"Quân lính cốt hòa-thuận, không cốt đông; cốt tinh-nhuệ, không cốt nhiều. Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm-dẻo, chứ không lấy mạnh đè yếu, nhiều hiếp ít." ** Quang-Trung **

 

Ông Cảnh Sát Giao Thông Tốt Bụng

Tan làm ra trời bên ngoài nóng hừng hực, cả không gian như được nung trong một lò lửa. Tôi chui vội vào xe, quay cửa kính xe xuống tối đa và mở máy lạnh cho thổi bớt không khí nóng trong xe ra ngoài, sờ vào tay lái nóng bỏng như vừa chạm vào cục than hồng. Hai tuần lễ nay thành phố của tôi nóng như thế đấy, ngày nào cũng trên 100 độ F., dù Texas mang tiếng là nóng nhưng có năm nào nóng nhiều ngày liên tiếp đâu! Chắc là ảnh hưởng sự thay đổi của khí quyển gọi là La Nina và El Nino gì đó nên bao nhiêu thảm họa của thiên nhiên mới giáng xuống cho lòai người, nào sóng thần, bão lụt, chuồi đất, động đất, rồi ảnh hưởng của khí hậu nóng làm cháy rừng, hạn hán mất mùa v..v..những thứ tai ương đó cộng với chiến tranh bom rơi đạn nổ, vẫn đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới, bao nhiêu máu đổ thịt rơi thì cần gì tận thế loài người mới khổ đau?
Sau 5 phút xe bớt nóng là tôi phóng ra khỏi bãi đậu. Chiều Thứ Sáu cuối tuần và trời đất này ai chẳng muốn về nhà càng sớm càng tốt, tôi vừa lái xe vừa mơ tới ngôi nhà chẳng nguy nga gì nhưng máy lạnh thì vẫn tốt, chạy vù vù cả ngày làm căn nhà mát rượi, rồi tôi sẽ nhảy vào bồn tắm mở vòi nước hoa sen để những tia nước nhỏ mát mẻ trên tôi từ đầu tới vai và khắp người, cuốn trôi đi những giọt mồ hôi, tôi sẽ đắm chìm trong mùi xà bông thơm tho… Tắm xong tôi sẽ bôi lotion mùi hoa Oải Hưong nồng nàn bát ngát, tôi sẽ tạm quên hết nắng, nóng và những bận rộn của cuộc đời trong căn nhà này, trong thế giới này của riêng tôi sau một tuần làm việc.
Tôi lái xe ra đường Carrier Parkway, đèn đang xanh phía trước phải phóng nhanh lên thôi kẻo nó đổi màu, và những ông chuyên viên set up đèn đường thật tài tình, khi ta vượt qua đèn xanh thì những cột đèn kế tiếp cũng màu xanh và tôi cứ thế phóng ào ào như tên bay gío cuốn để không phải ngừng vì đèn đỏ .
Vừa Exit lên hiaghway tôi mới để ý thấy một xe cảnh sát đang chạy theo sau tôi ráo riết, rất gần và chớp đèn lia lịa, nãy giờ tôi cũng thoáng thấy xe cảnh sát đằng sau nhưng không nghĩ nó liên quan đến mình.
Tôi nhìn quanh không thấy ai ngừng xe lại cả, hay là cảnh sát đang theo tôi? Nhưng tôi có tội gì chứ? Tôi chỉ hoang mang vài giây là hiểu ngay ra lý do, tôi vừa chạy qúa nhanh và cảnh sát bắt gặp qủa tang?
Tôi nhìn vào kính chiếu hậu, ông cảnh sát đang giơ tay ra dấu cho tôi ngừng xe, có lẽ ông không nỡ hụ còi inh ỏi làm tình hình càng thêm quan trọng và làm căng thẳng những người khác đang vội vã trên đường giữa buổi trưa Hè nóng bức?
Thì ra ông ta đuổi theo tôi từ lúc còn trên đường Carrier Parkway, mà tôi thì càng lúc chạy càng nhanh, ông cảnh sát càng tình nghi kẻ chạy ẩu kia không là tên đầu trộm đuôi cướp thì ít nhất cũng là dân ba gai xe không có bảo hiểm nên gặp cảnh sát giao thông nó mới chạy trối chết như thế?
Tôi tấp xe vào bên lề highway. Thấy tôi chịu ngừng xe, ông cảnh sát chắc mừng lắm vì mặt ông tươi tỉnh đến bên cửa xe tôi vừa kéo xuống để đối diện ông, ông không hậm hực như tôi tưởng vì đã làm ông phải chơi trò rượt đuổi bất đắc dĩ làm hao xăng và hao sức, dù chưa ly kỳ bằng những vụ cảnh sát rượt đuổi xe tội phạm trên đường mà tôi đã coi trực tiếp trên ti vi. Tôi làm bộ ngây thơ, ấp úng:
- Chuyện gì xảy ra với tôi?… Tại sao… ông bảo tôi dừng lại?
