"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta." ** Triệu Thị Trinh **

 

NHÂN CHÁY RỪNG Ở CANADA, LẠI BÀN VỀ Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ

  ONhiemKhongKhi1 HVH

Hình 1: Khói và sương mù bao phủ trên phố Manhattan, New York, ngày thứ năm, 8 tháng 6 năm 2023.

 

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà khoa học kỹ thuật kiểm soát hầu hết mọi mặt của môi trường sống, được che chở trong môi trường nhân tạo đến nỗi nếu chúng ta không xem mục thời tiết trên điện thoại di động thì chúng ta không biết bên ngoài nóng hay lạnh; chúng ta nhìn hoa anh đào nở trên màn ảnh và biết trời sang xuân và tuyết rơi trên tivi là dấu hiệu của mùa đông. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta không còn phải dầm mưa dãi nắng như trước, có thể chúng ta lại phải đương đầu với một vấn đề khác mà chúng ta ít để ý đến, đó là ô nhiễm ngay trong không khí mà chúng ta đang thở.

Cháy rừng ở Canada và ô nhiễm không khí ở Mỹ:

Ô nhiễm không khí do cháy rừng ở Canada đang trở nên tồi tệ hơn hôm nay, ngày 8 tháng 6 năm 2023. Khói từ các đám cháy rừng đã thổi về phía nam, đi vào Hoa Kỳ và  không khí ở nhiều thành phố lớn, bao gồm Thành phố New York, được đánh giá là "không lành mạnh" hoặc "rất không lành mạnh"("unhealthy" or "very unhealthy.") Khói cũng khiến bầu trời mờ mịt và giảm tầm nhìn ở nhiều khu vực, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người.

Ô nhiễm không khí đang có tác động đáng kể đến hoạt động mọi người. Dân chúng được khuyến cáo ở trong nhà và tránh các hoạt động cần phải gắng sức. Các trường học và doanh nghiệp đã bị đóng cửa ở một số khu vực. Và các chuyến bay đã bị hủy bỏ hoặc trì hoãn.

Các vụ cháy rừng bắt đầu vào cuối tháng 5 và đã vượt khỏi tầm kiểm soát kể từ đó. Thời tiết nóng, khô và gió mạnh đã gây khó khăn cho việc khống chế các đám cháy. Khói từ đám cháy dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến phẩm chất  không khí ở Hoa Kỳ trong vài ngày tới.

Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để bảo vệ bản thân lúc bị  ô nhiễm không khí:

  • Ở trong nhà càng nhiều càng tốt.
  • Nếu bạn phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang có thể lọc các hạt mịn (fine particles). Vật chất dạng hạt (PM/particulate matter)) là hỗn hợp của các hạt rắn và các giọt chất lỏng được tìm thấy trong không khí. Những hạt này có nhiều kích cỡ khác nhau, nhưng thường được định nghĩa là có đường kính nhỏ hơn 10 micromet. Những hạt nhỏ nhất trong nhóm PM, gọi là hạt mịn (PM 2.5), đường kính dưới 2,5 micromet (micron), có thể đi sâu vào đường hô hấp (phổi) gây suyễn, bệnh tim, ung thư. Thành phố new York dự tính sẽ phát cho dân chúng 1 triệu khẩu trang N95. Khẩu trang N95 chặn được 95% các hạt nhưng bó sát vào mặt, không dùng cho trẻ em hay người có râu dài.
  • Tránh tập thể dục ngoài trời.
  • Đóng cửa sổ và bật máy điều hòa không khí.
  • Uống nhiều nước.
  • Theo dõi phẩm chất (chất lượng) không khí trong khu vực của bạn và làm theo lời khuyên của các cơ quan y tế địa phương.

Đối với một số người, ô nhiễm không khí do cháy rừng là một nhắc nhở về sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu, các đám cháy đang được thúc đẩy bởi thời tiết nóng, khô đang trở nên phổ biến hơn do biến đổi khí hậu. Theo đó, chúng ta cần hành động để giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Cháy rừng có  thể chỉ là hiện tượng thời tiết bình thường, nhưng chúng đang trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn do sự hâm nóng toàn cầu và biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đang gây ra điều kiện thời tiết ấm hơn và khô hơn, tạo điều kiện thích  hợp cho các đám cháy rừng bùng phát và lan rộng.

