"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

Chứng Liên Kết Giác Quan (Synesthesia)

 

 

"Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa"

(Nguyễn Du)

 

“...Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh...

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngát.”

(Đoàn Phú Tứ, Màu Thời Gian)

Mấy câu thơ trên của Nguyễn Du và Đoàn Phú Tứ tiêu biểu cho lối liên kết một cách sáng tạo những giác quan khác nhau trong thi văn: thấy nghe thường trộn lẫn với nhau (như: “Em không nghe mùa thu, dưới trăng mờ thổn thức” [Lưu Trọng Lư] hay “les cloches des couleurs” cuả Paul Eluart [bài thơ Liberté].

Dùng cảm giác trong một giác quan này để mô tả cảm giác trong một giác quan khác trong thi văn được gọi là synesthesia (Gốc Hy lạp: syn= cùng với nhau, esthesia=cảm giác).

Trong y khoa, có những trưởng hợp bịnh lý trong đó cá giác quan khác nhau như nghe, nhìn, mùi vị cũng được lẫn lộn với nhau một cách rất nên thơ và sáng tạo, mặc dù hiện tượng xảy ra ngoài ý muốn của người bịnh.

“Tôi sinh ngàỳ tháng Giêng năm 1979, một ngày thứ Tư.Tôi biết là ngày thứ Tư vì trong tâm trí tôi,ngày đó màu xanh và ngày thứ Tư luôn luôn màu xanh, cũng như số 9, hoặc âm thanh người ta cải cọ nhau lớn tiếng. Tôi thích ngày sanh của tôi, vì theo cách mà tôi nhìn thấy đa số các con số trong ngày đó đều tròn trịa và trơn tru, giống như những hạt sỏi trên bãi biển. Lý do vì chúng là những con số nguyên tố: 31, 19, 197, 97, 79 và 1979 có thể chia hết cho chính nó và số1. Tôi có thể nhận diện mỗi số số nguyên tố cho đến số 9.973 qua đặc tính “viên sỏi” của nó. Đấy chỉ là cái lối mà óc của tôi làm việc.”

…”Các con số là những người bạn của tôi, và chúng nó luôn luôn bao vây tôi. Mỗi con số độc đáo và có cá tính riêng của nó. Số 11 thân thiện, và số 5 thì ồn ào, trong lúc đó thì số 4 thẹn thùng và yên lặng- đây là con số tôi thích nhất, có lẽ vì nó làm tôi nhớ đến chính tôi. Có những con số to lớn-23,667, 1, 179-trong lúc con số khác lại nhỏ con :6,13,581. Một số con số thì đẹp, như số 333, và con khác thì xấu, như 289. Đối với tôi, mỗi con số đều đặc biệt.”…Ví dụ số 1 thì sáng và trắng xoá, như một ai đó lấy đèn pin rọi vào mắt tôi. Số 5 là một tiếng sấm nổ hoặc là tiếng song ập vỗ vào bờ đá. 37 thì lộm cộm như cháo, trong lúc đó 89 làm tôi nhớ đến tuyết rơi….”

“Nhìn các từ dưới những màu sắc khác nhau giúp cho tôi nhớ những sự kiện và tên người. Ví dụ tôi nhớ được người thắng cuộc trong mỗi đoạn của Tour de France đoạt được một cái áo jersey vàng (mà không phải xanh lá cây, đỏ hoặc xanh lơ) vì đối với tôi chữ jersey có màu vàng. Tương tự như vậy, tôi có thể nhớ lá cờ của Finland (Phần Lan) có một chữ thập màu xanh (trên nền trắng) vì từ Finland màu xanh (cũng như những chữ bắt đầu bằng F). Khi tôi gặp ai lần đầu tôi nhớ tên người đó theo màu của cái chữ tên anh ta : những tên Richard màu đỏ , John màu vàng , Henry màu trắng…”

Chuyện này cũng giúp tôi học các tiếng nước ngoài một các dễ dàng…Tôi liên hệ nghĩa của các chữ đó với các màu sắc và cảm xúc khác nhau của tôi đối với từng chữ và nhờ đó tôi vận dụng các chữ đó dễ dàng hơn…”

 

Đoạn trên trích từ cuốn “Born on a Blue Day” (Sanh nhằm ngày màu xanh) của Daniel Tammet (Nhà xuất bản Free Press, 2006). Tammet, người mắc chứng tự kỷ (autism) thuộc loại nhẹ, có khả năng sống và làm việc tự lập, gọi là Hội chứng Asperger . Nay y khoa không dùng từ Asperger nữa mà gộp vào trong quang phổ tự- kỷ [autism spectrum disorder], coi như một hình thức đặc biệt liện hệ với chứng tự kỷ (DSM-5).

