Cuối Năm 2021:
Trở Lại Vấn Đề "Miễn Dịch Bầy Đàn".
Miễn dịch bầy đàn (herd immunity, hay miễn dịch cộng đồng, community immunity ) là tình trạng đạt được khi một tỷ lệ cao của các cá nhân trong cộng đồng được miễn dịch, nghĩa là cơ thể họ được che chở không bị mắc một bệnh nào đó, nhờ họ đã từng được tiêm chủng hay là họ đã từng mắc bệnh trước đó, làm cho việc lây lan bệnh này từ người này sang người khác khó xảy ra.
Ngay cả những người không miễn nhiễm vì không được tiêm chủng (như trẻ sơ sinh) hay chưa từng mắc bệnh, và người mà khả năng đề kháng bị suy giảm (suy giảm miễn dịch, như người đang dùng hóa trị/chemotherapy cho ung thư) cũng được hưởng một mức độ bảo vệ vì căn bệnh đó có rất ít cơ hội lây lan một khi cộng đồng đã đạt mức miễn dịch bầy đàn (herd immunity threshold).
Khả năng miễn dịch bầy đàn bảo vệ những thành viên dễ bị tổn thương (vulnerable) nhất trong dân số. Nếu đủ số người được chủng ngừa các bệnh nguy hiểm, những người có thể mắc bệnh nhưng không thể chủng ngừa cũng sẽ được bảo vệ vì vi trùng hay virus sẽ không thể "tìm ra được ” những người có khả năng bị lây bệnh đó.
Người ta tính toán khả năng miễn dịch bầy đàn bằng cách tính toán các nhóm tuổi và mức độ hoạt động xã hội khác nhau trong một quần thể và những điều đó ảnh hưởng như thế nào đến tính nhạy cảm của một người với virus. Ví dụ người già có thể sức đề kháng yếu hơn nhưng có thể họ ít đi ra ngoài hơn và tôn trọng các biện pháp giãn cách xã hội hơn; so với người tuổi sinh viên đại học tuy có sức đề kháng mạnh hơn nhưng lại có khuynh hướng tụ họp với nhau trong các hội quán hay quán rượu chật chội, la hét tạo nên khí dung nhiễm siêu vi SARS-CoV-2 virus của bệnh Covid 19.
“Hệ số lây lan” R0 (basic reproduction number, trong Anh ngữ đọc là “R nought”) (“R zero”, “taux de reproduction de base”), là một thuật ngữ toán học chỉ mức độ lây lan của một bệnh truyền nhiễm.
R0 cho biết số người trung bình sẽ mắc bệnh truyền nhiễm từ một người đã mắc bệnh đó, đặc biệt áp dụng cho những người trước đây không bị nhiễm bệnh và chưa được chích ngừa.
R0 của biến thể Delta của SARS-CoV-2 virus (đang phổ biến hiện nay tại Mỹ) là 7, có nghĩa là một người mắc bệnh Covid-19 có thể nhiễm 7 người khác và cứ tiếp tục như vậy, so với số 2.2-2.7 (R0 2.2-2.7) trước đây căn cứ trên khảo cứu virus nguyên thủy ở Vũ Hán. Người ta ước tính R0 của Omicron sẽ cao hơn Delta.
Nếu một bệnh có R0 nhỏ hơn một (R0<1) , bệnh sẽ ngừng lây lan một cách tự nhiên và có khả năng sẽ tự biến mất. Trong bối cảnh lịch sử, R0 đối với đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 là từ 2.0 đến 3.0 và R0 đối với dịch bệnh SARS (hội chứng suy hô hấp nặng, cũng do một loại coronavirus khác) năm 2002 là 3.0. R0 đối với bệnh cúm hàng năm thông thường là là khoảng 2,0.
Theo định nghĩa miễn dịch bầy đàn là thời điểm mà khả năng miễn dịch trong quần thể đạt đến mức độ lây lan của dịch bệnh suy giảm, ngay cả khi các biện pháp phòng ngừa đã được nới lỏng. Nếu các biện pháp phòng ngừa được nới lỏng và không có miễn dịch bầy đàn, một đợt lây nhiễm thứ hai (second wave of infections) có thể xảy ra như đang xảy ra hiện nay tại các nước như tại các nước Châu Âu, Singapore mặc dù đa số dân chúng đã được chích ngừa và từng bị Covid 19 nhiều đợt tạo nên tình trạng miễn nhiễm tương đối ở những người từng bệnh.
