"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

 

Một Số Nhận Xét Về Thuốc Chloroquine và Covid-19

 

Mọi người trong chúng ta hiện nay đang bị (hay được ) tràn ngập tin tức về bịnh Covid-19, kể cả các bài viết và video bằng tiếng Việt. Bịnh còn lan ra ở Mỹ và có thể sẽ xảy ra thêm ở Việt Nam. Tôi không nhắc lại các điều đã được trình bày khắp nơi, chỉ xin nêu vài điểm cần chú ý để giữ an toàn cho bịnh nhân:.

1) Mặc dầu Tổng Thống Trump nói nhiều về thuốc chloroquine và hydroxychloroquine, hai thuốc này chưa được cơ quan FDA Mỹ chính thức chấp nhận dùng chữa Covid-19.

Tuy nhiên Chloroquine được hãng Bayer bào chế từ năm 1934, và FDA "approved 'cho những ứng dụng khác như sốt rét, ký sinh trùng ameba, thấp khớp, vv...

Bác sĩ ở Mỹ vẫn có quyền (hợp pháp) dùng hai thuốc này cho những chỉ định ngoài các chỉ định chính thức được FDA chấp nhận (cũng như nhiều thứ thuốc khác, gọi là "off label use").

2) "Off Label" có nghĩa là thuốc đang được sử dụng theo cách không được FDA phê duyệt , không theo chỉ định ghi trong nhãn (label) kèm theo thuốc lúc đóng gói (package insert) . Mỗi loại thuốc được bán theo toa (prescription drug) trên thị trường ở Hoa Kỳ đều mang "nhãn hiệu" (label) được FDA chấp thuận. Nhãn này là văn bản cung cấp các hướng dẫn chi tiết về việc sử dụng và liều lượng được phê duyệt, dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng mà nhà sản xuất thuốc đã nộp cho FDA.

Nhiều người có thể ngạc nhiên khi biết rằng FDA quy định phê duyệt thuốc, nhưng FDA không kiểm soát hay điều hành việc bác sĩ kê đơn thuốc và các bác sĩ có thể tự do kê đơn một thứ thuốc nào đó cho bất kỳ lý do nào mà họ cho là phù hợp về mặt y khoa. Sử dụng thuốc “ngoài nhãn” rất phổ biến, hầu như mọi loại thuốc đều được sử dụng "ngoài nhãn" (off label) trong một số trường hợp.(theo WebMD).

Hiện nay, theo phác đồ điều trị của một bịnh viện lớn vùng Hoa Thịnh Đốn, cho các trường hợp nhiễm Covid-19 vừa và nặng, với nóng sốt và nám phổi trên X Quang, người ta dùng thuốc kháng virus remdesivir (nếu được tham gia thử nghiệm lâm sàng) hay nếu không được thì dùng hydroxychloroquine.

3) Thuốc chloroquine/hydroxychloroquine này cần toa bác sĩ mới được mua và dùng. Nghĩa là bác sĩ chịu trách nhiệm về việc mình biên toa và phải xét từng hoàn cảnh bịnh nhân, và tiên liệu các phản ứng, các tai biến có thể xảy ra ngoài ý muốn.

Cho nên bịnh nhân không nên tự ý dùng thuốc này mặc dù mình có thể mua được hay người khác cho mình.

4) Ở Mỹ vừa có một cặp vợ chồng muốn ngừa bịnh Covid 19, uống chloroquine dành cho hồ nuôi cá, ông chồng bị chết và bà vợ phải nhập viện. Ở Trung quốc,ngày 25 tháng 2, 2020 báo The Paper đăng tin một người đàn bà tự mua chloroquine và uống 1,8 gram (gấp đôi liều dùng ở Trung quốc 500mg 2 lần/ngày) vì nghi mình bị Covid-19, bà suýt chết vì bị loạn nhịp tim nặng (malignant cardiac arrhythmia) và phải vào săn sóc đặc biệt chữa trị (theo Bloomberg). Ở Việt nam và Châu Phi hiện nay có nhiều trường hợp ngộ độc vì uống chloroquine cho Coronavirus vì không biết liều lượng an toàn..

