"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

Chứng Tự Cô Lập Xã Hội (Hikikomori) và Dịch COVID

 22ahvhctc1 

Trong hai năm qua , chúng ta buộc phải sống một cuộc sống cô lập với “lockdown, quarantine, social distancing”,  với  khoảng cách phải tôn trọng trong đời sống gia đình, nghề nghiệp và xã hội nhiều hơn trước. Một số người dần quen với nếp sống này vì nó êm ả hơn, giản dị hơn, ít tốn kém hơn, nhưng đa số chúng ta đều muốn thoát ra ngoài sự kiềm tỏa do Covid đem lại. Tuy nhiên có một nhóm người lại tự nguyện trốn tránh xã hội một cách cùng cực, một hiện tượng được chú ý đầu tiên tại Nhật như là một hội chứng gắn liền với văn hóa Nhật, nhưng dần dần phổ biến hơn chúng ta từng tưởng. Và hiện nay, theo một số chuyên gia tâm thần, với nếp sống lockdown do Covid, “hội chứng tự cô lập” hay “tự  nhốt trong nhà ” này, giới tâm lý học gọi là “hikikomori”, sẽ có nguy cơ gia tăng và là một vấn đề sức khỏe xã hội phải đương đầu trong nhiều năm tới.

(Wikipedia tiếng Trung hoa gọi chứng này là 家裡蹲, tiếng Hán Việt là “gia lý tồn” - ngồi ”chồm hổm”  trong nhà)

Hikikomori hay  sự tự cô lập khỏi xã hội cực đoan ở thanh niên Nhật Bản lần đầu tiên được chú ý vào những năm 1990, thời kỳ nước Nhật  trải qua thời gian trì trệ  kinh tế kéo dài làm cho nhiều người trẻ tuổi không có cơ hội tiến thân và gia nhập vào đời sống  xã hội. Sau  khi giai đoạn kinh tế Nhật cực thịnh (1975-85) chấm dứt, “quả bong bóng” (economic bubble) này bị xẹp và giới trẻ Nhật mất dần cơ hội tìm công ăn việc làm tốt và bền vững trong khoảng 20 chục năm,“kỷ nguyên đóng băng  công ăn việc làm” (employment ice age), tạo nên một thế hệ X (sinh ra sau 1980) gọi là “thế hệ bị bỏ rơi” (the lost generation).

Nhiều người thất bại trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn cảm thấy xấu hổ và phản ứng bằng cách trốn tránh xã hội, và một số ít trong số này sẽ trốn luôn không xuất hiện trở lại nữa. Thuật ngữ hikikomori (bắt nguồn từ động từ hiki “rút lui” và komori “ở bên trong”) được đặt ra vào năm 1998 bởi giáo sư tâm thần người Nhật  Tamaki Saito. BS Saito đã chọn thuật ngữ mới này để mô tả nhiều người trẻ tuổi  mà ông không thể dùng các tiêu chuẩn  chẩn đoán sức khỏe tâm thần đang được áp dụng như trầm cảm, rối loạn nhân cách (personality disorder, có lối suy nghĩ, hoạt động và hành vi cứng nhắc), hay schizophrenia (tâm thần phân liệt) để xếp loại, nhưng  trạng thái rút lui của họ cực độ, rất khổ sở cần một định bịnh (diagnosis) mới  để mô tả. Hiện nay hikikomori không được liệt kê như là một chẩn đoán tâm thần riêng rẽ trong “Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê 5 ” (DSM5/Diagnostic and Statistical Manual (DSM), psychiatric disorders) của Mỹ, tuy phần lớn các trường hợp hikikomori có thể biểu hiện nhiều rối loạn tâm thần  hiện có trong DSM.

Khoảng một triệu người Nhật  bị hội chứng  hikikomori . Theo Bác sĩ Saito, người đã điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân hikikomori, vấn đề này phần lớn là một căn bệnh gia đình và xã hội, một phần do sự phụ thuộc lẫn nhau của mẹ và  con trai. Con gái thường dọn ra khỏi nhà cha mẹ sau khi lấy chồng. Người cha thường là nhân viên ăn lương của một hãng lớn suốt đời,làm việc cật lực cho công ty và người mẹ ở nhà (nội trợ) phụ trách phần lớn việc giáo dục con cái. Người con trai được mong đợi là  phải xuất sắc trong học tập và thế giới doanh nghiệp.

