"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

Mùi Mắm

   Ánh nắng ban mai len qua mành cửa và dọi vào mắt bà Năm làm bà tỉnh dậy.  Bà hớt-hải nhìn đồng hồ.  Đã gần 8 giờ sáng.  Sắp đến giờ vợ chồng cậu con trai lớn của bà đi làm.  Bà bước vội xuống giường và xỏ chân vào đôi guốc gỗ mà đứa con gái út của bà ở Việt-Nam mới gởi qua vào dịp tết năm vừa rồi.  Bà lật-đật đi xuống bếp sửa-soạn bữa ăn sáng cho vợ chồng cậu con trai lớn.  Nhìn bà trong bộ bà ba bằng vải thâm với đôi guốc gỗ mộc-mạc trong một căn nhà nguy-nga tráng-lệ như thế này mới thấy bà lạc-lõng làm sao!  Vợ chồng cậu con trai lớn của bà vẫn thường than-phiền về lối ăn-mặc của bà mỗi khi có khách tới nhà.  Hai vợ chồng sắm cho bà thật nhiều quần áo và giầy dép sang-trọng mà bà chẳng bao giờ dùng tới.

   Bà Năm qua Mỹ năm 1975.  Với hai bàn tay trắng, khả-năng học-vấn không có, chỉ sống nhờ vào trợ-cấp của chính-phủ mà bà vẫn dành-dụm được ít tiền để thỉnh-thoảng gởi về cho chồng con ở quê nhà, và ba người con của bà bên này ai cũng học-hành thành-tài.  Bà bây giờ không còn nhờ vào tiền trợ-cấp nữa.  Bà cũng chẳng phải làm lụng thêm gì.  Con cái bà đã có công ăn, việc làm, và đủ khả-năng để nuôi bà.  Cậu con trai lớn của bà làm bác-sĩ, lấy vợ Mỹ, vợ cậu cũng là bác-sĩ.  Cô con gái thứ hai làm giám-đốc ngân-hàng.  Còn cậu út nay cũng đã là chuyên-viên điện-tử.  So với anh chị thì cậu còn kém xa, nhưng so với nhiều người khác thì kể cậu cũng là khá lắm rồi.  Người quen của bà bảo bà có phúc.  Bà cũng cho là như vậy nhưng sao bà vẫn cảm thấy như thiếu-thốn một cái gì.  Nhất là những lần bà đến ở với vợ chồng cậu con trai lớn.

   Không phải đi làm, bà Năm thường đi thăm con luôn.  Lúc thì ở California với con gái, khi thì Colorado thăm thằng út, có lúc lại đến Pennsylvania với vợ chồng cậu con trai lớn.  Ở với đứa này lâu hơn đứa kia một chút là bị phàn-nàn, cho là bà thương đứa nọ hơn đứa kia.  Thật ra, đứa nào bà cũng thương như nhau nhưng bà lại thích ở với cậu con trai út hơn.  Ở với cậu con trai lớn, bà không nói được tiếng Anh, chẳng lẽ mẹ chồng con dâu cứ nhìn nhau mà cười mãi sao.  Đấy là chưa kể đến những phiền-toái khác mà nhiều khi bà cho là chướng tai, gai mắt.  Chẳng hạn như vợ chồng cậu con trai của bà âu-yếm nhau trước mặt bà, xem những phim-ảnh thiếu thuần-phong mỹ-tục, hay hạn-chế việc nấu-nướng vì sợ hôi nhà, hôi cửa.  Ở với cô con gái thì bà lại có cái khó-khăn khác.    Con của bà đã mất đi những nét yểu-điệu, nhu-mì của người con gái Việt-Nam, mà thay vào đó là một người con gái ngoại-quốc, y hệt như cô con dâu của bà.  Bà không thích con gái của bà có những hành-động quá cởi-mở và quyết-định công việc như một người đàn ông.  Bà đâu biết nếu con bà không nhanh và giao-thiệp với người thì dẫu có giỏi-dang chăng nữa cũng đâu lên được cái ghế giám-đốc dễ-dàng như vậy.  Bà chỉ thích ở với cậu con trai út.  Bà nói gì cậu cũng nghe.  Bà mặc gì cũng được, ăn gì, nấu gì trong nhà cậu cũng chẳng sao.  Không hiểu vì cậu không để ý đến hay là vì cậu có một nếp sống giống như mẹ của cậu.  

