"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

Bài Học Từ  Cách CDC Mỹ Đối Phó Với Covid

 22chvhbht1

(Image source: YaleNews)

Tính đến ngày 15 tháng 8 năm 2022, bệnh dịch  COVID-19 đã lan đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, và gần 6,46 triệu người đã chết. Hơn một triệu trường hợp tử vong trong số này xảy ra ở Hoa Kỳ, tử vong trên 3000/1 triệu người (thứ 20 trên thế giới), so với 527,000 ở Án Độ (dân số 1,3 tỷ người; tử vong 374/ 1 triệu người, thứ 134))  và  43,000 ở Việt nam (tử vong 440/ 1 triệu người, thứ  128). (1)

Ngày 17 tháng 8, giám đốc của Trung tâm Kiểm soát Bệnh Hoa Kỳ (CDC), BS Rochelle Walensky tuyên bố cần chấn chỉnh cơ quan này lại.(2)

CDC có trụ sở tại Atlanta, với ngân sách 12 tỷ đô la và hơn 11.000 nhân viên, có nhiệm vụ bảo vệ người Mỹ khỏi sự bùng phát dịch bệnh và các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng khác. CDC cũng đóng vai trò hướng dẫn các nước khác trong việc chống dịch. Theo thông lệ, mỗi giám đốc CDC phải thực hiện một số công việc sắp xếp lại, nhưng hành động của BS Walensky diễn ra trong bối cảnh nhu cầu thay đổi ngày càng lớn.

Cơ quan này từ lâu đã bị chỉ trích là  cân nhắc và do dự quá nhiều, tập trung vào việc thu thập và phân tích dữ liệu, đã làm việc quá theo phong cách của một tổ chức học thuật tập trung vào việc sản xuất “dữ liệu để xuất bản” thay vì “dữ liệu cho hành động” (các khoa học gia có thể đã giữ lại các dữ kiện lâu hơn cho đến khi chúng được công bố chính thức trong bài báo khoa học). CDC đã không hành động nhanh chóng trước các mối đe dọa mới về sức khỏe. Sự bất bình của công chúng đối với cơ quan này đã tăng lên đáng kể trong đại dịch COVID-19. Các chuyên gia cho biết CDC đã chậm trễ trong việc  ghi nhận biết có bao nhiêu virus xâm nhập vào Hoa Kỳ từ châu Âu, khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang, công bố rằng virus có thể lây lan qua không khí và tăng cường thử nghiệm có hệ thống cho các biến thể mới.

 The New York Times (3) nhận định về cách nền y tế Mỹ đối phó với dịch Covid đang xảy ra và các dịch bệnh tương lai và nhận xét có ba sai lầm lớn: thông tin không rõ ràng (unclear communications), hệ thống y tế công cộng bị phân tán (fragmented systems)  và xu hướng “phản ứng” của các quan chức nhà nước thay vì chủ động (reactive not proactive).

1)Thông tin không rõ ràng

Trong những ngày đầu của đại dịch Covid, rất nhiều lời chỉ trích tập trung vào TT Donald Trump, rằng ông ta cố tình hạ thấp mối đe dọa của bệnh dịch, thúc đẩy Hoa Kỳ nhanh chóng mở cửa trở lại sau lần khóa cửa đầu tiên (để tránh thiệt hại kinh tế)  và đưa ra những tuyên bố hoàn toàn sai lầm về các phương pháp điều trị. Cách làm việc kém hiệu quả  của TT Trump đôi khi  làm cho người ta nghĩ ông là lý do duy nhất khiến Hoa Kỳ phải vật lộn nhiều hơn các quốc gia khác trong việc chống lại Covid. Nhưng ông không phải là lý do duy nhất; hệ thống y tế công cộng rộng lớn cũng phải phấn đấu một cách khó khăn. Về phần mình, C.D.C. công nhận  hướng dẫn cho công chúng của họ về Covid là "khó hiểu và làm người ta choáng ngợp." (its public guidance on Covid was “confusing and overwhelming.”)

Một ví dụ đáng nhớ là ban đầu, các quan chức từ chối khuyến cáo công chúng đeo khẩu trang - không phải vì họ cho rằng khẩu trang không hiệu quả, mà vì họ lo  nhu cầu của công chúng sẽ gây ra tình trạng thiếu khẩu trang cho nhân viên y tế.

Sự do dự của họ trở thành một khuôn mẫu xuyên suốt đại dịch: sự miễn cưỡng trong việc truyền đạt sự thật một cách rõ ràng và trực tiếp. Kết quả là sự thiếu rõ ràng khiến người Mỹ khó hành động theo lời khuyên của chuyên gia. Nhưng nó cũng làm tổn thương lòng tin của công chúng, khi mọi người cuối cùng phát hiện ra mình đã bị lừa.

Những  vấn đề tương tự đã xuất hiện với bệnh đậu khỉ (monkeypox). Một số quan chức y tế công cộng đã ngần ngại thừa nhận rằng virus chủ yếu lây lan ở những người đồng tính nam và song tính dục (bisexual), vì sợ nhóm này bị mang tiếng xấu (stigmatizing). Nhưng khoảng 95% các trường hợp được biết đến ở Hoa Kỳ là ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới (không phải tất cả những người này đều tự nhận là đồng tính nam hoặc song tính). Không thừa nhận điều đó khiến việc nhắm mục tiêu và tư vấn cho nhóm có nguy cơ cao nhất trở nên khó khăn hơn. Thông điệp về sức khỏe cho cộng đồng muốn được hiệu quả cần phải trung thực. Nếu các quan chức không tin tưởng công chúng và nói ra sự thật, thì cuối cùng công chúng cũng sẽ không còn tin tưởng họ nữa..