Biến đổi khí hậu đang góp phần gây ra cháy rừng do các cơ chế sau đây:

  • Nhiệt độ ấm hơn: Nhiệt độ ấm hơn khiến tuyết tan sớm hơn vào mùa xuân, khiến thảm thực vật khô hơn trên mặt đất. Thảm thực vật này có nhiều khả năng bắt lửa và đốt cháy.
  • Điều kiện khô hạn hơn: Biến đổi khí hậu đang khiến hạn hán trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn. Hạn hán làm khô thảm thực vật, làm cho nó dễ cháy hơn.
  • Gió mạnh hơn: Gió mạnh hơn có thể thổi bùng ngọn lửa của đám cháy rừng, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn.
  • Sét đánh nhiều hơn: Biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều sét đánh hơn, có thể gây cháy rừng.
  • Tác động của biến đổi khí hậu đối với cháy rừng đã được cảm nhận trên khắp thế giới. Tại Hoa Kỳ, số mẫu Anh bị cháy rừng đã tăng hơn 200% kể từ những năm 1980. Tại Canada, các vụ cháy rừng ở British Columbia năm 2017 đã thiêu rụi hơn 1,2 triệu mẫu Anh và buộc hơn 100.000 người phải sơ tán.

 ONhiemKhongKhi2 HVH

Hình 2: Sau 3 năm sống với COVID, chúng ta đã quen với thời trang "mặt nạ" hay khẩu trang.

Những mask loại này che chở cho người chung quanh nhiều hơn là cho người mang nó, ví dụ, trong phòng mổ, khẩu trang giải phẫu (surgical mask) ngăn chặn nước miếng bác sĩ giải phẫu truyền qua bịnh nhân trên bàn mổ. Đa số các virus truyền đi từ người mang virus qua các giọt nước miếng nhỏ (droplets) của họ, và các khẩu trang làm các giọt này không phân tán ra ngoài.

Chỉ thời gian gần đây thôi, người ta mới có những bằng chứng khoa học chứng minh rõ rệt là ô nhiễm không khí ngoài trời, và một trong những thành phần quan trọng của nó, "particulate matter" (“hạt vật chất”), là thủ phạm trong chừng trên 200,000 trường hợp ung thư phổi cho năm 2013, chiếm 15% của các trường hợp ung thư phổi. Ảnh hưởng này tác dụng đặc biệt ở một số giai đoạn "cửa sổ"  thuận lợi trong đời người như lúc còn là bào thai trong bụng mẹ (gestation), lúc người phụ nữ có bầu, lúc trẻ đến tuổi dậy thì (puberty); và tác dụng của chất gây ung thư có thể xảy ra hàng chục năm sau (ví dụ phụ nữ với  mức  PCB cao sau khi sinh có cơ nguy bị ung thư vú cả 20 năm sau), hay sau cả vài thế hệ (đời cháu chắt, qua cơ chế thay đổi "trên di thể" hay epigenome).(1)

Ô nhiễm kỹ nghệ

Năm 1976, hội cựu chiến binh Hoa Kỳ American Legion họp tại một khách sạn tại Philadelphia và sau đó một bệnh dịch sưng phổi xảy ra trong đám hội viên tham dự làm nhiều người chết. Người ta khám phá một vi trùng mới: Legionella pneumophila (nghĩa là vi trùng tìm ra ở những người cựu chiến binh và vi trùng thích không khí). Sở dĩ được đặt tên như vậy vì loại vi trùng này thích ở trong các hệ thống điều hòa không khí (air conditioners) của một số nơi đặc biệt là khách sạn và nhà thương. Vi trùng phát xuất từ nguồn nước như ao, hồ, suối và nhiễm vào các hệ thống nước của các máy điều hòa không khí và được các máy trên xịt vào không khí truyền bệnh qua đường hô hấp. Bịnh nhân nhức đầu, sốt, đau nhức bắp thịt 1-2 ngày, rồi bắt đầu ho đờm, ho ra máu, đau tức ngực, ói mửa, có thể kém tỉnh táo, lẫn. Chữa bằng kháng sinh, tuy nhiên có thể nặng chết người được.Bịnh không truyền trực tiếp từ người này qua người khác. Hiện nay,một trong những nguồn nhiễm quan trọng là "hot tubs" (bồn tắm nước nóng) công cộng ở khách sạn, nơi nghỉ dưỡng, vì nước nóng nên khó giữ mức chlorine và pH thích hợp, không đủ để tiêu diệt vi khuẩn legionella, trường hợp không thay nước, chùi rửa bồn tắm thường xuyên.(2)

