"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc." ** Trần Bình Trọng **

 

Đi Đánh Ghen 30 Tết

Bà Tâm đứng dáo dác nhìn ở cửa Tây chợ Bến Thành để kiếm một cái taxi vì mớ đồ bà mua cũng bộn. Nào cặp dưa hấu lớn vỏ xanh đen, nặng chịch như cái thùng nước. Dưa mới từ cầu Đúc chở lên, ruột đỏ thắm, ngọt như đường cát, mát như đường phèn, lời chị bán dưa vừa mồm năm miệng mười bằng cái giọng ngọt lịm của chị. Đầu năm bổ trái dưa ra mà ruột dưa đỏ như son thì năm đó làm ăn phát tài, mọi chuyện may mắn là cái chắc. Từ bà nội, bà ngoại đến mẹ bà Tâm, truyền tử nhập tôn, đến bây giờ là bà và mai kia mốt nọ là mấy đứa con gái, có thể cả mấy đứa con trai, tất cả cứ đinh ninh dưa bổ ra đỏ, ấy là may mắn lắm.

Bà Tâm nhớ có một năm, người chị dâu, bà Huyễn mập, đầu năm đầu tháng bổ trái dưa ra ruột trắng trợt như mắt cá chết. Năm đó vợ chồng ông Huyễn xui tận mạng. Khi khổng khi không thằng con lớn, thằng Kiệt, đi Honda Dame ở đường Lê văn Duyệt, gần khu chợ ông Tạ, bị xe hủ lô đang làm đường cán gần nát bàn chân phải, nằm nhà thương Bình dân ba tuần rồi về nhà chữa trị cả năm mới khỏi. May mà không phải cưa và đi cà nhắc.

Mới nghe cứ tưởng chuyện tiếu lâm. Xe hủ-lô, cái xe rừa bò mà lại cán được người, người lái Honda?
Giỡn vừa thôi! Trước đây khi phải thề cái kiểu “cá trê chui ống” hay là “xe lửa cán đường rầy”, mấy anh xạo thường nói:”Anh mà nói dối nói gạt em thì cứ cho cái xe hủ lô nó cán anh đi!” để mọi người cùng bò ra cười.

Vậy mà thằng Kiệt, đã hăm lăm, hăm sáu tuổi, có vợ có con chứ nhỏ nhít gì, bị xe hủ lô cán thiệt, gần đứt bàn chân, làm cả cái chợ ông Tạ xôn xao cả lên. Nghe Kiệt kể lại thì bữa đó, nó vào trong cư xá sĩ quan Chí Hòa, lúc về đến ngang nhà giây thép Gió thấy đói bụng, nó muốn ghé cái tiệm bán xôi cháo gà ăn một tô miến cho sảng khoái tinh thần rồi về. Xe hủ-lô đang làm đường khúc này mà các thứ xe tạp lục như xe đạp, xích lô, taxi, xe ba gác, Honda ôm đông quá cỡ, Kiệt phải lách, phải leo cả lên bờ lề để cố đâm vào tiệm cháo gà thỏa mãn cái thần khẩu. Nào ngờ nó vừa tránh được cái xích lô máy phía này thì lại bị ngáng bởi cái xe ba gác đang chở đầy gạch cát phía kia. Kiệt nóng mặt rú ga cho xe vọt qua như nhiều người đã làm thế, nào ngờ chỉ chậm có mấy giây, cái xe hủ-lô 20 tấn đang cà rịch cà tang lừ lừ tiến đến. Kiệt chỉ kịp hét lên một tiếng thất thanh, nửa bàn chân phải của nó vì phải đưa ra chống cho xe thăng bằng đã bị xe hủ-lô cán như cán đá và nhựa đường. Sau tiếng thét hãi hùng của Kiệt, ông tài xế hủ-lô mới biết. Ông ngưng xe lại và những người đi đường gọi taxi chở Kiệt vào nhà thương Bình Dân.

Bà Tâm từ đó đâm sợ cái giống dưa ruột trắng trợt. Bà hi vọng hai trái dưa vừa mua sẽ đỏ, đỏ tươi như giấy pháo hồng điều để bà được may mắn suốt năm. Dưa gì quá tệ như trái dưa của bà Huyễn mập. Thứ dưa đó có cho không lấy, còn mắng cho nữa.
Ngoài cặp dưa, bà Tâm cũng mua hai chậu cúc, hoa cỡ trung trung thôi nhưng mầu vàng tươi, càng nhìn càng thấy đẹp. Bà nhớ đã mặc cả cặp đại đóa nhưng đắt quá, đẹp có đẹp thiệt, to có to thiệt nhưng mắc gần gấp đôi cặp này thì tội gì mà mua. Mua cái cặp trung trung này để còn tiền mua một cành đào Đàlạt mà lại không hay hơn sao? À, mà không, người Bắc mới chơi đào. Vợ chồng bà Tâm và con cái chỉ một chậu mai cho đẹp là mãn nguyện.

Nhớ cái Tết năm kia ở chợ hoa Nguyễn Huệ, vợ chồng bà mua được một chậu mai đẹp ơi là đẹp mà giá cả cũng vừa hết sức. Có hai trăm đồng thôi. Mai kép vàng, hai tầng, mỗi tầng năm cánh, cả thảy là mười, nở đúng Giao thừa làm bà thương cây Mai hết sức. Tết xong ba, bốn tuần, cây Mai quí mới rụng hết hoa.
Bà bảo hai thằng con trai khiêng chậu mai lên sân thượng và dặn chúng tưới mỗi ngày. Khoảng tháng sau, lúc lên trên đó phơi mấy cái mùng, mền vừa giặt, bà mới bật ngửa. Cây Mai chết khô như cái cọng rơm. Bà sờ vào chậu, không một giọt nước. Bà bẻ thử một cành xem còn cứu vãn được không? Nó dòn, gẫy một cái tách. Bà Tâm giận hai thằng con thiệt tình. Buổi trưa, vừa thoáng thấy hai đứa, bà liền kêu vào phòng khách hỏi tội. Hai thằng con mới nghe qua biết mẹ sẽ mách bố đánh, sợ quá lủi mất.

