"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc." ** Phan Chu Trinh **

 

Thăm Nuôi Bạn Chồng

(Tặng Một Alpha Đỏ. Tập Truyện Giọt Nước Sông Hương)

   Đêm đã vào khuya. Mọi người đều đã yên giấc.

   Không gian im vắng. Ánh trăng chênh chếch len vào cửa sổ một màu trắng huyền hoặc. Phượng không ngủ được, cứ trằn trọc suy nghĩ mãi. Sao anh lại nói vậy? Sao anh không hề nghĩ đến cảm giác của nàng? Anh thương bạn hơn chính bản thân anh ư? Thư của anh Hồ, chồng Phượng, viết cho nàng có những đoạn gạch dưới như muốn nhấn mạnh sự cần thiết, quan trọng phải chú ý:

    “Đầu tháng tới, thay vì lên thăm anh, em hãy xin giấy phép để lên thăm anh Nguyễn Kim Chung. Anh Chung là người bạn thân nhất từ trong quân trường Võ Bị đến đời sống nơi trại tù của anh. Gia đình anh ấy ở tận Sài Gòn, lại không có đủ điều kiện để ra thăm nuôi. Tùy theo khả năng của em, có thể bới cho anh ấy những thức ăn mà em thường bới cho anh. Nếu quá kẹt thì chỉ cần một hộp ruốc kho sả ớt, một gói cơm vắt, một bánh đường đen Quế Sơn, một vài lon gạo là dược rồi. Vào đây anh sẽ ăn chung, nhưng anh muốn anh Chung có một niềm vui nho nhỏ, một chút hạnh phúc bình thường là CÓ TÊN GỌI ĐƯỢC THĂM NUÔI! Nói ít em hiểu nhiều. Gắng giúp anh ấy nghe em! Thương em nhiều. Anh!”

   Nàng xoay mình nằm nghiêng, mắt dõi theo ánh trăng xuyên qua vòm lá ngoài song cửa và chợt thấy thương chồng quá đỗi! “Ừ sao mình lại suy nghĩ thiển cận, e dè trong khi anh nghĩ đến bạn bè với một tấm lòng chân tình. Anh hy sinh một lần thăm viếng, gặp mặt vợ con để tạo cho bạn được thấy, được cảm nhận một chút tự do ngoài cổng tù, một chút ấm áp khi thấy gia đình những bạn tù khác ân cần bày tỏ thương yêu qua ánh mắt, nụ cười và qua những món quà vật chất thiết thực cho người tù...”

   Phượng quyết định sáng mai sẽ nộp đơn lên công an phường để xin giấy phép đi thăm nuôi. Cũng may là anh Chung cùng họ Nguyễn với nàng nên trong đơn nàng ghi ở mục liên hệ là: anh ruột. Chiều thứ bảy, sau khi tan sở, Phượng đi chợ mua sắm hết nửa tháng lương vừa mới lãnh. Tối về nàng bận rộn với công việc nấu nướng, cho con ăn và sắp đặt các thứ vào giỏ, khi nhìn đồng hồ cũng đã nửa đêm. Nàng chợp mắt được vài tiếng thì đồng hồ báo thức reo vang. Nàng giật mình tỉnh dậy và vội vã tay xách nách mang đi bộ qua bến xe để kịp chuyến xe đầu tiên khởi hành lúc 5 giờ sáng.

   Trên susốt mấy dặm đường đến Bình Điền – vùng đồi núi phía Tây Bắc của kinh thành Huế, nơi đây có bốn trại cải tạo được dựng lên sau biến cố năm 1975. Phượng miên man suy nghĩ. Thương chồng, cố làm vừa lòng chồng mà thăm bạn chồng, nhưng nàng lại thấy ngại ngùng, mắc cỡ quá đi! Ai lại thăm nuôi một người đàn ông xa lạ không phải chồng mình! Dù đã có hai mặt con nhưng nàng hãy còn quá trẻ, tính nết vẫn còn vương vấn nét con gái. Với lại biết nói gì khi gặp mặt anh ấy!

