"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

Núi Thánh

     Ở phía Bắc nước Việt có ngọn núi cao, đâm thẳng vào mây trời, nhà nho trong nước đặt tên là Xuyên Vân Sơn, dân-chúng gọi núi Xuyên Mây.  Núi Xuyên Mây còn được biết đến qua một tên khác là núi Thánh, một cái tên rất phổ-thông với người dân trong nước.

     Vào một buổi chiều nọ, dân-chúng cư-ngụ dưới chân núi thấy một người mặc y-phục trắng, lưng đeo nỏ, hông mang kiếm, cỡi con chiến-mã trắng như tuyết phi nước đại từ trên cao xuống. Thoáng-chốc đã đã băng qua xóm-làng rồi mất hút vào đêm tối. Dân-chúng xôn-xao truyền nhau tin Thánh về.

*
***

     Nhất đăm-chiêu về nguồn tin Thánh về mà lão mới nhận được chiều qua. Lão lo-sợ. Vốn sinh-trưởng ở một nước văn-minh, có tinh-thần khoa-học, Nhất dĩ-nhiên không tin chuyện ấy. Lão sợ vì nghĩ người gieo ấn-tượng kia là một kẻ tài-ba, biết lợi-dụng lòng mê-tín để khơi dậy niềm tin của dân-chúng. Lão chợt nhớ đến chuyện viết hịch trên lá của mưu-thần Nguyễn-Trải. Lão sai viên tùy-phái đi mời Marie.

     Đang say-sưa trong điệu luân-vũ nhưng khi được tin, Marie vội-vàng đến gặp lão Nhất.

     Là một cộng-sự viên đắc-lực của Nhất, cô đầm người Việt Marie tha-hồ ăn ngon mặc đẹp, muốn gì được nấy, nhiều khi làm những chuyện quá trớn. Nhất biết nhưng làm ngơ vì Marie đã lập được nhiều công-trạng lớn, giúp củng-cố địa-vị của lão thêm vững-chắc. Nhờ Marie chỉ-điểm, Nhất đã bắt và dẹp được nhiều mầm-mống cách-mạng ngay từ lúc còn phôi-thai. Nhắm mắt làm ngơ những hành-động sai-quấy của Marie có lợi cho lão nhiều hơn là hại. Vả lại, những đám dân đen vô tội ấy có phải là đồng-bào hay máu-mủ của lão đâu mà lão phải bận-tâm.

     Dù trong phòng làm việc chỉ có hai người, Nhất vẫn cẩn-thận thì-thầm vào tai Marie. Không biết lão nói gì mà mặt-mày Marie bỗng chợt tái nhợt. Lúc Marie về, Nhất thân-mật ôm Marie và hôn lên tay nàng. Marie cũng hôn lên má Nhất và nhún-nhẩy đi ra. Điệu-bộ thật kệch-cỡm.

     Đợi Marie đi khuất rồi, Nhất từ-từ hé môi cười mãn-nguyện với kế-hoạch của mình.

     Làm như vẻ tôn-trọng tự-do ngôn-luận, Nhất cho xuất-bản những tờ báo mới nhưng để người bản-xứ đứng tên. Những tờ báo này bề ngoài là bảo-tồn và phát-huy văn-hóa, cổ-động công-cuộc đấu-tranh quang-phục quê-hương nhưng thực-tế thì chỉ viết bài bôi-bác những người yêu nước mà lão Nhất nghĩ là có liên-quan đến núi Thánh. Chụp mũ những người yêu nước, gán cho họ cái tội là thân thực-dân thì ai còn dám theo về nữa.

*
***

     Giữa trưa hè oi-ả, người và vật đều uể-oải trốn nắng dưới những tàn cây rộng lớn hai bên đường con dốc lên phủ Lạng. Thế mà lạ. Một cô gái quê tuổi chừng hăm mốt, hăm hai, ăn mặc rách-rưới, mặt mày lem-luốc, đội cái nón lá rách tả-tơi, đang quẩy một gánh gạo đi lên con dốc này. Mồ-hôi nhễ-nhại, hơi thở hổn-hển, cô bước nhanh như có chuyện gì cần kíp lắm. Thỉnh-thoảng cô quay đầu nhìn lại phía sau xem có ai theo cô không.

