"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

 

Bàn Về COVID  Kéo Dài
(Long COVID)

 

Gần đây,  Hội Y Khoa Mỹ (AMA) có công bố một bài viết tựa đề  ” Những điều mà bác sĩ  mong bệnh nhân hiểu biết về chứng ‘COVID lâu dài’ “.

(https://www.ama-assn.org/delivering-care/public-health/what-doctors-wish-patients-knew-about-long-covid)

(What doctors wish patients knew about long COVID)  căn cứ trên cuộc phỏng vấn của  AMA với BS Devang Sanghavi, MD, bác sĩ chuyên về săn sóc đặc biệt và giám đốc y tế của đơn vị chăm sóc y tế đặc biệt (ICU) tại Phòng khám Mayo ở Jacksonville, Florida. Kể từ mùa hè năm 2020, ông đã thấy khoảng 100 bệnh nhân bị COVID kéo dài, nhiều người trong số họ mất vài tuần để hồi phục.

Người viết xin biên tập lại trong bài tiếng Việt sau đây những nhận xét và lời khuyên của BS Sanghavi, người có nhiều kinh nghiệm về “long Covid”:

 22dhvhbvcb1

 Hình 1: Nhiễm SARS-CoV-2 có thể dẫn đến các triệu chứng kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm và các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu hiểu tại sao. Các tác động lâu dài của COVID-19 đã được báo cáo là ảnh hưởng đến hầu hết các hệ thống cơ quan. Loại, mức độ nghiêm trọng và thời gian của các triệu chứng khác nhau giữa các cá nhân và các nhà nghiên cứu vẫn biết rất ít về cơ chế của COVID kéo dài (source: The-scientist.com)

Hầu hết những người mắc COVID-19 sẽ không bị bệnh nặng và thường bệnh tình  sẽ tốt hơn trong vòng vài tuần sau khi bị bệnh. Tỷ lệ người mắc bệnh nặng cần nhập viện giảm đáng kể nếu bạn luôn cập nhật vắc-xin COVID-19 của mình, bao gồm cả liều tăng cường (booster).

Nhưng nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ cũng có thể gây ra COVID kéo dài (long COVID). Và với khả năng lây truyền cao của biến thể Omicron — thường gây ra bệnh nhẹ hơn — nhiều bệnh nhân có thể lo ngại về mắc phải COVID kéo dài.

Người ta ước tính rằng từ 10% đến 30% bệnh nhân có thể bị COVID kéo dài sau khi hồi phục — ngay cả khi họ không bị bệnh nặng. Điều này khiến nhiều người mắc bệnh COVID lâu dài có những  câu hỏi về các triệu chứng và những gì cần phải làm.

COVID kéo dài — hoặc tình trạng sau COVID (post COVID conditions) — là một loạt các vấn đề sức khỏe mới xảy ra, đang trở lại (tái hồi)  hoặc đang diễn ra mà người ta có thể mắc phải hơn bốn tuần sau lần đầu tiên bị nhiễm SARS-CoV-2. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), ngay cả những người không có bất kỳ triệu chứng nào lúc mới nhiễm COVID cũng có thể bị COVID kéo dài, và chứng này  có thể biểu hiện dưới nhiều dạng và nhiều kết hợp khác nhau của các vấn đề sức khỏe và có thể kéo dài theo thời gian.

COVID dài có thể được chia thành ba loại. 

1)COVID-19 gây tổn thương tế bào trực tiếp do chính virus gây ra  và điều này có thể gây ra các triệu chứng kéo dài. Điều này có nghĩa là những người bị COVID-19 trong nhóm này không hồi phục hoàn toàn và có các triệu chứng liên tục do tế bào bị tổn thương trực tiếp từ virus.

2)Loại thứ hai của COVID kéo dài là khi các triệu chứng của một người có liên quan đến việc nhập viện kéo dài, mãn tính (chronic hospitalization)”. Người bịnh ở trong bệnh viện, ICU, phải nằm trên giường trong nhiều tuần. Cơ bị yếu, chức năng não bộ bị rối loạn, stress (căng thẳng) về tâm lý xã hội, gây ra tình trạng giống như hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (post traumatic stress disorder); đều là hậu quả của việc nhập viện lâu dài.

3)Loại thứ ba là những trường hợp mà các triệu chứng xuất hiện sau khi hồi phục.

Chỉ xét riêng về bệnh lý của COVID, có thể thấy nhiều hình thái về triệu chứng khác nhau - một người trẻ 30 tuổi nhưng  bệnh nặng sắp chết hoặc một người già 70 tuổi về cơ bản không bị tổn thương và không có triệu chứng.

