"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

Một Số Cập Nhật Về Bệnh Đậu Khỉ (Monkeypox)

 

Chúng tôi có trình bày về bệnh này trong một bài viết cách đây chừng một tháng.

Sau đây là một số tin tức mới về bệnh này.

1)WHO: Bệnh đậu khỉ đang gia tăng, đa số là  người đàn ông đồng tính hay MSM

Số bệnh trên thế giới gia tăng nhanh, gần như gấp đôi mỗi tuần. Hiện nay, theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) , đến ngày 25 tháng 6, 2022, có khoảng 3.000 trường hợp đã được ghi nhận kể từ giữa tháng 5, ở trên 50 nước, phần lớn ở châu Âu và châu Mỹ - bên ngoài các khu vực ở Tây và Trung Phi, nơi vi rút lưu hành và có ổ chứa động vật. Hầu hết các trường hợp là ở những người đồng tính nam, lưỡng tính dục (bisexual, nghĩa là có sex với đàn ông và đàn bà) và những người đàn ông khác có quan hệ tình dục với đàn ông khác (MSM), với nhiều trường hợp xảy ra ở những người đàn ông đã có nhiều bạn tình gần đây; một trường hợp tử vong đã được báo cáo, ở một người bị suy giảm miễn dịch.

2)WHO: Bệnh đậu khỉ: “Một đe dọa đang chuyển biến”

Tuần trước, WHO có họp để xét có nên gọi  đây là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần  được quốc tế quan tâm hay không (PHEIC / public health emergency of international concern), nghĩa là  trao cho Tổng giám đốc WHO một số quyền hạn, chẳng hạn như khả năng khuyến nghị các quốc gia về cách ứng phó, đồng thời thu hút sự chú ý của công chúng và hướng dẫn công chúng về cố gắng giải quyết các mối đe dọa sức khỏe đang gia tăng,  thu hút thêm các nhà tài trợ và các nước thành viên để tăng nguồn tài trợ.

WHO chỉ gọi đậu khỉ là “một đe dọa đang biến chuyển" ( an evolving threat) nhưng đã quyết định không tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” lúc này, tuy nhiên quyết định này có thể được xét lại. Ví dụ: vào tháng 1 năm 2020, WHO đã không tuyên bố cuộc khủng hoảng coronavirus đang nổi lên là PHEIC,  một tuần sau đó thì lại đổi ý.

Ngày 29 tháng 6, có vẻ như WHO đã đổi ý nữa và sẽ triệu tập lại buổi họp khẩn cấp để xét  lại vấn đề này “sớm nhất có thể “ vì có dấu hiệu bệnh đậu khỉ chuyển biến và có khả năng  đe dọa trẻ em, người có hệ miễn nhiễm suy yếu và phụ nữ có thai (“the virus is potentially poised to “move into high-risk groups including children, the immunocompromised, and pregnant women.”)

Ngày 28 tháng 6, 2022, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh  Mỹ (CDC) đã kích hoạt Trung tâm Điều hành Khẩn cấp (EOC; Emergency Operations Center) để giải quyết tốt hơn dịch bệnh đậu  khỉ, cho phép cơ quan này tăng cường hỗ trợ hoạt động hơn nữa cho hoạt động ứng phó nhằm đáp ứng những thách thức đang phát triển của dịch bùng phát. EOC là nơi có hơn 300 nhân viên CDC phối hợp với các đối tác ứng phó địa phương, quốc gia và quốc tế về các thách thức sức khỏe cộng đồng,

3) Vắc xin cho đậu khỉ.

Chính phủ Mỹ đang đẩy mạnh chương trình chích ngừa vaccin cho bệnh đậu khỉ. Kế hoạch  bao gồm việc phân phối ngay lập tức các liều vắc xin Jynneos hiện có đủ cho 28,000 người, loại vắc xin duy nhất mà các cơ quan quản lý liên bang đã phê duyệt đặc biệt để ngăn ngừa bệnh đậu đậu khỉ.

Trước đây vaccine chỉ giới hạn ở những người mà cơ quan y tế công cọng đã xác định bị phơi nhiễm (exposed) với bệnh đậu  khỉ qua điều tra ca bệnh và truy tìm vết tiếp xúc (contact tracing). Bây giờ nhóm có chỉ định cần chích ngừa gồm luôn những người “gần đây bị phơi nhiễm” (recent exposure) và những người có nguy cơ, bao gồm những người tiếp xúc gần gũi với một người được chẩn đoán mắc bệnh đậu khỉ, cũng như những người đàn ông quan hệ tình dục với những người đàn ông trước đó có nhiều bạn tình ở một “địa điểm” (venue) lây lan bệnh đậu khỉ. Những người này  nên được chủng ngừa trong vòng hai tuần kể từ khi có thể bị phơi nhiễm, và chủng ngừa càng sớm sau khi phơi nhiễm thì càng tốt.