Bà Tâm đứng kiếm taxi có lẽ đã 15 phút mà chưa có cái nào để bà vời vào. Cặp dưa, hai chậu cúc và hai cái giỏ mây căng phồng trong chất đủ thứ đồ ăn ngày Tết. Nào thịt gà, thịt heo, bánh tráng, miến, nấm mèo, dưa cải. Nào củ kiệu, chà là, thèo lèo, cam quýt, hầm bà làng... để ngay cạnh chân.

Người đông ơi là đông vì hôm nay đã 23 Tết, người ta nhộn nhịp sắm sửa để tối cúng đưa ông Táo chầu trời. Kia là hai ba chị hàng cam Cái Bè với ba bốn người khách đang trả trả, lựa lựa. Đây mấy người đàn ông đang dựng lều đâu lưng vào bức tường chợ để bày sạp bán pháo. Vợ chồng chị hàng mứt, người đứng coi, kẻ chuyển những hộp, những thùng, những gói giấy xanh đỏ vào cửa hàng trong chợ. Tiếng rao hàng lanh lảnh, tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng mặc cả, chuyện trò, hòa trộn với nhau làm thành một thứ âm thanh ồn ào, náo nhiệt đầy hương vị Tết làm nôn nao cả trẻ con, người lớn.

Người bán đông đảo, người mua cũng lắm. Những tiếng chào hàng “Mua zô, mua zô” mạnh mẽ và liên tục như không bao giờ dứt; vài hàng mứt thập cẩm, chà là, thèo lèo, hàng pháo Điện Quang, hàng dưa cầu Đúc còn dùng cả loa phóng thanh cho tiếng quảng cáo to hơn những hàng bên cạnh.
Trời se se lạnh vừa đủ để người ta lôi ra mớ quần áo ấm trong năm chưa có dịp mặc. Áo len đan, len dệt của phụ nữ bên ngoài những chiếc áo dài đủ mầu bên những bộ bà ba đen, trắng. Các cô trẻ trẻ với những chiếc áo đầm kiểu cọ xen lẫn những chiếc quần tây, quần jeans áo sơ-mi diêm dúa làm khung cảnh chợ Bến Thành Sàigòn vui tươi rộn rã hẳn lên. Từng nhóm người lớn, trẻ con từ khắp mọi ngả đường đổ vào chợ. Các thứ xe như taxi, xích lô được tận dụng tối đa. Xe Lam chuyến nào chuyến ấy chật ních hành khách. Những chiếc xe ngựa dù chậm cũng vẫn cà rịch cà tang ghé bến chuyển hàng hóa xuống. Làm như những con ngựa cũng biết đó là phiên chợ Tết, những cái đuôi ngoe nguẩy đầy sức sống, mũi thở phì phò sau một tuyến đường dài, chở nặng. Cha mẹ dắt tay con cái. Những đưa trẻ ngây ngô mắt mở to nhìn quang cảnh chợ Tết như chưa từng thấy bao giờ, mặt mày hân hoan, hớn hở pha lẫn ngạc nhiên thích thú. Người mua kẻ bán, ai nấy hối hả lo cho xong công việc đã dự định trong những ngày cuối năm quá bận rộn.
Kia, có một chiếc taxi từ đầu đường vừa trờ tới. Bà Tâm giơ tay vẫy nhưng chiếc taxi chưa kịp đến chỗ bà thì nó đã ép vào lề cho đám người gọi trước: một anh Thủy quân lục chiến quân phục đàng hoàng cùng đi với hai đứa nhỏ và chị vợ bế trên tay đứa con dăm tháng. Bà Tâm chưa kịp bực mình vì gọi hụt chiếc taxi thì may sao, một chiếc xích lô máy cũng vừa trờ tới. Như một phản ứng tự nhiên, bà vời anh xích lô dù rằng xưa nay bà không thích đi xích lô tí nào. Xích lô đạp thì êm nhưng chậm như rùa bò. Còn xích lô máy, khỏi nói, chỉ là bất đắc dĩ thôi!

Anh xích lô máy vội ép sát lề để bà leo lên, máy nổ phun khói điếc lỗ tai. Nhưng bà còn mặc cả cái đã chứ! Leo lên ngồi, tự nhiên cho sang, lúc về đến nhà, anh ta hát bao nhiêu phải đưa bấy nhiêu sao!. Lúc đó còn cò kè thêm bớt chỉ tổ cãi nhau và mất thì giờ. Bà Tâm đã sống ở thủ đô Sàigòn này mười mấy năm, đường đi nước bước bà thuộc hết, bà đâu có dại.
“Về hẻm Lý thái Tổ, anh lấy bao nhiêu?”
“Bà cho bốn chục.”
“Xời ơi! Taxi đây lên đó cũng chỉ hăm lăm đồng. Xích lô máy mà ăn mắc thế?”
“Thôi ba chục. Ngày Tết mà.”

Không nghe bà Tâm trả lời, anh xích lô dợm bỏ đi, anh rồ máy và bẻ tay ghi-đông ra phía ngoài đường khói phun trắng cả mặt đường.
“Thôi được. Tôi cần đi, hăm lăm đồng đấy.”
Bà Tâm phải nói to kẻo anh xích lô không nghe vì máy nổ lớn quá. Anh xích lô ý chừng chịu giá, ngưng xe ngồi trên yên có vẻ đợi.
“Mấy trái dưa này hơi nặng, anh phụ đưa giúp tôi lên xe đi!”
Bà Tâm phải nói đến hai lần anh xích lô mới nhảy xuống và vác mấy thứ lỉnh kỉnh đặt vào chỗ để chân của hành khách. Mặt anh ta lạnh như tiền có lẽ vì tiền trả ít mà đòi phục vụ nhiều. Anh ta chỉ thích những người khách đi người không, nhảy lên, nhảy xuống cho nhanh việc. Tết nhất khuân lên, vác xuống hết ngày, tiền đâu sống? Nhưng đã chịu đi thì phải bưng, phải xách, thói quen khách đi xe xưa nay vẫn thế. Chạy xe có mối ngon, mối không, còn hơn chạy xe không, tốn xăng mà chẳng có đồng nào, anh tài xế nào cũng biết như thế.