   Xe qua phà Tuần. Đứng trên phà Phượng nhìn lên những ngọn núi trùng điệp. Nơi đây là Bảng Lãng, Xuân Hòa, bên kia là Bình Điền, Mỏ Tàu, ra xa nữa là động An Đô,v.v. Đó là những địa danh mà chồng nàng và đồng đội của chàng đã từng chân cứng đá mềm trên những bước đường hành quân. Còn anh Chung, sao anh ở tận miền Nam mà lại bị tập trung cải tạo tại miền Trung này? Anh là không quân, Đại Bàng gãy cánh nơi đây? Anh là lính dù hoa mủ đỏ đã từng tiếp trợ những cuộc hành quân chớp nhoáng? Anh là Cọp Biển Thủy Quân Lục Chiến đã từng làm khiếp vía kinh hồn quân cộng sản trong đợt anh dũng tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị vào Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972? Hay anh là Biệt Động Quân quen lội bùn lầy đến vùng khô cằn sỏi đá này để rồi không kịp trở về? ... Dù anh thuôc binh chủng nào đi nữa thì anh đã đến với Huế, bảo vệ vòng đai, cửa ngõ của Huế để góp phần gìn giữ quê hương của Phượng. Tội nghiệp, nếu anh bị tù trong Nam thì đỡ phải chịu đói khát và đỡ buồn vì có gia đình thăm nuôi.

   Người công an trại giam mặt lạnh như tiền hỏi Phượng khi nàng nộp giấy chờ thăm:
   - Người chị xin thăm là ông Nguyễn Kim Chung. Người này có liên hệ gì với chị?
   -Thưa cán bộ, là anh của tôi.
   -Chờ đó, không được nói chuyện ồn ào. Có thư từ gì thì nộp ở bàn này!
   -Dạ, không có. Phượng đáp.

   Nửa giờ sau, một đoàn người trong bộ áo quần tù màu nâu từ dưới thung lũng đi lên theo hàng một đến nhà tiếp khách nằm ở trên đồi. Mọi người trong nhà tiếp khách đều ngưng nói chuyện và đứng dậy để ngóng tìm người thân của mình đang xếp hàng nghe cán bộ nhắc lại nội quy thăm nuôi trước sân. Ai cũng đã nhận ra người thân của mình. Riêng Phượng, nàng đứng rụt rè một góc, không đoán biết được anh Chung là ai trong đoàn người đó. Các anh cũng đã nhận ra vợ, con, cha mẹ, anh em của mình và lần lượt vào bàn ngồi đối diện nhau để trò chuyện. Phượng chợt thấy một người dáng cao gầy, nước da tái xanh và hơi đen đang đứng qua một bên nhường đường cho những người phía sau đi tới. Nét mặt của anh ngơ ngác, buồn buồn. Chắc chắn đó là anh Chung, nhưng Phượng không dám bước tới. Cuối cùng chỉ còn anh đứng đó và Phượng đứng đây. Phượng bối rối, không biết phải làm sao. Có lẽ anh đoán biết người đứng chơ vơ một mình chưa gặp thân nhân là Phượng. Phượng tiến ra một bước. Anh từ từ đi vào với lời nói ngập ngừng nho nhỏ:
   -Xin lỗi, chị có phải là chị Hồ không? Tôi là Nguyễn Kim Chung.
   -Dạ phải, thưa anh. Anh Hồ nhờ tôi lên thăm anh.

   Phượng nói run run, cố nhấn mạnh “Anh Hồ nhờ tôi” để che lấp nỗi ngượng ngùng. Các dãy bàn đã kín chổ. Anh Chung và Phượng đành phải ngồi trên đám cỏ. Phượng lấy thức ăn từ trong hai cái giỏ nàng đem theo ra và bỏ vào túi xách anh mang theo. Không nhìn anh, Phượng nói:
   -Tôi làm các món ăn theo lối Huế, không biết anh ăn có quen không? Sợ cay và có ruốc.
   -Chị đừng lo, tôi ăn chung với anh Hồ quen rồi, hơn nữa ăn ớt nhiều để đỡ sốt rét.
   -Đây là ruốc kho sả với thịt heo vằm. Anh ăn với cơm hoặc có thể nấu canh với rau tàu bay, đọt khoai lang hoặc rau muống, hay bầu bí gì cũng được. Chờ nước sôi, bỏ vào một muỗng ruốc này rồi bỏ rau vào, khỏi phải nêm thêm gia vị.
   -Ở đây gia vị chỉ có muối thôi chị à!
   -Còn đây là đậu phụng giã nhỏ trộn mè và muối, đường. Đây là thịt sườn kho mặn, thiệt là mặn để lâu khỏi thiu và ăn được nhiều lần. Đây là cá bống thệ kho tiêu khô. Còn đây là đậu xanh, đậu đỏ và đậu ván để nấu chè. Có thêm hai cặp đường đen để các anh đỡ thèm ngọt. Đây là gói bột Bích Chi có nhiều Vitamin B, ăn để khỏi bị phù thủng. Có 10 loon gạo và đặc biệt anh Hồ có dặn phải có gói cơm vắt này. Tôi chỉ có được chừng này. Anh và anh Hồ cùng ăn đỡ, lần sau tôi mượn được tiền Công Đoàn sẽ bới lên nhiều hơn.