Bệnh nhân hikikomori thường  kể lại những năm  họ phải học vẹt (rote learning) trong lớp, sau đó là lớp luyện thi căng thẳng chiều tối để chuẩn bị cho kỳ thi vào trung học hoặc đại học. Người Nhật có ít con hơn trước nên cha mẹ đặt hết hy vọng và áp lực trên đứa  con trai duy nhất nhiều hơn. Nếu người con không đi theo con đường đã định để được nhận vào  một trường đại học danh tiếng và làm việc cho một tập đoàn hàng đầu, nhiều bậc cha mẹ - và nói chung là con cái của họ - coi đó là một thất bại. Từ lúc Nhật đầu hàng Mỹ sau thế chiến thứ hai cho đến thập niên 1980’s , người đàn ông Nhật chỉ biết đến một loại tương lai là đi làm công ăn lương nhất định (salaryman) suốt đời cho một công ty lớn, và bây giờ họ thiếu trí tưởng tượng và óc sáng tạo để  hội nhập vào một thế giới mới, đòi hỏi những khả năng như suy nghĩ độc lập, giao tiếp trong xã hội và biết kinh doanh lập nghiệp riêng rẽ (entrepereneurship), khiến nhiều người cảm thấy hụt hẫng và bế tắc.

Nhiều hikikomori cũng mô tả những năm học khốn khổ khi họ không muốn  hoặc không thể tuân theo chuẩn mực. Họ bị bắt nạt vì quá mập hoặc quá nhút nhát hoặc thậm chí vì giỏi thể thao hoặc âm nhạc hơn những người khác. Như câu nói của người Nhật, "cái đinh nào thò ra thì bị búa đóng xuống". Một hikikomori từng bị bắt nạt hồi lớp năm vì cậu ta chơi bóng chày quá xuất sắc mặc dù chưa chơi lâu bằng các đồng đội. Cha anh thừa nhận rằng ông không làm gì để giúp con mình, và để nó tự lo liệu lấy, nghĩ rằng  con sẽ mạnh hơn mình. Các bậc cha mẹ Nhật Bản ở thành thị có cuộc sống ngày càng cô lập - tách khỏi đại gia đình, bà con cô bác  của họ  và các cộng đồng khắn khít như các thế hệ trước - và thật sự họ cũng  là không biết làm sao dạy con cái giao tiếp và cư xử với bạn bè đồng trang lứa.

Hikikomori thường được xem như gắn liền với những đặc điểm văn hóa Nhật. Người ta so sánh hiện tượng này với trường hợp ở Âu Mỹ, khi  người trẻ không thích ứng tốt với gia đình , xã hội  thì họ nghiện thuốc hay đi bụi đời (homeless) thay vì tự cô lập ở nhà như người Nhật. Sự khác biệt này một phần nào đó gắn liền với một số đặc tính của các xã hội Âu Mỹ và ít thấy ở Nhật.

Tuy nhiên, hikikomori cũng đang ngày càng được xác định ở các quốc gia khác, ở các quốc gia đa dạng như Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Nigeria

Hikikomori mới được nghiên cứu chỉ mới gần đây ở các nước phương Tây, và phần lớn các nghiên cứu dịch tễ học về hikikomori đã được tiến hành ở các nước châu Á. Một nghiên cứu năm 2010 ước tính rằng 1,2 phần trăm dân số Nhật Bản là hikikomori và một cuộc khảo sát năm 2015 cho thấy tỷ lệ phổ biến của hikikomori là 2,6 phần trăm ở Hồng Kông, một cuộc khảo sát khác  tại Đại học Buffalo (Mỹ) cho thấy 2,7% mẫu sinh viên đại học Mỹ đã từng mắc chứng hikikomori.(Berman 2)

Sau đây là một trường hợp điển hình ở Nhật:

“Đối với Hide, các vấn đề bắt đầu khi anh ta  bỏ  học.

"Tôi bắt đầu tự trách mình và bố mẹ cũng trách tôi sao không đi học. Áp lực bắt đầu tăng lên", anh nói.

 "Sau đó, dần dần, tôi trở nên sợ ra ngoài và sợ gặp gỡ mọi người. Và sau đó tôi không thể ra khỏi nhà của mình."