Ngồi lọt thỏm vào một bên nệm xe, bên kia để hai cái giỏ chồng lên nhau, hai chậu cúc và hai trái dưa ở dưới chân, bà Tâm vừa ngồi chưa vững thì chiếc xe đã lao ra giữa đường, làm bà bật ngửa ra phía sau chỉ hơi giật mình nhưng không sao. Anh tài xế vòng ra phía bùng binh chợ rồi chạy ngược lên Lý Thái Tổ. Anh xe này chạy bạo thì thôi! Đường đông như kiến mà anh ta cứ lao vun vút. Anh lách bên này, tránh bên kia, có lúc kéo rẹt một cái từ bên này sang đến bên kia đường để tránh một đoàn xe đạp và xe gắn máy đang kì đà cản mũi làm bà Tâm xanh mặt xanh mày tưởng xe cộ bên dòng kia sẽ đâm ngay vào bà chứ chẳng chơi. Bà như cái cản cho anh tài xế, bà có chết nhăn răng ra đó hắn cũng chưa sao. Vừa ngồi cao, vừa ở tuốt phía sau, xe cộ khác có đâm được đến hắn cũng còn lâu. Chỉ bà với mấy thứ đồ Tết là lãnh đủ!

Hai trái dưa lăn lùng lục, đùa qua đùa lại ở cạnh chân khó chịu quá. Có lúc chúng húc hai chậu hoa muốn bể, bà Tâm phải dùng hai chân lấy gân kìm chúng nên đôi chân của bà đã tê ngay đơ ra, bà ân hận đã mua dưa sớm quá vì nghe lời đường mật của chị bán dưa. Còn một tuần nữa mới Tết, khi nào rảnh rỗi bảo chồng chở Vespa đi mua dưa chẳng được sao? Cũng tại hôm nay cúng tiễn ông Táo, bà muốn có cặp dưa cho đẹp nhà đẹp cửa, nhất là buổi tối có anh chị sui gia tương lai tới chơi cùng với thằng con trai, thằng Quân ngấm nghé đứa con gái lớn của bà, con Mỹ Phụng.

Gió cuối năm khá lạnh thổi hắt vào mặt bà Tâm như có ai tạt nguyên chậu nước đá. Vì xe chạy ngược gió, gió càng mạnh khi tốc độ xe càng lớn. Bà Tâm thấy lùng bùng trong đầu và người ớn lạnh. Rồi bà chóng mặt, quay mồng mồng, mắt đổ hào quang, cơ hồ ngồi không vững nữa. Bà thả đôi chân cho hai trái dưa muốn lăn qua lăn lại mặc tình vì chẳng còn sức kìm giữ chúng. Người bà rũ ra trên chiếc nệm xe, nửa biết nửa không, đến nỗi nếu anh xích lô máy có chở đi đâu, bà cũng không biết. Mà nếu có biết bà cũng không còn hơi sức đâu mà la lên được.

Hai cái giỏ đồ ăn để cạnh đổ lên người. Lúc đầu bà còn cảm thấy và nghĩ, thôi đồ ăn đồ uống bị đè lên nhau bầm dập, nát nghếu ra hết cả rồi, nhưng sau đó bà mê đi chẳng còn thiết sự gì. Có cái gì nóng nóng từ trong ruột vận lên cổ làm bà muốn ói. Bà há hốc mồm xem nó có vọt ra không nhưng nó không. Sáng bảnh mắt, con Mỹ Phụng lấy Honda chở bà lên đây rồi nó đi học, bà đã kịp ăn uống gì mà nôn với ói. Nước miếng ứa ra đầy một miệng, bà còn đủ sức để nhổ đánh toẹt ra ngoài đường nhưng gió tạt lại xe khắp hết, cả trên mặt, trên đầu, trên tay bà như mưa. Cái mùi chua chua hăng hăng phà vào mũi theo cơn gió làm bà lợm giọng.

Dù say xe không nhúc nhích nổi, bà Tâm còn đủ trí phán đoán để hối hận đã gọi xích lô máy. Làm sao bà quên đuợc cũng một lần say xe xích lô máy bất tỉnh nhân sự cách đây mấy năm khi bà cùng một người bạn đi từ ngã Ba hàng Xanh về nhà. Vậy mà hôm nay bà lại kêu xích lô máy, thế có điên không?
“Hẻm Lý thái Tổ rồi đây. Số nhà bao nhiêu?”
Anh xích lô máy đã vào bên trong hẻm, cúi xuống hỏi bà Tâm như quát. Bà Tâm giật mình, cố gượng mở mắt. Mấy căn nhà quen thuộc lợp tôn, tường gạch hiện ra trước mắt bà xiêu vẹo, ngả nghiêng như những căn nhà trước bão. Bà Tâm mừng vì anh tài xế còn lương thiện. Bà mê đi như thế, anh ta có thể chở đi chỗ vắng, đuổi bà xuống và lấy sạch đồ.
“Số 235/43A, qua khỏi giếng nước, tay trái đó.”
Một phút sau, chiếc xe ép vào bên trái, ngay trước căn nhà. Bà Tâm cố gượng ngồi thẳng lên và xuống khỏi xe, người bà chao đi xuýt chúi nhủi xuống đất. Bà chưa kịp gọi cửa thì thằng con trai lớn, em Mỹ Phụng đã ra:
“Má, má đi chợ về!”
“Mầy rinh hết đồ trên xe xuống cho má rồi lấy hăm lăm đồng trả cho bác tài.”
Vừa nhìn thấy cái giường là bà nằm xoài ra, hết biết gì nữa, cho đến sẩm tối.