   Sau khi ở với đứa con gái hơn một tháng, và cậu con trai lớn ngót ba tuần nay, bà muốn về nhà đứa con trai út của bà khôn tả.  Không phải vì nhớ con, mà vì bà đang thèm nước mắm.  Bỗng dưng mà bà thèm lạ thường.  Bà nuốt nước miếng ừng-ực.  Hôm qua, bà có ngỏ ý với vợ chồng cậu con trai lớn để bà đi chợ mua một ít nước mắm đem về ăn. Cậu con trai nhìn vợ, cô con dâu Mỹ giả-vờ như không nghe, lơ-đãng quay mặt ra ngoài đường.  Bà hậm-hực trong lòng cứ đòi về Colorado nhưng vợ chồng con bà không mua vé cho bà về.

   Khi bà Năm xuống đến bếp thì vợ chồng cậu con trai lớn của bà cũng  vừa xong bữa ăn sáng.  Cô con dâu thì nghĩ mẹ chồng buồn nên đến vuốt-ve, hỏi-han bà, cười cười, nói nói, pha cà-phê cho bà uống.  Cậu con trai thì gương mặt lầm-lì, khó xử.  Còn bà Năm thì lại cho rằng con và dâu giận bà nên không để cho bà sửa-soạn bữa ăn sáng như mọi hôm.  Bầu không-khí trong nhà bỗng dưng ngột-ngạt dẫu tiếng cười của cô con dâu Mỹ vẫn dòn tan sau mỗi câu nói.

   8 giờ 30 sáng, hai vợ chồng cậu con trai của bà đi làm, để lại bà lạc-lõng trong căn nhà rộng thênh-thang, nguy-nga, tráng-lệ, với cơn thèm nước mắm đang dâng lên tới tận cổ của bà.  Bà gọi điện-thoại cho cậu con trai út bảo qua đón bà về nhưng vì cậu đang phải làm một vài chuyện quan-trọng cho hãng, cậu chưa thể qua đón bà được.  Bà uể-oải, thẫn-thờ ngồi phệt xuống bộ sa-lông.  Bà nhớ lại những ngày mới qua Mỹ, bà vẫn thường dẫn ba đứa con của bà đi chợ.  Có lần bà mua thật nhiều thức ăn, bà phải chia cho mỗi đứa xách một ít.  Trên chuyến xe ô-tô-buýt chật ních những người từ chợ Ý về trung-tâm thành-phố Philadelphia, đứa con út của bà vô-tình làm rớt chai nước mắm xuống sàn xe và nước mắm chảy ra, hành-khách xì-xào khó chịu.  Cậu con trai lớn của bà mắc-cở và không muốn nói đến nước mắm từ đó.  Nhưng bà, bà không thể quên nước mắm được.  Cuộc đời của bà đã gắn liền với nước mắm từ ngày bà sinh ra cho đến khi bà rời bỏ quê-hương dắt con chạy qua Mỹ.  Trong ý-nghĩ đơn-sơ của bà, nước mắm là quốc hồn quốc túy, là một cái gì rất linh-thiêng và quan-trọng như hơi thở của đời người.  Mới thiếu nước mắm gần hai tháng mà bà đã nhớ quay-quắt, cơ-hồ muốn phát điên lên được.