Dần dần, Hide từ bỏ mọi giao tiếp với bạn bè và cuối cùng là cha mẹ của mình. Để tránh nhìn thấy họ, anh ta  ngủ suốt ngày và thức trắng đêm để xem TV.

"Tôi có đủ loại cảm xúc tiêu cực trong lòng," anh nói. "Mong muốn được đi ra ngoài, sự tức giận đối với xã hội và cha mẹ tôi, buồn bã về tình trạng này, sợ hãi về những gì sẽ xảy ra trong tương lai, và ghen tị với những người đang có cuộc sống bình thường."(2)(Theo BBC)

Và sau đây là một trường hợp ở Mỹ được kể lại trên New York Magazine (3):

“Luca sống với cha mẹ của mình bên ngoài Charlotte, Bắc Carolina, mặc dù anh ta cũng có thể sống ở bất cứ đâu. Đó là bởi vì  chàng trai 21 tuổi này chỉ rời khỏi phòng của mình  để mua thuốc lá Camel về hút trong nhà xe. Chủ yếu anh dùng hết thời gian  trong phòng mình để đăng trên Reddit, chơi game và xem anime, một kiểu hình hay hoạt họa của Nhật. Anh ngủ cả ngày, thức dậy lúc sáu giờ chiều, và uống thuốc Benadryl (thuốc chống dị ứng, gây buồn ngủ) vào khoảng 9 giờ sáng để anh có thể ngủ tiếp. Anh sống như vậy - hầu như ngày nào cũng vậy - trong gần mười năm, vì vậy mẹ anh đã để anh ấy tham gia các lớp học trực tuyến thay thế cho việc đến lớp. Cuối cùng, anh cũng bỏ luôn việc học trung học trực tuyến. Năm 15 tuổi, anh phát hiện ra cuốn sách “Chào mừng bạn đến với N.H.K” (Welcome to N.H.K). - một anime về âm mưu của một công ty phát thanh truyền hình nhằm tạo ra một thế hệ người tự cô lập (shut-ins) - qua đó  Luca biết đến một thuật ngữ [hikikomori] mà anh ấy cảm thấy đã cho anh  một biện minh triết học cho lối sống của mình. “Thay vì thế giới bảo tôi phải đi học và kiếm việc làm, tôi đã bỏ học và quyết định bắt đầu một cuộc nổi loạn cá nhân,” anh ấy nói. “Tôi  học được  thuật ngữ hikikomori và nhận ra rằng đó là tôi và tôi là như thế.”

Có một số đặc điểm cốt lõi của hikikomori:

-Cô lập về thể chất trong nhà của họ ít nhất sáu tháng (nhưng có thể kéo dài vài chục năm), cắt đứt các mối quan hệ xã hội có ý nghĩa, với tình trạng khổ sở và suy giảm chức năng đáng kể - chẳng hạn như tránh các nhiệm vụ mà họ có thể phải tương tác với ai đó hoặc  phải đối phó với nhu cầu chăm sóc bản thân cơ bản như tắm rửa, cắt tóc, vệ sinh cá nhân.

-Tách rời về mặt tâm lý khỏi thế giới xã hội (psychological detachment from the social world). Họ không thể nào đến những nơi có thể xảy ra các  tương tác xã hội tích cực - chẳng hạn như trường học hoặc nơi làm việc. Họ vẫn cắt đứt mọi kết nối xã hội với những người xung quanh cho dù ở trong nhà hay ra ngoài. Trong khi một số người mắc chứng hikikomori, được gọi là soto-komori, có thể  hoạt động bên ngoài ít nhiều, họ sẽ hiếm khi tương tác với người khác. Một số có thể dùng Internet như một cửa sổ nhìn vào thế giới bên ngoài, nhưng họ thường không tương tác với những người khác.

