"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

Khát Vọng

   Bà Tâm đã lớn tuổi. Thế mà mười năm trước, vì thương đứa con trai út nên bà đã vượt biển sang đoàn-tụ với con. Lúc đầu, vì vui cảnh xum-họp nên bà không thấy cô-đơn, lạc-lõng. Nhưng vài ba năm sau, cái cảm-giác cô-đơn và lạc-lõng ấy cứ ám-ảnh mãi trong tâm-tưởng. Bà Tâm như một cái bóng lởn-vởn trong nhà. Bà bị bỏ rơi trong những sinh-hoạt thường-nhật của con cháu.

   Bà Tâm lần bước đến bên cửa. Bà nhìn ra ngoài. Cánh đồng xanh biếc ngày nào nay tuyết đã phủ trắng xóa. Những cành cây khẳng-khiu run-rẩy trong gió đông. Hơi lạnh xuyên qua kiếng làm bà rùng mình. Bà vội-vã kéo cái màn gió xuống rồi đến ngồi co-ro bên máy sưởi chạy bằng dầu hỏa. Bà không hiểu vì sao con bà lại chọn cái thành-phố Philadelphia ở miền Đông Bắc nước Mỹ mà sống. Nó vừa lạnh, vừa thiếu bóng dáng đồng-hương. Bao lần bà bảo con dọn về New Orleans vì ở đó không những ấm-áp mà còn có làng Việt-Nam. Thế nhưng con cháu bà không chịu, chúng nằng-nặc đòi ở vùng ngoại-ô Philadelphia. Chúng bảo bà ở đâu càng có đông người Việt, ở đó càng có nhiều chuyệc rắc-rối xảy ra. Bà không đồng-ý nhưng không thể bắt con cháu làm theo ý mình. Vả lại, đã chắc gì chúng nghe lời bà khi bà chỉ như là một cái bóng trong nhà.

   Bà Tâm khóc tấm-tức. Bà tủi-thân. Hôm qua, hai bà cháu nói chuyện nhưng chẳng ai hiểu ai. Ngay cả cái tên Mike của đứa cháu đích-tôn mà bà gọi còn không đúng. Bà cứ một Mai, hai Cờ làm thằng cháu chẳng biết có phải bà gọi nó không. Người con trai của bà thuở trước làm nghề đánh cá. Khi sang đây, có dịp học sửa máy lạnh. Vừa có công ăn việc làm đã vội vênh-váo là kỹ-sư này nọ. Ngày còn ở Việt-Nam, bà nghe tin con học-hành thành-tài nên mừng cho nó. Đến khi mẹ con đoàn-tụ bà mới chưng-hửng. Dầu sao, đối với bà nghề nào cũng cao, cũng quý, miễn là đừng làm nghề ăn trộm. Đồng tiền mang về phải xứng-đáng với công sức mình bỏ ra. Còn người con dâu yêu-quý của bà ngày nào cắp rổ đi buôn rỗi mà bây giờ đã trở-thành cán-sự điện-tử. Cái tên Thùy dễ-thương không còn nữa. Nó đã được thay thế bằng cái tên Trizze mà bà Tâm không tài nào phát-âm được. Thật ra, con dâu bà đâu tài giỏi thế. Cô chỉ biết hàn và ráp nối dây điện. Bà Tâm tủi-thân khóc vì con cháu bà học đòi làm trí-thức. Chưa thành-tài đã vội-vàng gột-rửa cái gốc-gác quê-mùa của mình.