     Lên hết con dốc, cô thở phào đi vào một quán nhỏ bên đường. Quán này dễ có đến trăm năm, do dòng-họ cô Thu làm chủ. Hai năm trước, bố mẹ cô Thu qua đời, cô tiếp-tục công-việc của bố mẹ ngày ngày mở quán bán nước cho những người buôn tần bán tảo qua lại con dốc này.

     Thu đẹp và ăn nói duyên-dáng. Nhờ thế, quán của cô lúc nào cũng đông khách. Có những người dừng chân uống một vài chén chè rồi tiếp-tục lên đường. Có những khách ngồi đây từ tinh-sương cho đến sẫm tối. Đó là những chàng trai trẻ vì mến tài sắc cô mà tìm đến.

     Thấy khách mới, Thu vồn-vả:
   - Mời bà ngồi nghỉ chân. Cháu sẽ trở lại hầu bà ngay.
     Thu dợm chân đi nhưng chợt đứng khựng-lại vì cô gái quê mới cởi cái nón lá rách tả-tơi ra. Nhìn thấy khuôn mặt cô gái, Thu mừng rỡ:
   - A! Tưởng ai xa lạ chứ hóa ra là chị Cúc nhà mình. Chị về sớm thế kia hẳn là đã bán hết gạo rồi. Phải thế không nào?
     Cúc cười buồn-bả:
   - Hôm nay Tây nó cấm họp chợ. Em buộc lòng phải về sớm đó thôi. Đã buôn với bán được chi đâu, chị.
   - Thì ra thế. Nhưng gạo nào có hư mà chị lo. Hôm nay không bán được thì ngày mai lại bán tiếp.
   - Chị nói khéo chưa? Không bán được thì lấy gì mua-sắm những vật-dụng khác cho gia-đình.
     Cúc hơi im-lặng. Nhìn đám thanh-niên trong quán, cô như phân-bì:
   - Chị thật là có duyên. Quán lúc nào cũng đông những người.
   - Thì cũng may-mắn thôi, chị ạ! Nhờ trời oi-ả nên người ta dừng lại uống nước cũng nhiều.
     Cúc tủm-tỉm cười:
   - Em nói duyên là duyên cái khác cơ!
     Thu đỏ mặt:
   - Chị nói gì sao mà em không hiểu.
     Cúc cúi mặt xuống bàn hỏi nhỏ:
   - Chị Thu, anh Hoàng tới chưa?
     Thu cũng thì-thào:
   - Lâu rồi. Đang chờ chị đấy. Sao muộn thế?
   - Tụi nó bám sát quá! Em phải gắng mãi mới...
     Thu ngắt:
   - Thôi. Chị vào trong gặp anh ấy đi. Nhỡ e tụi chó săn theo kịp đến đây thì hỏng việc của chúng mình.
     Rồi vừa lau bàn, Thu vừa nói lớn như cố tình cho mọi người nghe thấy:
   - Quán chỉ có một cái thôi. Cô làm ơn dùng mau lên nhé. Nhỡ có người khác cần tới thì tôi không biết ăn nói làm sao.
     Mấy chàng trai nghe Thu nói thế, họ quay nhìn cô Cúc và cười sặc-sụa. Cúc đỏ mặt trả lời Thu nhưng cũng cố tình cho những người trong quán nghe thấy:
   - Rõ khéo! Chuyện thế mà cũng lớn tiếng lên được.

*
***

     Phòng vệ-sinh là một lều tranh nhỏ ở cuối vườn. Cúc cẩn-thận nhìn quanh lần nữa trước khi đẩy thùng phân qua một bên để mở cửa xuống hầm.

     Đường hầm tối om. Cúc không thấy gì. Cô đi theo thói quen. Lần mò trong bóng tối, vượt qua những chướng ngại vật mà nếu người nào không được chỉ-dẫn trước thì sẽ bị nguy đến tính mạng. Mãi rồi cô Cúc cũng tới được cánh cửa chính của căn hầm. Đây là một tấm cửa bằng sắt, thật kiên-cố, dùng để cản-trở sự tấn-công cho người bên trong có đủ thời-gian thoát-thân bằng một con đường bí-mật khác. Con đường đó, hiện-tại chỉ có vợ chồng anh Lộc và cô Thu chủ quán biết mà thôi.