Đó là bởi vì có nhiều yếu tố tùy thuộc vào mỗi  bệnh nhân, phản ánh sự tương tác với hệ thống miễn dịch của mỗi người và sau đó là tác động của cả hai yếu tố đó đối với cơ thể. Những triệu chứng kéo dài này được tạo ra sau khi bệnh nhân hồi phục vì sự tác động qua lại giữa các hiện tượng  viêm và hệ thống miễn dịch. Bác sĩ dùng những thử nghiệm gọi là “Inflammatory markers  hay những “dấu chỉ về viêm” để đo tình trạng viêm xem nó có gia tăng hoạt động hay không.

Các triệu chứng của COVID kéo dài cũng giống như COVID-19, vì nó ảnh hưởng đến tất cả các hệ thống cơ quan. Các triệu chứng toàn thân chính là  mệt mỏi, hội chứng sau COVID và cảm giác khó chịu sau khi phải gắng sức (post exertional malaise). Bệnh nhân  có thể bị lo âu, trầm cảm, mất ngủ và những gì chúng ta gọi là rối loạn chức năng nhận thức hoặc “sương mù não” (brain fog).  Vị giác (nếm) và khứu giác (ngữi) cũng có thể bị mất đi.

Các triệu chứng tim bao gồm cảm giác hồi hộp do nhịp tim nhanh (tachycardia) hay nhịp tim chậm (bradycardia). Các triệu chứng về hô hấp được biết đến nhiều nhất và bao gồm khó thở, là kết quả của giảm oxy máu (hypoxia) do tổn thương phổi.

Ngoài ra,  có thể chán ăn do các triệu chứng tiêu hóa và các vấn đề về ruột như tiêu chảy; về thận, bệnh nhân có thể đã bị tổn thương thận cấp tính mà có lẽ thận không hồi phục được.

Người trước đây bị bệnh thận mãn tính có thể đi đến mức phải lọc máu lâu dài sau COVID. Về huyết học có những bệnh nhân sau khi hồi phục ban đầu sau đó bị máu đông cục (blood clot) trong huyết quản.

Về da, một số bệnh nhân có triệu chứng rụng tóc và phát ban. Về  nội tiết có thể  có  triệu chứng tuyến giáp bị bệnh.

COVID kéo dài cũng ảnh hưởng đến trẻ em

Mặc dù dữ liệu ban đầu còn thiếu, nhưng “hiện nay đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy rằng có một số trẻ em có các triệu chứng COVID kéo dài và các triệu chứng của chúng phần nào giống với người lớn. Trẻ em than  mệt mỏi và khó tập trung, điều này rất quan trọng đối với chúng ở trường học và việc học. Trẻ có thể mất ngủ, nhưng có vẻ ít hơn là ở người lớn.

Sự khác biệt chính giữa COVID kéo dài ở người lớn và trẻ em là các triệu chứng có thể tương tự nhau, nhưng số lượng bệnh nhân bị ảnh hưởng ở trẻ em thấp hơn;  sau đó hầu hết các triệu chứng này có xu hướng biến mất trong vòng vài tháng.

Phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới.

Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng tỷ lệ phụ nữ mắc hội chứng COVID kéo dài nhiều hơn nam giới,  không chỉ riêng  cho thế giới phương Tây mà còn  ở khắp Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ.

Bệnh nhân cần tìm người giúp đỡ, chữa trị cho mình. Không có lý do gì mà bệnh nhân không tìm kiếm sự chăm sóc và giúp đỡ. Mọi người nên biết là họ không đơn độc trong bệnh này. Có hàng triệu người giống họ đang đau khổ và có các triệu chứng tương tự. Điều quan trọng là thành lập các nhóm hỗ trợ và sử dụng công nghệ để cùng nhau chống lại vấn đề này.

Những bộ óc giỏi nhất  trong lĩnh vực y học đang làm việc để giải mã và tìm ra các lựa chọn điều trị tốt hơn cho những bệnh nhân mắc bệnh COVID lâu dài.

Cách tốt nhất để tránh COVID kéo dài là chống lại COVID-19.

Có ba loại vắc xin có sẵn ở Hoa Kỳ, vì vậy hãy lựa chọn và tiêm vắc xin. Nếu bạn đủ điều kiện để được tiêm thuốc tăng cường (booster), hãy tiêm một liều thuốc tăng cường bất cứ khi nào có được và bảo vệ bạn khỏi loại vi-rút này.

Ngoài việc tiêm phòng COVID, nếu chúng ta đeo khẩu trang lúc ở trong cùng phòng với người khác (indoor), rửa tay, giữ khoảng cách và làm những gì chúng ta phải làm, chúng ta có thể chấm dứt đại dịch và giảm tỷ lệ mắc bệnh COVID kéo dài này.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 30 tháng 9 năm 2022