   Bà Năm đã quyết-định.  Bà phải đi chợ mua một ít nước mắm, vật dụng, và những gia-vị cần-thiết để nấu canh chua và cá kho tộ.  Bà nghĩ vợ chồng con bà sẽ thích và sẽ thay-đổi quan-niệm của chúng về nước mắm sau bữa cơm chiều nay.  Cậu con trai của bà thuở xưa vẫn thường thích cơm canh chua và cá kho tộ.  Từ ngày cậu lập gia-đình đến giờ, cậu ít có dịp được ăn món ăn Việt-Nam ngoại trừ những khi bà đến ở với cậu.  Còn cô con dâu của bà, bà nghĩ cô ta rồi cũng thích thôi.  Mấy năm trước cô đã chẳng từng cho ăn tiết canh vịt là thiếu vệ-sinh đó sao.  Thế mà sau một lần nhắm mắt nhắm mũi ăn thử một miếng ở nhà cậu con trai út của bà cô bỗng mê món ăn này.  Vì nghĩ như thế nên bà mạnh-dạn hơn với quyết-định của mình.  Vả lại, bà cho rằng người ta chê nước mắm là do ở thành-kiến mà thôi.  Bởi vì nếu quả không thích nước mắm thì tại sao cậu con trai lớn của bà lại ưa món cá kho tộ, và cô con dâu của bà lại thích món tiết canh vịt.

   Bà Năm lên nhà, chải sơ lại mái tóc.  Hơn 17 năm trời ở Mỹ, thương chồng, nhớ con, thương làng, nhớ xóm đã làm bà già trước tuổi.  Da mặt bà nhăn-nheo, đầu tóc bà trắng xóa.  Bà ao-ước có dịp về thăm quê nhà, rồi ở luôn lại đó với chồng con.  Bên này, tuy no-ấm nhưng sao tâm-hồn bà giá lạnh.  Mẹ con dầu có thương nhau nhưng không được gần-gũi nhau như ở quê nhà.  Đôi lần bà có cảm-tưởng như các con bà không còn cần bà nữa.  Bà đâu biết rằng đó là tinh-thần tự-lập mà chúng đã học được từ xã-hội này.  Các con bà vẫn thương-yêu bà nhưng cách-thức biểu-lộ tình-yêu của chúng không giống với sự mong-đợi của bà đó thôi.  Những món quà, những bó hoa trong những dịp lễ như Giáng-Sinh hay ngày của mẹ đối với bà sao nó máy-móc quá, không thực-tế chút nào.  Bà mong-đợi một cách-thức tỏ-bày tình-yêu khác hơn.  Như gần-gũi bà, đấm lưng, bóp vai bà trong những đêm trời trở gió.  Không phải những cái đấm lưng, bóp vai làm bà cảm thấy bớt nhức-mỏi mà chính là ở sự thân-mật của mẹ con.  Bà Năm rất muốn về Việt-Nam.  Bà nhớ xóm dân chài và thành-phố nổi tiếng về nước mắm của bà, nhớ những ngày mưa to bão lớn chồng bà đi biển chưa kịp về, những khi bà vất-vả muối cá...  Bà nhớ nhiều lắm.  Nhớ những cái mộc-mạc và tầm-thường mà nhiều người không muốn nhắc tới vì sợ bị chê là quê-mùa.  Những cái nhớ đó bà không thể nào kiếm được ở bên này...  ngoại trừ nước mắm.  Thế cho nên, hễ mỗi lần có dịp đi chợ là bà mua nước mắm.  Bà lựa toàn nước mắm Phú-Quốc, sản-phẩm quê-hương của bà, dù bà biết rằng đó là những chai nước mắm giả hiệu.  Nước mắm Phú-Quốc của bà phải ngon tuyệt chứ đâu có nhạt-nhẽo như những chai nước mắm Thái-Lan này.  Biết vậy mà bà vẫn tự đánh lừa mình.  Bà say-sưa nhìn chúng, nâng-niu chúng, thưởng-thức chúng như chúng chính là những giọt nước mắm Phú-Quốc chính hiệu.  Những lần như thế, bà cảm-thấy tâm-hồn bà ấm-áp như đang được sống ở xóm dân chài của bà.  