5) Nhiều báo chí, video tiếng Việt gọi chloroquine là "ký ninh" (quinine). Điều này có thể gây lầm lẫn mặc dù nghe 2 tên hơi giống nhau. Ký ninh (quinine) và chloroquine đều là thuốc sốt rét (loai quinoline) nhưng hai thứ này khác nhau, độc tính khác nhau, liều lượng khác nhau và chỉ định khác nhau .

Ở Peru (Nam Mỹ), người “Da Đỏ” Quechua chiết xuất vỏ cây Cinchona officinalis, xay vỏ cây trộn với nước ngọt cho bớt đắng để chống lại bịnh nóng và rét run lúc thời tiết lạnh vào thế kỷ thứ 17. Khoảng đầu thế kỷ 17, thảo dược này được được các tu sĩ dòng Tên (Jesuits) đem vào châu Âu, được sử dụng trong mục đích tương tự và sau đó bắt đầu được sử dụng chữa bệnh sốt rét ("malaria", Rome 1631). Thuốc chống sốt rét quinine được phân lập từ dịch chiết năm 1820 (hai nhà khoa học người Pháp Pierre Joseph Pelletier và Joseph Bienaimé Caventou).

Chloroquine, một hoá chất có cấu trúc giống quinine ("analog" của quinine), được phát minh vào năm 1934 bởi Hans Andersag và đồng nghiệp tại các phòng thí nghiệm của hãng bào chế thuốc Bayer (Đức), và họ đặt tên thuốc là "Resochin". Trong một thập kỷ, chloroquin được coi là quá độc hại để sử dụng cho con người. Trong Thế chiến II, các thử nghiệm lâm sàng do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ để phát triển thuốc điều trị sốt rét cho thấy chloroquine có giá trị điều trị quan trọng như một loại thuốc chống sốt rét, được dùng trong lâm sàng vào năm 1947 để ngừa bệnh sốt rét. (Wikipedia)

6) Một số người dùng chloroquine để uống ngừa coronavirus, tuy nhiên chưa ai biết hay xác định liều lượng hiệu nghiệm và an toàn là bao nhiêu.

(Khác với trong bịnh sốt rét, liều chloroquine uống phòng ngừa đã được quy định là 300mg base (hay 500mg salt) cho người lớn, một lần mỗi tuần, bắt đầu 1 tuần trước khi đến vùng dịch sốt rét và tiếp tục thêm 4 tuần nữa sau khi đi khỏi vùng sốt rét)

7)Theo CDC, Trung tâm Kiểm soát Bịnh của Mỹ:

“Hydroxychloroquine và chloroquine là thuốc theo toa bác sĩ được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét và một số tình trạng viêm. Chloroquine đã được sử dụng để điều trị và điều trị dự phòng cho bịnh sốt rét, và hydroxychloroquine được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis), lupus hệ thống (systemic lupus erythematosus) và porphyria cutanea tarda.

Cả hai loại thuốc này đều có hoạt tính in vitro (trong ống nghiệm) chống lại SARS-CoV, SARS-CoV-2 và các coronavirus khác, với hydroxychloroquine có hiệu lực tương đối cao hơn với SARS-CoV-2.

Một nghiên cứu ở Trung Quốc đã báo cáo rằng điều trị bằng chloroquine cho bệnh nhân COVID-19 có lợi ích về lâm sàng và virus học (có tác dụng trên virus) so với nhóm so sánh, và chloroquine đã được thêm vào như một loại thuốc kháng vi-rút được khuyên dùng để điều trị COVID-19 ở Trung Quốc. Dựa trên dữ liệu hạn chế in vitro và giai thoại (anecdotal, theo các báo cáo cá nhân, không có hệ thống), chloroquine hoặc hydroxychloroquine hiện được khuyến nghị để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đã nhập viện ở một số quốc gia. Cả chloroquine và hydroxychloroquine đều có thành tích an toàn với mối quan tâm chính là nhiễm độc tim (hội chứng QT kéo dài/ prolonged QT syndrome) khi sử dụng kéo dài ở bệnh nhân rối loạn chức năng gan hoặc thận và ức chế miễn dịch, nhưng được báo cáo là dung nạp (tolerance) tốt ở bệnh nhân COVID-19.

