"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

Kinh Nghiệm Chống COVID Nơi Tiền Tuyến 

21bhvhknc1

Chúng ta đối phó với đại dịch Covid 19 này gần hai năm. Kinh nghiệm của mỗi người một khác. Người chưa bị bệnh bực mình, khổ sở vì sinh hoạt bị thay đổi, giới hạn do những biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, phản ứng phụ vì chích ngừa (nếu may mắn ở nơi có thuốc chích đầy đủ và được mời mọc chích miễn phí như ở Mỹ).

Và nếu chưa chích ngừa sẽ phân vân không biết lợi hại chích ngừa như thế nào. Và biết bao nhiêu thuyết âm mưu (conspiration theory) lưu truyền trên internet về vaccine chống Covid, với rất nhiều màu sắc chính trị.

Nhưng chúng ta cần nghe tiếng nói của người từng “thập tử nhất sinh” với bệnh Covid, vì họ là những người suýt chết vì bệnh, hay trở về từ cõi chết. Tuy có những người cho đến lúc bị bệnh Covid nặng vẫn còn chống đối vaccine, một số đáng kể sau khi sống sót đã cố gắng tham gia vận động cho người khác tham gia chích ngừa và tránh sai lầm của chính mình từng mắc phải. Chúng ta nhớ rằng chúng ta chích ngừa không chỉ giúp bản thân chúng ta tránh bệnh mà còn góp phần giảm cơ nguy bệnh lan rộng trong cộng đồng, giảm cơ nguy những biến thể của virus (variant) được phát triển.

Một câu chuyện gây  ấn tượng là của cụ già 103 tuổi sống ở một nơi hẻo lánh ở Pakistan tên Aziz Abdul Alim. Cụ mắc bệnh Covid, nằm nhà thương 2 tuần lễ, và hồi phục. Và cụ vẫn hăng hái đi chích ngừa vì không muốn bị tù túng mãi mãi trong nhà.

Alim nói: “Khi tôi nghe về vắc-xin, tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi muốn được hưởng lợi từ nó càng sớm càng tốt. Tôi cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống cô lập. Tôi muốn gặp gỡ mọi người, nói chuyện với họ."

Giống như hàng triệu người trên khắp thế giới, Alim đã hạn chế tương tác của mình với những người khác để hạn chế sự lây lan của coronavirus. Nhưng những hạn chế, cụ nói, khiến cụ ấy cảm thấy "ngột ngạt" - thậm chí còn tồi tệ hơn việc mắc phải COVID.

"Tôi không được phép gặp gỡ ai hết. Tôi không có hoạt động nào khác. Tôi đã sống sót qua căn bệnh chết người này mà không sợ hãi nhiều, nhưng thời gian sống cô lập rất khó khăn đối với tôi", cụ nói. "Hoạt động duy nhất đối với một người đàn ông như tôi ở vùng núi này là giao du với gia đình và hàng xóm." (NPR)

Tuy nhiên, tiếng nói chúng ta cần nghe nhất là tiếng nói của những người trực tiếp săn sóc cho những bệnh nhân Covid trong các trại săn sóc đặc biệt, lắm khi cho đến giờ phút cuối cùng của người bệnh.

Sau đây là một bài viết (LA Times) ngắn gọn nhưng là một lời kêu gọi thiết tha cho những ai còn do dự chích vaccine nên suy nghĩ lại. Tác giả là một chuyên viên trị liệu hô hấp, phụ trách về hô hấp trị liệu cho những bệnh nhân Covid  mà suy hô hấp là một trong những hậu quả ghê gớm nhất của Covid. Hiện nay đại đa số trường hợp Covid nặng xảy ra ở những người chưa chích vaccine.

Tôi xin dịch lại bài của Karen Gallardo (Ventura Community Hospital, California) sau đây để tặng riêng các quý vị còn đang do dự không biết nên chích ngừa vaccine  Covid hay không. Dù không thay đổi ý kiến, ít lắm chúng ta cũng hiểu thêm nếu bị bệnh nặng chúng ta sẽ trải qua những bước nào trước khi rời khỏi bệnh viện.

Nơi Tiền tuyến, 7 Giai đoạn của COVID-19

Tôi là một chuyên viên trị liệu hô hấp. Với đợt thứ tư của đại dịch đang bùng phát, được thúc đẩy bởi biến thể Delta rất dễ lây lan, đường đi  của những bệnh nhân mà tôi thấy, từ lúc nhập viện đến lúc được chăm sóc trong tình trạng nguy kịch, đều quá quen thuộc. Khi họ từng được chủng ngừa, tình trạng nhiễm trùng COVID-19 của họ rất có thể sẽ kết thúc sau Giai đoạn 1. Giá như đó là trường hợp của tất cả mọi người thì thật quá tốt.