- Chi đã chạy xe vượt tốc độ quy định 40 mile một giờ trên đường Carrier Parkway trước khi lên Highway. Chị làm ơn cho tôi xem giấy bảo hiểm xe.
Tưởng gì chứ bảo hiểm xe thì tôi luôn có đủ, tôi lục gỉo xách lôi ra trình ông ngay. Đọc xong ông gật gù :
- Tốt lắm, nhưng tôi vẫn phải phạt chị về tội lái qúa tốc độ, chị vẫn còn ở địa chỉ ghi trong bằng lái này chứ?
- Vâng, đấy là địa chỉ hiện nay của tôi.
Ông ta xác định lại địa chỉ cho đúng để ghi giấy phạt đấy. Tôi não nề nghĩ thầm và thở dài. Ông cảnh sát mang giấy bảo hiểm của tôi về xe ông ngồi để ghi ticket cho tôi, còn tôi thì ngồi ở xe mình ngắm nhìn xe cộ trên highway đang vù vù qua mặt và tự hỏi không biết “thời gía” leo thang này cái ticket của tôi sẽ là bao nhiêu? Thà nói gía thịt. cá, tôm, hay rau , qủa…ở chợ thì tôi còn rành, chứ chuyện mấy ông cảnh sát phạt xe cộ vi phạm luật giao thông mấy khi tôi biết tới.
Ông cảnh sát đã trở lại bên cửa kính xe tôi, trả cho tôi giấy bảo hiểm xe và không quên nói câu lịch sự đầu môi chót lưỡi:
- Cám ơn!
Ông chìa tờ ticket ra, nhưng tôi không cầm lấy ngay như đã cầm tờ giấy bảo hiểm xe vừa rồi, mà nhìn ông và ai oán:
- Ông ơi, làm ơn đừng phạt tôi, tôi xin hứa không bao giờ chạy nhanh nữa đâu. Tội nghiệp ông cảnh sát Mỹ trắng cao lớn cứ phải khom lưng bên cái cửa xe Honda thấp thấp của tôi để nghe tôi nói tiếng Anh âm điệu Việt Nam và gío của highway, của tiếng những chiếc xe chạy ào ào qua làm tiếng mất tiếng còn nên ông không hiểu nổi tôi đang nói cái gì?
Tôi vẫn “ngoan cố” không nhận tờ ticket ông vẫn đang chìa ra và ai oán lập lại:
- Ông ơi, tại hôm nay trời nóng qúa nên tôi mới chạy nhanh để về nhà, đừng phạt tôi, không bao giờ tôi làm lại điều sai lầm này đâu.
Lần này thì ông hiểu, ông tần ngần cầm tờ ticket trong tay, suy nghĩ vài phút rồi ân cần nói:
- OK, tôi cảnh cáo chị thôi. Nhớ chạy cẩn thận nhé.
Đến lượt tôi nói lời lịch sự, nhưng với tất cả tấm lòng vui mừng và biết ơn:
- Cám ơn ông rất nhiều.
Ông cảnh sát về xe ông, tôi quay kính xe lên để tiếp tục đường về, nhưng lúc này xe cộ đang giờ cao điểm, cứ nườm nượp dường như không còn khoảng trống nào để tôi có thể lách chiếc xe ra highway được, trong khi xe ông cảnh sát phía sau xe tôi vẫn lịch sự đợi tôi ra trước ông sẽ ra sau.
Mãi chẳng thấy tôi nhúc nhích, ông ta phải xuống xe, đến bên xe tôi hỏi:
- Sao chị không ra highway đi?
- Xe cộ nhiều qúa làm tôi sợ…!!
Ông thương cảm và ái ngại hết nhìn dòng xe bên đường lại nhìn tôi, ông dặn dò:
- Tôi sẽ giúp chị, khi nào tôi ra dấu thì chị lái xe ra đường nhé.
- Vâng…nhờ ông giúp cho.
Ông cảnh sát đứng ra bên đường, giơ tay cho dòng xe chạy chậm lại, xong ông vội quay ra phía tôi, tay còn lại thì vẫy tôi lia lịa:
- Chị ra đi, ra đi…
Tôi thoải mái lái xe ra highway và giơ tay chào ông cảnh sát tốt bụng lần cuối. Cuộc chia tay nào cũng hẹn gặp lại “ See you again” nhưng trường hợp này thì không, tôi đâu có muốn vi phạm giao thông lần nữa và ông thì chắc cũng chả mong gặp lại tôi, để phải “vất vả” vì tôi như thế này.
Sau cú cảnh cáo của ông cảnh sát tự nhiên tôi lái xe chậm hẳn lại dù đang trên highway, vì tưởng như ông còn đâu đó đang theo dõi tôi, mà ông thì đã chìm vào dòng xe cộ đông đúc từ lúc nào rồi.
Về đến nhà tôi tắm rửa xong thì chồng tôi về tới. Tôi hí hửng khoe:
- Báo anh một tin vui hôm nay em “lời” hơn 200 đồng.
