"Quân lính cốt hòa-thuận, không cốt đông; cốt tinh-nhuệ, không cốt nhiều. Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm-dẻo, chứ không lấy mạnh đè yếu, nhiều hiếp ít." ** Quang-Trung **

 

Những Giáo Huấn của Ðạo Phật

 

Lời của người dịch:

Trong thời đại công nghệ hiện đại và thông tin điện toán ngày nay, thật khó có thể tìm được một thời khắc trong cuộc sống hối hả của chúng ta để ngồi nhâm nhi một tách trà và đọc một cuốn sách dày, nhất là sách về tôn giáo. Tuy nhiên nhu cầu về tâm linh vẫn luôn là một đòi hỏi tiềm ẩn trong mỗi con người, mặc dù không phải ai trong chúng ta cũng nhận ra điều đó. Cuốn sách nhỏ này, The Dalai Lama His Essential Wisdom của tác giả Carol Kelly-Gangi là tổng hợp những trích dẫn từ các cuốn sách, bài giảng, diễn thuyết, và các cuộc phỏng vấn của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, vị lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng trong suốt hơn 48 năm lưu vong. Bằng một ngôn từ giản dị trong sáng nhưng chứa đầy trí tuệ, Ngài đã đưa độc giả, cả người biết và chưa biết về đạo Phật, đến một chân trời rộng mở với nhiều điều bấy lâu nay vẫn bị ngộ nhận hay hiểu sai về đạo Phật. Ðạo Phật xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn một nghìn bốn trăm năm và ở mỗi làng xã hay quận huyện đều thấp thoáng bóng dáng một ngôi chùa. Ðiều đó không có nghĩa là tất cả người Việt chúng ta đều hiểu tường tận về đạo Phật với đúng tinh thần vô ngã, vị tha, và từ bi bác ái của nó. Người dịch mong ước trình bày cho độc giả một cuốn sách phỏng dịch bằng cách dùng những từ ngữ gần gũi với đời thường để chuyên chở những lời giảng thông tuệ của Ðạt Lai Lạt Ma về triết lý thâm thúy sâu xa của Phật giáo.

Vân Các

Horsham, PA

t

Phật Tử

Phật tử là người đi tìm sự nương náu nơi Phật, những lời giáo huấn của Ngài còn được gọi là Pháp, và nơi Tăng lữ, cộng đoàn tu sĩ tu tập theo giáo lý của Phật, Pháp. Phật Pháp Tăng là Tam Bảo hay ba thứ bảo bối quý của đạo Phật.

“““

 

Tứ Diệu Ðế

Tất cả những giáo lý của Phật chung quy đều bắt nguồn từ Tứ Diệu Ðế hay Bốn Chân Lý Tuyệt Diệu. Ðây là nền tảng của giáo lý nhà Phật. Bốn Chân Lý Tuyệt Diệu này gồm có 1) thế nào là phiền não, đau khổ; 2) cội nguồn của phiền não; 3) khả năng chấm dứt phiền não và 4) con đường hay phương cách dẫn đến việc chấm dứt phiền não. Những lời giảng về Tứ Diệu Ðế đều dựa trên trải nghiệm của loài người với ước mong tự nhiên đó là đi tìm hạnh phúc và xa lánh khổ đau. Hạnh phúc mà mỗi người chúng ta mong cầu hay đau khổ mà chúng ta tránh né không đến hoặc đi một cách ngẫu nhiên mà đều phải thông qua Nhân Duyên, hay nói rộng ra là nguyên nhân và điều kiện tạo ra hạnh phúc hay khổ đau.

“““

Từ Bi, Bác Ái

Từ bi, bác ái là hai nền móng chính mà từ đó tòa thành Phật giáo được tạo dựng nên. Hủy hoại hay gây thương tích cho bất kỳ chúng sinh nào đều bị cấm tuyệt đối. Việc tạo ra thương vong hay giết hại một sinh vật từ cấp cao đến cấp thấp, từ con người cho đến những côn trùng nhỏ bé nhất đều phải tránh bằng mọi giá. Phật dạy:" Ðừng làm hại chúng sinh khác. Hãy mở rộng tình yêu thương của các ngươi tới mọi loài như các ngươi đã yêu thương trân quý người thân và gia đình."