   Từ thành phố Doylestown đến Philadelphia khá xa, bà Năm phải vất-vả cả gần một ngày trời, thay bốn lần xe ô-tô-buýt, 2 lần xe điện ngầm, mới đi chợ về đến nhà.  Bà hí-hửng, loay-hoay, và chẳng mấy chốc đã sửa-soạn xong bữa ăn chiều.  Thật ra thì bà có phải làm gì đâu.  Nấu cơm thì đã có nồi điện.  Cá thì người ta đã làm sạch-sẽ và sẵn-sàng cho bà rồi.  Bà chỉ lo phần gia-vị mà thôi.  Bà tắt lửa nồi canh chua, để lửa liu-riu cho nồi cá kho tộ.  Bà làm thêm chén mắm ớt nữa rồi chuẩn bị món ăn riêng cho bà.  Đó là món mắm kho ngào.  Những lần nói chuyện với ai đó bà vẫn thường đề-cập đến mắm kho ngào và cà pháo.  Đối với bà, đó là hai món ăn mang nặng màu sắc dân-tộc nhất của người Việt-Nam.  Cà pháo thì phải ăn với cơm nguội, còn mắm kho ngào thì phải ăn với cơm sốt mới thấy được cái ngon của chúng.  

   Bà Năm chọn một cái nồi vừa đủ lớn để nấu món mắm kho ngào của bà.  Bà đổ cả hai chai nước mắm Phú-Quốc giả hiệu vào đó, chế thêm một ít đường rồi quấy cho thật đềụ  Thế là xong phần chuẩn-bị cho món mắm kho ngào.  Bà Năm tiếc là không có mắm nhỉ ở đây.  Mắm kho ngào thì phải nấu bằng mắm nhỉ mới ngon chứ nấu những loại mắm khác chỉ uổng công mà thôi.  Nhưng ở xứ người, biết làm sao được.  Bà Năm bằng lòng với những chai mắm Thái Lan mang nhãn-hiệu Phú-Quốc bà mới mua về.  Bà bắt nồi lên bếp, để lửa vừa đủ lớn.  Nấu mắm kho ngào khá công-phu.  Phải quấy liền tay.  Quấy cho đến khi mắm keo lại mới thôi.  Nếu quấy không khéo, mắm không keo đều mà có khi lại cháy mất.

   Bà Năm đang say-sưa quấy mắm và mê-man thưởng-thức mùi mắm kho ngào thì bỗng nghe tiếng la thất-thanh của cô con dâu bà.  Bà quay phắt người lạị.  Hai vợ chồng cậu con trai lớn của bà đã về tới.  Cô con dâu hớt-hãi, lật-đật tắt lửa, bưng nồi mắm kho ngào của bà ra để ở nhà chứa xe rồi trở vào lấy thuốc thơm xịt khắp nhà.  Cậu con trai thì vội-vàng bật công-tắc máy hút hơi ở bếp và mở tung hết mọi cửa sổ.  Bà Năm thấy con và dâu như thế thì hậm-hà hậm-hực.  Bà bỏ đi ra nhà chứa xe với nồi nước mắm kho ngào đang cô dở-dang.  Vợ chồng cậu con trai của bà nói với nhau gì đó bằng tiếng Anh mà bà không hiểu.

   Sáng hôm sau, hai vợ chồng cậu con trai lớn đưa bà ra phi-trường để về với cậu con trai út.  Không phải họ không muốn bà ở chơi nữa nhưng vì bà nhất định đòi về.  Trước khi rời khỏi nhà, bà Năm cẩn-thận soát lại bọc hành-lý, xem lại hủ mắm kho ngào của bà có còn đó hay cậu con trai đã lén lấy đem bỏ đi rồi.  Thấy hủ mắm còn nguyên-vẹn bà Năm mới yên lòng ra đi.

Ngục-Thu-Yên