Nghiên cứu về dân số hikikomori Pháp và những người từ các nhóm dân số khác cho thấy rằng mặc dù nhiều người mong muốn xã hội sẽ quên họ, nhưng họ không thể và sẽ không quên thế giới mà họ đã bỏ lại phía sau. Thay vào đó, họ quan sát thế giới một cách thụ động thông qua trò chơi trực tuyến (on line gaming) và phương tiện truyền thông xã hội dưới dạng “cái chết xã hội” (social death). Các chuyên gia cũng đang bắt đầu khám phá mối liên hệ có thể có của hikikomori với chứng tự kỷ, trầm cảm, lo âu xã hội và chứng sợ  đông người (autism, depression, social anxiety and agoraphobia)(4-5)

Một người hikikomori không chỉ mất đi nhiều năm tháng sống trong tình trạng tự cô lập, tình trạng này còn ảnh hưởng đến gia đình của họ. Thông thường, các bậc cha mẹ Nhật Bản chiều con (nhất là con trai) hơn là các cha mẹ phương tây, và người con đến tuổi trưởng thành vẫn còn ở chung nhà với cha mẹ thường thấy hơn là ở các nước phương tây nhất là Mỹ, nơi mà tinh thần cá nhân chủ nghĩa rất cao. Do đó cha mẹ  Nhật  thường cố gắng  đáp ứng các nhu cầu cơ bản (ăn uống, chỗ ở) cho  người con mắc chứng hikikomori,  tự giam mình trong cuộc sống thụ động của một “ẩn sĩ thời nay” (modern hermit). Điều này có nghĩa là ít khi cha mẹ  thấy cần phải  tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài. Ngay cả khi , trong một số ít trường hợp, người hikikomori  bạo hành, người cha mẹ Nhật cũng có vẻ chịu đựng hơn và ít gọi cảnh sát như ở Mỹ để tránh gây tai tiếng. Các dịch vụ  về sức khỏe tâm thần cũng như các dịch vụ chăm sóc xã hội và giáo dục thường  tập trung nhiều hơn vào các trường hợp rõ ràng và cấp tính hơn, khiến các gia đình cảm thấy bế tắc và bị cô lập hơn.

Tuy nhiên hiện nay ở Mỹ, người trẻ nói chung cảm thấy họ không được cơ hội kinh tế tài chánh như các thế hệ trước, tìm được việc làm tốt và mua nhà riêng khó hơn trước, nhiều người con quá tuổi trưởng thành  sau khi tốt nghiệp đại học phải ở dưới basement nhà cha mẹ mình và ảnh hưởng các mạng xã hội, các game trên internet càng ngày càng thu hút họ vào cuộc sống theo lối hikikomori. Thêm vào đó, các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội khắc khe và kéo dài năm này qua năm khác, với các sinh hoạt qua Zoom hay on line, qua điện thoại làm cho nhiều người vẫn tiếp tục lẩn quẫn trong nhà , không ra ngoài dù tình hình Covid trong khu vực mình đã thuyên giảm xuống mức an toàn hơn. Hiện tượng này thường được gọi là ”hội chứng hang” (the cave syndrome), một phần vì lo lắng và sợ, một phần vì họ đã quen với nếp sống cô độc trong nhà, ít tốn kém cho những nhu cầu trước đay như chuyên chở, ăn mặc, tiền mướn cư xá sinh viên hay gần chỗ làm . Các chuyên gia tâm lý học lo ngại sẽ có một đợt sóng của những trường hợp hikikomori ở Mỹ mà chúng ta sẽ còn phải tiếp tục đối phó ngay cả khi đại dịch đã chấm dứt. (8, 9)

Để ngăn tình trạng cô đơn nhất thời  tiến triển thành hikikomori, chúng ta cần khuyến khích các thành viên gia đình hoặc bạn bè của những người sống xa lánh xã hội và cũng có các triệu chứng trầm cảm, lo lắng hoặc mệt mỏi giúp họ có cơ hội ra khỏi nhà để tập thể dục hoặc gặp gỡ trực tiếp người khác. Nếu đương sự  liên tục từ chối chăm sóc hoặc phủ nhận tình trạng tự cô lập của họ,  chúng ta nên giúp họ gặp bác sĩ tâm thần hoặc nhà trị liệu tâm lý. Các trung tâm cộng đồng địa phương (local community centers)  có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thăm viếng của chuyên viên trợ tá xã hội và các trợ lý về sức khỏe thăm viếng tại nhà. Nếu thực hiện được các chuyến thăm viếng nên được thực hiện mặt đối mặt (inperson -visit) thay vì qua viễn liên (telehealth) vì như vậy sẽ lại có nguy cơ củng cố các hành vi tự cô lập.