   Chín, mười năm ở Mỹ, bà Tâm chỉ có một khát-vọng duy-nhất là về Versailles ở. Bà cần những người dân quê như bà để nương-tựa lẫn nhau. Bà cần làng, cần xóm. Làng-xóm là một cái gì linh-thiêng ràng buộc con người lại. Con cháu bà muốn tách-rời khỏi làng-xóm, đó là quyền của chúng. Bà chẳng thể cản-ngăn. Nhưng phần bà, bà không thể tách-rời khỏi xóm-làng. Từ nhỏ, bà đã sống trong lũy tre xanh, bà đã được bao-bọc bởi những con sông nhỏ hiền-hòa. Bà Tâm để dành được một ít tiền và dự-định sẽ về Versailles một chuyến. Mấy năm nay bà nghe nói hội chợ tết ở đó vui lắm. Nào là thi-đua trèo cột mỡ, đu dây, chèo thuyền. Nào là đánh phết... Từ ngày di-cư vào Nam, những trò chơi ngày Tết này chỉ còn trong tâm-tưởng, hay trong câu chuyện của mấy bạn già với nhau. Bà Tâm háo-hức đợi chờ ngày Tết đến. Bà điện-thoại cho mấy người quen cũ ở Versailles, hẹn ngày xuống thăm. Bà quên mất bà đã lớn tuổi. Bà hớn-hở như sắp được dự cuộc chơi.

   Bà Tâm cảm thấy lạnh. Bà điều-chỉnh máy sưởi cho ngọn lửa cháy cao hơn. Bà lấy vạt áo lau những giọt nước mắt đang lăn trên gò má nhăn-nhiu. Tết qua rồi mà con bà chưa lấy được vé máy bay. Tiền cũng chẳng trả lại. Bà không tiếc tiền nhưng bà tiếc giấc mơ của một người có tuổi đã bị con cháu làm vỡ tan. Con trai bà đã dùng số tiền đó, cùng vợ đi casino ở Atlantic làm một màn may-rủi, và đã ra về trắng tay.

***

   Ra khỏi tiệm vàng Kim-Thành, bà Tâm cẩn-thận nhìn quanh xem có ai để ý đến mình. Thấy có vẻ an-toàn bà mới nhập vào giòng người trên đường phố. Bà vừa đi, vừa lo. Một tay chống gậy, một tay bà giữ chặt túi áo. Mãi đến khi tới Văn-Phòng Công-Ty Du-Lịch Hoài-Hương bà mới yên-tâm. Bà mở cửa và vội bước vào.

   Bà Tâm đã quyết-định về Việt-Nam ở. Để có tiền mua vé, bà đã đem bán hết những kỷ-vật yêu-quý của đời bà: Cái kiềng vàng mẹ bà cho làm của hồi-môn, sợi dây chuyền mẹ chồng cho trong ngày cưới, đôi bông tai chồng bà mua cho bà ngày lưới được mùa... Tổng-cộng được hơn hai ngàn. Bà độ tiền vé chừng một ngàn rưỡi. Như vậy, bà còn khoảng năm trăm đồng để đem về Việt-Nam. Việc đầu tiên bà sẽ làm là ra Bắc tìm và sửa-sang lại mộ-phần bố mẹ. Còn bao nhiêu, bà mua cho gia-đình mỗi đứa cháu một con trâu. Rồi bà sẽ trở lại miền Nam, sống những ngày cuối cùng của cuộc đời. Bà ao-ước sau khi mất, bà sẽ được nằm bên cạnh chồng.

   Ước-mơ của bà Tâm chỉ đơn-giản như thế. Bà không còn tin-tưởng thằng con. Thế nên, bà phải lặn-lội thân già bắt xe xuống phố, đích-thân bán đi những kỷ-vật thân-yêu, và chính tay bà cầm tiền đi mua vé máy bay.

