"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

Biến Chuyển Mới của COVID-19 và Triệu Chứng Mắt và Tai

 

Chúng ta sống trong đại dịch Covid-19 gần đầy 2 năm. Những kiến thức về virus SARS-CoV-2 và bệnh Covid của nó gây ra đã tích lủy nhanh chóng, chưa từng thấy trước đây. Quần chúng cũng say sưa theo dõi về các biến chuyển của bệnh dịch, các giải thích về bệnh học (pathology), về hệ miễn nhiễm (immune system) và về cách làm việc của các biện pháp phòng ngừa như khẩu trang, thuốc chích ngừa bệnh, của các thuốc men để chữa bệnh (thuốc nào hiệu nghiệm, thuốc nào không). Chưa có bao giờ những đề tài khá khô khang về dịch học, vi trùng học, trị liệu pháp, y khoa phòng ngừa được theo dõi, tìm hiểu, lắm khi xuyên tạc, chính trị hóa một cách sôi động và phổ biến trên mức toàn cầu như vậy. Cũng không lạ gì, vì chúng ta vừa học vừa đối phó với một cơn bệnh hoàn toàn mới, nguy hiểm và biến hóa thiên hình vạn trạng như ít khi thấy trước đây.

Hôm nay, sau ngày Lễ Tạ ơn ở Mỹ, toàn Châu Âu vừa ăn mừng qua khỏi đại dịch, lại báo động về một đợt sóng COVID mới. Ở Nam Phi (South Africa) mới xuất hiện một biến thể mới  tên Omicron (chữ O trong bảng mẫu tự Hy Lạp)  và mang nhiều đột biến (mutation) nhất từ trước tới đây, có lẽ khác nhiều với coronavirus được phát hiện nguyên thủy ở Vũ Hán, và có khả năng trốn tránh được hệ miễn nhiễm (immune escape) của người đã được chích ngừa bằng vaccine phát triển dựa trên khuôn mẫu virus Vũ Hán. Tuy nhiên đấy chỉ là những dự báo “trên giấy tờ” và cần những nghiên cứu  trong phòng thí nghiệm và theo dõi trên thực địa. Bởi vậy biến thể này được xếp vào loại “đáng quan tâm” (variant of concern), nhưng đây là cọp giấy (như biến thể Beta đầu năm nay) hay cọp thật (như Delta) thì cần thời gian mới trả lời được. Nay Omicron đã hiện diện ở Hongkong, Israel và Bỉ (Châu Âu). Các nước châu Âu đã ra quyết định  giới hạn du lịch đến từ các nước Nam Phi Châu và bắt đầu các biện pháp cách ly sẽ được tái thiết lập.(BBC 11/26-27/21).

Về đợt sóng COVID mới đang xảy ra ở Châu Âu, WHO cho biết sự phổ biến của biến thể delta rất dễ lây lan, những người tụ tập trong nhà mà không có biện pháp phòng ngừa như trước khi vi rút được coi là trường hợp khẩn cấp, những người vẫn chưa được tiêm chủng và giảm khả năng bảo vệ của vaccine đối với những người đã được tiêm phòng vào mùa đông hoặc mùa xuân năm ngoái.  Châu Âu đã đi sau Hoa Kỳ trong việc triển khai liều vaccine tăng cường. Nhưng ngoài điểm này ra, , những yếu tố tương tự có thể định hình tình hình Hoa Kỳ trong những tuần tới. (The Washington Post, 11/26/21).

Lãnh vực mà chúng ta cần phải chú ý  trong “bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” của dịch Covid hiện nay là tác dụng của nó trên hệ thần kinh của chúng ta. Lúc đầu, hiện tượng rối loạn trên vị giác (mất khả năng nếm) và khứu giác (mất mùi) được ghi nhận rộng rãi. Tuy nhiên, bây giờ, các nhà khảo cứu đã thấy danh sách các bộ phận giác quan bị ảnh hưởng còn phải kéo dài ra, trong đó phải tính thêm mắt và tai. Hơn 10% bệnh nhân Covid có triệu chứng ở mắt và tai; tai không chỉ phụ trách về thính giác (nghe) mà còn có bộ phận tai trong (inner ear) phụ trách về ý thức về vị trí, chuyển động  của cơ thể và thăng bằng.

Xin nhớ kể về các triệu chứng mà chúng ta bàn sau đây chỉ có mục đích thông tin về những khám phá mới của một số nhà  nghiên cứu về bệnh COVID, một số chưa được xác nhận qua các công bố trên tập san y học và cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa.

Các triệu chứng về mắt:

Nói về mắt, một trong những trường hợp gây tiếng vang trong dư luận là BS Li Wenliang (Lý Văn Lượng), chuyên khoa mắt, người đã đánh tiếng chuông cảnh báo đầu tiên về bệnh Covid ở Vũ Hán (Trung quốc).