     Nơi nguy-hiểm cũng là nơi an-toàn. Quán nước của cô Thu ở một nơi lộ-liễu vô-tình trở-thành nơi kín-đáo. Thực-dân thật không ngờ tới cái quán nước nhỏ bé này, truyền từ đời nọ tới đời kia, do một cô gái mới lớn làm chủ được hai năm nay, lại là trạm giao-liên của một đảng cách-mạng nào đó.

     Loay-hoay mãi, cuối cùng Cúc cũng mở được ổ khóa của cánh cửa sắt kia. Đây là loại khóa tổng-hợp do cô Thu chế-tạo. Khóa hình tròn, nằm ngay trong cửa. Người mở phải thuộc những con số bí-mật và xoay ổ khóa đúng theo chiều hướng đã định trước. Nếu không, người ta chỉ có thể gài chất nổ để phá cửa mà vào.

     Vừa mở khóa Cúc vừa cảm-phục trí thông-minh của Thu. Thu tài-giỏi không thua gì Cao-Thắng. Không những chỉ chế-tạo vũ-khí, cô còn có công xây-cất con đường hầm bí-mật này. Cô không sợ anh chị em trong đảng phản-bội, nhưng cô e trong một lúc bất-cẩn, anh chị em để mật-thám theo-dõi, đường hầm bị phát-giác và đảng bị tấn-công. Thu thay-đổi hệ-thống phòng-thủ thường-xuyên, Vì lý-do đó, mặc dầu đến đây đã bao lần, Cúc vẫn phải vất-vả lắm mới vượt qua được những chướng-ngại vật có thể giết người như chơi do cô Thu đặt ra.

     Hoàng đứng ngồi không yên. Đã quá giờ hẹn mà Cúc vẫn chưa tới. Chàng rất lo-lắng. Chàng đến đây để nhận sứ-mạng liên-quan đến việc tổng khởi-nghĩa vào đầu Thu tới. Việc quan-trọng như thế nên chàng sợ mật-thám đã đánh hơi được và do đó có thể theo-dõi từng bước chân đi của Cúc. Hoàng không lo cho sự an-toàn của Cúc vì chàng biết lão Nhất rất khôn-ngoan, lão sẽ không thủ-tiêu hoặc ám-sát cô Cúc để vô-tình báo-động cho đảng cánh-mạng của chàng. Lão sẽ vờ như không có chuyện gì để rồi bất-thần tung ra những ngón đòn tới-tấp như vũ-bão mà đảng chàng khó có thể chống-đỡ. Hoàng khâm-phục Nhất. Bất cứ một tổ-chức cánh-mạng nào lão cũng gài được người vào để lấy tin và gây mầm chia-rẽ trong nội-bộ, phá-vỡ và cắt-đứt những mối liên-hệ với các đảng khác. Dù anh chị em trong đảng không muốn nghi-ngờ nhau cũng chẳng được vì hệ-thống phản-gián của lão rất tinh-tế. Cuối cùng, đảng yếu dần rồi dần-dà tan-rã. Nhưng Hoàng tin-tưởng dưới sự lãnh-đạo khôn-ngoan của vợ chồng anh Lộc, lão Nhất sẽ không dễ gì thực-hiện được kế-hoạch phản-gián trong đảng của chàng.

     Ngồi trong hầm tối đã lâu nên Hoàng dễ-dàng trông thấy bóng cô Cúc đang đi tới. Sau bao năm tháng xa cách vì nhiệm-vụ, giờ có dịp gặp lại người xưa, Hoàng thấy lòng mình lâng-lâng, xao-xuyến vô cùng. Hoàng biết mình đã yêu Cúc từ lâu, nhưng vì hai vai chàng còn nặng nợ nước, sống chết lúc nào không biết, nên chưa ngỏ lời yêu-thương.