Bạn hãy đi chích ngừa đi. Nếu bạn chọn không chích vaccine , đây là những gì có thể xảy ra nếu bạn nhập viện vì bệnh COVID-19 nặng.

Giai đoạn 1. Bạn đã có các triệu chứng làm bạn suy nhược trong một vài ngày, nhưng bây giờ cảm thấy khó thở đến mức bạn phải đến phòng cấp cứu. Mức độ bão hòa oxy của bạn cho chúng tôi biết bạn cần trợ giúp, cần lưu lượng bổ sung từ 1 đến 4 lít oxy mỗi phút. Chúng tôi cho bạn nhập viện và bắt đầu điều trị bạn bằng thuốc kháng vi-rút, steroid, thuốc chống đông máu hoặc kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies). Bạn sẽ trải qua vài ngày trong bệnh viện với cảm giác mệt mỏi, nhưng nếu chúng tôi có thể cai được oxy cho bạn, bạn sẽ được xuất viện. Bạn sống sót.

Giai đoạn 2. Bạn ngày càng khó thở hơn. “Giống như bị trấn nước hay chết đuối”, nhiều bệnh nhân mô tả cảm giác này. Các phương pháp điều trị giãn phế quản mà chúng tôi cung cấp cho bạn không giúp ích gì lắm. Nhu cầu oxy của bạn tăng lên đáng kể, từ 4 lít lên 15 lít đến 40 lít mỗi phút. Những việc nhỏ nhặt, chẳng hạn như tiêu tiểu hoặc ngồi dậy trên giường, trở nên quá khó để bạn có thể tự làm một mình. Độ bão hòa oxy của bạn giảm nhanh chóng khi bạn di chuyển, đi lại. Chúng tôi chuyển bạn đến phòng chăm sóc đặc biệt.

Giai đoạn 3. Bạn kiệt sức vì cố gắng thở nhanh để đáp ứng nhu cầu không khí của cơ thể. Chúng tôi đưa bạn vào chế độ máy thở  “áp suất dương” không xâm lấn (noninvasive, positive pressure ventilation) - một chiếc mặt nạ to và cồng kềnh phải được dán chặt vào  mặt của bạn để máy có thể đẩy áp suất vào phổi của bạn một cách hiệu quả để làm chúng mở ra để bạn nhận đủ oxy tận vào các phế bào.

Giai đoạn 4. Bạn thở càng khó khăn hơn nữa. Chúng tôi có thể nói rằng bạn đang rất mệt mỏi. Lấy máu từ động mạch để xét nghiệm xác nhận rằng hàm lượng oxy trong máu của bạn rất thấp. Chúng tôi chuẩn bị đặt nội khí quản (endotracheal tube) cho bạn. Nếu bạn có thể và nếu có thời gian, chúng tôi khuyên bạn nên gọi cho những người thân yêu của mình. Đây có thể là lần cuối cùng họ nghe thấy giọng nói của bạn.

Chúng tôi kết nối bạn với máy thở. Bạn được dùng thuốc an thần và bị tê liệt, được cho ăn qua ống truyền thức ăn vào dạ dày, được nối với ống thông tiểu  Foley và ống vào trực tràng (để thoát phân). Chúng tôi lật đổi vị trí  thường xuyên cơ thể mềm nhũn của bạn, để bạn không bị loét những chỗ bị đè xuống mặt giường (gọi là pressure ulcers, bed sores). Chúng tôi tắm cho bạn và giữ cho bạn sạch sẽ. Chúng tôi lật bạn nằm sấp để cho phép oxy vào phổi tốt hơn. Chúng tôi sẽ thử các phương pháp trị liệu còn trong giai đoạn thử nghiệm.

Giai đoạn 5. Một số bệnh nhân sống sót qua Giai đoạn 4. Thật không may, nồng độ oxy và tình trạng chung của bạn không được cải thiện sau vài ngày thở máy. Phổi bị nhiễm COVID của bạn cần sự hỗ trợ và thời gian để chữa lành, do đó cần phải có máy ECMO*; lộ trình máu bạn được  thay đổi để không chạy qua phổi (“nối tắt”, pulmonary bypass) mà cho vào máy ECMO và ECMO thay thế phổi bạn cung cấp oxy cho máu của bạn. Nhưng than ôi, bệnh viện cộng đồng (community hospital) của chúng tôi không có khả năng đó.

Nếu đủ ổn định, bạn sẽ được chuyển đến bệnh viện khác để thực hiện liệu pháp đó. Nếu không, chúng tôi sẽ tiếp tục chữa trị cho bạn theo khả năng tối đa của chúng tôi. Chúng tôi đang thiếu nhân lực và quá tải, nhưng chúng tôi sẽ luôn đem đến cho bạn sự chăm sóc tốt nhất có thể.