Chúng ta nên nhớ, khi đại dịch chấm dứt hay khi chúng ta chấp nhận mở cửa để sống chung với Covid, sẽ có những người sẽ không muốn rời khỏi sự cô lập xã hội bất đắc dĩ mà Covid đã áp đặt trên mọi người trong hai ba năm qua. Những người trẻ quen sống  với  internet, và trong tương lai gần “metaverse” (hay “thế giới bên kia” ở trong máy điện toán, nơi hội tụ “thực tế ảo/virtual reality” và “cuộc sống thứ hai tạo nên bằng kỹ thuật số/digital second life” của Facebook (10), sẽ càng ngày càng bị thu hút  vào thế giới ảo, sống qua "avatar" của mình trong máy điện toán, và xa rời thế giới của con người bằng xương bằng thịt. Người lớn tuổi vì hoàn cảnh đại dịch đã về hưu non hay đã quen sống thui thủi một mình với thế giới ảo của youtube và Netflix, không ra khỏi phòng, không vận động cơ thể, không tiếp xúc với người bằng da bằng thịt, nên càng già nhanh hơn, yếu hơn, thụ động hơn.

Làm sao  những người này để trở về cuộc sống bình thường như trước đại dịch trong tương tác xã hội cũng như hoạt động cá nhân sẽ còn kéo dài rất lâu và khó khăn hơn nhiều và họ cần sự giúp đỡ của mọi người chung quanh để kéo họ ra khỏi sự cô lập tự nguyện của họ.

 

Fig 2: Hệ thống Hikikomori:

Trong hình dưới đây, bình thường các vòng tròn thể hiện biên giới của 3 “lĩnh vực” (realms) khác nhau: cá nhân (individual), gia đình và xã hội. Ba lĩnh vực này được phân định rõ ràng  nhưng đồng thời tiếp giáp với nhau và đan chen với nhau (intersecting).

Trong hệ thống hikikomori, ba “lĩnh vực” này tách rời nhau, và  các lực gây ra giữa các lĩnh vực sẽ tạo stress vào lĩnh vực mà các lực đó tác dụng vào, làm cho vòng lẩn quẫn tệ hại hơn.

Khi  bệnh nhân đã đi vào “hệ thống hikikomori” trong thời gian dài  sẽ rơi vào một vòng luẩn quẩn vào. Thông thường các cá nhân, gia đình và xã hội được kết nối với nhau, nhưng khi người ta rút lui khỏi xã hội, họ mất đi những điểm liên lạc này, và gia đình của họ cũng dần trở nên tách biệt với xã hội do cảm giác xấu hổ. Khi tình hình kéo dài,  người ta khó có thể tự mình cố gắng quay trở lại tham gia vào thế giới bên ngoài .(7)

22ahvhctc2

Tham khảo:

1)Employment Ice Age

https://en.wikipedia.org/wiki/Employment_Ice_Age#:~:text=Employment%20Ice%20Age%20(Japanese%3A%20%E5%B0%B1%E8%81%B7,1990s%2C%20until%20at%20least%202010.

2) https://www.bbc.com/news/magazine-23182523

3) MEET THE NEETS FEB. 17, 2019

When ‘Going Outside Is Prison’: The World of American Hikikomori

By Allie Conti

https://nymag.com/intelligencer/2019/02/the-world-of-american-hikikomori.html

COVID Threatens to Bring a Wave of Hikikomori to America

4)We should work to protect others from falling into long-term social withdrawal

https://www.scientificamerican.com/article/covid-threatens-to-bring-a-wave-of-hikikomori-to-america/

5)https://theconversation.com/hikikomori-understanding-the-people-who-choose-to-live-in-extreme-isolation-148482

6)The plight of Japan’s modern hermits

https://www.bbc.com/future/article/20190129-the-plight-of-japans-modern-hermits

7)Japan’s “Hikikomori” Population Could Top 10 Million

https://www.nippon.com/en/japan-topics/c05008/japan%E2%80%99s-hikikomori-population-could-top-10-million.html

8)Shutting Themselves In

https://www.nytimes.com/2006/01/15/magazine/shutting-themselves-in.html

9)‘Cave Syndrome’ Keeps the Vaccinated in Social Isolation

After a year away from friends and co-workers, people sometimes struggle to resume their public routines

https://www.scientificamerican.com/article/cave-syndrome-keeps-the-vaccinated-in-social-isolation1/

10)What’s All the Hype About the Metaverse?

https://www.nytimes.com/2022/01/18/technology/personaltech/metaverse-gaming-definition.html

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 14  tháng 2 năm 2022