

     Xe về đến Xa Cảng Miền Tây lúc chập choạng tối. Để tránh bị hàng xóm và công an khu vực để ý, anh tôi và thằng Tý về Hàng Xanh ngủ qua đêm ở nhà người quen. Bích Hà kêu xe xích lô về ngay, còn tôi chịu “hy sinh” ngồi ở Xa Cảng thêm một tiếng nữa mới đón xích lô về nhà.
      Xóm ngoại ô đã đóng cửa tắt đèn, chỉ có vài căn nhà hắt ra ánh đèn yếu ớt. Tôi nhấn chuông cổng, con chó Mực chạy ra tính sủa nhưng nhìn thấy tôi thì tíu tít vẫy đuôi. Má ra mở cổng cho tôi, chẳng ngạc nhiên hay hỏi han gì vì gia đình tôi đã từng quen với cảnh này. Cả nhà đang ngủ say, hai má con ngồi nơi bậc thềm đá hoa sau nhà nhìn ra mảnh vườn nhỏ có mấy cây chuối, và mấy bụi dâm bụt. Tôi kể cho má nghe đầu đuôi chuyến đi, má vừa nghe vừa gật gù như biểu đồng tình. Con Mực ngồi chồm hổm, nghểnh cái mặt lên hóng chuyện, nước dãi chảy lòng thòng nhìn thấy thương quá, tôi ôm đầu nó, cám ơn vì đã đón tôi về và chia sẻ câu chuyện của tôi. Má vuốt tóc tôi:
      -Thôi về nhà ăn Tết với ba má và anh chị em. Mai mốt đi bảo lãnh bằng máy bay không sướng hơn sao?
      Tôi kéo má ra nhà bếp soạn mớ đồ mới đem về. Vừa sắp xếp chúng vào ngăn chái bếp, má nói:
      -Cốm dẹp này ngày mai trộn với dừa khô nạo, còn lạp xưởng tươi để nấu thêm xôi mặn…
      Tôi ra thùng phi sau vườn múc nước rửa mặt. Nước mát rượi làm tôi tỉnh táo, mọi lo âu mệt nhọc của mấy ngày qua dường như tan biến hết. Chân tôi vấp vào những thau chậu lũ khũ dưới sàn nước, tôi reo lên:
      -Má ngâm nếp và đậu xanh để nấu xôi chè hả? Ôi, ngày mai là hăm ba tháng Chạp, đưa Ông Táo về trời!
      Tiếng má vọng ra:
      -Ừ, nhà có đầy đủ kẹo thèo lèo rồi. Sáng mai má đi chợ mua cá chép, thịt ba rọi, rồi thêm cốm dẹp trộn dừa, và xôi mặn nữa, coi như nhà mình năm nay tiễn Ông Táo tưng bừng.
      Một cơn gió thoảng qua, mấy tàu lá chuối đong đưa nhè nhẹ. Hàng dâm bụt hoa lá cũng rung rinh, thật êm đềm. Tôi ngước nhìn bầu trời đêm, hít thật sâu hương vị của Mùa Xuân đang chầm chậm thấm đầy lồng ngực. Tôi hình dung đến lũ học trò khi tôi kể cho chúng nghe về cảnh sông nước Miền Tây, chắc chúng sẽ thích lắm. Rồi sau đó chúng sẽ không quên lao nhao lên bàn chuyện ăn tất niên và chương trình văn nghệ cuối năm, cũng như những ngày chơi Xuân sắp tới.
      Và anh nữa, Khiêm ơi! Anh có đến trường đón tôi, ngày mai?

Kim Loan
Edmonton, Xuân 2012