"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

Hội Chứng Viêm Đa Hệ ở Trẻ Em Nhiễm COVID (MIS-C)

Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (dưới 21 tuổi) là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau, thuộc về các hệ thống khác nhau của cơ thể, có thể bị viêm đồng loạt (MIS-C, Multisystem Inflammatory Syndrome- Children ) .

Viêm (hay inflammation): bình thường hiện tượng viêm xảy ra lúc hệ phòng thủ cơ thể (immune system) phóng thích vào nơi đang bị tấn công những bạch cầu ( white blood cells) và những hóa chất để chống lại sự xâm nhập đó; tuy nhiên nếu phản ứng này mạnh quá như trong trường hợp COVID có thể gây những hư hại cho các bộ phận hay các mô chung quanh. Trong MIS-C, các bộ phận bị tổn thương  bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh Hoa Kỳ (CDC) tính đến ngày 1 tháng 10 năm 2020, số lượng bệnh nhân  MIS-C ở Hoa Kỳ đã vượt qua con số 1.000. Vào năm 2021, con số này đã vượt qua 2.000 vào ngày 1 tháng 2, 3.000 vào ngày 1 tháng 4 và 4.000 vào ngày 2 tháng 6. Đến ngày  19 tháng 8 năm 2021, tổng số bệnh nhân  là  4.403, tổng số trẻ em chết vì bệnh này tại Mỹ là 37. Nói một cách khác, bệnh này vẫn còn hiếm nhưng nếu số người bị nhiễm COVID nhất là biến thể Delta tăng, số trẻ em bị nhiễm ( chừng 12-15% của tổng số nhiễm) cũng sẽ gia tăng theo.

Tuổi trung bình của bệnh nhân MIS-C là 9 tuổi. Một nửa số trẻ em mắc MIS-C trong độ tuổi từ 5 đến 13 tuổi.

63% bệnh nhân trẻ em là người Hispanic/ Latino hoặc Da đen, không phải gốc Hispanic.

99% bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS CoV-2, loại vi rút gây ra COVID-19. 1% bệnh nhân còn lại đã tiếp xúc với người bị nhiễm COVID-19.

60% bệnh nhân là nam giới.(1)

Một trong những trường hợp được ghi nhận đầu tiên ở Mỹ:

 

Tháng 4, 2020, một bệnh nhân nam, 14 tuổi đến khoa cấp cứu của Nemours Children’s Health System, Delaware với tiền sử sốt, mệt mỏi và đau bụng 4 ngày. Ban đầu, kết quả âm tính với COVID-19 và được đưa vào khoa nhi tổng quát. Nhưng tình trạng xấu đi nhanh chóng, với tiêu chảy nặng, sốt ngày càng cao và phát ban nhanh chóng lan rộng, triệu chứng  tiếp tục gia tăng đến đau ngực, tràn dịch trong phổi và suy giảm chức năng tim.

21bhvhhxv0

Fig 1: Ban (Exanthem) trên bụng và lưng của một bệnh nhi tại Hệ thống Y tế Trẻ em Nemours ở Delaware, với các triệu chứng bí ẩn mà sau này được xác định là một trong những trường hợp đầu tiên của hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C) ở Hoa Kỳ. (Source DAIC)

 

Việc trình bày các triệu chứng có vẻ như không liên quan với nhau làm cho các bác sĩ nghĩ đến một số chẩn đoán khác nhau như bệnh Kawasaki (sẽ bàn sau đây), sốt thấp khớp cấp (acute rheumatic fever, bệnh cũng gây ban, triệu chứng tim), toxic shock (sốc độc tố). Khi đang điều trị tại khoa hồi sức tim, bệnh nhân phải đặt nội khí quản và thở máy. Trong 12 ngày nằm viện, bệnh nhân được điều trị bằng penicillin, ceftriaxone (kháng sinh), epinephrine, phenylephrine (trợ tim mạch), milrinone (thuốc làm giãn mạch máu, trợ tim), immune globulin (kháng thể) tiêm tĩnh mạch và aspirin liều cao để có thể đối phó với nhiều tình trạng bệnh có thể xảy ra.

Sau khi bệnh nhân được xuất viện, các trung tâm ở châu Âu bắt đầu báo cáo về tình trạng viêm đa hệ thống ở trẻ em với COVID-19. Quá trình lâm sàng của bệnh nhân và các phát hiện trong phòng thí nghiệm đã được xem xét lại. Bệnh nhân lúc đó mới được xét nghiệm kháng thể Covid (lúc đó mới bắt đầu được dùng) và được chẩn đoán là một trong những trường hợp MIS-C đầu tiên được biết đến ở Hoa Kỳ.(2,3)

 

Những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của MIS-C là gì? (Theo AAP)(4)

Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm: sốt dai dẳng, viêm (dựa trên kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm) và bằng chứng về rối loạn chức năng của các cơ quan hoặc sốc.