Ðây là một hiện tượng tương đối hiếm. Có những vấn đề ô nhiễm không khí khác thường gặp hơn. Chúng ta đều biết  về ô nhiễm chì  do khói xe dùng xăng có chì thải ra, ngoài chì ra khói xe còn thải ra những chất độc khác như thán khí (carbon dioxide, CO2), CO và nitrous oxide. Gần đây báo chí nói nhiều đến tác dụng của các loại khí này trên khí hậu của toàn trái đất. Bình thường tia nắng từ mặt trời hâm nóng trái đất, một phần sức nóng đó sẽ được dội ngược ra không gian dưới dạng các tia hồng ngoại (infrared rays). Nếu những loại khí như CO2 hoặc NO2 được thải ra nhiều quá trong bầu khí quyển bao quanh mặt đất, phần năng lượng trong các tia hồng ngoại đó sẽ bị giữ lại nhiều hơn và trái đất sẽ càng ngày càng nóng lên; hiện tượng này được gọi là "greenhouse effect", tương tự như tác dụng trong một nhà kiếng ( kính ) trồng cây, lớp kiếng (thủy tinh) giữ không cho sức nóng ra ngoài.

Một đe dọa thứ hai cho không khí chúng ta đang thở là các chất Chlorofluorocarbon, viết tắt là CFC. Chất hóa học này không có mùi, không độc và không bắt lửa và được dùng trong kỹ nghệ lạnh (tủ lạnh, máy lạnh xe hơi) cũng như trong việc chế tạo các sản phẩm bằng chất plastic xốp (ly, khay ăn, lớp cản nhiệt insulation foam) và một số thuốc xịt (aerosol). Lúc được thải ra trong không khí, các chất này bay lên các tầng khí quyển cao và có khả năng xói mòn lớp Ozon bao quanh trái đất.

Ozone là một loại khí màu xanh có mùi nặng, cơ cấu của nó gồm ba nguyên tử oxygen. CFC hủy ozon và làm cho các tia cực tím từ mặt trời (ultraviolet rays) đến mặt đất nhiều hơn. Tia cực tím gia tăng trong ánh nắng sẽ làm tăng khả năng gây ung thư da của ánh mặt trời, cũng như ảnh hưởng đến sinh lý (physiology) của nhiều sinh vật, đặc biệt là ảnh hưởng đến khả năng đề kháng bệnh (miễn nhiễm, immunity) của cơ thể. Hiện nhiều nước trên thế giới đang phối hợp cố gắng giảm bớt lượng CFC thải ra trong không khí để chặn đứng hoặc giảm thiểu những hậu quả có hại nêu trên.

Ô nhiễm trong nhà.