***

“Ba đi đâu hả tụi bay?”
Bà Tâm hỏi mấy đứa con đang lẩn quẩn xung quanh giường.
Mỹ Phụng trả lời:
“Ba nói ba đi mua đồ tất niên cho sở. Con lấy cháo má ăn nhá.”
Bà Tâm thấy bớt nhức đầu và cảm thấy đói. Gần một ngày trời không ăn, không uống còn gì. Từ lúc về, bà thiếp đi và ngủ luôn một giấc. Hay là nhờ giấc ngủ mà khoẻ lại chăng? Bụng đói muốn ăn cái gì nhưng sực nhớ đến chồng, bà lại thấy có cục gì bằng hòn bi vận lên chận ngay cổ.

Từ mấy tháng nay, ông Tâm đi sớm về trễ luôn luôn, đi cả thứ bảy, chủ nhật. Lúc ông nói phải làm thêm giờ vì nhu cầu công vụ gia tăng, khi ông đến chơi với mấy người bạn tâm giao uống trà, đánh cờ, chuyện phiếm không dứt. Có đêm ông về đến nhà trên 12 giờ, bữa cơm chiều cũng bỏ. Bà tra vấn thì ông nói mải vui với bạn hoặc trong sở có chiếu phim mới cho nhân viên coi, loại phim chiến trường các rạp ngoài không có, nên về trễ. Bà hỏi chiếu phim vậy sao không mời gia đình nhân viên như trước đây vẫn làm thì ông bảo phòng ốc lấy làm văn phòng hết, còn cái phòng chiếu phim đâu mà mời với gọi. Chỉ nhân viên Tổng Nha Ngân Khố cũng chật ních rồi. Bà bắt ông cởi quần áo để bà ngửi từ đầu đến chân xem có mùi son phấn, nước hoa đàn bà không? Nếu có thì ông cứ chạy đàng trời. Nhưng may mắn, mấy lần “khám tổng quát” như thế, bà không tìm được dấu vết gì.

Không tìm được, bà càng tức vì bà có linh cảm chắc chắn ông có bồ. Cứ suy từ cái vụ “ăn nằm” là biết. Dạo này ông lơ là và chiếu lệ lắm, lần nào cũng than mệt vì công việc sở quá nhiều. Chả bù cho hồi mới cưới và ngay cả sau khi sinh sáu đứa con, ông cứ hùng hục, chả bao giờ kêu mệt làm bà hạnh phúc quá. Vậy ông có bồ phải là tám, chín chục phần trăm rồi.

Cách đây ba tuần, bà được “mật báo” ông đang chở “con đó” trên xe Vespa du dương ở Chợ lớn Mới. Bà bảo Mỹ Phụng chở bà tới khu vực rồi cho xe đi vòng vòng theo như lời người cho tin. Sau nửa tiếng đi khắp đường ngang ngõ dọc, chợt bà nhìn thấy một cái xe Vespa sơn xanh y như mầu xe của ông ở đàng xa, người lái trông cũng giống ông lắm và một con đàn bà còn trẻ, ăn mặc đẹp ngồi quay ngang ôm eo ếch người lái. Bà bảo Mỹ Phụng vọt lên bám đuôi chiếc xe tình nghi sát nút nhưng mới đi được một quãng thì mất dấu làm bà tiếc hùi hụi. Phải hôm ấy bà bắt được gian phu, dâm phụ thì bà xé xác chúng ra ngay rồi muốn ra sao thì ra. “Lành làm gáo, vỡ làm muôi” như chị Vui, bạn của bà và là người cho tin vẫn nói, không thì tức, không ăn không ngủ gì được, có ngày ho lao mà chết.
“Má dậy ăn miếng cháo đi má!”

Mỹ Phụng giục giã đến lần thứ ba, thứ tư. Phụng biết má nhắc đến ba là má lại cảm thấy hết đói. Nhưng còn khách khứa buổi tối? Không ngồi tiếp khách coi kì chết. Vả lại, cứ ghen lên bỏ ăn rồi một ngày nào đó đâm bệnh ra, lại khổ lũ con.
Bà Tâm ngồi dậy tựa lưng vào thành giường. Bà nhìn Mỹ Phụng đã trổ mã, eo co đâu ra đó, ngực nổi cộm. Bà lại nhìn mấy đứa con: thằng Uẩn, thằng Tí, con Hà, con Hằng đang học bài và tô mầu ở bàn học mà ruột thắt lại. Bà lại nghĩ đến tình địch. “Nó phải trẻ đẹp lắm nó mới làm cho ổng mê mệt như vậy được!” “Má ăn ở đây hay má ra bàn hả má?”

Mỹ Phụng hỏi đến lần không biết thứ bao nhiêu. Đầu óc bà Tâm hình như loạn lên tim đập thình thịch làm bà sắp khùng. Chẳng vậy dạo này, bà nhớ nhớ, quên quên chẳng đâu vào đâu. Chợt nghĩ ra con đã giục nhiều lần:
“Thôi để má ra bàn kẻo cháo đổ ra giường thì khổ.”

Bà Tâm cố gượng đút mấy muỗng cháo vào miệng, cái cảm giác gây gây, ớn ớn lúc ngồi trên xe xích lô máy vẫn còn, mặc dù đã bớt nhiều. Miệng nhạt nhách, muỗng cháo đầu vừa vào miệng bà đã muốn nôn ra ngay nhưng bà phải cố kìm lại nuốt đi và tự nhủ:
“Không ăn sẽ bệnh. Bệnh sẽ chết. Chết thì chúng nó tha hồ hú hí với nhau.” Và bà ráng ăn hết tô cháo Mỹ Phụng đã chặt sườn heo nấu, có tiêu, hành, ngò, nước mắm thơm tưng thơm lừng. Bà phải cố giữ sức khoẻ cho những ngày đầu năm kẻo bệnh ra sẽ bệnh cả năm. Hi vọng qua năm mới, với cặp dưa bổ ra đỏ tươi, ấy là cái hạn của gia đình bà cũng hết: ông chồng bà nghĩ lại để về với gia đình, gia đình lại vui vẻ như xưa!