Mặc dù nhiều  biểu hiện khác nhau đã được mô tả, các triệu chứng phổ biến bao gồm:

1)Các đặc điểm giống bệnh Kawasaki: viêm kết mạc (conjunctivitis), đỏ mắt; bàn tay và bàn chân đỏ hoặc sưng tấy; phát ban (rash); môi nứt đỏ, sưng hạch. Ở một số trẻ em, chứng nở động mạch vành và / hoặc chứng phình động mạch (coronary artery enlargement and/or aneurysms) đã được mô tả. Một số trẻ em mắc hội chứng giống bệnh Kawasaki đã được ghi nhận là có độ tuổi và biểu hiện rộng hơn với nhiều biểu hiện về đường tiêu hóa (đau bụng hoặc tiêu chảy) và thần kinh (đau đầu / viêm màng não).

2)Các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn / nôn (bệnh nhân có biểu hiện viêm đại tràng (colitis), viêm gan và nghi vấn viêm ruột thừa).

3)Các đặc điểm giống hội chứng sốc nhiễm độc (toxic shock syndrome) với bất ổn định về huyết động học (hemodynamic instability, áp huyết bất ổn ảnh hưởng đến lượng máu đến các bộ phận ) và chức năng tim kém. Cơn “bão cytokin” (các protein  gọi là cytokin được phóng thích ào ạt có thể làm tổn thương các mô và tế bào);  các đại thực bào được phát động hay các đặc tính “siêu” viêm (Cytokine storm/macrophage activation or hyperinflammatory features).

4)Huyết khối (máu đông trong tĩnh mạc, thrombosis) hoặc chấn thương thận cấp tính.

5)Khó thở gợi ý suy tim sung huyết (congestive heart failure) hoặc thuyên tắc phổi (pulmonary emboli).

6)Các triệu chứng hô hấp thường được báo cáo ở người lớn với COVID-19 có thể không xuất hiện ở bệnh nhi mắc MIS-C.

21bhvhhxv1

Fig 2: Tiêu chuẩn định bệnh MIS-C gồm : A) Sốt và các biểu hiện viêm 2) 2 hoặc trên 2 hệ thống bị liên hệ 3) bằng chứng nhiễm SARS-CoV-2 (Covid) trước đó. (Source: https://www.mdpi.com/2227-9067/7/7/69) 

 

Hướng dẫn cho phụ huynh (phỏng theo CDC):

 

Những gì chúng ta biết về MIS-C

Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C) là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm.

Trong MIS-C, các bộ phận bị tổn thương  bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa.

Chúng ta vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra MIS-C. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng nhiều trẻ em mắc MIS-C có nhiễm vi rút gây ra COVID-19, hoặc đã từng gần gũi  người bị COVID-19.

MIS-C có thể nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong, nhưng tình trạng hầu hết trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh này đã được cải thiện nếu được chữa trị.

Phải làm gì nếu bạn nghĩ rằng con mình bị bệnh MIS-C

Liên hệ với bác sĩ, y tá hoặc phòng khám của con bạn ngay lập tức nếu con bạn có các triệu chứng sau đây của MIS-C:

Sốt VÀ (cọng với, đi đôi với, chứ không phải chỉ nóng sốt mà thôi) bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào sau đây:

Đau bụng

Đôi mắt đỏ ngầu (blood shot eyes)

Đau / tức ngực

Bệnh tiêu chảy

Cảm thấy rất mệt mỏi (“feeling extra tired”)

Đau đầu

Huyết áp thấp

Đau cổ ( neck pain)

Phát ban (rash)

Nôn mửa

Cần biết rằng không phải tất cả trẻ em sẽ có tất cả các triệu chứng giống nhau.

Khi nào cần được chăm sóc khẩn cấp?

Nếu bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu nào trong số những dấu hiệu này,  cần được chăm sóc y tế khẩn cấp ngay lập tức:

 

    • Khó thở
    • Đau dai dẳng hoặc cảm giác áp lực trong ngực
    • Không tỉnh táo, tình trạng lơ mơ mới xảy đến (new confusion)
    • Không đánh thức được hoặc thức dậy nhưng mê trở lại
    • Da, môi hoặc móng tay màu nhợt nhạt, xám hoặc xanh lam, tùy thuộc vào tông màu da mỗi người.

 

Danh sách này không bao gồm tất cả các triệu chứng có thể xảy ra.

Hãy  gọi nơi cung cấp dịch vụ y tế nếu có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng hoặc làm bạn lo ngại.

 

Gọi 911 hoặc gọi báo  trước đến cơ sở cấp cứu địa phương của bạn: Thông báo cho operator  rằng bạn đang tìm kiếm sự chăm sóc cho một người bị  hoặc có thể bị COVID-19.