Cuối tháng 12 năm 2019, bác sĩ Lý theo dõi một số bệnh nhân nhiễm virus gây viêm phổi (pneumonia) có triệu chứng giống như bệnh SARS. (SARS là “hội chứng suy hô hấp nặng” rất lây lan và gây chết người từng xảy đến năm 2002 tại Trung Quốc nên họ có kinh nghiệm về bệnh này; lúc này bệnh chưa có tên Covid của WHO chính thức dùng từ ngày 11 tháng 2 năm 2020)

BS Lý cảnh báo về loại virus mới này trên nhóm WeChat của các cựu sinh viên Vũ Hán.

Ngay đêm 30 tháng 12 năm 2019, các quan chức y tế thành phố Vũ Hán triệu tập ông, yêu cầu được biết lý do ông chia sẻ thông tin. Ngày 3 tháng 1 năm 2020, cảnh sát Vũ Hán mời BS Lý đến làm việc, buộc ông ký biên bản với nội dung "phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội".

Ngày 8 tháng 1 năm 2020, BS  Lý khám cho một nữ bệnh nhân mắc chứng cườm nước (glaucoma, nhãn áp cao) nhưng người này  nhiễm COVID-19. Bác sĩ Lý  bắt đầu ho 2 ngày sau đó, đến ngày 30 tháng 1 được xác định nhiễm coronavirus, và qua đời đúng một tháng sau khi nhiễm virus,  khi mới 34 tuổi. Người vợ đang mang thai cũng bị nhiễm COVID-19.

Tòa án Tối cao Trung Quốc hôm 28 tháng 1 năm 2020 đăng bài bình luận trên mạng xã hội chỉ trích việc giới chức Vũ Hán khiển trách Lý và các bác sĩ khác vì lan truyền "tin đồn"."Nếu công chúng lắng nghe 'tin đồn' này vào thời điểm đó và áp dụng các biện pháp như đeo khẩu trang, khử trùng nghiêm ngặt và tránh đến chợ bán động vật hoang dã thì chúng ta đã có thể ngăn ngừa và kiểm soát lây lan virus tốt hơn", bài bình luận có đoạn viết.(Wikipedia)

Mắt từng được biết là nơi nhiễm coronavirus trong những dịch trước đây. Trong đợt bùng phát dịch SARS năm 2003, các nhà nghiên cứu ở Singapore đã phát hiện ra loại vi rút gây bệnh SARS trong nước mắt của bệnh nhân. Và ở Toronto, người ta cũng nhận xét nguy cơ lây nhiễm COVID cao hơn ở những nhân viên y tế không đeo kính bảo vệ mắt, nhưng vì COVID gây ra các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp và các triệu chứng khác, và vì hầu hết các bác sĩ nhãn khoa đều đóng cửa văn phòng của họ trong thời gian “khóa cửa”, nên ban đầu, các triệu chứng mắt của Covid thường bị bỏ qua.

Trong năm rưỡi đầu tiên của đại dịch, dữ liệu tích lũy từ nhiều nghiên cứu  đã cho thấy rằng khoảng 11 phần trăm những người bị COVID biểu hiện một số vấn đề về mắt. Triệu chứng ở mắt có thể xuất hiện  sớm hoặc trể trong quá trình cơn bịnh.

Triệu chứng phổ biến nhất là viêm kết mạc (conjunctivitis), nghĩa là viêm của màng nhầy bọc phía trước tròng (trắng) mắt và lót dưới mí mắt. Chừng  89% những người có các triệu chứng về mắt mắc chứng này theo kết quả  một phân tích tổng hợp (meta-analysis)năm 2021 của Iran bao gồm 8.219 bệnh nhân COVID qua 38 nghiên cứu.

Các triệu chứng khác ở mắt có thể bao gồm khô mắt, đỏ, ngứa, nhìn mờ (blurred vision), nhạy cảm với ánh sáng và cảm giác có hạt lạ trong mắt. Những bệnh nhân sử dụng máy thở thường bị sưng hoặc phồng màng kết mạc mắt và mí mắt (chemosis).  BS B. Patel thuộc trung tâm John A. Moran Eye Center ở Đại học Utah bác sĩ nghi rằng  có tới một phần ba số người bị Covid  có vấn đề về mắt — ngay cả khi chỉ bị  mắt đỏ mà không làm bệnh nhân khó chịu gì cả. Và một số vấn đề về mắt không nhìn thấy từ ngoài được. BS  Patel và các đồng nghiệp của ông đang thực hiện một nghiên cứu, chưa được nộp để xuất bản, mà ông cho biết sẽ là một trong những nghiên cứu đầu tiên báo cáo rằng vi rút có thể gây viêm ở mô phía sau nhãn cầu.