Do hoạt tính trong ống nghiệm cao hơn chống lại SARS-CoV-2 và dễ tìm hơn ở Hoa Kỳ so với chloroquine, hydroxychloroquine đã được dùng cho bệnh nhân COVID-19 nhập viện trên cơ sở "không kiểm soát" (uncontrolled, không chia thành nhóm để so sánh giữa nhóm dùng thuốc và nhóm không dùng thuốc hay “control”) được ở nhiều quốc gia, kể cả ở Hoa Kỳ. Một nghiên cứu nhỏ đã báo cáo rằng hydroxychloroquine đơn độc hoặc kết hợp với azithromycin làm giảm phát hiện RNA SARS-CoV-2 ở bệnh phẩm đường hô hấp trên so với nhóm đối chứng không ngẫu nhiên (non-randomized controls) nhưng không đánh giá lợi ích lâm sàng.

Hydroxychloroquine và azithromycin có liên quan đến việc kéo dài đoạn QT (QT interval) trên tâm điện đồ (EKG) và nên thận trọng khi xem xét các thuốc này ở những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính (ví dụ như suy thận, bệnh gan) hoặc những người đang dùng thuốc có thể tương tác để gây ra bệnh rối loạn nhịp tim (arrhythmia).

"Hydroxychloroquine hiện đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (pre-exposure/trước khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm) hoặc sau khi phơi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ, trung bình và nặng. Tại Hoa Kỳ, một số thử nghiệm lâm sàng về hydroxychloroquine để điều trị dự phòng hoặc điều trị nhiễm SARS-CoV-2 đã được lên kế hoạch hoặc sẽ sớm được đăng ký. Thông tin thêm về các thử nghiệm có thể được tìm thấy tại: https://clinicaltrials.gov/external icon.

Hiện tại không có dữ liệu có sẵn từ các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên (RCTs)(randomized controlled trial, để so sánh kết quả giữa 2 nhóm đối tượng có đặc điểm tương tự, lựa một cách ngẫu nhiên, một bên dùng thuốc, một bên không) để thông báo hướng dẫn lâm sàng về việc sử dụng, liều lượng hoặc thời gian sử dụng hydroxychloroquine để điều trị dự phòng (ngừa bịnh) hoặc điều trị nhiễm SARS-CoV-2 chữa bịnh). Mặc dù liều lượng và thời gian tối ưu của hydroxychloroquine để điều trị COVID-19 vẫn chưa được biết, một số bác sĩ lâm sàng ở Hoa Kỳ đã báo cáo liều dùng hydroxychloroquine khác nhau.

Xin nhắc lại là các bạn cần bác sĩ hướng dẫn nếu nghĩ đến chuyện dùng thuốc này cho coronavirus. Các phần chú thích trong dấu ngoặc và nhấn mạnh bằng chữ nghiêng là của người viết.

Về nguyên văn Anh ngữ của CDC và các liều lượng khác nhau từng được dùng, xin vào link sau đây:

https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/hcp/therapeutic-options.html

(Accessed 3/24/2020).

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 24-26 tháng 3 năm 2020

 

Thống-Kê Vào Làng

Viet Nam 61.3% Viet Nam
United States of America 22.0% United States of America
Canada 4.2% Canada
Japan 2.5% Japan
France 2.2% France
Germany 2.2% Germany
Australia 1.5% Australia
Singapore 1.4% Singapore

Total:

45

Countries