Thông thường khi giảng giải những vấn đề cốt lõi của đạo Phật, tôi thường nói cách tốt nhất là giúp đỡ chúng sinh khác, và nếu chúng ta không làm được gì thì ít nhất cũng không nên làm hại họ. Lời giảng này xuất phát từ mảnh đất Từ Bi và Bác Ái.

“““

Ðường đến Niết Bàn

Việc tu tập theo Phật về cơ bản có ba giai đoạn hay ba bước. Giai đoạn đầu tiên là giảm bớt sự quyến luyến ràng buộc với cuộc sống. Giai đoạn kế là loại bỏ ham muốn, dục vọng gắn bó với cõi Ta Bà1 này. Giai đoạn thứ ba là việc rũ bỏ cái Tôi, hay sự luyến ái chính bản thân mình. Sau khi trải qua những tu tập một cách nghiêm túc, tôi cảm thấy rằng buông bỏ là một việc có thể thực hiện được, và đó là Niết Bàn.

“““

Tâm

Ðạo Phật là một đạo vô thần ở chỗ nó không chấp nhận việc có một Ðấng Tạo Hóa mà lại đưa ra quan điểm về tự tạo - hành động của một người sẽ tạo ra hoàn cảnh sống của chính người đó. Với quan điểm này, người ta nói đạo Phật không phải là một tôn giáo mà là một khoa học về Tâm (tư tưởng).

“““

Ðại Từ Bi

Phật tử sống trong một thế giới không có thần thánh. Ðối với nhiều người khác thì Ðấng Tạo Hóa là trung tâm điểm của giáo lý, nhưng tất cả đều đồng ý là tình yêu thương và từ bi làm cho con người tốt hơn lên. Ðối với Phật giáo, mahakaruna hoặc tâm Ðại Từ Bi đối với tất cả chúng sinh là điều quan trọng tột bậc.

“““

Làm Chủ Chính Mình

Phật giáo nói rằng con người là ông chủ của chính mình hoặc có tiềm năng để trở thành chủ của mình. Ðó chính là điểm cơ bản nhất của triết lý nhà Phật. Vô số phương pháp và kinh nghiệm tu học đã được tạo ra và phát triển để đạt đến tình trạng tự làm chủ này. Tâm (tư tưởng) là đấng tạo hóa của thế giới chúng ta trong mọi thời điểm. Ðó cũng là lý do tại sao trách nhiệm có một mối liên hệ quan trọng đến Tâm của chúng ta.

“““

Giác Ngộ Giải Thoát

Ðối với Phật tử chúng tôi, tâm điểm của đạo Phật không phải là Thượng Ðế mà là sự Giác Ngộ Giải Thoát. Loài người chịu trách nhiệm đối với chính cuộc đời của họ. Chúng ta là người tạo ra chính số phận của mình. Phật không tạo ra thế giới mà cũng không chịu trách nhiệm cho những thiếu sót của nó. Nhưng Ngài chỉ đường chúng ta đi từ hiện trạng của phiền não khổ đau để đạt đến sự hoàn hảo. Bởi lý do đó và nhiều lý do khác, Phật không giảng về sự hiện hữu của Thượng Ðế.

“““

Bồ Ðề Tâm hay Tinh Thần Giác Ngộ

Trong Phật giáo có một khái niệm về bodhichitta hay còn gọi là Bồ Ðề Tâm hay tinh thần giác ngộ. Ðó là lòng nguyện ước khát khao được thực hành Phật pháp để mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh, điều này cũng tương tự với một tinh thần gánh vác trách nhiệm đối với toàn thể muôn loài. Từ kinh nghiệm cá nhân tôi, nó sẽ rất hữu ích nếu chúng ta nghĩ đến Bồ Ðề Tâm khi chúng ta buồn hoặc tâm tưởng ta bị xáo trộn. Tâm chúng ta sẽ rộng mở, thư giãn và mạnh mẽ hơn nếu chúng ta đảm đương một trách nhiệm trong lúc chúng ta lo lắng hoặc bối rối.

“““

Lòng Vị Tha - Vì Người Khác

Cấp bậc cao nhất trong việc tu luyện của đạo Phật là sự trau dồi lòng vị tha (vì người khác) để đạt tới Giác Ngộ Giải Thoát, vì lợi ích của mọi chúng sinh. Ðây cũng chính là Bồ Ðề Tâm (bodhichitta), tâm thức cao quý nhất, nguồn gốc tột đỉnh của mọi lợi ích và tốt lành mà qua đó chúng ta có thể đạt được ước nguyện hiện tại và tối hậu, và là nền tảng của việc thực hành lòng vị tha. Tuy nhiên, Bồ Ðề Tâm hay Tinh Thần Giác Ngộ chỉ thực hiện được qua những nỗ lực đều đặn, và để đạt được điều này chúng ta cần phải trau dồi tu học để rèn luyện và chuyển hóa Tâm.