Cuối tháng 9/20 một nơi được các nhà khoa học cho là đã đạt được tới mức miễn nhiễm bầy đàn là thành phố Manaus, 2,2 triệu dân, nằm trong rừng già Amazon của Brazil. Hồi dịch cao điểm tháng 3-5/2020, vì quan tòa địa phương không cho phép, thành phố không có biện pháp nào để "khống chế" cơn dịch như "lockdown"/ phong toả, cách ly, trường học và các khu thương mại vẫn mở cửa , và các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, phải chôn người chết ở các mồ tập thể và giữ xác chết trong những xe đông lạnh. Chính sách "vô chính sách" này bị lên án nhiều, nhưng một tháng sau, qua tháng 6/2020, các ca bệnh giảm dần, số người từng bị nhiễm lên đến một nửa dân số và đến cuối tháng 9, người ta ước tính 66% dân số thành phố đã từng bị nhiễm bệnh và được miễn nhiễm. Mỗi ngày chỉ còn chết 3-4 người. Mặc dù có thể những trị liệu không dùng thuốc (non-pharmaceutical interventions) hay các thay đổi về hành vi có thể góp phần vào tình trạng này, yếu tố chính là thành phố đã đạt tới mức thực hiện được miễn nhiễm bầy đàn. Tuy nhiên, đến tháng 12,2021 thì thành phố Manaus lại bị một làn sóng Covid 19 tấn công, lần này phần lớn những người mắc bệnh là bệnh nhân trước đây đã từng bị nhiễm và hết bệnh (tái nhiễm) và những người từng được chích ngừa với thuốc Sinovac của Trung Quốc.
Hai năm sau khi bệnh dịch Covid bắt đầu, hiện nay những hy vọng về thực hiện miễn dịch bầy đàn (như trường hợp bệnh ban đỏ, quai bị, rubella với thuốc vaccine MMR) đã không còn được nhắc đến nhiều. Người ta muốn dùng từ “miễn dịch cộng đồng” (community immunity) hơn là “bầy đàn”, vì điều kiện các cộng đồng nhỏ rất khác nhau, khó có thể kết luận bao quát hay tạo một mục tiêu chung cho một tiểu bang hay cho toàn nước Mỹ.
Những vấn đề sau đây là những trở ngại lớn để thực hiện miễn nhiễm cộng đống:
- Chích vaccine COVID-19 cho mọi người trong một thời gian ngắn dưới áp lực của một cơn đại dịch hiểm nghèo khó hơn nhiều so với tiêm vaccine ban đỏ (sởi) cho hầu hết mọi trẻ em và người lớn qua nhiều năm tháng. Chỉ hơn một nửa dân số Hoa Kỳ (58%) đã được tiêm chủng đầy đủ chống lại COVID-19 — mặc dù chúng ta biết rằng các loại vắc xin được FDA chấp thuận là cực kỳ an toàn và vẫn có hiệu quả cao, ngay cả khi chống lại các biến thể mới như biến thể delta. Sự do dự chích ngừa (vaccine hesitancy) ở Mỹ và một số nước Châu Âu là một vấn đề vừa có màu sắc văn hóa, tôn giáo cũng như chính trị, rất khó giải quyết. Vaccine thiếu thốn, thiếu phương tiện giao thông để chuyên chở vaccine, sự nghi ngờ của dân chúng đối với các biện pháp y tế, vaccine của chính quyền, trình độ hiểu biết thấp về khoa học là những vấn đề ở các nước như Nam Phi (nơi mới báo cáo biến thể Omicron mới của virus Covid), Ấn Độ, Việt Nam (nơi dùng vaccine từ nhiều nguồn với mức hiệu nghiệm khác nhau Trung Quốc, Nga cũng như vaccine của tây phương như Pfizer).
- Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi vẫn chưa đủ điều kiện để chủng ngừa Covid, và những đứa trẻ mới (dễ bị nhiễm COVID-19) được sinh ra hàng ngày. Vì vậy, cho đến khi chúng ta có được vaccine chấp thuận sử dụng cho mọi lứa tuổi, có khả năng sẽ tiếp tục lây truyền coronavirus ở trẻ em, những người này sẽ có thể lây nhiễm sang người lớn, đặc biệt là những người chưa được tiêm chủng.