Mấy chục năm trước đây ở Việt Nam, chúng ta quen với những bếp củi, bếp đốt bằng rơm, bếp đất nung đốt than đá vụn được vo thành từng thỏi tròn, hay lò đốt dầu hoả (dầu hôi) sản xuất thủ công nghệ, hay có khi chế biến từ những vỏ bom đạn thời chiến tranh. Những nhiên liệu như vậy hiện nay được chứng minh là có hại cho sức khỏe của người nấu nướng, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Tổ chức WHO  nói “ mỗi năm có hơn 7 triệu người chết vì bị phơi nhiễm với không khí bị  ở nhiễm trong nhà và ngoài trời. Trong số này, WHO nói khoảng 4,3 triệu người, chủ yếu tại các nước đang phát triển, chết vì ô nhiễm không khí trong nhà phát ra từ các lò nấu than hay các nhiên liệu thô sơ.” (13-11-14) Phơi nhiễm với những chất ô nhiễm gồm các bụi lơ lửng trong không khí ( gọi là “particulate matter”)  và khí độc carbon monoxide (CO) tăng cơ nguy bị stroke (đột quỵ), các bịnh động mạch vành làm thiếu máu nuôi tim (ischemic heart disease), làm trẻ em sưng phổi và gây ung thư phổi. WHO khuyến cáo nên dùng những nguồn năng lượng sạch như rượu ethanol để đốt, khí đốt dầu hoả được hóa lỏng (liquefied petroleum gas), và năng lượng lấy từ mặt trời ở những xứ đang phát triển.

Gần chúng ta hơn, có những ô nhiễm (pollution) xảy ra ngay trong nhà chúng ta hoặc nơi làm việc của chúng ta mà thường chúng ta không để ý. Do việc giá dầu hỏa tăng trong mấy chục năm gần đây, càng ngày người ta càng chú trọng đến việc bảo tồn năng lượng (energy conservation) trong các nhà ở cũng như nơi công cộng. Các phòng ốc được làm nhỏ lại để đỡ tốn tiền sưởi nóng hoặc làm lạnh, các kẽ hở quanh cửa hoặc mái nhà đều được bít càng kín càng tốt để sức nóng được giữ lại tối đa về mùa đông và hơi lạnh không thoát ra ngoài trong mùa hè. Do đó tuy tiết kiệm được các chi phí về năng lượng (energy saving), các biện pháp trên làm cho sự lưu thông không khí trong nhà giảm đi (decreased ventilation), nói một cách khác không khí thở tù hãm hơn trước. Mặt khác, càng ngày chúng ta càng thải ra trong bầu khí chúng ta sống những chất ô nhiễm nhiều hơn.

Ô nhiễm do nấu nướng nhiều

Kiến trúc nhà cửa theo lối Mỹ với nhà bếp nằm ở trung tâm sinh hoạt có lẽ không thích hợp lắm với nếp sống của người Việt chúng ta. Chúng ta nấu ăn nhiều hơn người Mỹ trung binh, những lò khi' đốt (gas thải ra một số chất ô nhiễm mà ta không nhìn thấy. Lò khí đốt đặc biệt toả ra nhiều nitrogen (NO2) làm khó chịu đường hô hấp. Một số gia đình nghèo thiếu phương tiện sưởi ấm nhà trong mùa đông lại hay dùng lò ga nấu bếp để sưởi nóng gây ô nhiễm không khí trong khu vực gia đình thường sinh hoạt, nhất là trẻ em hay chơi lẩn quẩn trong bếp nên lại càng bị tác dụng có hại của các khí độc toả ra từ bếp. Một số gia đình cho một ấm nước sôi suốt ngày trên bếp ga để vừa ấm nhà vừa làm cho không khí đỡ khô. Người Việt chúng ta lại có những món như phở, hủ tiếu nấu rất lâu, những nồi nước "lèo"nấu suốt buổi, hay những nồi bánh tét làm không khi' rất ẩm ướt nếu không có máy hút hơi thích hợp. Sự ẩm ướt tạo nên môi trường thích hợp cho mốc meo (mold) nảy nở, dễ gây những bịnh dị ứng (allergy) . Cũng như làm hư hại một số vật liệu trong nhà. Hơi ẩm len lỏi vào các vách tường, nền nhà và có thể làm hư hại gỗ cũng như những gạch (tiles) cũng như giấy dán tường dễ bị tróc lở. Trong các phòng tắm, nếu dùng nước nóng nhiều mà không có  hệ thống hút hơi hữu hiệu cũng tạo nên một môi trường ẩm ướt quá độ gây ra những hư hại tương tự. Ngoài ra, trong nước máy có chứa chất sát trùng chlorine (mùi eau de Javel) nếu tắm với bông sen (shower), hơi chloroform toả ra có thể làm ho hoặc khó thở nếu phòng tắm bít bùng . Tuy nhiên đôi khi vì cháu bé bị ho mà bác sĩ có thể khuyên bạn dùng máy phun hơi nước (vaporizer) để không khí ở đầu giường cháu bớt khô khan và cho cháu dễ thở hơn. Nên dùng nước tinh khiết, nhớ rửa chậu đựng nước cẩn thận và thường xuyên.