     Dù đang nao-nức, Hoàng vẫn cẩn-thận không lên tiếng. Đợi Cúc nói xong những mật-hiệu ăn khớp với những mật-hiệu mà chàng đã được căn-dặn, Hoàng mới bỏ khẩu súng lục vào túi, lau bàn tay ướt-đẫm mồ-hôi, và chạy lại đón cô Cúc. Hai người mừng-rỡ ôm chầm lấy nhau.

     Cúc nhắm mắt yên-lặng. Cô có cảm-tưởng những giòng máu nóng của Hoàng đang truyền vào cơ-thể mình. Cúc không dối được lòng mình. Những bước chân vội-vã sáng nay trên con dốc lên phủ Lạng một phần vì e mật-thám theo-dõi, phần vì cô nao-nức bồn-chồn mong sớm gặp lại người yêu.

     Cúc và Hoàng quen nhau là do ở những công-tác của đảng giao-phó cho họ. Ban đầu là cuộc gặp-gỡ trao tin như hôm nay. Sau đó là những sứ mạng nguy-hiểm mà nhiều lần họ đã quên đi mạng sống mình để cứu nguy cho người khác. Hoàng và Cúc mến nhau vì tài-sắc, yêu nhau vì có cùng chung lý-tưởng giành độc-lập và chủ-quyền cho quốc-gia dân-tộc.

     Hoàng khơi lại tim đèn. Ánh sáng mù-mờ vừa đủ để họ có thể nhìn thấy mặt nhau. Cúc bấy giờ mới lấy khăn lau sạch bụi đường cùng những lớp hóa-trang trên mặt. Cô không còn là một cô gái quê xấu-xí. Hoàng đắm-đuối nhìn người thương. Cúc vô tình không biết, chợt khi bắt gặp đôi mắt Hoàng đang nhìn mình say-đắm, cô mắc-cở, thẹn-thùng, đôi má hồng lên. Tay cô vân-vê viền áo.

     Sau một vài phút yếu lòng để tình riêng lấn át tình chung, Cúc lên tiếng:
   - Anh Lộc chỉ-thị anh thi-hành sứ-mạng xyz càng sớm càng tốt.
     Hoàng sửng-sốt:
   - zyz?
   - Vâng.
   - Vì sao?
   - Em không biết.
   - Còn chị Lộc thế nào?
   - Chị… khóc và… đồng-ý.
   - Nghĩa là...
     Hoàng đau-đớn nhìn Cúc. Cúc cũng nghẹn lời. Cô gục đầu lên vai Hoàng:
   - Phải. Chúng ta sẽ xa nhau, vĩnh-viễn xa nhau.
     Hoàng im-lặng đôi ba phút rồi bất-chợt nắm chặt tay lại, mắt chàng rực sáng niềm tin:
  - Không. Cô Cúc. Chúng ta không thể yếu-đuối . Chúng ta không thể để tình-cảm riêng-tư cản-trở công-cuộc. Là người cách-mạng, chúng ta nên hiến-thân cho tổ-quốc. Cô Cúc, cô nên mừng cho tôi mới phải. Và tôi, tôi nên hãnh-diện vì được anh Lộc tin-tưởng giao-phó trọng-trách này.

    Hoàng thấy vai mình nóng hổi. Thì ra, cô Cúc đã khóc. Bề ngoài nói rắn thế chứ thật ra trong lòng Hoàng cũng đau-đớn lắm. Chàng không sợ nguy-hiểm nhưng chàng không muốn phải bỏ cô Cúc, người mà chàng đã đem lòng yêu-mến hơn hai năm nay.

    Cúc cũng vậy. Từ ngày gặp Hoàng, cô đã đem lòng thương trộm nhớ thầm. Không phải vì Hoàng đẹp trai, khỏe mạnh, giỏi võ, học cao, mà vì Hoàng có lòng yêu nước vô-vàn, xứng-đáng là một người chồng cho cô nương-tựa sau này. Hoàng là một trong những cánh tay phải của anh Lộc. Đêm ngày miệt-mài suy-nghĩ việc nước. Đầu chàng bạc trắng. Anh chị em trong đảng gọi chàng là Hoàng Đặng-Dung.

