"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

Ngộ Độc Chì
(lead poisoning, plumbism)

Ở Mỹ, tất cả các trẻ em từ 12-24 tháng tuổi trong chương trình y tế Medicaid (cho người nghèo) được screen thử nghiệm  máu để xem mức chì trong máu có cao hay không.  Các trẻ em khác dưới 5 tuổi nếu chưa bao giờ thử và nếu có những yếu tố cơ nguy (gia đình lợi tức thấp, khu nhà ở xây trước năm 1978 lúc sơn có chì còn được dùng) cũng nên screen  thử mức chì trong máu.

Hai trẻ nhỏ  dưới 12 tháng ở Portland, Oregon được screen mức chì trong máu và được phát hiện có lượng chì trong máu quá cao. Hai ống (tube) kem được bán trên thị trường để điều trị bệnh eczema (được gọi là bệnh “chàm’’ ở Việt Nam, ở Mỹ bác sĩ thường dùng từ “atopic dermatitis”)  đã được cơ quan  y tế công cộng tiểu bang Oregon phát hiện là có hàm lượng chì (lead) cao ở mức  nguy hiểm. Người ta không lo ngại về hấp thụ chì qua da nhưng lo ngại trẻ nuốt thuốc qua miệng sau khi được thoa thuốc trên mặt.

Loại kem này - có tên là Diệp Bảo - được bán bởi các nhà bán lẻ trực tuyến qua internet  (online) có trụ sở tại Việt Nam và Singapore. Ryan Barker, điều phối viên chương trình của Chương trình Phòng chống Ngộ độc Chì tại Cơ quan Y tế Oregon, cho biết các ống được thử nghiệm có lượng chì cao gấp đôi so với sơn có chứa chì.

Cơ quan  Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không ra quy định mức chì trong thuốc men, nhưng  giới hạn lượng chì trong mỹ phẩm (cosmetics) ở mức 10 phần triệu. Các ống kem được thử nghiệm ở Oregon có mức chì cao gấp 1.000 lần giới hạn này. Tuy nhiên ngoài 2 ống thuốc này, chưa biết các ống thuốc khác cùng hiệu nếu được thử chì kết quả sẽ như thế nào trong lúc FDA điều tra thêm.

 

Các quan chức y tế công cộng đang yêu cầu các gia đình có sản phẩm này ở 23ahvhndc1nhà ngừng sử dụng ngay lập tức trong khi FDA đang điều tra thêm về tính an toàn của nó. Các phụ huynh  gần đây đã sử dụng loại kem này nên cho con họ kiểm tra mức độ chì. Các quan chức cũng yêu cầu nếu ai  có ống kem này cần mang đi xét nghiệm.(1,2)

Nhân đây, chúng tôi xin nhắc lại một số điều tổng quát về ngộ độc chì.

Chì rất phổ biến trong môi trường sống của những xã hội kỹ nghệ hóa. Trước cuộc cách mạng kỹ nghệ (industrial revolution) xảy ra cách đây mấy trăm năm, cơ thể chúng ta chỉ chứa chừng 2 milligram chì, hiện nay thì trung bình lượng chì trong cơ thể chúng ta cao gấp 100 lần. Chì hầu như ở khắp nơi: Chỉ mới gần đây thôi, xăng chạy xe hơi đều có chì rất nhiều, nay thì phần lớn được thay thế bằng xăng không có chì (lead-free gasoline). Do đó, trước đây  khói xe hơi xịt một lớp bụi chì khắp nơi, nhất là những vùng dọc theo các trục lộ giao thông chính có xe cộ lưu thông nhiều. Sự ô nhiễm này có lẽ đã giảm, tuy nhiên lượng chì lẫn trong đất vẫn còn đó tuy chỉ trong không khí có giảm đi. Nguồn ô nhiễm thứ là là các lớp sơn của những ngôi nhà cũ, xây cách đây trên 30-40 năm. Những lớp sơn này có lượng chì rất cao. Lâu ngày sơn rã ra rơi xuống đất. Các cháu bé 7-8 tháng bò la bò lết, bạ gì ăn ấy, vô tình nuốt vào bụng một lượng chì đáng kể.

Ở Mỹ, từ năm 1978 chì không còn được dùng trong sơn ở Mỹ. Ở Việt Nam, người ta đang tập trung cố gắng vào việc loại bỏ  sơn có chì”.(3)

 

Triệu chứng ngộ độc chì:

Phơi nhiễm với chì (lead exposure) trong thời gian dài có thể gây tổn thương não vĩnh viễn. Ở mức rất cao, ngộ độc chì có thể gây tử vong. Nhưng thường không có triệu chứng ngộ độc chì rõ ràng.