 

Một vấn đề mới đây được nhắc đến nhiều là ô nhiễm do các lò dùng khí đốt như bếp nấu ăn, lò sưởi tư gia.

Thành phố New York sẽ  cấm bếp gas mới trong nỗ lực giảm ô nhiễm không khí. Bếp ga thải ra các oxit nitơ (NOx) và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC, volatile organic compound), có thể phản ứng khi có ánh sáng mặt trời để tạo thành ozon, một chất ô nhiễm có hại có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, bệnh tim và ung thư.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), NOx và VOC từ bếp ga có thể góp phần gây ra tới 20% ô nhiễm ozone ở một số khu vực đô thị. Ozone cũng có thể gây ra sương mù, có thể gây kích ứng mắt, mũi và cổ họng và làm trầm trọng thêm các vấn đề về hô hấp.

Ô nhiễm do thuốc lá

Người Việt Nam chúng ta trước đây có tỷ lệ hút thuốc lá cao. Hiện nay người Trung Hoa cũng hút thuốc lá nhiều hơn người Mỹ. Người Mỹ càng ngày càng ý thức nhiều hơn về hiểm họa gây ung thư phổi do hút thuốc lá và do các cố gắng vận động quần chúng của các ngành y tế phối hợp với các cơ quan lập pháp, những biện pháp giới hạn việc hút thuốc lá nơi công cộng và quảng cáo thuốc lá trên các phương tiện truyền thông, các cố gắng này làm cho số người hút thuốc lá giảm hẳn xuống và do đó tỷ lệ bị ung thư phổi cũng giảm sút hẳn ở nam giới. Tuy nhiên ung thư phổi vẫn là ung thư số một ở đàn ông, và ở đàn bà, ung thư phổi sắp hạng thứ nhì sau ung thư vú. Ngoài ung thư phổi, thuốc lá còn làm chúng ta dễ bị những rối loạn khác về hô hấp như hen suyễn (asthma), nhiễm trùng phổi. Ðàn bà hút thuốc trong lúc có thai dễ sanh non (premature delivery), và bé sanh ra nhỏ con hơn bình thường. Một điều không kém quan trọng là thuốc lá làm ô nhiễm không khí của cả những người chung quanh tuy họ không hút. Một số khảo cứu cho thấy các bà vợ của những ông chồng hút thuốc lá dễ bị ung thư phổi hơn những người đàn bà khác. Kinh nghiệm thường ngày cũng cho thấy khói thuốc lá trong gia đình ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em cùng ở chung nhà, nhất là những gia đình chật chội đông người. Ở Việt Nam, sau năm 1975 mặc dù thiếu thốn đủ thứ,  thuốc lá lại luôn luôn đầy đủ. Trong các trại cải tạo, do hoàn cảnh tù túng buồn chán rất nhiều người bắt đầu ghiền thuốc mặc dù trước đó không bao giờ hút, và những người đã ghiền lại càng ghiền nặng hơn. Có lẽ đây là một nguyên do giải thích tình trạng khói thuốc mịt mù trong một số gia đình Việt Nam chúng ta. Tình trạng này là một khó khăn không nhỏ đối với người bác sĩ điều trị những bệnh hô hấp cho người lớn, cũng như trẻ em nhất là về những tháng lạnh mùa đông. Hiện nay, lúc khám định kỳ cho các trẻ em gốc Việt, bác sĩ nhi khoa thường hỏi trong nhà có ai hút thuốc lá không gây ảnh hương cho sức khỏe em bé. Câu trả lời nhận được thường là có, cha hay ông của em bé hút, mặc dù các bà đã cố gắng khuyên bỏ thuốc. Tuy nhiên ,điểm tiến bộ là các ông ra "đứng trước đường" để phì phào, không hút trong nhà.