Chồng tôi xưa nay vốn chẳng mấy khi tin vào lối ăn nói ba chớp ba nhoáng của tôi, lại mới đi làm về cũng hứng chịu cái nắng nóng kinh hồn nên khó chịu hỏi lại:
- Cô buôn bán gì mà lời với lỗ? hay cô nhặt được tiền rơi?
- À, không, phải nói là em tiết kiệm được hơn 200 đồng mới đúng, chứ thời buổi kẻ khôn người khó này ai dư tiền mà làm rơi hở anh.
Anh ta nghi ngờ:
- Thế mà tự nhiên cô lại tiết kiệm được 200 đồng, tiền ở đâu ra?
- Em nhớ ra rồi, có lần anh nói với em nếu lái xe qúa tốc độ cho phép trong thành phố bị phạt 200 mấy chục đồng gì đấy, phải không?
- Đúng thế, thì sao?
- Thì em tiết kiệm cho nhà mình được món tiền ấy rồi. Lúc nãy về làm em lái xe nhanh bị cảnh sát chặn lại và ghi giấy phạt, nhưng em năn nỉ, ông ấy tha cho.
Chồng tôi lẩm bẩm:
- Thật là bất công, mấy tháng trước anh cũng thế, cũng năn nỉ mà cảnh sát không tha.
- Chắc tại tùy…bản mặt…
- Cô nói bản mặt tôi khó ưa chứ gì?
- Không dám, em nói tùy bản mặt ông cảnh sát hiền lành hay hắc ám ấy mà.
Giọng anh dịu lại:
- Nhưng dù bản mặt ông cảnh sát Mỹ hắc ám thế nào cũng vẫn dễ thương hơn nhiều cảnh sát giao thông ở Việt Nam . Nếu như chuyện của cô hôm nay mà xảy ra ở Việt Nam thì khó hòng năn nỉ, và tiền phạt có thể được cảnh sát đút túi riêng ngay.
Tôi chép miệng thở than:
- Em nghĩ thấy…tôi nghiệp ông cảnh sát lúc nãy ghê, vọt theo xe em cả mile em mới biết mà dừng xe lại, cuối cùng chẳng thu được xu nào về cho ngân qũy thành phố, đã thế giữa buổi trưa nắng chang chang phải đứng ra đường giúp em , chắc ông ấy ân hận vì đã gặp em, đúng là ác mộng giữa ban ngày.
- Dịp này thì cô mới hết ác cảm với mấy ông cảnh sát nhé?
- Ừ, em nhớ thằng con út mình năm nó mới lên 5 tuổi đã thích cảnh sát rồi, một hôm nó lấy điện thoại bấm 911 mấy ông cảnh sát tới nhà làm vợ chồng mình tá hỏa chẳng hiểu chuyện gì. Thì ra nó muốn gặp cảnh sát, những thần tượng mà nó aí mộ, dấu yêu.
Chồng tôi được dịp phê phán:
- Bây giờ lớn lên nó đòi làm cảnh sát em cương quyết không cho. Nó học lực trung bình mà em cứ bắt nó thi vào y khoa là thế nào?
Tôi suy nghĩ và thật sự ân hận:
- Ừ… để em tính lại…Có lẽ con đúng khi nó chọn ngành cảnh sát hợp với khả năng và sở thích của nó .
Chồng tôi chuẩn bị vào phòng tắm, tôi dặn:
- Anh tắm xong mang giỏ quần áo dơ ra bỏ vào máy giăt luôn thể nhé, chiều nay thứ sáu rồi. À, nhớ đừng có sấy, mang ra vườn sau phơi để nắng gío chiều hè sẽ làm quần áo bay phất phới vừa vui mắt vừa mau khô, vừa tiết kiệm tiền điện và quần áo lại thơm tho tự nhiên.
Giọng chồng tôi vừa đùa vừa cay cú:
- Biết rồi, xưa nay tôi vẫn giặt quần áo chứ cô có làm bao giờ đâu mà phải dặn cho dư thừa. Kể cả chuyện mang quần áo ra vườn sau phơi cho cô ngắm chúng bay phất phới trong gió.
Tôi mỉm cười hài lòng và ra ghế sofa nằm mở ti vi, ngẫu nhiên lại thấy phần tin tức, có hình ảnh ông cảnh sát giao thông nào đó đang phát biểu sau một vụ tai nạn xe cộ trên đường phố. Tôi chợt nhớ đến ông cảnh sát giao thông tốt bụng của tôi, tiếc rằng tôi không biết tên và không nhớ cả mặt ông, nhưng bắt đầu từ giờ trở đi tôi sẽ lái xe cẩn thận để an toàn cho tôi và cho những người xung quanh, để khỏi phụ lòng ông cảnh sát tốt bụng đã cảm động vì lời năn nỉ cầu may của tôi và đã ân cần dặn dò tôi những lời hữu ích.

Nguyễn Thị Thanh Dương
(Nov.-2007)