   Thấy bà Tâm vào, nhân-viên văn-phòng niềm-nở đón chào:
    - Mời Cụ ngồi. Thưa Cụ, Cụ muốn tham quan Việt-Nam, ạ?
    Bà Tâm lắc đầu:
    - Cô nói gì tôi không hiểu. Tham quan, tham tướng gì?
    - Ý cháu muốn hỏi là Cụ muốn đi du-lịch?
    - Không. Tôi già rồi còn hơi sức đâu mà du với lịch. Tôi chỉ muốn về ở luôn thôi. Cô bán cho tôi cái vé một chiều.
    - Cụ không đùa chứ? Ở đây sung-sướng và đầy-đủ tiện-nghi như thế mà Cụ đòi về Việt-Nam? Hay là Cụ có chuyện buồn trong lòng?
    Hỏi cho có lệ, hỏi vì nghề-nghiệp phải hỏi nên không đợi bà Tâm trả lời, nhân-viên văn-phòng đã tiếp:
    - Thưa Cụ, không được đâu, ạ. Nếu Cụ mua vé một chiều, người ta sẽ biết ngay ý định của Cụ. Và do đó, rất khó xin được giấy thông-hành. Cháu biết nhiều người cũng lấy lý-do đi tham quan... A, đi du-lịch rồi ở lại luôn. Nhưng những người đó đều mua vé khứ-hồi nên chính-phủ không biết. Cứ ngỡ họ đi.... du-lịch thiệt. Vả lại, mua vé khứ-hồi có lợi cho Cụ hơn. Cụ vừa tiết-kiệm được tiền, vừa có sẵn vé máy bay trong tay. Nếu Cụ muốn trở về đây thăm con cháu, Cụ không còn phải lo-lắng gì nữa cả.
    Bà Tâm đã quyết-định ở lại nên đâu còn tha-thiết đến chuyện trở về Mỹ thăm con cháu. Nhưng vì nghe nói vé khứ-hồi rẻ hơn nên mắt bà sáng lên. Bà mừng quá. Như vậy là bà có thể đem về thêm được một ít tiền. Bà nghe nói đồng đô la ở nhà rất có giá. Con cháu bà ở ngoài Bắc đang đói khổ. Bà tiết-kiệm được xu nào hay xu ấy. Trâu chỉ có thể giúp cày bừa. Phải có cái gì cho con cháu chúng nó ăn uống nữa chứ. Nghĩ thế, bà hỏi:
    - Nếu tôi mua vé khứ-hồi thì sẽ tiết-kiệm được bao nhiêu?
    Nhân-viên văn-phòng lẩm-nhẩm tính:
    - Cả gần tám trăm đó, Cụ.
    Bà Tâm mừng-rỡ:
    - Nếu thế thì cô làm ơn bán cho tôi cái vé khứ-hồi.