1)Triệu chứng ngộ độc chì ở người lớn:

Đau khớp và cơ

Đau đầu

Đau bụng

Huyết áp cao

Khó tập trung

Giảm khả năng nhớ

Thay đổi tâm trạng (mood changes)

Số lượng tinh trùng thấp hoặc tinh trùng bất thường

Sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non

b)Các triệu chứng ngộ độc chì ở trẻ em bao gồm:

Nhức đầu

Yếu cơ và khớp

Cảm thấy mệt

Nhìn nhợt nhạt

Các vấn đề về hành vi

Khó tập trung

Vị kim loại trong miệng

Ăn mất ngon

Giảm cân

Buồn nôn và ói mửa

Táo bón

Ngộ độc chì cũng có thể làm tổn thương não, thận và hệ thần kinh của thai nhi.

 

Chẩn đoán ngộ độc chì

Không có mức chì nào trong máu được coi là an toàn, đặc biệt là đối với trẻ em. Nếu bạn lo lắng về mức  chì trong nước gia đình mình dùng (ví dụ ống nước cũ làm bằng chì) , hãy gởi nước  đi xét nghiệm. Có thể thử máu để  biết bạn hoặc con bạn có bị nhiễm độc chì hay không. (Theo WebMD)



Một số điểm chúng ta cũng nên để ý tránh ngộ độc chì :

    • Ở Mỹ, từ năm 1985, chì không còn được dùng chế mực in báo nữa. Tuy nhiên sờ vào, hoặc đốt lò sưởi sách báo cũ hơn vẫn có thể làm nhiễm độc chì. Một số gỗ vẫn có sơn cũ có thể có chì và cũng không nên dùng làm củi đốt; lúc sửa nhà cửa nếu là lớp sơn rất cũ phải cạo ra, nên dọn dẹp cẩn thận.
    • Trong quá khứ, một số nơi trên thế giới người ta lén cho chì vào rượu để làm cho rượu ngọt, và những người đó bị trừng trị rất nặng nề.

Hiện nay, một số rượu thuốc ở Trung quốc cũng như một số thuốc cổ truyền vẫn thịnh hành ở Trung Ðông (Middle East) đều có chứa một lượng chì đáng kể, nhất là ở Trung Ðông ngộ độc chì vẫn xảy ra thường xuyên ở trẻ em vì những món thuốc gia truyền đó. Nhất là đối với trẻ em, nếu không hiểu thuốc xuất xứ ở đâu và chứa những gì, tốt hơn hết nên tránh vì có thể lợi không bằng hại.

    • Một nguồn gốc ngộ độc chì khác là các chén bát, bình chứa bằng đồ gốm tráng men có chì (lead-glazed pottery). Nói chung những đồ gốm nhập cảng vào Mỹ phần lớn phải đáp ứng một số tiêu chuẩn tối thiểu về chất lượng nào đó, tuy nhiên một số đồ gốm trên thị trường được sản xuất ở nội địa Trung Hoa hoặc ở Mexico tại những lò gốm nhỏ không đúng tiêu chuẩn quốc tế.
    • Một số làng miền Bắc VN vẫn sống bằng nghề khai thác các bình ắc qui (car battery) để lấy chì bán. Trong những làng này, khói chì bay mù mịt suốt ngày đêm, đến đổI ngườI ta phảI thay phiên nhau làm ca đêm và ngày cho đỡ tốI và ngộp. Các triệu chứng dị dạng trẻ sơ sinh và bịnh lý ngườI lớn do ngộ độc chì xảy ra rất thường, Hiện nay, ở VN đã bắt đầu dùng xăng không chì từ năm 2000, hy vọng đây sẽ là một yếu tố giảm chì trong môi trường, ngược lại, do kỹ nghệ hóa gấp rút, các hình thức ô nhiễm môi trường khác sẽ tăng .

Tầm mức ngộ độc chì trên thế giới

Năm 2009, 2000 trẻ em Trung quốc  bị ngộ độc chì do sống gần các lò nấu chì, gây nên một số bạo động trong quần chúng phản đối.

