"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

 

Đại Dịch và Ác Mộng

 

 

20chvhdd1

Lúc xảy ra một biến cố quan trọng, như biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại Việt Nam, hay biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 lúc thành phố New York và nhiều nơi khác trên nước Mỹ bị tấn công khủng bố bằng máy bay,  người ta đã thấy những thay đổi lớn trong giấc ngủ  của nhiều người.

Chúng ta không có những nghiên cứu về giấc mơ của người Việt lúc đó. Tuy nhiên, có một trường hợp thú vị về những người tỵ nạn cọng sản từ Lào trong Hội Chứng Đột Tử Về Đêm Vô Căn (Sudden Unexplained Nocturnal Death Syndrome (SUNDS)). Trong những năm 1978-1981, 18 người H'mông tỵ nạn trẻ tuổi, 17 nam 1 nữ, đột ngột chết trong lúc ngủ trong giường của họ. Trước đó họ vẫn khỏe mạnh. Họ được định cư ở Mỹ sau khi nước Lào rơi vào tay Cọng Sản Pathet Lào năm 1975, trước đó theo thờ cúng vật linh (animism) (1), chuyển qua theo đạo Phật hay Thiên Chúa giáo chỉ thời gian ngắn trước đó, và nói chung thích ứng kém với đời sống ở Mỹ. Y giới Mỹ giải thích cái chết đột ngột của họ do ác mộng (death by nightmares). Người H'mông tin rằng khi họ không thờ cúng đúng cách, không thực hiện nghi lễ tôn giáo đúng cách hoặc quên tế thần, linh hồn tổ tiên hoặc các linh hồn làng không bảo vệ họ, do đó cho phép linh hồn quỷ dữ tiếp cận họ và đem họ đi. Những cuộc tấn công này gây ra một cơn ác mộng dẫn đến tình trạng  tê liệt trong giấc ngủ khi nạn nhân đã tỉnh lại và chịu áp lực  đè lên ngực. Ngoài ra, cũng như trong các trường hợp người trẻ chết đột ngột, cũng có thể một bất thường nào đó của tim như tim quá lớn (cardiac hypertrophy), rối loạn nhịp tim (arrhythmia) đóng một vai trò nào đó trong các trường hợp tử vong này mà không tìm được nguyên nhân chính xác.

Nghiên cứu giấc mơ được ghi lại của 44 người trước và sau biến cố 11 tháng 9, 2001  cho thấy những giấc mơ sau ngày 11/9 có những “hình ảnh chính” hay trọng tâm về cảm xúc của giấc mơ mãnh liệt hơn (more intense central image of the dream), nhưng giấc mơ không dài hơn, mơ mộng hơn hoặc kỳ quái hơn những giấc mơ trước khi những kẻ khủng bố bay máy bay vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Ngũ Giác Đài (Hartmann)(2)

Tương tự như vậy, trong đại dịch COVID-19, người ta cũng nằm mơ nhiều hơn, những giấc mộng kỳ quặc hơn và hiện tượng này xảy ra khắp thế giới. Tuy nhiên cơn dịch bệnh này đưa chúng ta vào một hoàn cảnh khác biệt: nó  xảy ra trên hàng trăm xứ khác nhau, mặc dù tuần tự trải dài trong vài tháng; thay vì chạy giặc hay chạy vượt biên, quên ăn mất ngủ, chúng ta lúc này lại thất nghiệp tại nhà, mặc quần áo ngủ hay áo thun quần đùi thể dục, thoải mái xem phim Netflix hay YouTube đến mức nhàm chán.  Đối với nhà nghiên cứu thì  thuận tiện hơn trước nhiều, họ có thể khảo sát một lúc hàng ngàn  vạn người khắp nơi trên thế giới và đem về kết quả nhanh chóng về những giấc mơ ngủ.

TS Deirdre Leigh Barrett, trợ lý giáo sư tâm lý học tại Đại học Harvard bắt đầu thu thập hơn 9.000 giấc mơ thời đại dịch Coronavirus  từ 3.800 người trên khắp thế giới và xuất bản một cuốn sách nhỏ Pandemic Dreams ("Giấc mơ thời đại dịch").