   Bà Tâm mân-mê túi tiền. Bà tính nhẩm trong đầu và bất chợt mỉm cười sung-sướng. Chín, mười năm ở Mỹ, đây là lần đầu tiên bà có nụ cười tươi vui nở trên khuôn mặt già nua của mình. Bà lần từng đốt ngón tay. Con cháu bà đông mà bà chỉ đủ tiền để mua cho mỗi gia-đình một con trâu. Bây giờ, mua vé khứ hồi tiết-kiêm được cả gần tám trăm. Bà có thể xây mộ-phần của bố mẹ lớn hơn một chút, sửa-sang lại ngôi mộ của chồng, và dọn sẵn cho mình một chỗ nằm bên người bạn đời. Với số tiền tiết-kiệm này, bà còn có thể mua cho gia-đình mỗi đứa cháu thêm một con trâu nữa. Phải có con này, con kia tiếp sức nhau thì cày-bừa mới chóng mà trâu mới được khỏe. Bà vẫn biết thế. Bà Tâm say-sưa trong giấc mộng. Trên môi bà, nụ cười vui của một người có tuổi nở tươi.
    - Thưa Cụ, tổng-cộng tất cả là hai ngàn mốt, ạ.
    - Bao nhiêu?
    Bà Tâm hoảng-hốt. Bà ngỡ mình nghe lầm:
    - Bao nhiêu? Cô nói bao nhiêu?
    - Thưa Cụ, tổng-cộng tiền vé máy bay và chi-phí cho dịch-vụ là hai ngàn mốt, ạ.
    Bà Tâm không tin:
    - Cô tính làm sao mà nhiều thế! Chẳng lẽ chi-phí cho dịch-vụ văn-phòng lại cao hơn tiền vé máy bay sao?
    - Thưa Cụ, chi-phí cho dịch-vụ chỉ có ba trăm đồng thôi. Cộng với tiền vé máy bay là một ngàn tám nữa. Vị chi là hai ngàn mốt.
    - Lúc nãy tôi nghe cô nói nếu mua vé khứ-hồi thì có thể tiết-kiệm cả gần ngàn bạc cơ mà?
    Nhân-viên văn-phòng mỉm cười:
    - Thưa Cụ, đúng thế. Để cháu cắt-nghĩa Cụ nghe. Năm nay, người Việt mình về quê ăn tết đông lắm. Họ đã mua vé cả bốn, năm tháng trước nên bây giờ không còn bao nhiêu vé nữa. Hãng hàng-không ở đây biết người Việt nặng tình quê-hương nên dù vé máy bay có mắc đến đâu cũng mua mà về. Vì thế, đang từ một ngàn rưỡi, họ tăng lên một ngàn tám. Cụ lại muốn về trong dịp này nên văn-phòng chúng cháu phải trả trước cho hãng hàng-không một trăm đồng. Gọi là giữ chỗ. Khi có người nào đó vì lý-do gì không về Việt-Nam nữa, hãng hàng-không sẽ ưu-tiên cho Cụ. Hai trăm kia là chi-phí cho những dịch-vụ linh-tinh khác như visa, huê-hồng cho công-ty...
    Bà Tâm chưng-hửng:
    - Cô nói thế cũng phải. Nhưng tôi có thấy tiết-kiệm được đồng nào đâu. Xin cô làm ơn bán cho tôi cái vé một chiều thôi.
    Nhân-viên văn-phòng nhìn bà Tâm, ánh mắt cô lộ vẻ thương-xót:
    - Thưa Cụ, quả thật Cụ tiết-kiệm được gần tám trăm đồng cơ đấy. Để cháu đưa Cụ xem cái output của máy điện toán. Đây, thưa Cụ, nếu mua vé một chiều giá sẽ là một ngàn sáu. Tiền lệ-phí làm giấy tờ lại cao hơn cho loại vé khứ-hồi. Vả lại, thưa Cụ, bây giờ không còn vé một chiều nữa. Cụ muốn đi ngay thì bắt buộc phải mua vé khứ-hồi thôi.
    Bà Tâm buồn quá nên không chú tâm đến lời cắt-nghĩa của nhân-viên văn-phòng xem có hợp-lý hay không. Vả lại, bà nghe nhầm hai chữ output thành Ông Bụt nên cũng chẳng thắc-mắc đến chuyện mắc rẻ nữa. Nhân-viên văn-phòng đã đưa Ông Bụt ra mà nói thì còn điều gì khiến bà phải nghi-ngờ. Nụ cười của một người có tuổi đã tắt trên môi tự bao giờ. Bà trả lời những câu hỏi như một cái máy. Bà ngồi như một bức tượng khi nhân-viên văn-phòng chụp hình làm giấy thông-hành cho bà.

   Sau khi in vé và làm xong giấy tờ cần-thiết , nhân-viên văn-phòng ân-cần hỏi-han:
    - Thưa Cụ, cụ có thân-nhân gì ở đây không, ạ?
    Bà Tâm định trả lời là có nhưng vì đang buồn con nên bà lặng thinh. Nhân-viên văn-phòng ngỡ bà không có thân-nhân nên nói:
    - Thưa Cụ, ngoài dịch-vụ bán vé máy bay đi du-lịch, văn-phòng của chúng cháu còn đảm-nhận nhiều dịch-vụ khác nữa. Một trong những dịch-vụ đó là đại-diện cho người có tuổi đi du-lịch ở nước ngoài.
    Bà Tâm ngạc-nhiên:
    - Du-lịch mà còn cần người đại-diện nữa sao?
    - Có chứ, thưa Cụ. Để cháu trình-bày hơn thiệt cho Cụ nghe.
    Chẳng đợi bà Tâm có đồng-ý hay không, nhân-viên văn-phòng đã tiếp:
    - Chúng cháu biết nhiều người có tuổi như Cụ không mấy thích-hợp với đời sống bên này. Do đó, khi có phong-trào... du-lịch Việt-Nam, họ liền lấy cớ đi du-lịch để về nước ở luôn. Vì tình đồng-hương, vì bổn-phận của kẻ làm con, làm cháu, chúng cháu thấy có trách-nhiệm với những người có tuổi như Cụ. Cụ thử nghĩ xem, về nước rồi Cụ sẽ làm gì để sống. Trong khi đó, số tiền già hàng tháng mà chính-phủ cấp-dưỡng cho Cụ sẽ bị cúp đi. Thật là uổng quá! Do đó, văn-phòng chúng cháu mới đảm-trách dịch-vụ làm đại-diện cho những người có tuổi đi du-lịch lâu như Cụ. Cụ chỉ cần ký giấy ủy-quyền cho văn-phòng chúng cháu. Hàng tháng chúng cháu sẽ đại-diện Cụ mà lãnh số tiền già đó. Chúng cháu chỉ xin hai mươi lăm phần trăm, phần còn lại là của Cụ hết. Nhân-viên của công-ty chúng cháu ở Việt-Nam sẽ đến nhà giao tận tay cho Cụ. Như vậy, tháng nào Cụ cũng có tiền để sống. Không những khỏi phải nhờ đến con cháu mà Cụ lại còn có thể giúp-đỡ chúng nữa.

