"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông." ** Nguyễn Bá Học **

                  

 

Người Đã Biến Đổi Đời Tôi 

 

 

Tôi làm tài xế tắc-xi ở Thành phố New York suốt 28 năm, 3 tháng, 12 ngày. Bây giờ, nếu bạn hỏi hôm qua tôi ăn sáng món gì, có thể tôi không trả lời được, nhưng kỷ niệm về một chuyến xe vẫn còn sinh động, tôi sẽ nhớ mãi những kỷ niệm của tôi trong cuộc đời này.

Hôm đó là ngày Thứ Hai, một buổi sáng mùa xuân ngập nắng 1966, tôi đang thả xe xuống đường York tìm khách, nhưng vì thời tiết đẹp quá, tôi chạy có hơi chậm một chút. Tôi dừng xe chờ đèn đối diện với Bệnh viện New York, chú ý thấy một gã ăn mặc bảnh bao đang lao xuống những bậc thang của bệnh viện. Gã ra hiệu cho tôi dừng lại.

Ngay lúc đó đèn chuyển qua xanh, tay tài xế đằng sau bóp còi inh ỏi, và tôi nghe thấy tiếng tu huýt của cảnh sát. Nhưng tôi không thể để lỡ cuốc xe này. Cuối cùng, gã đàn ông cũng bước đến được chiếc xe, nhẩy lên. Gã nói:

-Bác làm ơn cho ra phi trường LaGuardia. Và cám ơn bác đã chờ tôi.

Tôi nghĩ đây là điều tốt. Sáng Thứ Hai, phi trường LaGuardia chật ních người, và với một chút may mắn, tôi có thể kiếm một chuyến khứ hồi. Điều đó coi như một ngày làm việc đã xong..

Như thông lệ, tôi hay thắc mắc về hành khách của mình. Liệu gã này có phải là một tay ba hoa chích choè, một xác chết câm lặng, hay một tay thường xuyên đọc báo? Một lát sau, gã khởi sự câu chuyện, bắt đầu một cách bình thường:

-Bác có thích nghề tài xế tắc-xi không?

Đó là một câu hỏi nhàm chán kinh khủng, và tôi cũng trả lời gã một cách nhàm chán:

-Cũng được. Đây là nghề tôi kiếm ăn và đôi lúc gặp những người thú vị. Nhưng nếu một tuần tôi có thể kiếm ra 100 đồng hay hơn, tôi sẽ làm ngay - giống như ông vậy thôi.

Câu trả lời của gã làm tôi chú ý:

-Tôi sẽ không đổi nghề nếu tôi bị cắt 100 đồng một tuần.

Tôi chưa bao giờ nghe ai nói như thế cả.

-Thế ông làm nghề gì?

-Tôi làm ở ban thần kinh Bệnh viện New York.

Tôi hay thắc mắc về mọi người, và cố tìm hiểu xem tôi có thể làm được gì. Nhiều lần, trong những cuốc đi xa, tôi tạo được sự quan hệ thiện cảm với khách hàng, và thường tôi nhận được lời khuyên rất bổ ích từ các nhà kế toán, luật sư và thợ sửa ống nước. Có thể những người này hiển nhiên yêu thích công việc của mình; hoặc nó có thể chỉ là thú vui một sáng mùa xuân. Tuy nhiên, tôi quyết định xin ông ta giúp đỡ. Lúc này chúng tôi không còn cách xa phi trường bao nhiêu, vì thế tôi hỏi tới luôn:

-Tôi có thể xin ông một đặc ân được chăng?

Ông ta không trả lời.

-Tôi có một thằng con trai 15 tuổi, ngoan ngoãn. Cháu học giỏi ở trường. Chúng tôi muốn cháu đi cắm trại vào mùa hè này, nhưng cháu lại muốn có việc làm. Tuy nhiên, không ai mướn trẻ con mới 15 tuổi trừ khi bố nó biết người đó làm chủ một cơ sở thương mại, mà tôi lại không.

Tôi ngập ngừng:

-Ông có thể kiếm giúp cháu một việc làm mùa hè được chăng – dù là cháu không lãnh lương?

Ông ta vẫn không nói gì. Tôi cảm thấy ngốc nghếch đã trình bầy vấn đề. Cuối cùng, khi tới trạm cuối phi trường, ông ta mới nói:

-Các sinh viên y khoa bận công trình nghiên cứu vào mùa hè. Có thể cháu tìm được việc làm đấy. Bác nói cháu gửi học bạ cho tôi.