- Mặc dù vắc xin COVID-19 rất hiệu quả và giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng, nhưng chúng không làm giảm nguy cơ đó thành số không. Những người đã chủng ngừa vẫn có thể bị nhiễm bệnh (được gọi là nhiễm trùng đột phá, breakthrough infection), và một số người đã từng nhiễm COVID-19 có thể bị lại. Bệnh càng lan nhiều thì các đột biến càng dễ xảy ra và cơ may các biến thể xuất hiện càng cao. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ cần mức độ tiêm phòng cao hơn nữa đối với COVID-19 để đạt được khả năng miễn dịch bầy đàn.
- Những nghiên cứu gần đây cho thấy sự che chở chống Covid do các thuốc vaccine hiện nay có giới hạn thời gian. Hiện nay theo CDC, thanh thiếu niên 16–17 tuổi có thể tiêm tăng cường / booster vaccine của Pfizer-BioNTech. Người lớn từ 18 tuổi trở lên có thể tiêm tăng cường bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào được chấp thuận tại Hoa Kỳ (Pfizer, Moderna, Johnson&Johnson) 6 tháng sau các liều ban đầu.
- Các biến thể mới của virus gây Covid tiếp tục xuất hiện. Mới đây nhất là biến thể Omicron, có vẻ lây lan mạnh hơn, và có vẻ bệnh ít nặng hơn bệnh do biến thể Delta đang hoành hành, tuy nhiên cần thêm thời gian nữa mới biết được tác dụng của nó như thế nào. Theo báo New York Times, tính đến ngày 9-12 đã có 63 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận các ca Omicron. Hiện nay châu Phi chiếm 46% số ca mắc biến thể Omicron trên toàn cầu, theo WHO.
Những biến thể mới có thể “trốn tránh” (immune escape) ít nhiều bức tường bảo vệ của hệ miễn nhiễm sau khi được chích vaccine hoặc sau khi phơi nhiễm tự nhiên với virus Covid ở dạng biến thể trước đây. Khả năng các kháng thể vô hiệu hóa các biến thể mới có thể giảm 40 lần so với trước đây ở người đã tiêm 2 mũi Pfizer hay Astrazeneca.(theo BBC).
Ngày 10-2021, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) hầu hết trong số 43 trường hợp COVID-19 gây ra bởi biến thể Omicron được xác định ở Hoa Kỳ cho đến nay là ở những người đã được tiêm chủng đầy đủ và một phần ba trong số họ đã được tiêm liều booster.
Hiện nay thì chúng ta tin rằng trong phần lớn hoàn cảnh liều vaccine booster còn giải quyết được việc này và nghiên cứu sơ khởi của Anh cho thấy sau khi chich liều booster ( liều thứ 3) bệnh nhân được che chở không bị triệu chứng COVID trong 75% trường hợp. Diễn biến ở Anh trong những tuần tới sẽ là kịch bản dự báo cho Mỹ trong những tuần hay tháng kế tiếp vì hoàn cảnh hai nước này khá giống nhau.
Tuy nhiên trong tương lai có thể còn phải dùng vaccine mới thiết kế riêng cho các biến thể mới (liều thứ 4) và các nhà sản xuất vaccine như Pfizer cho biết đã chuẩn bị sẵn , nếu kết quả nghiên cứu cho biết vaccine hiện nay không còn hiệu nghiệm. Trường hợp sẽ giống như chúng ta hiện nay phải thay đổi thuốc vaccine ngừa cúm (Flu shot) mỗi năm cho thích hợp với các chủng influenza được dự tính sẽ xuât hiện trong mỗi mùa đông.