   Bà Tâm như ngọn cỏ khô được tắm mưa. Bà tươi-tỉnh hẳn lên. Giấc mơ xây lại mộ-phần cho bố mẹ, tậu thêm một con trâu cho mỗi đứa cháu sống lại trong bà. Bà cảm-động nhìn nhân-viên văn-phòng. Đôi mắt bà rớm lệ:
    - Cô thật có đức. Cô biết nghĩ đến những người có tuổi như chúng tôi. Tôi cầu mong Trời Phật luôn phù-hộ cho cô...
    Nhân-viên văn-phòng đưa tờ đơn đã đánh máy sẵn và bảo bà ký vào:
    - Xin Cụ đừng nói thế. Đó chỉ vì tình đồng-hương, vì bổn-phận của con cháu mà thôi...
    Bà Tâm móc hết tiền trong túi, khoảng hơn hai trăm đồng, bà đưa cả cho nhân-viên văn-phòng:
    - Nhờ cô giữ giùm cho tôi. Gần ngày về Việt-Nam tôi sẽ đến lấy cái ví da và xin lại số tiền này. Thời buổi bây giờ trộm cắp nhiều, tôi mang nó trong người không tiện.
    - Xin Cụ an-tâm. Cháu sẽ giao lại cho Cụ đầy-đủ.
    Bà Tâm thành-thật:
    - Tôi già lại lẩm-cẩm nên nãy giờ quên hỏi tên họ cô. Cô cho tôi biết để tôi...
    - Thưa Cụ, cháu tên là Christine Nguyễn, ạ.
    - Thủy-Tiên, hở? Ồ, cái tên thật đẹp và thật cao-quý! Y như con người của cô vậy.

***

   Ngồi trên máy bay mà bà Tâm như sợ ai lấy mất hai trăm bạc của bà. Tay bà lúc nào cũng giữ chặt lấy cái túi áo. Bà lo-âu cũng phải vì đó là gia-tài duy nhất của bà đem từ Mỹ về. Hai trăm bạc làm sao đủ để bà xây lại mộ-phần bố mẹ, sửa-sang ngôi mộ của chồng, và tậu cho gia-đình mỗi đứa cháu một con trâu? Mộ-phần của bà không cần thiết phải xây nữa, được nằm bên cạnh chồng là bà mãn-nguyện rồi.

   Ngày đến lấy visa, bà Tâm yêu-cầu Công-Ty Du-Lịch Hoài-Hương đừng làm đại-diện cho bà nữa. Bà không muốn nhận số tiền hàng tháng của chính-phủ vì bà cảm-thấy như có một cái gì không phải. Christine Nguyễn gật đầu chấp-nhận lời yêu-cầu của bà. Khi bà Tâm xin lại số tiền bà gởi ngày trước, Christine Nguyễn chỉ đưa bà hai trăm và giữ lại số tiền lẻ, bảo đó là lệ-phí phải trả cho văn-phòng. Bà Tâm khóc-lóc kể ước-mơ của mình nhưng Christine Nguyễn như không nghe thấy, chỉ chúc bà đi đường bằng-an.

   Khi Bà Tâm đi rồi, Christine Nguyễn mở chồng hồ-sơ của bà ra, lấy tờ đơn ủy-quyền, và cẩn-thận bỏ vào ngăn tủ.

Ngục-Thu-Yên