Tối hôm đó, khoảng sáu rưỡi, ông Tâm mới về đến nhà. Bà Tâm và mấy đứa con đang lau chùi quét dọn nhà cửa để đón vợ chồng ông Bảo và Quân, vị hôn phu của Mỹ Phụng. Bà thấy mặt ông thì giận, không hỏi han gì. Nhân mấy đứa con đi giặt khăn, ông xáp đến chỗ bà vòng tay ôm ngang eo:
“Em để các con chúng làm cho. Ngồi nghỉ kẻo mệt.”
Bà Tâm hất tay ông ra, không nói không rằng, mặt chầm dầm một đống.
“Ủa, anh làm gì mà em giận anh?”
“Ông đi với con nào? Ông nói thiệt đi!”
“Con nào, làm chết cha chết mẹ, việc ngập đầu ngập cổ, ở đấy đi với con nào. Chỉ ghen bậy ghen bạ, ghen bóng ghen gió thôi.”

Bà Tâm nghe chồng nói mạnh miệng vậy thì cũng mát bụng, bà mong chỉ là ghen bậy và lầm lẫn.
“Thế ông chở con nào mặc áo sơ-mi hoa, cái quần jeans cách đây mấy tuần ở đường Khổng tử?”
Quả thật, bà Tâm nhìn đúng. Ông Tâm chở Kim Anh trên xe Vespa chiều hôm đó vì hai người muốn đi mua vải may áo cho Kim Anh diện Tết rồi đi ăn tối. Các tửu lầu ở Chợ lớn vừa có đồ ăn ngon, vừa có những phòng riêng kín đáo cho những cặp tình nhân không muốn ai nhòm ngó. Quanh khu vũ trường Arc-en-ciel, tửu lầu Đồng Khánh, tửu lầu Soái kinh Lâm, không thiếu gì. Ông Tâm và Kim Anh đã nhẵn mặt các nơi đó, cả những khách sạn ở đường Hải thượng Lãn ông và Cao bá Quát.
“Trời đất, cứ nhìn người nào hơi giống giống rồi cũng bảo là anh. Có thiếu gì người chở vợ con người ta đi chơi?”
“Không đâu, tôi trông đúng anh với con kia, nhưng tôi mất dấu. Hai người chui vào cái hẻm nào đó. Tôi mà bắt được hôm đó là tôi xé xác nó ra. Còn anh thì tôi tới sở tố cáo với cấp trên của anh cho anh mất việc.”
“Trời đất! Em có khùng không? Anh mất việc thì ai đi làm nuôi con, nuôi em?”
“Kệ ông! Tôi bực lên tôi đổ bà nó đi hết. Rồi tôi uống một liều thuốc chuột là xong. Để ông sống mà hú hí với nó.”

Ông Tâm quay mặt ra phía ngoài rồi ngồi vào chiếc ghế sa-lông:
“Có gì đâu mà cứ nói như thiệt. Anh rõ chán em.”
“Phải rồi. Bây giờ tôi già, tôi xấu, ông chán tôi, ông đi mê mấy con nhỏ tuổi trẻ trung hơn tôi. Nó cứ đẻ sáu đứa con cho ông như tôi, liệu nó còn trẻ đẹp không?”
“Thôi, khách khứa sắp đến, ngồi đó mà trả treo, tiếng bấc tiếng chì. Nước nôi bánh trái không kịp bây giờ...”

Để bà hết đối tượng lải nhải, ông Tâm đứng lên làm vài công việc. Ông đổ tàn thuốc và lau chùi cái gạt tàn, xích lại cho ngay ngắn đôi bình bông, bỏ bộ đồ trà xuống bếp cho mấy đứa con rửa...Chúng nghe ba má sắp có chuyện với nhau nên lủi cả xuống bếp.
Khoảng tám giờ tối, bên nhà trai tới. Họ muốn nhân dịp Tết sang thăm xã giao ông bà Tâm và nhân tiện nói chuyện nhân duyên của Quân và Mỹ Phụng. Để đãi đằng, thay vì tiệc mặn, ông Tâm bảo vợ chỉ làm tiệc trà vì ngày Tết gia đình nào cũng bận rộn, bày vẽ ra không sao lo kịp, nhất là bên thông gia thay đổi chương trình đột ngột quá. Thực ra, ông Tâm có còn tâm trí đâu ngồi thù tiếp khách khứa. Kim Anh đang mong ông từng giờ từng phút để đi chợ Tết sắm sửa kẻo chỉ còn một tuần.

Quà bánh từ bên nhà trai đưa sang nhiều quá. Một cây mai cao gần thuớc tây, cái chậu rất đẹp, những nụ là nụ đậu kín lấy những nhánh lưa thưa mới nhú mấy cái búp xanh xanh ở đầu. Khoảng tuần nữa hoa mới nở, vào đúng Giao thừa là tuyệt. Lại còn hai đòn bánh tét, hai hộp mứt thập cẩm, hai chục nem chua Thủ Đức và hai cây chả lụa Chánh Hưng nổi tiếng. Ít nhất mớ quà bánh cũng làm bà Tâm tạm quên cái chuyện phiền não được mấy tiếng đồng hồ vì bà cùng ông chồng ngồi tiếp sui gia và mấy người bên họ nhà trai rất vui vẻ, cởi mở. Bà gọi Mỹ Phụng mang nước ngọt, trà, bánh ngọt và một khay thạch chè bà mới nấu hồi chiều ra đãi khách.