Cho nên rất khó để đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng chống lại COVID-19 như đã được thực hiện với bệnh sởi (rất dễ lây lan) hay bệnh bại liệt (polio) ở Hoa Kỳ. Miễn dịch bầy đàn chống bệnh sởi lúc 90% dân số được chích ngừa và bệnh bại liệt lúc 80% được chích hoặc uống vaccine ngừa polio; đó là những tỷ số rất cao khó thực hiện cho Covid trong hoàn cảnh hiện nay. Do đó, có lẽ chúng ta sẽ thấy một số mức độ lây truyền coronavirus diễn ra trong dân số trong nhiều năm ( nếu không phải là mãi mãi). Nhưng khi chúng ta xây dựng khả năng miễn dịch đối với SARS-CoV-2, nguy cơ mắc bệnh nặng sẽ giảm và các đợt lây nhiễm trong tương lai sẽ không gây quá nhiều rối loạn như tràn ngập các cơ sở chữ bệnh, đình trệ kinh tế.
Vì chúng ta không thể diệt dứt virus Covid, có nguy cơ thực sự là nó sẽ tiếp tục lưu hành cho đến khi phần lớn dân số đã bị phơi nhiễm — nhưng những người được tiêm chủng ít có khả năng bị nhiễm bệnh hơn khi tiếp xúc với virus và đa số người nếu bị nhiễm sẽ không bị quá nặng như phải nhập viện săn sóc đặc biệt hay tử vong. Ở Mỹ, một người đã được chủng ngừa có nguy cơ mắc bệnh nặng ít hơn 1/10 so với người chưa tiêm chủng.
Dù không thể loại bỏ được sự lây truyền của virus (cho người chưa chích ngừa, đã chích ngừa hay đã từng bệnh) mức độ bảo vệ chống lại việc phát bệnh nặng này, kết hợp với các biện pháp y tế công cọng như khẩu trang, giãn cách xã hội nếu cần và tùy theo hoàn cảnh, sẽ giúp chúng ta có thể đạt được mức độ miễn dịch tương đối trong một quần thể dân số nhất định (giới hạn) nào đó (population immunity); làm thế nào mà chúng ta có thể “sống chung” với bệnh Covid mà tác động của nó được giữ ở mức mà chúng ta có thể “lo toan” được (manageable), tương tự như chúng ta phải đương đầu với các mối đe dọa thường xuyên khác về sức khỏe cộng đồng như tai nạn xe cộ (chừng 37,000 chết/năm, hay 100 người mỗi ngày) hay tự tử (chừng 50,000 người chết mỗi năm tại Mỹ).
Trong lúc đó giấc mơ về miễn dịch bầy đàn hay cộng đồng làm cho toàn thế giới, hay một nước nào đó, được bảo vệ không còn bệnh Covid còn xa vời, và nếu có thực hiện được cũng mất nhiều năm.
Trên thực tế, nếu chúng ta muốn ngừa bệnh một cách hợp lý theo khoa học, cần chích ngừa theo các hướng dẫn về vaccine để tạo cho mình sự miễn nhiễm tương đối, giúp cộng đồng đến gần điểm miễn dịch bầy đàn hơn. Ngoài ra tuân theo các biện pháp cách ly hay giãn cách của CDC hay cơ quan y tế địa phương, dù chúng có vẻ thay đổi nhanh do các kết quả nghiên cứu mới thu thập được và đôi khi các hướng dẫn mới có vẻ mâu thuẫn với các hướng dẫn trước đó.
Tham khảo:
1) Association of Professionals in Infection Control and Epidemiology.
https://apic.org/monthly_alerts/herd-immunity/
2)COVID-19 herd immunity in the Brazilian Amazon (accessed 9/25/20)
https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2020.09.16.20194787v1
3) Emerging Infectious Diseases.
https://wwwnc.cdc.gov/eid/article/26/7/20-0282_article
4)https://www.nytimes.com/2021/03/01/health/covid-19-coronavirus-brazil-variant.html
10)https://publichealth.jhu.edu/2021/what-is-herd-immunity-and-how-can-we-achieve-it-with-covid-19
5)CDC shifts pandemic goals away from reaching herd immunity
https://www.latimes.com/science/story/2021-11-12/cdc-shifts-pandemic-goals-away-from-reaching-herd-immunity
6)COVID herd immunity will not happen in 2021, says WHO
https://www.dw.com/en/covid-herd-immunity-will-not-happen-in-2021-says-who/a-56197701
7) https://www.yalemedicine.org/news/herd-immunity
8)Most reported U.S. Omicron cases have hit the fully vaccinated - CDC
https://www.yahoo.com/news/most-reported-u-omicron-cases-182642515.html
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 11 tháng 12 năm 2021