Dự trữ  chiến lược quốc gia (National Strategic Stockpile) Mỹ hiện có 32.000 courses vắc xin Jynneos trong kho (mỗi course dùng cho một người gồm hai liều).

Mỹ còn sở hữu 1 triệu liều vắc xin này do hãng Bavarian Nordic sản xuất  ở Đan Mạch nhưng cần một số thanh tra nơi sản xuất và thủ tục trước khi gởi các thuốc này qua Mỹ.

Vắc xin đậu mùa của công ty Đan Mạch, được tiếp thị là Imvanex ở châu Âu, Jynneos ở Mỹ và Imvamune ở Canada, là “vaccin thế hệ thứ ba” (third generation vaccine), vắc xin sống (live vaccine) nhưng  không sinh sản (non-replicating) trong cơ thể người. Chích dưới da 2 liều loạt đầu; sau đó chích tăng cường (2 doses, s.c., primary series - booster in previously vaccinated) 

Vaccin được cấp phép ở Châu Âu từ năm 2013, được thiết kế để chống lại bệnh đậu mùa ở người lớn (một căn bệnh được coi là đã diệt trừ cách đây khoảng 40 năm), và cần tiêm hai liều. Mỹ đã chấp thuận cho phép dùng thuốc này cho bệnh đậu mùa (smallpox) và bệnh đậu khỉ (monkeypox).

Chính phủ Mỹ cũng sẽ tiếp tục cung cấp hơn 100 triệu liều ACAM2000, một loại vắc xin cũ hơn đã được phê duyệt để ngăn ngừa bệnh đậu mùa.  Chích bằng cách rạch vào da; một liều, sau đó tăng cường 3 năm một lần (smallpox vaccine, 1 dose, percutaneous route (by scarification), booster every 3 years). Trong khi vắc-xin ACAM2000 được coi là có hiệu quả chống lại bệnh đậu khỉ, CDC đã cảnh báo rằng nó có thể gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng và không được sử dụng cho những người có hệ thống miễn dịch suy yếu nghiêm trọng hoặc eczema (“bệnh chàm”).

       Lịch sử và nguồn gốc vắc xin Jynneos: 

Vắc xin chống bệnh đậu mùa Jynneos dùng vi-rút sống (live virus) tên là  vaccinia. Vaccinia có quan hệ mật thiết với virus gây bệnh đậu bò (cowpox). Trong lịch sử, cả hai thường được coi là một. Thuốc chủng ngừa bịnh đậu mùa  do bác sĩ người Anh tên Edward Jenner (1749-1823) phát minh bằng cách dùng mủ của các vết mụn bệnh đậu bò (cowpox) tên tay của một cô gái vắt sữa bò và bị lây bịnh (công bố năm 1798) .  Vi rút này cowpox đã được nuôi cấy lại nhiều lần và di chuyển trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu trong nhiều thập kỷ nên nguồn gốc của virus vaccinia hiện nay không được hiểu rõ. Quan niệm phổ biến nhất cho rằng vi rút vaccinia, vi rút đậu bò (cowpox) và vi rút variola (tác nhân gây bệnh đậu mùa) đều có nguồn gốc từ một loại vi rút tổ tiên chung.

Năm 1959, nhà vi sinh vật học Đức Anton Mayr đã lấy một chủng virus vaccinia và nuôi cấy nó trong các tế bào lấy từ phôi gà. Sau vài năm chuyển chủng sang tế bào mới  cứ vài ngày một lần, vi rút đã thay đổi rất nhiều, không còn khả năng sinh sản (replicating) trong hầu hết các tế bào của động vật có vú. Nhưng nó vẫn có thể tạo ra phản ứng miễn dịch bảo vệ khỏi bệnh đậu mùa.

Trong lúc nghiên cứu virus vaccinia để xem nó chuyển biến như thế nào, Mayr tình cờ đã sản xuất được một loại vắc xin chống đậu mùa  an toàn hơn trước. Được mệnh danh là “Vắc xin biến đổi Ankara” (MVA, Modified Vaccine Ankara; vì chủng vi rút ban đầu đến từ thành phố Thổ Nhĩ Kỳ Ankara). Tuy nhiên, sau khi bệnh đậu mùa bị loại trừ (eradicated) trên thế giới vào năm 1980, vắc xin này bị dẹp vào tủ đông lạnh.