Cuộc  khảo sát bắt đầu ngày 24 tháng 3, khi nước Ý đang ở đỉnh điểm của khủng hoảng và Hoa Kỳ mới bắt đầu nhận ra sắp có chuyện xảy ra, và bắt đầu được ghi nhận những giấc mơ có nhiều  điểm giống nhau: sợ mắc bệnh, mơ thấy vi trùng (“bugs”) tấn công, rượt đuổi, bác sĩ điều trị theo những cách lạ lùng chỉ tìm thấy trong giấc mơ.

Theo TS Barrett, “trong các nền văn hóa khắp nơi,  chúng ta thường có những ẩn dụ (metaphor)  tương tự cho các sự kiện tương tự. Đại dịch này rất độc đáo ở chỗ mặc dù thời gian xảy ra cách biệt nhau vài tuần, nhưng về cơ bản, cả thế giới đã đồng thời trải qua một câu chuyện tương tự. Tôi chưa bao giờ thấy bao nhiêu  người cùng chia sẻ những giấc mộng giống nhau ở tầm mức như vậy. Hiếm khi nhìn thấy nó xảy ra trong một quốc gia, với nhiều người cùng nằm mơ thấy vi trùng tấn công. Nhưng đây lại là trên tầm mức toàn thế giới.”

Chúng ta thử tìm hiểu về các giai đoạn của giấc ngủ và xem giấc mơ xảy ra lúc nào.

Bốn giai đoạn (stages) khác nhau của giấc ngủ.

Lúc ngủ qua một đêm, chúng ta đi qua chừng 5 chu kỳ (cycle). Mỗi chu kỳ dài chừng 90 phút và gồm những giai đoạn sau, mỗi giai đoạn có những hoạt động não bộ khác nhau, biểu hiện bằng những sóng (brain waves) khác nhau trên não điện đồ (EEG, electroencephalogram)..

 4 giai đoạn (stages)  của giấc ngủ:

Giai đoạn 1: lơ mơ ngủ, có thể thức dậy dễ dàng. Người lớn chừng 9% thời gian trong đoạn này.

Giai đoạn 2: mắt hết nhúc nhích, sóng não bộ chậm lại. Người lớn chừng 50% thời gian trong đoạn này.

Giai đoạn 3: ngủ sâu (deep sleep); sóng não bộ càng chậm hơn nữa (chừng 1-5/giây), mắt không di động, các cơ bắp không hoạt động, khó đánh thức . Đây là lúc trẻ đái dầm, khủng hoảng trong giấc ngủ (night terrors), mộng du (sleepwalking, somnambulism).

Giai đoạn 4:giai đoạn “mắt cử động nhanh” ( hay REM= Rapid Eye Movement Period): thở nhanh và nông, không đều, tròng mắt giật nhanh, các cơ chân tay bị liệt, nhịp tim nhanh, áp huyết lên cao, phái nam có hiện tượng cương cứng (erection). Sóng não bộ nhanh và biên độ thấp tương tự như sóng lúc thức, do đó trước đây người ta gọi “REM sleep” là "paradoxical sleep" ("giấc ngủ nghịch lý"). Lúc này là lúc nằm mơ. Đầu đêm thì REM ngắn hơn, càng về sau thời gian cho REM dài ra. Cho nên nếu thời gian ngủ ngắn lại về sáng (thức giấc quá sớm), chúng ta mất mát nhiều hơn về số lượng giấc mộng vì về sáng các giai đoạn REM dài hơn.

Ba giai đoạn đầu của giấc ngủ (stages 1-2-3) có mục đích làm cơ thể thư giãn, hồi phục (relaxation and restoration), gọi chung là NREM sleep ( non-REM sleep), chiếm chừng 75% giấc ngủ. Giấc ngủ REM có lẽ gắn liền với trí nhớ, củng cố những gì đã học.

Mỗi đêm có chừng 3-6 giai đoạn REM. Người lớn chừng 25%-20% trong giai đoạn REM, trong lúc trẻ sơ sinh ngủ đến 50% thời gian trong giai đoạn REM.

Sau REM , não bộ trở về stage 3-2-1 và thức dậy.

Giai đoạn mắt cử động nhanh (REM stage) là lúc nằm mơ,  các cơ chân tay bị liệt. Nếu thức dậy ngay lúc này, chúng ta nhớ rõ giấc mơ vừa thấy.