“““

Thân, Khẩu, Ý và Rèn Luyện Ðạo Ðức

Phật đã đạt được sự thanh tịnh trong sạch hoàn toàn của hành động, lời nói, và tư tưởng (thân khẩu ý). Chúng ta nên biết rằng trước khi giác ngộ giải thoát, Ngài cũng chỉ là một con người như bao nhiêu người khác. Ngài trở thành Phật bằng chính nỗ lực của bản thân mình. Sau khi đạt được giác ngộ hoàn toàn, Phật đã thuyết giảng vô số lần với mục đích là giải thoát mọi chúng sinh khỏi khổ não.

...Ngài cũng dạy rằng tương lai của chúng ta là nằm trong tay của chúng ta, không phải Thượng Ðế hay Phật.

Việc rèn luyện đạo đức - giữ cho thân, khẩu, ý tức là hành động, lời nói, tư tưởng khỏi bị cuốn vào trong những hoạt động không lành mạnh - sẽ trang bị cho bạn sự tỉnh thức và tận tâm. Do đó phẩm hạnh đạo đức là nền tảng của Phật đạo.

Những tội lỗi cơ bản của thân là giết hại, trộm cướp, và tà dâm; tội lỗi của khẩu là nói sai sự thật, nói thêu dệt, nói lời hung ác, và nói lời gây chia rẽ; tội lỗi của ý là tham lam, sân hận, và si mê. Mười điều này gây đau khổ cho người khác và chính bạn.

“““

Phật Tính

Trong Phật Pháp, đặc biệt là tông phái Ðại Thừa (Mahayana) hoặc tông phái Phạn Ngữ, tất cả chúng sinh muôn loài đều có Phật tính, hay là bản chất của Phật. Khi chúng ta có một vấn đề với những người khác, hãy nhớ rằng họ đều giống chúng ta và có Phật tính. Bản chất tối hậu của tất cả muôn loài là tinh khiết, trong sạch. Niềm tin này sẽ giúp chúng ta bình tâm và giảm bớt những suy nghĩ tiêu cực.

Phật giáo là một trong những tôn giáo dạy chúng ta phải bớt ích kỷ và bao dung rộng lượng hơn. Ðạo Phật dạy chúng ta nên nhân từ, vị tha, và nghĩ về người khác cũng như ta nghĩ về chính ta. Những suy nghĩ và hành động hàng ngày của chúng ta nên hướng về lợi ích của người khác.

“““

Tinh Thần Cống Hiến

Chuyển đổi người khác sang đạo Phật không phải là sự quan tâm của tôi. Ðiều tôi chú trọng hơn đó là việc các Phật tử cống hiến cho xã hội loài người như thế nào. Phật đã nêu một tấm gương của lòng khoan dung và tự tại qua việc phụng sự người khác không mỏi mệt. Tôi tin rằng lời giảng và tấm gương của Ngài vẫn tiếp tục đóng góp cho hòa bình thế giới và hạnh phúc cá nhân.

Ðối với một số người, đạo Phật không đơn giản chỉ là một lời giải đáp. Các tôn giáo khác nhau đáp ứng những nhu cầu khác nhau của con người. Tôi không cố gắng chuyển đạo của người khác. Tôi chỉ cố gắng tìm hiểu xem làm thế nào Phật tử có thể cống hiến phục vụ xã hội đúng với tinh thần và giá trị của Phật giáo.

Mục đích của Phật tử chúng ta là gì? Ðúng ra, Phật tử nên cứu giúp toàn thể chúng sinh. Ngay cả khi chúng ta không thể mở rộng vòng tay để bao gồm cả chúng sinh ở những thế giới khác, chúng ta cần phải tính đến tất cả con người trên hành tinh này và như thế chúng ta đã có một xuất phát điểm thực tiễn.

 

Vân Các

 

1 Cõi Ta Bà tạm dịch là thế giới trần tục không thanh tịnh nơi có tất cả 6 ngả luân hồi và các loài chúng sinh: Trời, người, Atula, ngạ quỷ, súc sinh và địa ngục.