Những người làm việc lâu dài ở những nơi đông người hút thuốc lá như quán rượu, sòng bài, tiệm bida,...có khả năng bị ung thư phổi gấp 3-10 lần người thường ( bars, bowling alleys, billiard halls, betting establishments, and bingo parlours (the “5 B’s”) ).(Siegel, Skeer)(3)

Các chất hoá học khác.  

 Không khí trong nhà cũng chứa ít nhiều một số chất hoá học khác như formol (formaldehyde) là hoá chất được dùng nhiều trong các loại ván ép (particle board), các loại chất xốp cách nhiệt (formaldehyde foam) và trong keo dán thảm nhất  là trong các ngôi nhà mới. Ngoài ra vô số chất hoá học được dùng thường ngày trong nhà (thuốc rửa lò nướng thịt, thuốc xịt phòng tắm, thuốc đánh bóng bàn ghế, long não để chống gián (mothballs), các áo quần giặt bằng thuốc tẩy khô, dry clean) các chất này có khuynh hướng ứ đọng trong không khí trong nhà nếu vì mục đích bảo tồn năng lượng chúng ta giữ không khí quá tù túng không thay đổi.

Ô nhiễm do khi radon.

Dân trong vùng Washington DC mấy năm trước đây được nhắc nhở  nhiều về vấn đề khí radon (radon gas). Hiện nay vấn đề này vẫn còn. Theo EPA (cơ quan bảo vệ môi trường), ở  Mỹ cứ 15 nhà là có  một nhà có mức radon cao, vùng thủ đô Washington lại bị vấn đề này nhiều hơn các nơi khác.

Radon xuất phát từ chất phóng xạ radium (từ uranium) năm trong lòng đất (nuclear decay of radium). Radon len lỏi qua các kẽ nứt của nền móng nhà hoặc các kẽ hở chung quanh các đường ống đi từ bên ngoài vào trong nhà. Do đó mức radon (concentration) trong nhà tuỳ thuộc vào thế đất của ngôi nhà, loại đất khu vực đó (địa chất) có thuận tiện để radon bốc ra hay không, tình trạng nền móng của ngôi nhà. Cho nên những phòng dưới hầm (basement) sẽ có mức radon cao hơn.

Lượng radon trong nhà cũng tuỳ theo độ thoáng khí của nhà đó (degree of ventilation). Mức radon được đo bằng đơn vị becquerel/mét khối không khí (becquerel/cubic meter of air). Trung bình nhà ở Mỹ có mức radon 50 becquerel/mét.Tổ chức y tế quốc tế WHO quy định mức an toàn là dưới 100 Becquerel/m3 (reference level; hoặc nếu không thực hiện được cho một địa phương nào đó,thì mức tham khảo dưới 300 Bq/m3. Lượng phóng xạ những người trong nhà bị nhiễm do khí radon (radiation dose) tương đương với ba lần lượng phóng xạ người Mỹ trung bình hấp thu lúc đi chụp hình quang tuyến hoặc được trị liệu bằng những phương pháp khác. Nói một cách khác, đối với đa số các nhà cửa, nguy cơ do phóng xạ từ khí radon còn thấp hơn nguy cơ chết do những tai nạn xảy ra trong nhà.

Do một yếu tố đặc biệt đã nêu lên trước đây, một số nhà cửa có một mức phóng xạ do radon lên đến mức nguy hiểm và những người ở trong những ngôi nhà đó sẽ có nguy cơ bị ung thư cao hơn mức trung bình. Lượng phóng xạ mà cơ thể họ hấp thụ đôi khi tương đương với lượng phóng xạ những người Liên Xô sống chung quanh vùng lò nguyên tử Chernobyl đã hấp thụ lúc lò này nổ năm 1986 và thải các chất phóng xạ vào không khí. Biện pháp chính để giảm mức radon trong nhà gồm hai cách: thứ nhất là làm cho nhà thoáng khí hơn (ventilation), thứ hai là làm cho khí radon bớt len lỏi vào nhà. Thường người ta đặt một ống thông hơi vào đất dưới nền móng nhà, nhờ một quạt máy (fan) hơi đất sẽ được hút lên và thải ra ngoài không khí, tạo nên áp suất thấp trong lòng đất, do đó ngăn chặn không cho radon vào nhà qua các kẽ hở.