2) Hệ thống bị phân mảnh

Hệ thống y tế công cộng của Hoa Kỳ bị phân tán - giữa chính phủ liên bang, 50 tiểu bang, hàng nghìn chính quyền địa phương và nhiều tổ chức tư nhân và nhân viên cả trong và ngoài hệ thống chăm sóc sức khỏe .

Chúng ta đã thấy kết quả khi Hoa Kỳ lần đầu tiên bắt đầu phân phối vắc xin Covid. Việc lập kế hoạch và thông tin liên lạc  kém giữa các tầng lớp của chính quyền, cùng với nguồn cung hạn chế, khiến các quan chức tuyến đầu khó lên kế hoạch cho bao nhiêu mũi thuốc ngừa sẽ được chích vào cánh tay quần chúng. Các vấn đề tương tự đã xuất hiện với việc phân phối vắc xin đậu  khỉ (monkeypox).

C.D.C., một cơ quan then chốt của chính phủ liên bang,  phải có khả năng  vượt lên trên sự phân tán này và giúp điều phối các phản ứng toàn quốc  đối với sự bùng phát dịch bệnh. Nhưng trong suốt đại dịch, như BS Walensky thừa nhận, CDC  đã phải phấn đấu một cách khó khăn. Và có vẻ như CDC cũng đang phải khó khăn vật lộn với bệnh đậu khỉ.

3) Phản ứng, không chủ động tiên liệu  đối phó.

Nhiều vấn đề như vậy có thể tránh được với sự chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch. Ví dụ, chính phủ liên bang có thể tăng cường các kho dự trữ khẩu trang hoặc sản xuất chúng trước đại dịch, giảm bớt lo ngại ban đầu về tình trạng thiếu hụt.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết Hoa Kỳ đã cung cấp  tài chính quá ít (underfunding) cho sức khỏe cộng đồng trong nhiều năm. Vì vậy, khi Covid lần đầu tiên bắt đầu lan rộng, các quan chức đột nhiên phải đổi hướng một số  nguồn lực hạn chế để đối phó với một cuộc khủng hoảng đến với họ một cách bất ngờ - do đó dễ  mắc sai lầm nhiều hơn. Trong những ngày đầu của đại dịch, các chuyên gia thường ví von  rằng tình trạng giống như là người ta xây dựng chiếc máy bay trong khi đang dùng nó để bay.

Covid đã làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn, các sở y tế đã mất rất nhiều nhân viên và rất kiệt quệ, không đủ để phát huy hết tiềm năng của các nguồn lực.

Để giải quyết các lỗ hổng, chính quyền Biden đã kêu gọi thêm hàng chục tỷ đồng tài trợ cho việc chuẩn bị cho đại dịch. Quốc hội cho đến nay đã phớt lờ những đề xuất đó, trong điều dường như lịch sử đang lặp lại chính nó.

Hy vọng những bài học rút ra từ đại dịch Covid-19 sẽ giúp chúng ta đối phó tốt hơn với những thử thách về dịch bệnh đang đến hoặc sắp đến.

Cho đến nay phần lớn bệnh đậu khỉ (monkeypox) có vẻ chỉ xảy ra trong giới đồng tính hay song tính và nhóm có cơ nguy cao này đã được cảnh báo trực tiếp một cách mạnh bạo hơn trước, các trường hợp báo cáo có vẻ khong còn tăng nhanh và thuốc chủng ngừa chống đậu khỉ cũng như đậu mùa (small pox) sẳn có đang được chích gấp rút cho những người có cơ nguy bị nhiễm đậu khỉ.

Một trường hợp bệnh bại liệt (polio)  vừa được phát hiện ở New York. Phân tích genome cho thấy nguồn gốc của virus gây ca  bệnh  này là từ  vaccine chống polio dùng virus sống ( live polio vaccine còn dùng trong một số nước , không dùng ở Mỹ). Virus gây bệnh này, phát xuất từ virus trong vaccine sống (vaccine-derived polio) đã được phát hiện trong nước thải trong cống ở Israel, London và New York. Trường hợp bại liệt do polio duy nhất này cho các nhà dịch học biết là có thể hàng trăm, hàng ngàn trường hợp đang xảy ra mà không có triệu chứng nên chưa phát hiện.(4)

Những khuyết điểm nêu trên của CDC cho thấy những điều cần chấn chỉnh, đặc biệt là chính trị đảng phái của Mỹ xen vào khoa học y tế công cọng, chế độ thư lại còn nặng nề, và giới khoa học gia khoa bảng có thể chậm chạp trong hành động vì quá cẩn thận hoặc quá đặt nặng thành tích công bố khoa học. (5)

Tuy nhiên, nhìn từ ngoài vào, chúng ta từ đó cũng thấy trong một thể chế dân chủ, hệ thống bảo vệ sức khỏe của Mỹ và thế giới phức tạp thế nào, công việc của họ lắm khi chịu “một cổ ba tròng” rất khó lấy quyết định đơn phương  và từ đó hy vọng từ những bài học luôn luôn được rút tỉa từ thực tế, chúng ta sẽ có được một thế giới an toàn hơn.

Tham khảo:

1)https://www.statista.com/statistics/1093256/novel-coronavirus-2019ncov-deaths-worldwide-by-country/

2)https://www.usnews.com/news/health-news/articles/2022-08-17/cdc-director-announces-organization-shake-up-aimed-at-speed

3)Good morning. The C.D.C. acknowledged it had botched its Covid response. It is part of a broader set of failures. NYT ngày 18 tháng 8 năm 2022

4)https://www.bbc.com/news/health-62469534

5)https://www.washingtonpost.com/opinions/2022/08/18/cdc-changes-next-pandemic-preparation/

 

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 19 tháng 8 năm 2022