***

Người ta nói những người đi đánh ghen mướn còn đáng sợ hơn chính những khổ chủ nạn nhân cũng là điều không ngoa.
Bà Vui, láng giềng của bà Tâm, một người cũng sồn sồn cỡ tuổi bà Tâm, trước kia không thân thiết với bà Tâm bao nhiêu mặc dù hàng ngày trông thấy nhau vì cùng cư ngụ trong hẻm Lý thái Tổ. Đôi khi gặp nhau ở chợ Nguyễn tri Phương, khi hai bà cùng xách giỏ đi mua đồ ăn thì bà này chỉ gật đầu chào bà kia và hỏi thăm qua loa vài câu xã giao rồi ai đi đường nấy.

Nhưng từ cái hôm bà Vui bắt gặp ông Tâm đi sóng đôi với một người con gái chỉ lớn hơn Mỹ Phụng dăm sáu tuổi, hai người coi bộ rất tình tứ, thân mật thì bà Vui trở thành bạn thiết của bà Tâm ngay. Bà Vui đón đường bà Tâm đi chợ sáng hôm sau và chèo kéo bà Tâm vào nhà chơi cho bằng được.
“Hôm nay đi chợ sớm thế bà?” Bà Vui tươi cười đon đả.
“Sớm đâu bà. Cũng gần 10 giờ rồi. Về nhà cơm nước xong cũng hơn 12 giờ trưa.”
Bà Vui ra vẻ bí mật:
“Tôi có chuyện này hay lắm. Bà vào nhà tôi kể cho nghe.”
Bà Tâm ngẫm nghĩ một chút. Xưa nay bà với bà Vui chẳng có chuyện gì để nói, sao hôm nay có chuyện là làm sao? Bà Tâm còn ngần ngừ, cái giỏ đu đưa ở tay.
“Chuyện gì đây bà?”
“Thì cứ vào đây một chút xíu đã, mất vốn mất lãi gì.” Nể lời người bạn lối xóm, bà Tâm theo chân bà Vui vào nhà. Trẻ con đi học hết, người lớn đi làm, chỉ có mình bà Vui ở nhà.
“Bà ngồi xuống đây. Để tôi lấy nước trà nóng bà uống cho ấm bụng.”
“Cảm ơn bà. tôi không khát. Có điều gì bà nói ngay đi để tôi còn đi chợ kẻo trưa rồi.”
Bà Vui nhỏ giọng gần như thầm thì, mặc dù không có người thứ ba ở trong nhà.
“Hôm thứ bảy vừa rồi, trên đường Lê Lợi, tôi thấy ông nhà bà đi với một cô con gái còn trẻ đẹp, ăn diện sang lắm. Ông bà có em, có cháu gì người như vậy, như vậy...không?”

Vừa nghe được câu đầu, mặt mày bà Tâm đã tái xanh tái xám, bà đưa tay lên đỡ lấy ngực vì bà cảm thấy ngực nặng quá, hơi thở như muốn đứt quãng. Mặc dầu vậy, bà muốn biết tình địch của bà mặt ngang mũi dọc ra sao mà nó phá gia cang nhà bà.
“Con đó người ngợm nó ra làm sao, hả bà?”
Bà Vui chậm rãi kể lại từng chi tiết, những gì mắt thấy tai nghe về con nhỏ đã dung dăng dung dẻ hôm đó với ông Tâm, rồi bà kết luận:
“Con nhỏ này có dáng nữ sinh hay sinh viên, mặt mày khá xinh. Thứ đó đàn ông nào không mê, kể cả ông chồng tôi. Tôi với bà là lối xóm, bán chị em xa mua láng giềng gần, lại thấy bà hiền lành tử tế nên tôi thương tình mách cho bà vì cùng bạn gái với nhau cả. Bà về nói tên tôi ra cho ông ấy chửi tôi rồi ông chồng tôi rầy la tôi là tôi không chơi với bà nữa. Có tin tức gì khác tôi cũng mặc bà.”
Bà Tâm cuống quít:
“Không đâu. Đời nào tôi lại khai bà ra. Tôi chưa đến nỗi ngu thế. Tôi cứ bảo là có người nhìn thấy. Bà nhớ có tin tức gì thêm về ông chồng tôi với con đó thì bà cho tôi hay ngay nhé.”
“Nếu bà hứa như thế thì tôi sẽ giúp bà. Thôi để tôi khóa cửa đi chợ với bà luôn cho vui.”
Kể từ bữa đó bà Tâm không cần mướn thám tử mà như có thám tử bí mật đi điều tra cho bà. Được cái bà Vui biết chạy xe Honda, cứ chiều chiều khi đứa con tan học, bà lấy xe nó chạy đến những nơi mà bà đoán chồng bà Tâm với con nhỏ kia hay lui tới. Thỉnh thoảng bà chở bà Tâm ở yên sau để đi lùng đứa con gái to gan và anh đàn ông hảo ngọt, nhưng đôi kia hình như biết có động nên di chuyển đi “làm ăn” ở những vùng khác. Hai người đàn bà rình mò hoài không kết quả tức cành hông.
Cho đến sáng hôm đó đã là ngày 30 Tết.