    Cô Cúc thổn-thức. Cô mượn lời của Nguyễn Thị Giang để thổ-lộ lòng mình:
   - Anh may-mắn lắm đấy!
   - Sao vậy?
   - Vì anh chỉ phải chết có một lần. Đó là lần cho nước.
     Hoàng nhớ chuyện tình của nhà cách-mạng Nguyễn-Thái-Học, nhưng chàng vờ như không biết vì muốn được nghe những lời nói yêu-thương đó từ cửa miệng người yêu:
   - Chẳng lẽ cô có thể chết hai lần sao?
     Cúc vẫn gục đầu lên vai Hoàng:
  - Vâng. Hai lần. Một lần cho nước và một lần cho anh.

     Hoàng im-lặng. Chàng ôm chặt cô Cúc vào lòng như sợ không còn có dịp để bộc lộ tình-yêu của mình nữa.

*
***

   - Mời nữ học-giả một ly. Chúc mừng sự thành-công của chúng ta.
      Nhất vừa nói vừa cười ha-hả ra vẻ khoan-khoái lắm. Marie vội-vàng đáp lễ:
   - Không dám. Tôi cũng xin kính đại quan một ly. Gọi là để cám-ơn đại quan. Nhờ diệu-kế của ngài mà tôi có dịp lập thêm được công-trạng với mẫu quốc.
   - Ha ha! Nữ học-giả đừng khách-sáo nữa. Nào... Chúng ta cùng uống!

     Được dịp gần Nhất, Marie tha-hồ tâng-bốc. Nhất biết nhưng vẫn thích nghe những lời giả-dối ngon-ngọt đó.

     Với chiêu-bài bảo-tồn và phát-huy văn-hóa, lão đã gài được Marie vào trong phái-đoàn khảo-cổ. Marie cầm đầu nhóm học-giả giả-hiệu lên núi càn-quét khắp nơi. Đúng như sự tiên-đoán của Nhất, ở trên núi Thánh là một cơ-sở to lớn, xây-cất công-phu của một đảng cánh-mạng nào đó mà lão vẫn chưa rõ tên. Đào-xới để tìm nguồn-gốc dân-tộc Việt giúp Nhất dập tắt được nguồn tin Thánh Về trong lòng dân-chúng, ngăn-chận sự phổ-biến những lá truyền-đơn không có lợi cho quốc-gia của lão, và nhất là phá-tan được cơ-sở cách-mạng trên. Nhất và Marie sung-sướng, mải-mê uống, và say trong men chiến-thắng.

   - Này nữ học-giả… Lão Nhất nhìn thẳng vào đôi mắt Marie như soi-mói: Tôi không hiểu vì sao mà bọn cách-mạng có thể trốn-thoát được êm-thắm như thế?
     Đang tâng-bốc lão Nhất, Marie bỗng giật mình vì câu hỏi bất ngờ của lão. Cô lúng-túng:
  - Tôi... thật cũng không hiểu. Chẳng lẽ họ có người biết bấm-độn như… Khổng-Minh chăng?
     Nhất gằn giọng:
  - Tôi không tin chuyện đó. Chắn-chắn công việc của chúng ta đã bị tiết-lộ ra bên ngoài. Nhưng mà...ai?
     Marie run-sợ:
   - Chẳng lẽ đại quan nghi cho tôi?
   - Ha! Ha! Cũng có thể lắm chứ!
   - Không, đại quan. Tôi thề chẳng bao giờ bán đứng đại quan.
   - Tôi biết... Tôi biết. Cô khôn-ngoan lắm. Không thể nào làm chuyện đó được. Tôi chỉ đùa thôi.
   - Thế đại quan nghĩ là ai đã tiết-lộ kế-hoạch này?
  - Trong năm người chúng ta thì cô và tôi đã không làm chuyện đó. Chỉ còn lại ba người: Bôn, Phúc, và Dũng. Bôn là người Pháp, cùng tôi cai-trị ở đây nên tôi cam-đoan ông ta không để một bí-mật nào lọt ra ngoài. Phúc rất đáng tin-tưởng. Ông ta cũng giống cô vậy. Đã bán con người của ông ta cho đất nước chúng tôi. Chỉ có Dũng là đáng nghi hơn cả. Nhưng tôi vẫn chưa có một bằng-cớ nào chứng-tỏ là ông ấy làm. Cũng có thể người lãnh-đạo kia tài-ba đã đoán được âm-mưu của chúng ta khi chúng ta phát-động phong-trào khảo-cổ ở núi Thánh trên báo-chí.
      Nhất ngừng lại. Lão xoay ly rượu trong lòng bàn tay:
   - Tôi đã bất-cẩn trong kế-hoạch này. Nhẽ ra chúng ta không cần danh-chính ngôn-thuận, phổ-biến tin-tức khảo-cổ làm chi. Chúng ta vẫn có thể bất thần đem lính lên núi để bắt trọn ổ của chúng.
      Marie vuốt đuôi:
   - Dẫu không bắt được ai nhưng đại quan cũng đã làm cho chúng khiếp-vía rồi. Cứ xem như ngài tha cho chúng một phen. Nếu chúng không chịu bỏ đi giấc mộng giành lại độc-lập và chủ-quyền, thì với sự khôn-ngoan của đại quan, tôi nghĩ đại quan muốn bắt chúng lúc nào mà chẳng được.
    - Ha! Ha! Nữ học-giả nói đúng. Nhưng tôi không thể thờ-ơ và quá tự-tin như thế được.
   - Mời đại quan một ly nữa. Gọi là để chúc mừng đại quan được thành-công vẻ-vang trong chiến-dịch khảo-cổ này. Chúng ta uống đi. Chuyện ngày mai, hãy để ngày mai sẽ liệu.