Một nghiên cứu khác gồm 15 trường hợp ở Mexico cho thấy các trẻ sơ sinh bị COVID-19 có mang những dấu hiệu tổn thương ở mắt có thể do nhiễm COVID.( COVID ở trẻ sơ sinh rất hiếm gặp ở Mỹ, virus nhiễm trẻ sơ sinh đến từ mẹ hay người săn sóc và nhiễm em bé sau khi chúng ra đời).(Martinez-Castellanos)

21dhvhbc1

Fig 1: Viêm kết mạc mắt (conjunctivitis)

Người bị COVID có thể thải virus qua nước mắt, đôi khi rất lâu sau khi họ khỏi bệnh. Một bệnh nhân COVID lúc ban đầu là một phụ nữ 65 tuổi, đi từ Vũ Hán đến Ý vào tháng 1 năm 2020 và ngay sau đó nhập viện với tình trạng ho, đau họng và viêm kết mạc ở cả hai mắt. Mặc dù mắt của bịnh nhân đã tốt hơn vào 20 ngày sau khi nhập viện, các nhà nghiên cứu vẫn còn phát hiện RNA của virus trong mẫu quệt mắt (eye wsab) vào ngày thứ 27. Tại Lombardy (Ý), đã tìm thấy virus SARS-CoV-2 trên bề mặt của mắt ở 52 trong số 91 bệnh nhân nhập viện với COVID vào mùa xuân năm 2020, đôi khi ngay cả khi mẫu ngoáy mũi (nasal swab) của họ cho kết quả âm tính.

Các nghiên cứu cho thấy vi-rút cũng có thể xâm nhập vào cơ thể qua mắt - do người bệnh dụi mắt và virus đi vào nước mắt, qua mũi,  hoặc từ các giọt nhỏ hô hấp (respiratory droplets) từ người khác rơi vào mắt. Các nghiên cứu ở Đại học Johns Hopkins cho thất tế bào kết mạc mắt có chứa những thụ thể ACE-2 giúp cho virus COVID xâm nhập được vào tế bào. Trong một nghiên cứu năm 2020, sau khi bị nhỏ dung dịch có chứa SARS-CoV-2 vào mắt, các con khỉ rhesus đã bị bệnh. Một nghiên cứu trên khỉ không thể cho biết liệu con người có bị lây nhiễm qua đường mắt trong đời thực hay không, nhưng virus dường như có thể nhân bản (multiply) lên trong mô mắt và sau đó xâm nhập vào đường mũi. Mắt không chỉ là nơi bệnh COVID biểu hiện triệu chứng mà còn là cái cổng qua đó bệnh  đi vào cơ thể.

Trong 6% bệnh nhân,  các triệu chứng ở mắt xuất hiện  trước khi có bất kỳ dấu hiệu nào khác của COVID. Mắt đỏ hoặc kích ứng (irritation) có thể là một dấu hiệu cho thấy người đó đã mắc bệnh, đặc biệt nếu họ từng có tiếp xúc với người bệnh hoặc có các triệu chứng khác của COVID. Trong thời buổi đại dịch hiện nay, nếu bị viêm kết mạc, nên tìm hiểu thêm để xem mình hay con cái mình có  bị bệnh Covid hay không.

Các triệu chứng về tai:

21dhvhbc2

Fig 2: Tai trong (inner ear, internal ear).

Bên trái hình là các ống bán khuyên (semicircular canals) phụ trách các cảm giác về xoay chiều (rotation), phần giữa là saccule (túi nhỏ) và utricle (phụ trách cảm giác di động theo trọng lực/gravity), bên phải là con ốc (phụ trách thính giác).

Tế bào lông (hair cell) trong lòng hệ thống ống này giúp phát hiện các âm thanh và các thay đổi vị trí của cơ thể.

 (Source: Tattersall at Western Nevada College)

Theo Zahra Jafari, nhà thính học (audiology) và khoa học thần kinh nhận thức tại Đại học Lethbridge ở Alberta, những thay đổi về thính giác và thăng bằng cũng có thể là dấu hiệu của COVID.