Chợ búa, đường xá tấp nập toàn thấy xe là xe, người là người. Nhà nhà đều đã có không khí Tết với bàn thờ Tổ tiên được bày biện, trang hoàng đẹp đẽ. Có cành mai, cành đào, hương nến, ngũ quả, bánh chưng, bánh tét và những bao lì xì bằng giấy hồng điều cho trẻ con.
Khoảng 10 giờ, lúc bà Tâm đang vớt mấy đòn bánh tét từ trong nồi ra thì bà Vui hớt hơ hớt hải xồng xộc chạy vào bếp lối cửa sau như giặc đuổi. Nhìn thấy bà bạn, bà Tâm đoán ngay ắt phải có tin sốt dẻo. Bà ngưng tay vớt bánh để đón bạn. Bà Vui vừa thở hổn hển vừa nói:
“Đi ngay! Đi ngay thôi, không thì không kịp...” Rồi bà cảm động và mệt quá, giọng nghẹn lại không nói được nữa.
“Mà đi đâu chứ bà?” Bà Tâm rối rít.
Bà Vui vẫn tắc tị chưa nói được. Bà trợn trừng nhìn bà Tâm rồi lấy hai tay vuốt xuôi từ cổ xuống ngực, từ ngực xuống bụng. Những “cục ghen” trước đây vẫn thường đưa lên đút nút lấy cổ bà làm bà muốn tắt thở khi ba con Thùy, ông chồng bà, cách đây hai năm đi mê một cô thợ uốn tóc ở tiệm Sàigòn Hoa Lệ, khu Lăng Cha Cả, Tân sơn Nhất bây giờ làm như lại vận lên. Chao ôi! Nghĩ lại còn rùng mình. Bà gần chết mới lôi được ông chồng ra khỏi cái mê hồn trận đó. Mà chỉ có mình bà. Bây giờ bà Tâm có bạn là may mắn lắm rồi. Bà quyết giúp bà Tâm “dứt điểm” cái con kia cho hai đứa thân tàn ma dại thì mới hả. Giọng bà đã bớt mệt:
“Bà bỏ các thứ bánh trái đó, thay quần áo, tôi chở đi gấp. Nông nỗi này ở đó mà ăn Tết, ăn tư. Hai đứa đó trưa nay sẽ đi chợ mua sắm.”
“Chợ nào hả bà?”
“Chợ Tân Định. Thôi mau mau lên không hỏng hết.”

Bà Tâm run quá, lẩy bẩy cả chân tay. Chưa chạm mặt với tình địch mà đã tái xanh tái tử. Bà mong có tin để đi đánh ghen nhưng bây giờ đến việc, bà lại thấy ngán. Bà muốn có người đánh ghen dùm bà vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ, bà chưa đi đánh ghen bao giờ. Khi cả hai đã ở trên chiếc Honda Dame, vừa lái bon bon, bà Vui vừa dặn dò bà Tâm:
“Hễ thấy nó thì cứ túm lấy xé ngược quần áo nó ra cho nó trần truồng và xầu hổ nhé!”
Bà Tâm yếu xìu:
“Tôi chưa từng xé quần áo người ta bao giờ.”
Bà Vui hăng tiết:
“Xời ơi! Xé quần áo ai mà không biết? Cứ nắm, cứ giật, cứ xé toạc ra thôi.”
“Hay là...hay là...Bà xông vào xé với tôi nhé..” Bà Tâm muốn có bà Vui phụ hết sức.
“Hổng được đâu. Tôi là lối xóm, làm như thế còn mặt mũi nào nhìn ông chồng bà nữa. Mà ông chồng tôi ổng rầy la tôi. Đàn ông họ bênh nhau chằm chằm.”
“Thế lúc đó bà đứng ở đâu?”
Bà Vui ngẫm nghĩ một tí:
“Để tôi liệu. Tôi không muốn chường cái mặt ra, bà hiểu không? Tôi sẽ đứng ở một góc...hỗ trợ tinh thần cho bà.”
“Đứng trong góc thì chán chết. Phải chi bà đánh xé con đó với tôi.”
“Thôi, tới chợ rồi. Chuẩn bị tinh thần mà hành động cho ngon nhé. Không dễ có cơ hội bằng vàng này đâu.”
“Nhưng tôi có biết mặt con đĩ ngựa đó đâu?”
“Bà khờ lắm. Để tôi chỉ cho bà.”

Chợ đông quá. Hàng quán ngồi tràn cả ra đường Hai Bà Trưng, tuy nhiên chẳng có bóng dáng một ông Cảnh Sát. Có lẽ lúc đó vào đúng phiên đổi gác nên Cảnh Sát lên phiên chưa kịp.
Bà Vui đi gửi xe rồi dẫn bà Tâm đến đứng nấp sau một dẫy lều bán bánh, mứt và pháo.
Đứng nguyên một chỗ cũng ngượng vì bạn hàng cứ nhìn chằm chằm vào mặt; có lẽ họ nghi ngờ hai bà này thừa cơ ăn cắp chăng nên hai bà không dám đứng yên mà phải đi đi lại lại, thay đổi chỗ đứng. Bà Tâm và bà Vui tới chợ Tân Định từ lúc gần 11 giờ mà đợi cho tới hơn 12 giờ vẫn không thấy bóng dáng ông Tâm và cô bồ nhí đâu.

Bà Tâm đã thấy nản, đề nghị bà Vui đi về nhưng bà Vui không chịu, nói hãy chờ thêm nửa giờ nữa. Khoảng hơn 12 rưỡi, bỗng cả hai người đàn bà cùng nhìn thấy ông Tâm và một người con gái khoảng 25-26 tuổi vừa đi vừa chuyện trò, từ phía nhà thờ Tân Định đi lại, cũng còn cách chợ vài trăm mét. Hai người mặt tươi hơn hớn, tay nắm tay, mắt liếc mắt, tình tứ không thể tả. Nhất là người con gái, gần như cô nhảy chân sáo và nói luôn miệng. Giầy đen cao gót, quần jeans, áo mút-sơ-lin hoa tím căng tròn bộ ngực trên tấm eo thon thả, mặt khá xinh, đeo bông tai, đeo nhẫn lấp lánh, tay xách một cái ví da nhỏ mầu đen. Bà Vui hồi hộp nắm lấy bàn tay bà Tâm, bàn tay bà Tâm run run và lạnh ngắt như người bị bệnh nặng. Trống ngực bà đánh thình thình hơn trống làng.
“Đó, nó đó! Cậu mợ đi sắm Tết hẳn. Diện sang chưa! Thảo nào ông ấy mê lăn mê lóc!” Giọng bà Vui lạc đi.
Bà Tâm nhỏ giọng vì sợ bạn hàng ngồi xung quanh tò mò hỏng hết việc:
“Bây giờ bà bảo tôi phải làm sao?”
“Thì tôi đã nói rồi. Xông ra, tru tréo lên, xé tan quần áo nó ra cho nó xấu chứ còn sao nữa. Giờ này mà bà còn hỏi!”
“Bà có phụ tôi một tay không?”
“Xời ơi! Tôi nói lâu rồi. Tôi phụ bà để ông ấy giết sống tôi đi à?”