   Phượng nói liền một hơi để khỏa lấp sự im lặng giữa hai người. Anh Chung chỉ dạ, dạ. Chợt không nghe tiếng anh, Phượng ngước nhìn. Thì ra anh đang khóc. Nước mắt ràn rụa cả khuôn mặt xương xẩu, rơi xuống gói cơm vắt anh đang ôm trước ngực. Anh cắn môi và đưa tay áo quệt nước mắt. Tự nhiên Phượng cũng muốn khóc. Thương anh Chung không có ai thăm nuôi, càng thương chồng đang ngồi trong trại để mong chờ tin tức về vợ và con mình, cho dù chỉ cách nhau vài chục mét mà không thấy mặt nhau được.

   Phượng cố nén những giọt nước mắt và an ủi anh:
   -Thôi anh đừng buồn. Tôi hy vọng chị sẽ ra thăm anh một ngày gần đây khi vé tàu xe mua được dể dàng và rẻ hơn... Anh đừng khóc, cán bộ sẽ phạt.
   -Tôi không biết nói thế nào để cám ơn chị và anh Hồ. Chị đã quá vất vả lo cho hai cháu, lo cho anh Hồ, giờ lại còn giúp tôi. Vợ tôi bận lo cho các cháu còn nhỏ dại, nhà lại ở tận Bến đò Chợ Quán, xe tàu lại quá khó khăn...
   -Thôi, cầu mong các anh mau được về sớm.

   Bây giờ Phượng mới dám nhìn thẳng mặt anh Chung. Anh có cặp mắt to, mũi thẳng, cằm vuông biểu lộ sự cương nghị, rắn rỏi và bản lĩnh. Nay anh như con hổ trong củi sắt. Phượng nhớ đến chồng, người hùng của nàng một thời với alpha đỏ kiêu hãnh trên vai áo, một thời anh dũng với cuộc hành quân Hạ Lào cháy bỏng, một thời hiên ngang đối mặt với quân thù trên vùng đất Như Lệ, gìn giữ từng tấc đất bên bờ sông Thạch Hãn... mà nay phải lâm cảnh tù đày.

   Nửa giờ thăm viếng trôi qua nhanh. Trên đường vào trại, anh Chung cũng như các anh khác vừa đi vừa ngoài đầu nhìn lại, vẫy tay chào tạm biệt lần cuối.

   Ngồi trên xe trở về thành phố, chị Nguyệt nói to:
   -Hôm ni bà Phượng đi thăm ai chứ không phải thăm chồng rứa hè?
    Chị Mận cũng tiếp lời:
   -Đúng rồi, tui thấy không phải ông Hồ. Hay con Phượng đi thăm bồ cũ cho trọn nghĩa cũ, tình xưa!
    Phượng đỏ mặt đính chánh:
   -Đâu có, em thăm người bạn thân của ông xã em. Gia đình anh ấy ở trong Nam lận, không ra thăm được. Em bới đồ ăn lên thì hai ông chia xẻ với nhau.
    Giọng chị Nguyệt pha chút chế diễu:
   -Ai mà tin! Đó chỉ là chuyện trong tiểu thuyết, chuyện của Lưu Bình, Dương Lễ chớ thời buổi ni có hột cơm hột muối bới xách cho chồng chưa mà đi thăm nuôi bạn chồng!

   Phượng không biết phải giải thích làm sao. Thôi kệ, họ muốn hiểu sao thì hiểu, miễn sao Phượng đã làm vui lòng chồng và đã đem lại chút niềm vui nho nhỏ nhưng chất chứa tình người cho anh Chung trong hoàn cảnh cơ cực. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Phượng nghĩ mình đã làm đúng và cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng trong lòng. Nàng mỉm cười với những giọt nắng lấp lánh trên kiếng xe...

Hải Yến