Các bác sĩ sẽ chăm sóc con bạn như thế nào

Các bác sĩ có thể làm các xét nghiệm nhất định để tìm viêm hoặc các dấu hiệu bệnh khác. Các thử nghiệm này có thể bao gồm:

Xét nghiệm máu

X quang ngực

Siêu âm tim (echocardiogram)

Siêu âm bụng

Các bác sĩ có thể chữa theo các triệu chứng, dùng  thuốc và / hoặc truyền dịch (fluids)  để làm cho con bạn cảm thấy dễ chịu hơn và có thể sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị viêm. Hầu hết trẻ em bị bệnh với MIS-C sẽ cần được điều trị trong bệnh viện. Một số sẽ cần được điều trị tại đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ em (ICU).

Cha mẹ hoặc người chăm sóc có lo ngại về sức khỏe của con mình, bao gồm cả lo ngại về COVID-19 hoặc MIS-C, nên gọi bác sĩ nhi khoa hoặc các nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác ngay lập tức. Các nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể tuân theo các khuyến nghị của CDC để giữ an toàn cho trẻ em và cha mẹ hoặc người chăm sóc của chúng lúc họ đến thăm khám trực tiếp nếu cần.

Những điều chúng ta chưa biết về MIS-C

CDC vẫn đang tìm hiểu về MIS-C và nó ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào, vì vậy chúng ta không biết tại sao một số trẻ em mắc MIS-C và những trẻ khác thì không. Chúng ta cũng không biết liệu trẻ em mắc sẵn  một số tình trạng sức khỏe có nhiều khả năng mắc MIS-C hơn hay không. Đây là một trong số rất nhiều câu hỏi mà CDC đang cố gắng tìm hiểu.

Cách bảo vệ con bạn khỏi mắc COVID-19

Dựa trên những gì chúng ta biết hiện nay về MIS-C, cách tốt nhất bạn có thể bảo vệ con mình là thực hiện các biện pháp hàng ngày để ngăn con bạn và toàn bộ gia đình nhiễm vi rút gây ra COVID-19 như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, giữ thoáng khí (ventilation, mở cửa sổ), rửa tay đều đặn.

Đây là những cách tốt nhất để bảo vệ các thành viên chưa được tiêm phòng trong gia đình của bạn, bao gồm cả trẻ em chưa được tiêm phòng hiện nay trẻ em dưới 12 tuổi chưa được chích vaccine chống COVID):

    • Bản thân nên chích vaccine. Thuốc chủng ngừa COVID-19 làm giảm nguy cơ bị nhiễm COVID-19 và cũng có thể làm giảm nguy cơ lây lan bệnh này qua người khác.
    • Hãy nhớ đưa tất cả mọi người trong gia đình bạn từ 12 tuổi trở lên tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19.
    • Đeo khẩu trang.
    • Để tăng tối đa khả năng bảo vệ khỏi biến thể Delta và ngăn ngừa có thể lây lan sang người khác, hãy yêu cầu mọi người trong gia đình bạn, kể cả những người đã được tiêm chủng, đeo khẩu trang khi ở trong phòng ốc (indoors) nơi công cộng nếu bạn đang ở trong khu vực có khả năng lây truyền mạnh hoặc cao.
    • Nếu muốn cẩn thận hơn, bạn có thể chọn cho tất cả mọi người trong gia đình, ngay cả những người đã được tiêm chủng, đeo khẩu trang ở nơi phòng ốc công cộng bất kể mức độ lây truyền trong khu vực của bạn.
    • Các thành viên gia đình chưa được tiêm phòng, bao gồm cả trẻ em từ 2 tuổi trở lên, nên đeo khẩu trang ở tất cả các môi trường phòng ốc công cọng (indoor public settings).
    • Để làm gương, bạn cũng có thể chọn đeo khẩu trang.
    • KHÔNG đeo khẩu trang cho trẻ em dưới 2 tuổi.

Bác sĩ Hồ văn Hiền
Ngày 28 tháng 8 năm 2021

Tham khảo :

1)Hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát bệnh Hoa Kỳ dành cho bệnh nhi về hội chứng viêm đa hệ thống trong bệnh COVID-19.

https://www.cdc.gov/mis/mis-c.html

2)https://www.dicardiology.com/content/case-study-describes-one-first-us-cases-mis-c

3)https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1058981320301399

4)AAP: Multisystem Inflammatory Syndrome in Children (MIS-C) Interim Guidance

https://www.aap.org/en/pages/2019-novel-coronavirus-covid-19-infections/clinical-guidance/multisystem-inflammatory-syndrome-in-children-mis-c-interim-guidance/

https://www.npr.org/2021/08/23/1030430471/how-the-delta-variant-affects-children