12% bệnh nhân COVID bị chóng mặt (thấy lâng lâng, không vững) hoặc vertigo (cảm giác quay vòng vòng),  4,5% ù tai (tinnitus, tiếng như chuông rung trong tai, người khác không nghe thấy), và 3% mất thính giác. Một giả thuyết về cách SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng đến tai là tình trạng viêm do vi rút gây ra có thể tác động trực tiếp đến hệ thống thính giác. Virus cũng có thể xâm nhập vào hàng rào ngăn cách giữa dòng máu và tai trong (inner ear) là bộ phận thần kinh phụ trách thính giác. Xác nhận những cơ chế đó rất khó khăn vì tai trong nổi tiếng là một nơi khó nghiên cứu. Được bao bọc trong xương và nằm sâu bên trong đầu, nó không thể tiếp cận được và các mô hình dùng động vật không phải lúc nào cũng giúp ích được. Chuột không phải là vật chủ tự nhiên của các virus loại RNA như virus SARS-CoV-2 gây ra COVID, do đó, các loài gặm nhấm thường được sử dụng trong phòng thí nghiệm không phải là vật thí nghiệm tốt trong trường hợp này.

Để điều tra những gì có thể xảy ra bên trong tai của những người bị COVID,  các nhà nghiên cứu đã nuôi cấy mô tai người bằng cách sử dụng tế bào gốc. Với những mô đó, nhóm nghiên cứu sau đó có thể chỉ ra rằng hai loại tế bào tai trong có gen tạo ra những protein - ví dụ các thụ thể ACE-2  (ACE-2 receptors)- cho phép virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào (Lee Gehrke, sinh học phân tử, MIT)

21dhvhbc3

Fig 3: Các “tế bào lông” thính giác (auditory hair cells) được chuyên biệt hóa dọc theo chiều dài của ốc tai (cochlea) để đáp ứng với các tần số âm thanh cụ thể. Các bó lông  được thể hiện bằng màu xanh lam. Các tế bào lông này có thể bị nhiễm virus của bệnh COVID-19 và làm giảm thính giác hay khả năng giữ thăng bằng.

Mình họa của Benjamin Thiede & Jeffrey T. Corwin (Source NIH)

Các nhà nghiên cứu đã báo cáo trên tập san Nature vào tháng 10, các tế bào lông (hair cell), rất quan trọng đối với thính giác và sự thăng  bằng, cũng có thể bị nhiễm virus. Các  tế bào lông của tai trong có những sợi lông (cilia) trên một bề mặt của chúng, các lông này di động lúc có sóng âm thanh từ ngoài (nghe) vào hay lúc thay đổi vị trí cơ thể làm dịch trong tai giữa di chuyển ( ý thức về chuyển động). Nhóm nghiên cứu đã có thể xác nhận rằng có thể bị nhiễm virus ở tai trong bằng cách nghiên cứu mô người đã bị loại bỏ qua các cuộc phẫu thuật có mục đích  điều trị các chứng rối loạn khác.

Trong đa số trường hợp, các triệu chứng về mắt và tai sẽ tự thuyên giảm với thời gian. Nhưng nghiên cứu đang bắt đầu cho thấy rằng, trong cả hai trường hợp, các triệu chứng do COVID gây ra có thể trở nên kéo dài. Có hai trường hợp bệnh nhân COVID bị mất cảm giác ở giác mạc (cornea), khiến giác mạc bị hư hại, ngay cả khi bị chấn thương nhẹ, từ đó có thể dẫn đến nhiễm trùng, tổn thương giác mạc và cuối cùng là mù mắt. Nhiều trường hợp báo cáo về triệu chứng liên quan đến tai vẫn tồn tại ngay cả sau khi khỏi bệnh.

Nói tóm lại, trong danh sách càng ngày càng dài của các triệu chứng do COVID gây ra, phải kể thêm đến các triệu chứng mắt (đỏ mắt) và tai (giảm thính lực, chóng mặt, ù tai) . Cần  nghĩ tới COVID khi gặp những triệu chứng này trong hoàn cảnh có những dấu hiệu khả nghi  khác (ho, nóng sốt, mất mùi vị)  hay lúc có bệnh sử phơi nhiễm với COVID (tiếp xúc với người có bệnh).

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

     Ngày 27 tháng 11, năm 2021

Nguồn tham khảo:

1) COVID Can Cause Strange Eye and Ear Symptoms

https://www.scientificamerican.com/article/covid-can-cause-strange-eye-and-ear-symptoms/

2)Researchers identify pink eye as possible primary symptom of COVID-19https://www.ophthalmologytimes.com/view/coronavirus-pink-eye-symptoms

3)Newborns With SARS-CoV-2 Show Ocular Injury

https://www.medscape.com/viewarticle/960723#vp_1

4)SARS-COV-2 and Ocular Surface: From Physiology to Pathology, a Route to Understand Transmission and Disease

https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fphys.2021.612319/full

5) ACE2 and TMPRSS2 are expressed on the human ocular surface, suggesting susceptibility to SARS-CoV-2 infection

DOI: 10.1101/2020.05.09.086165