Khi bệnh đậu khỉ (monkeypox) xuất hiện gần đây (ngoài châu Phi), vắc xin này do Bavarian Nordic  sản xuất trở thành vắc xin duy nhất trên thế giới được phê duyệt ngừa đậu khỉ (và đậu mùa)  và đơn đặt hàng lên đến hàng triệu liều thuốc từ khắp nơi trên thế giới.

4) Triệu chứng của bệnh đậu khỉ không đúng như mô tả trong sách vở  hay hình ảnh trước đây ở Châu Phi (atypical presentation).

Hiện nay một vấn đề quan trọng trong việc đối phó với bệnh đậu khỉ là các bác sĩ chưa cảnh giác đúng mức với các biểu hiện mới của căn bệnh mới xuất hiện ngoài Châu Phi này. 

Các phương tiện thử nghiệm cũng vẫn còn hiếm hoi. Chính phủ Mỹ đang mở rộng các phương tiện thử nghiệm cho đến nay bị giới hạn tại các phòng thí nghiệm tiểu bang và  thử nghiệm sẽ được phổ biến hơn tại nhiều phòng thí nghiệm thương mại tư nhân.

Sau đây là câu chuyện được nhà dịch tễ học Keletso Makofane thuộc Đại học Harvard kể  lại cho đài NPR về một người mắc bệnh đậu khỉ phải đi qua nhiều nơi khám bệnh mới tìm ra được định bệnh chính xác cho mình.

“Vào ngày 13 tháng 6, một người đàn ông ở New York bắt đầu cảm thấy mình bị bệnh.

Bệnh nhân bắt đầu bị sưng hạch bạch huyết và khó chịu ở trực tràng (rectum; đoạn cuối của ruột già liền với hậu môn). Anh ta nghi mình có thể bị bệnh đậu khỉ.  Anh là một nhà khoa học, và hiểu biết về các dấu hiệu và triệu chứng đậu khỉ. Anh đến gặp bác sĩ của mình và yêu cầu xét nghiệm bệnh đậu khỉ.  Thay vào đó, bác sĩ quyết định kiểm tra về các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) thông thường.  Tất cả đều kết quả âm tính.

Vài ngày sau, cơn đau trở nên tồi tệ hơn, anh ta đến phòng khám bệnh khẩn cấp và một lần nữa yêu cầu xét nghiệm bệnh đậu khỉ.  Lần này, bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh cho anh ta vì nghĩ rằng  anh bị nhiễm trùng do vi khuẩn.

Cơn đau trở nên tồi tệ và bắt đầu ảnh hưởng đến giấc ngủ. Vì vậy, chủ nhật  (19/6/22) vừa qua, bệnh nhân đến phòng cấp cứu của một bệnh viện lớn ở New York.

Tại thời điểm này, người đàn ông có một khối u bên trong trực tràng, và đó là một triệu chứng của bệnh đậu khỉ.  Tại bệnh viện, anh ta gặp cả bác sĩ phòng cấp cứu và chuyên gia về bệnh nhiễm.  Một lần nữa, anh ta yêu cầu xét nghiệm bệnh đậu khỉ.  Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa từ chối và nói rằng "không  có chỉ định xét nghiệm bệnh đậu khỉ". Thay vào đó, bác sĩ suy đoán rằng người đàn ông có thể bị ung thư ruột kết (colon cancer).

Vài ngày sau, xuất hiện các vết thương trên da  (skin lesions)- một dấu hiệu chính khác của bệnh đậu khỉ và kết quả thử nghiệm xác nhận bệnh đậu khỉ.

Tham khảo:

1)https://www.statnews.com/2022/06/25/who-monkeypox-outbreak-not-yet-a-global-health-emergency/

2)https://www.washingtonpost.com/health/2022/06/28/monkeypox-vaccination-strategy-us/

3)https://www.thelocal.dk/20220623/danish-monkeypox-vaccine-maker-ready-to-meet-demand/

4)https://www.npr.org/sections/health-shots/2022/06/25/1107416457/monkeypox-outbreak-in-us

5)https://www.science.org/content/article/monkeypox-threat-grows-scientists-debate-best-vaccine-strategy

      6)https://cdn.who.int/media/docs/default-source/blue-print/day-2_marion-gruber_vaccines_monkeypox-meeting_03june2022.pdf?sfvrsn=7b8c4d64_3

 

Bác sĩ Hồ văn Hiền

     Ngày 1 tháng 7 năm 2022