"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

Dịch Bệnh Do Thú Vật Truyền Sang Người ở Châu Á và Châu Phi

21bhvhdb1

Trong những năm gần đây chúng ta được nghe nói tới nhiều bệnh dịch mới mà thế giới phải đương đầu, một số như Ebola xuất phát từ châu Phi (năm 1976, vùng sông Ebola, Republic of Congo, virus đi từ dơi hoặc khỉ qua người), một số xuất phát từ Á Châu (phần chính là ở Á Đông ) như những dịch do các chủng siêu vi corona, bình thường tương đối hiền lành, gây ra. Coronavirus  là tác nhân gây bệnh trong một phần ba các bệnh cảm thông thường làm ho, đau họng, viêm tai giữa, nhưng có khi gây ra những bệnh nặng hơn như viêm cuống phổi, làm suyễn  nặng hơn, làm viêm phổi, rối loạn tiêu  hóa hay hiếm hơn nữa viêm ở hệ thần kinh (những bệnh gọi là nhiễm trùng đường hô hấp mắc phải từ cộng đồng,  hay “community acquired respiratory tract infections).

21bhvhdb2

Fig 2: Những khả năng truyền bệnh giữa người (human) và thú vật hoang dã (wild life)  hay thú nuôi (livestock)

(Possibilities for zoonotic disease transmissions. Source Wikipedia)

Đa số coronavirus thích ứng với ký chủ (host) cuả mình là thú vật hay con người, và không “nhảy” từ loài này qua loài khác .

Tuy nhiên trong nội hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, virus corona này đã nhảy từ thú vật qua người và gây hai dịch lớn. Thứ nhất là  dịch SARS (severe acute respiratory syndrome hay hội chứng hô hấp nặng cấp tính) năm 2002  xuất phát từ Quảng Đông (Guangdong, Trung quốc) do một coronavirus mới gây ra, tên là SARS-CoV. Virus này ở loài dơi, truyền qua một kỳ chủ trung gian là một loài chồn (palm civet/racoon dog) trước khi sang người. Bệnh lan ra 26 xứ và làm chừng 800 người chết. Từ 2004, không biết tại sao bệnh này chưa xuất hiện lại.

Năm 2012, một dịch thứ hai xuất hiện ở Trung Đông, gọi là MERS (Middle East respiratory syndrome, hội chứng hô hấp Trung đông) do virus MERS-CoV gây ra. Coronavirus mới này xuất phát từ các con lạc đà (dromedary camels, lạc đà một bướu trên lưng của vùng Ả Rập) và con dơi (bat). Bệnh lan ra 27 nước và có trên 800 người chết. Bệnh nhân bị suy phổi và thận. Khác với SARS-CoV, MERS-CoV không biến mất mà còn dai dẳng ở những ổ nhỏ (outbreaks) ở những người tiếp xúc với lạc đà và người mắc bệnh. Bệnh này ngừa được phần nào sau khi đã bị phơi nhiễm (post-exposure prophylaxis) bằng thuốc ribavirin và lopinavir/ritonavir.

Đại dịch COVID-19 hiện nay là dịch thứ ba do coronavirus. Siêu vi SARS-CoV-2 có lẽ xuất phát từ con dơi. Dơi ở hầm dơi tại Mojiang, Nam Trung Quốc có một coronavirus mà genome có 96% chung với virus SARS-CoV-2 (virus RaTG3). Một số nhà siêu vi học nghĩ rằng có thể ở Thái Lan hay Cambodia, nếu tìm kiếm hy vọng sẽ còn tìm được virus dơi giống SARS-CoV-2 hơn nữa (Linfa Wang, Duke-National University of Singapore, theo Nature). Từ dơi qua người bệnh đầu tiên, virus bệnh COVID-19 có lẽ đã qua một con thú vật mà các khoa học gia Trung Quốc cũng như WHO (Y Tế Quốc tế) vẫn chưa minh định được, có thể một con thú bán ở một chợ động vật hoang dã trong vùng Vũ Hán.