Hội chứng ngôi nhà bịnh (SBS, sick building syndrome):

Trong thập niên 1970, người ta bắt đầu nói đến "hội chứng ngôi nhà bịnh", để chỉ một số triệu chứng không rõ rệt như cay mắt , cay mũi, ngứa da, những triệu chứng dị ứng chỉ xảy ra lúc ở trong ngôi nhà, building nào đó. Người ta nghĩ rằng nguyên nhân do hệ thống sưởi, máy lạnh, hay những vật liệu xây dựng (gỗ, plastic) chứa những chất toả ra không khí trong môi trường không thoáng khí, gây khó chịu, hoặc dị ứng. Ðối với trẻ em, hiện tượng ô nhiễm ở trường học thường còn quan trọng hơn cả ô nhiễm ở nhà vì trẻ sinh hoạt một lượng thời gian dài ở trong lớp học. Một số trường học ở Mỹ bị xếp vào loại sick building syndrome, nghĩa là hội chứng ngôi nhà bịnh.

Chỉ một ống nước (chôn trong vách tường) rỉ kinh niên tạo nên một góc phòng ẩm ướt (vì nhà không mở cửa sổ thoáng hơi như ở VN), hoặc trần nhà ẩm ướt làm các loại nấm độc sinh sôi nảy nở và thải những chất có hại vào không khí. Không khí này lại được tuần hoàn  quanh quẩn trong suốt ngôi nhà bít bùng để bảo toàn năng lượng (đỡ tốn máy lạnh hoặc máy sưởi nóng hết cả ngôi nhà -central air conditioning).

Trẻ em đi học có thể bị ho kinh niên, sổ mũi, choáng váng, nhức đầu, chóng mặt, không tập trung tâm trí được vì cơ thể dị ứng với các chất trong bầu khí hoặc tệ hơn, do tác dụng độc trực tiếp của các chất do nấm thải ra trong không khí và làm khó chịu hoặc gây bịnh kinh niên trên đường hô hấp. Ðịnh bịnh khó vì có thể lầm với bịnh cảm cúm (common cold), bịnh dị ứng riêng từng người (allergies), bịnh trẻ con lười biếng tìm cớ trốn học vân vân (nhất là trẻ em lại khỏi các triệu chứng này lúc chúng được ở nhà). Tuy nhiên, nếu bịnh xảy ra hàng loạt ở một số đông trẻ con và kéo dài, nếu các viên chức y tế công cộng tác với bác sĩ nhi khoa và các chuyên viên về môi trường học (environmentalists), một số sick building có thể được phát hiện và chạy chữa tuy rất tốn kém.

Hiện nay, nhờ những tiến bộ trong kỹ nghệ nguyên liệu xây dựng, ý thức về sự cần thiết để không khí được luân chuyển và thay thế thường xuyên (ventilation) đã giảm thiểu rất nhiều vấn đề này ở Mỹ. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Environmental Health Perspectives" năm 2016 cho thấy tỷ lệ nhiễm SBS trong các tòa nhà văn phòng ở Hoa Kỳ đã giảm khoảng 20% kể từ năm 2000.

Tuy nhiên môi trường làm việc ở các nhà máy ở những nước kém phát triển như Việt Nam, Trung Quốc có thể vẫn còn là một vấn đề sức khỏe thuộc loại này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, SBS ảnh hưởng đến 30% số người trên thế giới.