     Nhất cụng ly nhưng không uống. Marie tiếp-tục ca-tụng Nhất nhưng thấy lão không lộ vẻ thích-thú nữa, cô đành ra về.

*
***

     Phong-trào bạo-động bắt đầu nổi lên. Ba cộng-sự viên đắc-lực của Nhất là Marie, Phúc, và Dũng thì Phúc và Dũng đã chết, còn Marie bị đạn bắn vào bụng. Lão Nhất mở cuộc họp khẩn-cấp để chuẩn-bị kế-hoạch đối phó với những phong-trào bạo-động trên.

     Hôm đó, trong phòng hội của một khách-sạn lớn ở Hà-Nội, khi mọi người đang nghe Nhất thuyết-trình thì bỗng dưng bom nổ. Khói bay mù-mịt.

     Nhất sợ-hãi. Mồ-hôi lão vã ra như tắm. Nhờ hai võ quan ngồi bên cạnh lão lịch-sự đứng dậy đỡ ly rượu trên tay của anh hầu bàn người Việt nên vô tình đã làm bia che-chở cho Lão. Dẫu vậy, Nhất vẫn bị thương nặng và cần điều-trị. Hai người võ quan nằm chết trên sàn nhà, bên cạnh họ là xác của anh hầu bàn, máu-me lênh-láng. Vì mang bom trong người nên thân-thể và mặt-mày anh nát bấy. Mật-thám không nhận diện được anh là ai. Chỉ thấy tóc anh trắng nên gọi là người đầu trắng.