Câu hỏi là chúng ta còn những dịch mới xảy ra trong tương lai hay không. Tỷ phú Bill Gate, người từng tham gia đóng góp rộng rãi vào các nỗ lực phòng bệnh trên thế giới,  từng nói rằng đại dịch này (COVID-19) dữ thật nhưng đại dịch sắp tới sẽ mười lần tệ hơn. Phát biểu trước các thành viên Liên Hiệp Quốc vào ngày 26/4, Phó Tổng thống Mỹ nói đây là thời điểm để các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới bắt đầu nghiêm túc xem xét cách ứng phó với đại dịch toàn cầu tiếp theo (theo AP).

Trên các truyền thông xã hội, để tránh giọng kỳ thị chủng tộc chống người gốc Châu Á, người ta tránh dùng những tên như “cúm Vũ Hán, cúm Tàu hay “Kung Flu” (từ cựu TTổng Thống Trump hay dùng) mà dùng tên COVID-19. Không riêng gì Trung quốc, Ấn Độ, Bangladesh và các nước Đông Nam Á đều có những hoàn cảnh tương tự về dân số và môi trường mô tả ở trên đây.

Chúng ta cũng phải đối diện với thực tế là Châu Á và Châu Phi, chiếm 50% đất trên địa cầu và 77% dân số thế giới (60% loài người là dân Á Châu) vẫn là những nơi mà những cơn dịch do virus từ thú vật truyền qua người có thể xảy ra trong tương lai gần đây. Loài dơi, cần thiết cho cho sự tạo phấn (pollenization) của thực vật và sự kiểm soát các côn trùng trong môi trường thiên nhiên vẫn đóng vai trò quan trọng  vì chúng chứa rất nhiều loại virus. Càng ngày càng mất môi trường sống tự nhiên trong rừng nhiều cây có trái, chúng di chuyển đến những nơi gần gũi với con người như các lùm cây nơi chợ búa, các đền đài như Angkor Watt (Cambodia) nơi hàng triệu người thăm viếng mỗi năm. Virus sắp tới mà Châu Á phải lo đối phó trở thành bệnh dịch  là virus Nipah (NiV; Nipah henipavirus; Nipah là tên một vùng ở Mã Lai)  từ dơi truyền qua heo và rồi qua người, có tỷ lệ tử vong rất cao. Loại dơi ăn trái cây (fruit bat) còn được gọi là  chồn bay (flying fox). Dơi tiểu và thải phân chúng trên các cây thốt nốt, trên các thức ăn bày bán ở chợ ngoài trời. Các dụng cụ để hứng nước đường từ hoa cây thốt nốt , trái cây nhiễm phân hay nước tiểu hay  nước miếng của dơi, hay phân của dơi (guano), được dân chúng thu nhặt để bán làm phân bón, thịt heo bị nhiễm virus  đều có thể là nguồn nhiễm trùng qua người. Bệnh tấn công đường hô hấp (phổi) và hệ thần kinh (triệu chứng viêm não). Hiện nay bệnh có nhũng ổ bộc phát (outbreak) nhiều nhất ở Bangladesh, Ấ́n Độ  và các vùng khác ở Đông Nam Á và Nam Á Châu.

Theo chuyên gia về bệnh động vật truyền  qua người Kuchipudi thì câu trả lời là có và sẽ có nhiều bệnh mới xuất phát từ Châu Á và Châu Phi.

Suresh V. Kuchipudi, Giáo sư lâm sàng và Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm Chẩn đoán Động vật, tại Đại học Penn State, và nghiên cứu các loại vi rút lây truyền từ động vật sang động vật và lây nhiễm sang người (zoonotic diseases).  Theo Kuchipudi, hầu hết các đại dịch đều có ít nhất một điểm chung là chúng  bắt đầu ở Châu Á hoặc Châu Phi và giải thích như sau:

1)Sự bùng nổ dân số và thay đổi cảnh quan đô thị.