Ông ta lục tìm trong túi tấm danh thiếp, nhưng không thấy đâu cả.

Ông ta hỏi:

-Bác có giấy không?

Tôi xé một miếng giấy từ cái bao mầu nâu đựng đồ ăn trưa. Ông ta viết nguệch ngoạc lên đó rồi trả tiền cho tôi. Đấy là lần chót tôi gặp ông ta.

Chiều hôm đó, ngồi quanh bàn cơm tối với gia đình, tôi rút một mẩu giấy nhỏ từ trong túi áo, rồi hãnh diện tuyên bố:

-Robbie. Đây có thể là việc làm mùa hè cho con.

Tôi đọc lớn:

-Fred Plum. Bệnh viện New York.

Vợ tôi hỏi:

-Thế ông ấy là Bác sĩ à?

Con gái tôi hỏi:

-Ông ấy là trái táo?

Con trai tôi hỏi:

-Đây có phải là trò giỡn chơi không?

Sau khi tôi càu nhàu, dụ dỗ, la lối, và đe dọa cắt trợ cấp, sáng hôm sau Robbie mới gửi sổ điểm đi. Trò giỡn chơi trái cây này tiếp tục mấy hôm nữa, nhưng dần dà nó bị quên đi.

 

                                                                   ■

 

Hai tuần sau, khi tôi đi làm về, con trai tôi tươi cười. Nó đưa cho tôi một lá thư đề tên nó trên tờ giấy được rập nổi đẹp mắt. Tôi đọc tiêu đề “Fred Plum, Bác sĩ, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện New York.” Nó sẽ gọi cho thư ký của Bác sĩ Plum để xin phỏng vấn.

Robbie có việc làm. Sau hai tuần làm tình nguyện, nó được trả 40 đồng một tuần cho mùa hè còn lại. Chiếc áo choàng trắng mặc ở phòng thí nghiệm làm nó cảm thấy quan trọng hơn lên rất nhiều, hơn là nó chỉ quanh quẩn bên Bác sĩ Plum, làm những việc lặt vặt.

Hè tiếp theo, Robbie vẫn làm việc ở bệnh viện, nhưng bây giờ nó có nhiều trách nhiệm hơn. Khi gần đến ngày tốt nghiệp trung học, Bác sĩ Plum đã có lòng tốt viết giấy khen gửi đến trường đại học. Điều chúng tôi sung sướng rất nhiều, Robbie được nhận vào Đại học Brown.

Nó làm ở bệnh viện mùa hè thứ ba, và dần dà yêu thích nghề y khoa. Khi ngày tốt nghiệp đại hoc đến gần, Robbie nộp đơn vào trường y khoa, và một lần nữa, Bác sĩ Plum lại viết thư chứng nhận khả năng và cá tính của nó.

Robbie được nhận vào trường Đại học Y khoa New York, và sau khi lấy bằng y khoa, đã hoàn tất bốn năm nội trú chuyên về sản và phụ khoa.

Robert Stern, con trai của người tài xế tắc-xi đã trở thành Bác sĩ trưởng khoa sản- phụ nội trú tại trung tâm Y Tế Columbia-Presbyterian.

Có người có thể cho đó là số phận và tôi cũng nghĩ như thế. Tuy nhiên, những cơ hội lớn có thể vượt qua những khó khăn bình thường - chẳng hạn bình thường như một chuyến tắc-xi.

Cụ Irving Stern, nay đã 92 tuổi, vẫn còn sống ở thành phố Brooklyn. Robbie - hiện nay là Bác sĩ Robert Stern – và Bác sĩ Plum vẫn mỗi năm gửi cho nhau thiệp Giáng Sinh cho đến khi BS Plum qua đời năm 2010. Hiện nay Bác sĩ Stern là chuyên viên sản phụ khoa, Trung tâm Y Tế Fishkill, New York. Con trai ông là Bác sĩ Chuyên Khoa Tim; hai con gái ông là Nha sĩ và là Luật sư. Cụ nói “Có lẽ tất cả những chuyện này đều do ở Bác sĩ Fred Plum, một người tôi không bao giờ quên.”

 

Hà Việt Hùng chuyển ngữ

Nguyên tác: The Stranger Who Changed My Life

Tác giả: Irving Stern

Reader’s Digest, số tháng 7- 2013.