Theo báo Nhân Dân, trong 3-4 tháng đầu năm 2012, có đến 80 trẻ em nhiễm độc chì được đem vào điều trị ở Bịnh Viện Bạch Mai, nguyên nhân là dùng thuốc “cam” bôi trị tưa lưỡi, với triệu chứng tương tự như viêm họng, viêm não. (4)

Năm 2020, Cơ Quan UNICEF báo cáo Việt Nam có 3 triệu trẻ em bị “ngộ độc chì” nghĩa là mức chì trong máu cao hơn 5 micrograms per deciliter (5 μg/dL) , so với 31 triệu ở Trung Quốc (5) và 275 triệu ở Ấn độ (Ấn độ chiếm hết một phần ba số trẻ ngộ độc chì khắp thế giới là 800 triệu). (6)

Các biện pháp y tế công cọng

Trước đây, CDC Mỹ dùng mức 5  μg/dL này là mức tham khảo (CDC’s blood lead reference value) cho trẻ em Mỹ từ 1-5 tuổi, có nghĩa là trên mức này thì coi như bất bình thường (abnormal), không an toàn,  có quá nhiều chì  trong máu. Hiện nay, mức an toàn này được hạ xuống thấp hơn, là 3.5 μg/dL); có nghĩa là nếu trẻ em ở Mỹ có mức chì trong máu cao hơn 3.5 μg/dL, bác sĩ cần báo cáo cho cơ quan y tế địa phương, có thể đề nghị các dịch vụ theo dõi như tìm nguồn gốc chì và loại bỏ chì khỏi môi trường của trẻ, cho trẻ ăn chế độ ăn nhiều chất sắt (iron) và canxi, kết nối trẻ với các dịch vụ giáo dục sớm (early education services) và lên lịch xét nghiệm máu theo dõi. Xác định sớm lượng chì trong máu là chìa khóa để giảm tác động lâu dài của việc tiếp xúc với chì.

Nếu một đứa trẻ có lượng chì rất cao trong máu (trên 20 microgram/dl), bác sĩ có thể đề nghị các loại xét nghiệm và điều trị khác để loại bỏ một số chì ra khỏi máu. Điều này có thể bao gồm việc chụp X-quang để xác định xem có chì trong ruột do nuốt sơn chì hay nuốt vật lạ có chì. Nếu một đứa trẻ có lượng chì rất cao trong máu (thường trên 45 microgram/dl), chúng có thể được điều trị “chelation therapy”   để loại bỏ chì ra khỏi cơ thể; bệnh nhân được cho uống một thứ thuốc có khả năng kết hợp với chì và sau đó đào thải qua nước tiểu. Trong một số trường hợp phải dùng thuốc chích (EDTA).(7)

Ở Việt Nam (năm 2022), Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) đồng hành cùng Liên Minh Toàn cầu Loại bỏ Sơn chì , một chương trình chung do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) dẫn dắt, nhấn mạnh nhu cầu cấp bách cần bảo vệ sức khoẻ của trẻ em thông qua hành động loại bỏ việc sử dụng sơn có  chì.

Theo CGFED, ở Việt Nam có một số nghiên cứu về tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em, tập trung ở những trẻ sống ở vùng nguy cơ cao như làng nghề, khu sản xuất tái chế sản phẩm chứa chì, nghiên cứu về chì trong đồ chơi, đồ dùng học tập của trẻ em trong các trường mầm non.

Trong một nghiên cứu mới nhất, hàm lượng chì máu ở trẻ em Việt Nam năm 2022 giảm đáng kể so với năm 2021 (tỷ lệ giảm từ 7,4 – 56,6%). Đặc biệt, trẻ có hàm lượng chì máu cao nhất năm 2021 là 20,72 µg/dL giảm xuống còn 9,77 µg/dL (sau 1 năm không sử dụng thuốc cam - nguồn phơi nhiễm chính với chì của trẻ này). Tất nhiên, kết quả này cũng có thể chưa hoàn toàn phản ánh đúng thực trạng, bởi một số yếu tố nguy cơ cao chưa được tính đến, ví dụ môi trường gia đình, nước sinh hoạt... Điều đáng khuyến cáo nhất hiện nay tập trung vào sơn chì.(3)

 

Tham khảo

1)https://www.opb.org/article/2023/01/26/oregon-diep-bao-childhood-eczema-cream-lead-children/

2)https://www.kgw.com/article/news/health/oregon-health-officials-lead-contaminated-skin-cream-children/283-e745f292-00f0-4a42-a4e5-9a69a077ea62

3)https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/phong-nguy-co-nhiem-doc-chi-trong-tre-em-va-cong-dong-20221022102744240.htm

4)http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/suc-khoe/coi-ch-ng-tr-b-nhi-m-c-chi-do-dung-thu-c-1.340147)

5)https://e.vnexpress.net/news/news/3-million-vietnamese-children-suffer-lead-poisoning-unicef-4139148.html

6)https://theswaddle.com/how-social-inequalities-drive-lead-poisoning-in-half-of-indias-children/#:~:text=The%20numbers%20are%20staggering%E2%80%94of,poisoned%20by%20lead%2C%20DownToEarth%20reported.

7)https://www.cdc.gov/nceh/lead/advisory/acclpp/actions-blls.htm

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 28 tháng 1 năm 2023