Giai đoạn 6. Áp suất cần thiết để mở phổi của bạn cao đến mức không khí có thể rò rỉ (từ trong phổi ) vào khoang lồng ngực của bạn (chung quanh phổi), vì vậy chúng tôi sẽ nhét  ống để thông khí ra ngoài. Thận của bạn không  lọc nổi các sản phẩm phụ từ các loại thuốc mà chúng tôi liên tục cung cấp cho cơ thể bạn. Mặc dù dùng thuốc lợi tiểu (diuretic), toàn bộ cơ thể của bạn sẽ sưng lên do giữ nước quá nhiều và bạn cần phải lọc máu (dialysis) để hỗ trợ chức năng thận của mình.

Thời gian nằm viện dài ngày và hệ miễn dịch suy giảm khiến bạn dễ bị nhiễm trùng. Chụp X-quang phổi cho thấy chất lỏng tích tụ trong túi màng phổi của bạn. Cục máu đông cũng có thể xuất hiện trong mạch máu phổi. Giờ đây, chúng tôi không thể ngăn chặn những biến chứng này; chúng xuất hiện tới đâu thì chúng tôi đối phó tới đó.

Nếu huyết áp của bạn giảm nghiêm trọng, chúng tôi sẽ dùng thuốc vận mạch để làm tăng huyết áp, nhưng dù sao thì tim của bạn cũng có thể ngừng đập. Sau một vài đợt hô hấp nhân tạo, chúng tôi sẽ  phục hồi được mạch và tuần hoàn của bạn. Nhưng sắp tới, gia đình bạn sẽ cần phải làm một quyết định khó khăn.

Giai đoạn 7: Sau nhiều cuộc họp với nhóm chuyên chăm sóc cho thoải mái trong giai đoạn cuối đời (palliative care), gia đình bạn quyết định ngưng mọi dịch vụ chăm sóc. Chúng tôi rút ống nội khí quản (extubate), tắt máy trợ thở. Chúng tôi thiết lập cuộc [điện thoại qua video] bằng FaceTime cuối cùng với những người thân yêu của bạn. Khi chúng tôi làm việc trong phòng của bạn, chúng tôi nghe thấy tiếng khóc và những lời tạm biệt đầy yêu thương. Chúng tôi cũng khóc, và chúng tôi nắm tay bạn cho đến hơi thở cuối cùng.

Tôi đã làm việc này được 17 tháng rồi. Không vì thế mà  làm việc dễ dàng hơn. Những câu chuyện về đại dịch của tôi hiếm khi kết thúc tốt đẹp. (Karen Gallardo; Bác sĩ Hồ Văn Hiền dịch)

*Chú thích:

ECMO là máy gì?  Extracorporeal membrane oxygenation (Oxy hóa màng ngoài cơ thể)

Máy ECMO tương tự như máy nối tắt tim-phổi (heart-lung by-pass machine) được sử dụng trong phẫu thuật tim hở (open heart surgery). (Xem hình dưới ) Máy bơm (pump) và cung cấp oxy (oxygenator) cho máu của bệnh nhân bên ngoài cơ thể, cho phép tim và phổi được nghỉ ngơi. Khi bạn được kết nối với ECMO, máu chảy qua đường ống dẫn đến phổi nhân tạo trong máy bổ sung oxy và loại bỏ carbon dioxide; sau đó máu được làm ấm bằng nhiệt độ cơ thể và bơm trở lại cơ thể của bạn.

Có hai loại ECMO. VA-ECMO (VA=Vein -Artery) được kết nối với cả tĩnh mạch (vein) và động mạch (artery) và được sử dụng khi có vấn đề với cả tim và phổi. VV- ECMO (VV=Vein-Vein) được kết nối với một hoặc nhiều tĩnh mạch, thường gần tim và được sử dụng khi vấn đề chỉ ở phổi.

Một số bệnh viện  sử dụng một thiết bị ECMO cầm tay (portable ECMO) nhỏ hơn, đủ nhẹ để một người mang theo và có thể được vận chuyển bằng xe cứu thương hoặc trực thăng, để có thể hỗ trợ ECMO trong các trường hợp khẩn cấp.

21bhvhknc2

Tham khảo:

1)https://www.npr.org/sections/goatsandsoda/2021/05/08/993864206/103-year-old-covid-survivor-has-advice-for-the-unvaccinated

2)https://www.nytimes.com/2021/07/30/us/covid-vaccine-hesitancy-regret.html

3)https://www.latimes.com/opinion/story/2021-08-26/pandemic-covid-19-stages-vaccination-intensive-care-respiratory-therapist

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 31 Tháng 8 năm 2021