Sự thay đổi chưa từng có về dân số loài người là một trong những lý do tại sao ngày càng có nhiều bệnh tật bắt nguồn từ Châu Á và Châu Phi. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đang diễn ra khắp châu Á và các khu vực Thái Bình Dương, nơi 60% dân số thế giới đang sinh sống. Theo Ngân hàng Thế giới, gần 200 triệu người đã chuyển đến các khu vực thành thị ở Đông Á trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 (số lượng 200 triệu người tương đương với một quốc gia đông dân thứ tám trên thế giới).

2)Sự di cư trên quy mô đó có nghĩa là đất rừng bị phá hủy để tạo ra các khu dân cư. Động vật hoang dã, buộc phải di chuyển đến gần các thành phố và thị trấn, chắc chắn phải chạm trán với động vật trong nhà và người dân. Động vật hoang dã thường chứa vi rút; ví dụ, dơi có thể mang hàng trăm loại virus. Và vi rút, nhảy từ loài này sang loài khác, cuối cùng có thể lây nhiễm sang người.

3)Cuối cùng, đô thị hóa cực đoan trở thành một vòng luẩn quẩn: Nhiều người phá rừng hơn, khu vực sinh sống  của con người mở rộng và làm mất môi trường sống của các  thú săn mồi (predator) kể cả các con thú săn bắt các loài gặm nhấm (rodent) như chuột. Khi những thú săn mồi biến mất - hoặc ít nhất là với số lượng của chúng giảm mạnh - quần thể loài gặm nhấm bùng nổ. Và như các nghiên cứu ở châu Phi cho thấy, nguy cơ mắc bệnh truyền từ động vật (zoonotic diseases) cũng vậy.

4)Tình hình chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn. Một phần lớn dân số Đông Á vẫn sống ở các vùng nông thôn. Quá trình đô thị hóa dự kiến ​​sẽ tiếp tục trong nhiều thập kỷ.

5) Các khu vực nhiệt đới, giàu đa dạng sinh học vật chủ (host), đã chứa một lượng lớn mầm bệnh, làm tăng đáng kể khả năng một mầm bệnh mới xuất hiện.

Hệ thống canh tác khắp Châu Phi và Châu Á làm tình hình nặng hơn. Nhiều gia đình phụ thuộc vào canh tác tự cung tự cấp (subsistance farming)  và số lượng thú vật nuôi ít ỏi. Kiểm soát dịch bệnh, cung cấp về thức ăn và nhà ở cho những con vật đó là rất hạn chế. Gia súc, gà và lợn, những loài có thể mang mầm bệnh địa phương (endemic), thường tiếp xúc gần gũi với nhau, tiếp xúc với nhiều loại động vật không phải là thú nuôi trong nhà (non-domestic animal) và con người.

Và không chỉ ở các trang trại: Các chợ mua bán động vật sống, phổ biến ở khắp Châu Á và Châu Phi, có điều kiện đông đúc và sự chung chạ  mật thiết của nhiều loài, bao gồm cả con người. Điều này cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc làm thế nào mầm bệnh giết người có thể xuất hiện và lây lan giữa các loài.

6) Một rủi ro khác: săn bắt và làm thịt trong rừng, đặc biệt phổ biến ở châu Phi cận Sahara. Những hoạt động này, vì chúng đe dọa các loài động vật và thay đổi không thể phục hồi các hệ sinh thái, cũng mang con người và động vật hoang dã lại gần nhau. Săn và ăn thịt thú rừng (bushmeat hunting)  là một con đường rõ ràng và chủ yếu để truyền bệnh từ động vật sang người.

7)Y học cổ truyền Trung Quốc với mục đích “chữa” các bệnh như  bệnh như viêm khớp, động kinh và rối loạn cương dương (erectile dysfunction).