Tại sao có người nhớ rất rõ ràng các giấc mơ của mình mà người khác thì lại không nhớ gì cả hoặc nhớ ít thôi? Có những khảo cứu cho thấy có một vùng trong  não bộ giúp cho chúng ta ở trong một tình trạng tỉnh táo lúc đang ngủ (intra-sleep wakefulness) và giúp nhớ  các giấc mơ nhiều hơn. Vùng tiếp hợp thái dương-đỉnh (TPJ , temporo-parietal junction) là một khu vực của não nơi các thùy thái dương và đỉnh gặp nhau, ở đầu sau của rãnh bên (khe nứt Sylvian/Sylvian fissure)). TPJ kết hợp thông tin từ bên trong cơ thể (từ thalamus phụ trách điều tiết phản ứng về cảm xúc, và hệ thống limbic phụ trách cảm xúc, học hỏi và tạo nên trí nhớ)  cũng như từ môi trường bên ngoài (các hệ thống thị giác, thính giác và cảm giác thân thể/somatosensory). TPJ chịu trách nhiệm thu thập tất cả các thông tin từ bên trong cũng như từ bên ngoài và sau đó xử lý chúng. Rối loạn vùng TPJ cũng  xảy ra trong các bệnh như Alzheimer, bệnh quên (amnesia), bệnh tự kỷ, bệnh thần kinh phân liệt.

20chvhdd2Fig 2:Vùng tiếp giáp giữa thuỳ đỉnh và thuỳ thái dương (TPJ) (Phía trước não bộ nằm tay trái người đọc).

Những lý do có thể làm cho chúng ta nằm mơ nhiều hơn, giấc mơ sống động hơn trong thời đại dịch Covid-19:

1) Chúng ta có thì giờ để ngủ lâu hơn, không bị đồng hồ báo thức dậy đi làm. Nếu thì giờ ngủ ngắn quá, phần giấc ngủ REM sleep sẽ càng bị thu ngắn lại và ít giấc mơ hơn.

2) Những người nhớ giấc  thường mơ của mình nhiều hơn thường là những người có đời sống nội tâm phong phú, có khả năng sáng tạo cao như thi sĩ, nghệ sĩ, nhà văn... trong lúc những người hướng ngoại nhiều, hoạt động tích cực và tác động nhiều trong cuộc sống thì lại ít "nằm mơ" hơn.

3) "Đố ai nằm ngủ không mơ ?" Ai cũng có giấc ngủ REM và nằm mộng đi theo. Nếu theo dõi não điện đồ trong giấc ngủ và đánh thức người đó khi REM xuất hiện, họ sẽ nhớ vừa mơ thấy gì.

Trong đời sống bình thường chúng ta thường không để ý và quên giấc mơ đêm qua vì các bận rộn trước mắt của cuộc sống trong ngày mới. Trong tình cảnh cô lập đại dịch, ngày này nối theo ngày khác không có chương trình gì gấp rút, trí óc thoải mái cho nên chúng ta có khả năng nhớ lại các giấc mơ một cách rõ ràng sống động hơn.

4) Thời gian nhàn rỗi cọng với những tin tức tràn ngập có lúc đáng tin cậy, lúc sai,  do vô tình hoặc cố ý với mục đích chính trị, xách động, làm cho não bộ người sống qua giai đoạn này có khi bị tràn ngập bởi các nguồn thông tin, gây nên một tình trạng bất an. Giấc mơ khi ngủ là một trong những cách não bộ xử lý, chọn lựa những tin tức này, đem một số vào ký ức lâu dài và loại bỏ những điều không cần thiết. Một số hình ảnh, tin tức và cảm xúc sẽ được "chế biến" thành những biểu tượng liên kết thấy trong mơ. Ví dụ nằm mơ thấy người thân chết có thể chỉ là tượng trưng cho sự đe dọa chết chóc mà bịnh tật (như Covid-19) có thể đem đến, hay là ý thức về cuộc sống có thể chấm dứt  một lúc nào đó (“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi?” Trịnh Công Sơn). Ngạt thở phải thức dậy có thể là do sợ mắc coronavirus trong tiềm thức. Mơ thấy bị đuổi chạy có thể do sợ nhiễm trùng, tuy  bỏ chạy có thể là dấu hiệu nhắc nhở mình tự hỏi xem mình có muốn chạy khỏi những tình cảm có tính cách tiêu cực.Thấy trong mơ các tai ương như lũ lụt, động đất có thể dấu  hiệu cho thấy mình không còn kiểm soát được tình hình, cảm thấy bất lực trước những đe dọa lớn như virus corona.