Chứng này gồm giảm sút khả năng giao tiếp với người khác, không nhìn vào mắt người khác, mặt không biểu hiện xúc động, và không thích thú giao tiếp với người ngang hàng với mình (peers). Thứ hai là người bịnh thích hoặc làm những việc, động tác lập đi lập lại, trong một số lãnh vựa hẹn hẹp, rất giới hạn (restricted, repetitive), ví dụ thích các chiếc xe lửa..

Daniel Tammet còn có những biệt tài và được coi như một nhà thông thái tự kỷ (autistic savant). Anh coi những con số như những hình dạng, màu sắc và đặc tính mặt ngoài khác nhau (texture), và tính “rợ’ trong đầu rất tài tình. Anh ta có thể tính số Pi (3,1415926…) đến 22000 số (kỷ lục về số pi) và học một ngoại ngữ hoàn toàn mới lạ trong vài tuần là có thể nói chuyện được   Đặc biệt Tammet có khả năng giải thích cách suy nghĩ, tính toán đặc biệt của mình và đáng chú ý nhất là mô tả lối suy nghĩ tính toán bằng hình ảnh , màu sắc của anh. Đây là một trường hợp lý thú của hiện tượng khoa học gọi là synesthesia, tạm dịch là chứng liên kết giác quan.

Ở đây chúng ta có một hiện tượng thần kinh sinh lý: synesthesia, hoặc chứng liến kết giác quan, là một hiện tượng ghép nối không cố ý, lúc thông tin có thật trong lãnh vực một giác quan lại được gắn kèm theo với sự nhận biết trong một giác quan khác. Người liên kết giác quan có cảm tưởng là hiện tượng có thật, xảy ra ngoài thân thể mình, chứ không nghĩ rằng do đâù óc mình tưởng tượng ra (1). Ví dụ, một số người khi xem các chữ , các con số, môt số âm thanh thì sẽ thấy màu sắc kèm theo (vd a màu đỏ, b màu đen, c màu xanh..). Trường hợp Tammet ở trên cũng tương tự, chỉ khác là nó phức tạp hơn và giúp anh ta làm những tính toán bằng các vận dụng những hình ảnh (gồm 3 yếu tố; hình dạng [shape], màu sắc, và cách kết cấu bề mặt bên ngoài của đồ vật [texture]) biểu hiệu cho các con số khác nhau. Ngoài ra, Tammet ý thức về lối cảm nhận đặt biệt của mình, cọng tác với những khoa học gia say sưa nghiên cứu về những bí mật của bộ óc của anh. Chính anh là tác giả cuốn best seller “Born on a blue day” nói trên, với lời văn bình dị, đưa độc giả đi vào thế giới và cách làm việc của một đầu óc ngoại hạng, tuy “bất bình thường”. Chính nhà bác học Einstein cũng công nhận ông khám phá các thuyết quan trọng về vật lý cũng bằng cách vận dụng những hình ảnh (manipulation of images) trong đầu óc mình.

 

Bs Hồ Văn Hiền

17 tháng 8 năm 2009-12 tháng 8 năm 2013

 -----------------------------------------------------

 

[1] R. Cytowic, "Synesthesia: A Union of the Senses" Springer-Verlag, NY (p.1)

[1]Synesthesia is an involuntary joining in which the real information of one sense is accompanied by a perception in another sense. In addition to being involuntary, this additional perception is regarded by the synesthete as real, often outside the body, instead of imagined in the mind's eye 

 

 

 

Thống-Kê Vào Làng

Viet Nam 64.0% Viet Nam
United States of America 21.1% United States of America
Canada 4.0% Canada
France 2.0% France
Germany 2.0% Germany
Japan 1.9% Japan
Singapore 1.3% Singapore
Australia 1.2% Australia

Total:

53

Countries