*
***

     Marie ôm gói quà vào nhà thương thăm Nhất. Dù chưa bình-phục nhưng thấy Marie đến, lão gượng ngồi dậy. Marie nhanh-nhẹn đẩy lão nằm xuống giường:
   - Đại quan nằm nghỉ cho khỏe.
      Nhất không chịu. Lão lại gượng ngồi lên lần nữa nhưng lại bị Marie đẩy xuống:
   - Đại quan cứ nghỉ cho khỏe. Tôi đến thăm đại quan một chút rồi có việc phải đi ngay.
   - Đi đâu?
   - Lên núi Thánh.
   - Để làm gì? Chúng ta đã càn quét cả núi rừng ở đó rồi mà.
     Nhất cau mày, sự sợ-hãi hiện rõ trên nét mặt:
   - Hay là... ngươi....
   - Phải. Thưa đại quan, chính tôi là người đã tiết-lộ những bí-mật của đại quan cho anh chị em trong đảng biết.
   - Thì ra... thì ra... Phúc chết, Dũng chết, còn ngươi chỉ bị thương ở bụng...
   - Vâng, thưa đại quan, vì công cuộc, tôi buộc phải hy-sinh danh-dự để đóng vai một kẻ bán nước cầu vinh mà làm việc cho đại quan. Anh chị em chúng tôi còn hy-sinh được thân mình để cho đại quan bắt, đánh-đập tra-tấn, và đôi khi còn bị đại quan giết đi thì huống chi tôi chỉ phải chịu có một viên đạn bắn xuyên qua bụng. Một viên hay mười viên, hoặc nhỡ tôi có chết vì đại cuộc tôi vẫn vui lòng.
   - Hay! Hay! Khí-khái thay!
   - Đại quan đã đặt được hệ-thống phản-gián trong những đảng cách-mạng của chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể...
   - Thôi. Ngươi đừng nói nữa. Ta đã hiểu.
      Marie cúi xuống, đôi bàn tay mềm-yếu ngày nào bỗng rắn-chắc và mạnh-mẽ, biểu-lộ dấu-chỉ của người luyện võ, cô bóp cổ lão Nhất:
   - Xin đại quan thông-cảm cho. Ngài vì quốc-gia của Ngài mà giết anh chị em chúng tôi. Tôi cũng vì quốc-gia của tôi mà bắt buộc phải giết ngài. Ông Lộc bảo nếu có thể thì tha...
      Nhất càng vùng-vẫy, Marie càng siết chặt. Bỗng một tiếng súng nổ lên. Marie ôm ngực, máu chảy lênh-láng. Marie ngã chúi xuống. Lão Nhất vội ngồi nhỏm dậy. Lão chỉa súng vào người Marie và kéo mái tóc của cô ra.  Một gương mặt nửa như xa lạ, nửa như quen thuộc hiện ra trước mắt lão:
   - Hừ! Cô là… Ngươi là…Lương... Ngọc... Châu? Người thứ 14 đã trốn thoát trong lần xử-quyết ở Yên Bái…?

     Lương Ngọc-Châu không còn khí-lực để trả lời nhưng tai cô nghe tiếng cười ha-hả đắc thắng của Nhất và những tiếng chân người đang chạy sùng-sục tới phòng. Rồi tiếng cười nhỏ dần, tiếng chân nhỏ dần, cô gắng sức mình, cố kéo dài mạng sống.... Khoảng một vài giây đồng hồ sau, cô nghe một tiếng nổ ầm thật lớn. Cô không còn biết gì nữa. Cô chết nhưng trên môi nở một nụ cười.

     Lão Nhất nằm bất động. Lần này lão chết thiệt. Chết khi men chiến-thắng đang cháy rực trong tim lão. Lão chết vì quả bom nổ chậm được giấu trong gói quà.

*
***

     Mùa Thu năm ấy, mọi người trong nước, từ già đến trẻ, trai đến gái, đều xả thân mình để chiến-đấu cho quê-hương. Trước sức mạnh này, thực-dân đã phải nhượng-bộ và trả lại chủ-quyền cho người Việt.

     Quán nước cô Thu rộn-ràng tiếng cười nói của anh chị em cách-mạng. Họ mừng ngày quê-hương thoát khỏi ách thống-trị của ngoại-bang. Không một ai thấy vợ chồng anh Lộc đâu.

     Cô Cúc lặng-lẽ rời bỏ anh chị em trong đảng. Cô lủi-thủi đi về hướng cánh đồng vắng. Cô bước những bước thẫn-thờ. Cô nhớ lại ngày thực-dân hành-quyết bố cô ở Thái-Nguyên, phút giây mẹ cô lẳng-lặng nuốt yếm quyên-sinh để cô yên-tâm nối gót con đường cách-mạng của chồng bà, lúc gặp-gỡ Hoàng lần đầu tiên ở nhà cô Thu, lúc chia tay Hoàng lần cuối trong căn hầm bí-mật, những lời tỏ-tình của hai người, những ánh mắt mừng-rỡ lúc hội-ngộ, những cái siết tay không muốn rời lúc phân-ly...

     Cô Cúc dừng lại ở một cây đa to lớn. Cô thò tay vào yếm và lấy ra một mẩu báo đã nhầu nát mà đã bao lần cô cố vuốt cho thẳng lại. Cô Cúc ghì chặt tấm hình vào tim mình, nước mắt cô giàn-giụa.

Ngục-Thu-Yên