Nói xong, bà Vui đẩy bà Tâm ra khỏi chỗ núp. Bà Tâm ló đầu ra khỏi chỗ bán pháo nhưng ông Tâm không trông thấy. Cặp nhân tình không hay biết gì hết, cứ nhởn nhơ bước tới. Khi ông Tâm và cô bồ chỉ còn cách một khoảng mươi lăm bước, như một vị đại tướng đã mai phục sẵn chờ địch quân, bà Tâm lấy hết can đảm xông ra quát lớn:
“À, cái con đĩ ngựa này con cái nhà ai mà dám giựt chồng bà? Mày có ba đầu sáu tay cũng không thoát tay bà đâu.”

Vừa quát bà Tâm vừa nhào lại chồm lên người tình địch nhưng ngay lúc đó cô này đã hiểu ra, cô đang bị bà vợ lớn ông Tâm đánh ghen. Cô thấy bà Tâm quá hung hăng nên đề phòng cẩn thận, khi bà Tâm chồm vào người cô với mười đầu ngón tay nhọn hoắt, cô đã lẹ làng né người sang một bên làm bà Tâm chộp hụt, mất đà, lảo đảo muốn té. Người xung quanh đứng cười ồ. Nhưng bà Tâm đâu chịu thua, bà lại chụp cái thứ hai. Cái này không hụt, bà chụp đúng ông chồng vì ông Tâm đã lấy người ra che chắn cho cô bồ.
Bà Tâm thấy chồng kì đà cản mũi, đỡ đòn cho cô bồ thì bà lộn tiết, bà xoắn lấy ông ghì chiếc áo sơ-mi làm đứt bung hết hàng cúc. Bà dùng cả hai tay cào cấu vào mặt, vào người ông thay vì vào mặt tình địch. Cô này đã nhanh chân lủi mất sau cái chụp hụt đầu tiên của bà Tâm. Vừa phần xổng con mồi, vừa phần giận ông chồng, bà Tâm rú lên dữ tợn, giọng the thé pha lẫn những tiếng “ặc ặc” trong cổ họng như con heo bị thọc tiết.
“Trời ơi! Ông bỏ mẹ con tôi ông đi lấy con đĩ. Ông ăn ở như thế thì có còn trời đất nào không hở ông Tâm ơi?”
“Về nhà nói chuyện. Em đừng có tru tréo ở đây người ta cười. Đi ra xe, anh chở em về!”
Ông Tâm quàng vai lôi bà vợ đi nhưng bà ta cưỡng lại:
“Tôi không về đâu hết. Đấy, bẩy mẹ con tôi ra khỏi nhà để ông rước con đĩ về ông hú hí. Trời đất ơi! Thế có khổ thân tôi không!” Bà Tâm đứng khóc bù lu bù loa.

Người bu lại vòng trong vòng ngoài. Có những người đang bán hàng ở phía trong chợ, nghe tiếng rú của bà Tâm, bỏ hàng bỏ quán chạy ra coi cho thỏa tính hiếu kì, quên khuấy mấy đứa trẻ quen đi rảo xung quanh chợ chôm chĩa.
“Nào có ra xe tôi đưa về không?” Ông Tâm hỏi đến lần thứ hai.
“Không, tôi không về. Khi nào ông hứa với tôi ông bỏ con đĩ đó thì tôi mới về. Ông hứa đi, có bà con ở đây làm chứng cho tôi.”
Ông Tâm thấy nóng mặt vì bà vợ ương ngạnh. Ông mắc cở với những người đứng coi càng lúc càng đông, bàn tán ồn ào. Chẳng nói chẳng rằng, ông mím môi bế bổng bà vợ lên tay và kiếm lối đi ra phía đường. Đám đông tự động mở lối vì họ thấy ông dữ tợn quá. Hai bên cằm ông bạnh ra, gân trên mặt nổi lên như chiếc bút chì, đôi mắt đỏ long lên sòng sọc, ông ôm gọn bà vợ trong lúc bà ta giẫy dụa, la hét, cào cấu trên vai, trên cổ, trên mặt ông nhưng ông cố chịu đau. Một bác tài xế xích lô máy đang hếch mắt nhìn hoạt cảnh hấp dẫn tủm tỉm cười, để máy nổ “ga-răng-ti”. Ông Tâm nhìn thấy chiếc xích lô máy không có khách, mắt ông sáng lên, ông ném bà vợ lên tấm đệm và móc túi lấy một xấp bạc dúi cho ông tài xế xích-lô, nói như ra lệnh:
“Về hẻm Lý thái Tổ! Đi ngay dùm tôi đi!”

Chiếc xích lô rồ ga, sang số, lao ra giữa đuờng, chạy như ma đuổi trong khi bà Tâm kêu la thảm thiết, van lạy ông tài xế xin xuống. Nhưng đời nào ông ta chịu. Mớ bạc coi cũng bộn. Hẻm Lý thái Tổ thôi!
Bà Tâm giẫy dụa kêu khóc đã rồi bỗng mửa thốc mửa tháo ra đệm xe, ra cả người bà. Gió tạt những gì bà Tâm nôn ra về phía sau như sương khiến bác tài xế rên lên:
“Trời đất quỉ thần ơi! Bà hại tôi rồi!”
Bà Tâm vừa ăn no sáng nay trước khi đi đánh ghen. Bánh ít nhân tôm thịt, sườn heo kho nước dừa...có gì ngon sáng nay ăn thì bây giờ cứ thế nó thi nhau ộc ra hết. Có bà bạn quí, bà Vui, thì đã lủi đâu mất từ lúc vừa xung trận. Phải chi bà ta báo sớm để bà đừng ăn sáng, có phải bác xích lô đỡ vất vả không!

Bút Xuân Trần Đình Ngọc

(Trích Tuyển Tập Truyện Ngắn Những Con Dốc Đứng - xb 1999)