Nói tóm lại, cũng như trong các biến cố lớn ảnh hưởng đến đời sống, giấc ngủ và giấc mơ có nhiều thay đổi. Đại dịch hiện nay trên toàn cầu làm nhiều người có những giấc mơ nhiều hơn, sống động hơn và lạ lùng hơn có lẽ do có cơ hội ngủ nhiều hơn, nhiều tin tức từ bên ngoài hơn và được nghiên cứu dễ dàng  hơn. Thường nội dung giấc mơ có tính cách ẩn dụ (metaphor) và chỉ có ý nghĩa có tính cách liên kết (by association) với thực tế,nói chung biểu hiện sự bất an, lo lắng và cảm giác bất lực.

Bác sĩ Hồ văn Hiền

      Ngày 19  tháng 7 năm 2020

Chú thích:

1)Ví dụ đối với người Việt và người Tàu, con kỳ lân, trứng kỳ lân và con ngựa là những "vật linh" mang lại may mắn.

Theo Wikipedia, thuyết vật linh (animism) hay thuyết sinh khí là một quan niệm triết học, tôn giáo hay tinh thần cho rằng linh hồn hay sự linh thiêng có trong mọi vật (người, động vật, thực vật, đá, sông, núi v.v), trong mọi hiện tượng tự nhiên (sấm, chớp, mây, mưa) hay các thực thể khác trong môi trường tự nhiên. Thuyết vật linh cũng gán linh hồn cho các khái niệm trừu tượng như lời nói, các ẩn dụ trong thần thoại. Các tôn giáo nhấn mạnh thuyết vật linh là các tín ngưỡng dân gian, chẳng hạn như Shaman giáo, Shintō (thần đạo Nhật Bản) hay một số giáo phái của Hindu giáo. Các tộc người đều tìm một biểu tượng linh thiêng, là vật thiêng niềm tin trừ diệt ma quỷ. Chú thích:

Nói chung, hiện nay "vật linh" được dùng một cách lỏng lẻo để chỉ các tôn giáo dân gian, hay nguyên thuỷ, có tính cách địa phương, không phải là một trong những tôn giáo có tính cách toàn cầu như Thiên chúa giáo, Phật Giáo, Hồi giáo.

Người Việt tin tưởng về xác, vía , hồn; ví dụ trong câu Kiều

“Kiều rằng: những đấng tài hoa (câu 115)

Thác là thể phách, còn là tinh anh”

(Thác là chết, người tài hoa chỉ chết về thể xác, linh hồn không chết).

Các nhà nhân học ngoại quốc (Pháp) cũng phân loại các tín ngưỡng này là "animisme".

2)The CI (Central Image or Contextualizing Image) can be considered the emotional center of the dream. The CI can sometimes be seen as picturing the emotion behind the dream—as in the paradigmatic “Tidal Wave Dream.” The CI is the best-remembered part of the dream. CI Intensity, rated on a reliable scale, is higher after trauma, after 9/11/01, and in dreams considered “important” by the dreamer.

https://journals.sagepub.com/doi/abs/10.2190/0Q56-1445-3J16-3831?journalCode=icaa

 

Tham khảo:

 

1)Ernest Hartmann A Systematic Change in Dreams after 9/11/01

Sleep. 2008 Feb 1; 31(2): 213–218.

doi: 10.1093/sleep/31.2.213

2)https://www.healthline.com/health/mental-health/remembering-dreams-psychology#1

3)https://time.com/5866860/pandemic-dreams-covid-19/

4) Wikipedia: temporoparietal Junction

5)https://www.msn.com/en-nz/lifestyle/style/how-to-decode-your-corona-dreams-from-being-chased-to-naked-zoom-meetings-and-natural-disasters-an-expert-reveals-whats-going-on-as-many-of-us-experience-very-fitful-nights-in-lockdown/ar-BB12T9Vr

6)Wikipedia:Sudden arrhythmic death syndrome

https://en.wikipedia.org/wiki/Sudden_arrhythmic_death_syndrome

7) Thad Morgan How a Terrifying Wave of Unexplained Deaths Led to ‘A Nightmare on Elm Street’

https://www.history.com/news/nightmare-on-elm-street-real-inspiration-hmong-death