Mặc dù không có bằng chứng khoa học dứt khoát, Châu Á là nơi  tiêu thụ rất nhiều các sản phẩm thuốc Bắc cổ truyền. Hổ, gấu, tê giác, tê tê (pangolin) và các loài động vật khác bị săn trộm nên các bộ phận cơ thể của chúng có thể được trộn vào các loại thuốc đáng nghi ngờ này. Điều này cũng góp phần lớn vào việc tăng tương tác giữa động vật và con người. Hơn nữa, nhu cầu có thể sẽ tăng lên khi tiếp thị trực tuyến tăng vọt cùng với sự tăng trưởng kinh tế không ngừng của Châu Á.

Theo Kuchipudi, chỉ còn là vấn đề thời gian. Hàng nghìn virus vẫn tiếp tục phát triển, trước khi một đợt bùng phát lớn khác xảy ra ở khu vực này trên thế giới. Tất cả các coronavirus gây ra dịch bệnh gần đây, bao gồm cả COVID-19, đều nhảy từ dơi sang động vật khác trước khi lây nhiễm sang người. Rất khó để dự đoán chính xác chuỗi sự kiện nào gây ra đại dịch, nhưng có một điều chắc chắn: những rủi ro này có thể được giảm thiểu bằng cách phát triển các chiến lược để giảm thiểu tác động của con người gây ra sự xáo trộn sinh thái.

Hiện nay, chúng ta thấy bệnh dịch lan ra nhanh chóng khắp thế giới qua các chuyến bay phản lực với những đám đông du lịch hàng triệu người mỗi ngày, không phải như thời xưa mà mầm bệnh đi theo các đoàn lữ hành hay những chuyến tàu đi hàng tháng hay hàng tuần trên đại dương. Các biện pháp cần phải áp dụng trên toàn cầu để có thể cung cấp nhà cửa cho số dân cư càng ngày càng gia tăng tại các khu đô thị châu Á và Châu Phi, đồng thời ngăn chận phá rừng, phá môi trường thiên nhiên của các động vật như dơi, khỉ, và giảm thiểu sự tiếp xúc giữa thú vật có khả năng truyền bệnh và con người. Đồng thời, cần có sự cọng tác toàn cầu để giám sát và theo dõi các căn bệnh và dịch bệnh mới xuất hiện. Việc chuẩn bị cũng bao gồm sự cải thiện các hệ thống y tế công cọng, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ thông tin và y tế, đầu tư nhiều hơn vào y tế và tăng khả năng sản xuất các trang bị về xét nghiệm, thuốc chủng ngừa và các thiết bị bảo vệ y tế, như bài học về dịch COVID-19 chúng ta từng học được ở Mỹ, một nước giàu có bậc nhất chi đến 18% của GDP cho y tế, lúc bệnh dịch mới bắt đầu lúc Mỹ thiếu đến cả mặt nạ, máy thở và xét nghiệm.  Và hiện nay, một năm sau, lúc  đại dịch COVID-19 đang hoành hành tại Ấn Độ là nước Á Châu có dân số lớn thứ nhì trên thế giới và khả năng khoa học kỹ thuật cao nhưng nghèo hơn, chỉ chi tiêu rất ít,  có chừng 1%, cho ngành y tế và sức khỏe dân chúng và cũng là nơi dân chúng còn sống chung đụng nhiều với các động vật hoang dã.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

       Ngày 28 tháng 4 năm 2021

Tham khảo:

1)The third coronavirus epidemic in the third millennium: what’s next?

Croat Med J. 2020 Feb; 61(1): 1–4.

doi: 10.3325/cmj.2020.61.1

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7063555/

2)Why so many epidemics originate in Asia and Africa – and why we can expect more

Suresh V. Kuchipudi, Clinical Professor and Associate Director of Animal Diagnostic Laboratory, Penn State

https://www.yahoo.com/news/why-many-epidemics-originate-asia-115841475.html

3)Nên gọi là 'virus Vũ Hán', 'virus corona' hay tên khác?

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-52030014

4)The other virus that worries Asia

https://www.bbc.com/future/article/20210106-nipah-virus-how-bats-could-cause-the-next-pandemic,

5)After the WHO report: what’s next in the search for COVID’s origins

https://www.nature.com/articles/d41586-021-00877-4