 ONhiemKhongKhi3 HVH

Hình 3: Chừng 500 trăm công nhân buồn nôn, chóng mặt ngất xỉu ở  nhà máy giày ở Thanh Hóa ( hai ngày 15 và 19, tháng 5-2014. Trong ngày 19, các triệu chứng ngộ độc vẫn xảy ra mặc dù công nhân tránh uống nước của nhà máy. (Source: SBTN)

Ngộ độc do CO:

CO (carbon monoxide) là một khí không có mùi, không màu. CO có thể tỏa ra từ lò sưởi, máy nấu nước nóng bị hư cũ, bếp nấu ăn , lò dùng than đốt trong nhà máy phát điện phụ dùng lúc bị cúp điện. Hàng trăm người chết và hàng người bị nhiễm khí độc hàng năm ở Mỹ, nhất là về mùa đông. Mấy năm trước đây, báo Việt Nam loan tin một gia đình ở Hà Nội cho máy xe hơi chạy lúc cúp điện để chiếu sáng lúc hội họp làm nhiều người chết do trúng độc CO.

Một vấn đề ô nhiễm không khí gần đây được phát giác là ngộ độc carbon monoxide (CO) do các tàu thuyền giải trí (recreational boating). Thanh thiếu niên bơi theo sau các thuyền , tàu và hít khói thoát ra từ các ống khói tàu mà không biết. Bịnh nhân có thể ngất xỉu, chết đuối trong lúc đó môi vẫn hồng đỏ vì carbon monoxide  kết hợp với hemoglobin làm một chất đỏ tươi làm hemoglobin không chuyên chở oxy như bình thường được. Trường hợp này cũng xảy ra nếu ngồi trên xe hơi cũ, hoặc cửa sau không đóng, để carbon monoxide tụ vào trong cabin xe quá nhiều.

KẾT LUẬN

Ô nhiễm không khí chúng ta thở có thể xuất phát từ nhiều nơi, nếu ý thức được vấn đề, chúng ta có thể sống một cuộc sống lành mạnh hơn. Hút thuốc lá làm cho người hút thuốc chết sớm (ung thư và bệnh phổi khác), nguy cơ còn lớn hơn cả các nguy cơ khác cộng lại. Cứ 100 người hút thuốc lá sẽ có 30 người chết sớm vì các bệnh liên hệ. Người gần gũi với người hút thuốc lá cũng bị gia tăng nguy cơ ung thư phổi và bịnh phổi đáng kể. Ðây là loại ô nhiễm mà chúng ta có thể tránh dễ dàng nhất. Các loại ô nhiễm khác cũng có thể tránh được phần nào tùy theo khả năng và hoàn cảnh mỗi người, mỗi nơi. Nếu chúng ta chỉ xài những chất hóa học trong nhà ở mức tối thiểu, giữ không khí trong nhà lưu thông vừa phải và biết những nguồn phát ra khí độc (như khói xe hơi, lò đốt) để tránh, chúng ta sẽ giúp mọi người trong gia đình thở được không khí lành mạnh hơn.

Trên một bình diện rộng lớn hơn, để bảo vệ lớp ozone đang che chở đời sống trên trái đất, hoặc để ngăn chặn cái gọi là "greenhouse effect" có lẽ đã đến lúc chúng ta phải định nghĩa lại những chữ như "văn minh, tiến bộ", và biết đâu nếu chúng ta tiếp tục tiến nhanh tiến mạnh về vật chất như hiện nay, chúng ta lại đe dọa chính nền văn minh của loài người trong những thế kỷ sắp tới. Có thể triết lý tri túc của phương Ðông sẽ giúp con người tự chế trong tham vọng tận dụng hết mọi nguồn sống trên trái đất và để dành một cái gì đó cho thế hệ mai sau.

(1) Kessler R., Air of danger, Scientific American, July 2014

(2) http://www.cdc.gov/healthywater/pdf/swimming/resources/legionella-factsheet.pdf

(3) http://tobaccocontrol.bmj.com/content/12/3/333.full.pdf

(4)http://zidbits.com/2011/12/why-is-common-to-see-people-wearing-surgical-masks-in-asian-countries/

                                                                                                           

BS Hồ Văn Hiền

Cập nhật và hiệu đính ngày  6  tháng 6 năm 2023

Thống-Kê Vào Làng

Viet Nam 59.7% Viet Nam
United States of America 21.3% United States of America
Canada 4.0% Canada
Unknown 3.5% Unknown
Germany 2.3% Germany
Japan 2.3% Japan
France 2.2% France
Australia 1.3% Australia
Singapore 1.1% Singapore

Total:

50

Countries